Châu Âu Trung Cổ

5 phương pháp tránh thai thời Trung Cổ

Làm sao người ta tránh mang thai trong một thời đại mà quan hệ tình dục ngoài hoặc trước hôn nhân bị lên án? Hãy cùng khám phá 5 phương pháp tránh thai thời Trung Cổ.

Nguồn: The Collector
kiem soat sinh de trung co

Việc nghiên cứu lịch sử cho thấy sự chênh lệch rõ rệt về kiến thức giữa quá khứ và hiện tại. Tuy nhiên, có những thực hành trong mọi nền văn hóa gần như không thay đổi. Chẳng hạn, tất cả chúng ta đều cần ăn, uống, và duy trì nòi giống. Dù đó là nhu cầu cần thiết hay chỉ để thỏa mãn khoái cảm, bộ ba này luôn là nền tảng cơ bản cho sự tiếp diễn của một cộng đồng. Bài viết này sẽ đề cập đến những hình thức tránh thai trong thời Trung Cổ – một lĩnh vực y học vẫn còn gây nhiều tranh cãi đến tận hôm nay.

Khi xét đến vấn đề tình dục trong lịch sử, chúng ta thường có quan điểm chung rằng đây là một chủ đề “cấm kỵ.” Các xã hội xưa được cho là biết rất ít về việc tránh thai, kiểm soát sinh sản, hay thậm chí về bản thân hành vi quan hệ tình dục. Dù sự hiểu biết của họ chắc chắn không thể so với ngày nay, thì nhận định rằng người xưa hoàn toàn mù tịt là không đúng.

Một thời kỳ cho thấy rõ điều này là Trung Cổ, giai đoạn mà lĩnh vực y học (kể cả y học tình dục) thường bị xem là mê tín và dính dáng đến các yếu tố “ma thuật,” chủ yếu do những người như thầy lang, phù thủy, lang băm hay những kẻ chuyên lừa bịp hành nghề.

Hình ảnh nhiều loại thảo mộc, kèm phần ghi chú về dược tính và yếu tố huyền bí của chúng, 1850
Hình ảnh nhiều loại thảo mộc, kèm phần ghi chú về dược tính và yếu tố huyền bí của chúng, 1850

Tuy nhiên, quan niệm ấy chưa hoàn toàn chính xác. Các nhà sử học Trung Cổ đã nghiên cứu kỹ lưỡng vấn đề tình dục và biện pháp tránh thai. Khi phân tích cẩn trọng các nguồn tư liệu đương thời, ta thấy xã hội thời đó có hiểu biết tương đối ổn về các khía cạnh này và thực hành nhiều phương pháp kiểm soát sinh sản.

Bất chấp những hình tượng nghệ thuật và văn học cho thấy điều ngược lại, ý niệm rằng toàn xã hội đều tuân thủ luật Giáo hội (Canon law) và chỉ quan hệ tình dục để sinh con là không đúng.

Thời bấy giờ, với những tư tưởng về tinh thần hiệp sĩ và lãng mạn, nhưng đồng thời hôn nhân lại trở thành điều khó đạt được đối với nhiều người (do gia đình đông con, chế độ con trưởng hưởng gia tài, áp lực dâng hiến cuộc đời trong giáo hội…), thật vô lý nếu cho rằng ai nấy đều sống khiết tịnh. Giống như ngày nay, phần đông xã hội Trung Cổ có thể vẫn quan hệ tình dục ngoài hôn nhân hoặc các hình thức “tội lỗi” khác vì nhiều lý do. Chẳng hạn, nạn mại dâm đã có từ rất lâu đời và được xem là hợp pháp, thậm chí tệ “thầy tu có vợ hầu” (concubinage) vẫn tồn tại cho đến tận thế kỷ 12.

Hình minh họa một lễ cưới, thế kỷ 13-14

Với tần suất quan hệ tình dục cao như vậy, câu hỏi hiển nhiên là: Thời Trung Cổ người ta dùng phương pháp nào để tránh thai? Dưới đây là những cách vật lý và thảo dược mà phụ nữ khi đó sử dụng để ngăn ngừa tình trạng mang thai ngoài ý muốn.

5. Điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt

Hình vẽ loại thảo dược Artemisia (ngải cứu), khoảng 1390-1404

Việc kinh nguyệt không xuất hiện là một trong các dấu hiệu chính báo thai. Thế nên, nó cũng là yếu tố được khai thác trong một vài phương pháp tránh thai thời này. Ngày nay, nhiều ứng dụng ra đời cho phép phụ nữ nhập ngày hành kinh để tính toán thời điểm dễ thụ thai nhất, nhằm kiểm soát chuyện có thai khi quan hệ không bảo vệ.

Thời Trung Cổ, phụ nữ cũng dùng cách tương tự để “kiểm tra” xem họ có tránh thai thành công không. Tuy nhiên, do không thể xác định chính xác thời điểm thụ thai, họ không phân biệt rạch ròi giữa “ngăn ngừa” có thai và “phá” thai. Thay vào đó, những phương thức “gọi kinh” (evoke the menses) được áp dụng rộng rãi, đôi khi chính là các “công thức” thực tế nhằm kết thúc sớm một thai kỳ. Nhiều công thức được truyền miệng giữa phụ nữ, thậm chí xuất hiện trong số sách hướng dẫn gia đình.

Đa phần chúng phổ biến vì thường sử dụng nguyên liệu dễ kiếm. Dẫu có những thành phần chẳng đem lại tác động đáng kể, nhiều công thức lại chứa các loại thảo mộc, thực vật đến nay vẫn khuyên phụ nữ mang thai tránh dùng vì chúng có thể ức chế khả năng sinh sản. Các nguyên liệu gồm: mùi tây (parsley), “Queen Anne’s lace” (một loại hoa hoang dã, còn gọi là cần tây dại), và pennyroyal (bạc hà hoang). Ngoài ra còn những loại như ráy (arum), thuốc phiện (opium), ngải cứu (artemisia), tiêu (pepper), cam thảo (licorice), mẫu đơn (peony)… Các nguyên liệu này được chế biến với nhiều công đoạn khác nhau như ngâm, lọc, pha trộn.

4. Rào cản vật lý

Tương tự bao cao su ngày nay, phương pháp ngăn chặn cơ học là cách tránh thai được ưa dùng trong thời Trung Cổ. Bên cạnh việc thảo mộc được nghiền, ngâm hoặc rắc vào các phương thức uống, nó còn được áp dụng như một dạng “chắn” (pessary) để chống thụ thai. Trong cuốn “Canon of Medicine” (Bộ Luật Y Học) thế kỷ 11, Avicenna khuyến nghị đặt lá bạc hà vào cổ tử cung trước khi quan hệ.

Mặc dù nghe có vẻ khó tin theo tiêu chuẩn hiện đại, hành động dùng thảo mộc nhét vào chỗ “nhạy cảm” cho thấy người thời Trung Cổ có hiểu biết nhất định về cơ chế thụ thai của phụ nữ. Cổ tử cung vẫn là vị trí then chốt trong nhiều biện pháp kiểm soát sinh sản hiện nay, cũng là nơi đặt vòng tránh thai (IUD).

3. Chất diệt tinh trùng (Spermicide)

Hình vẽ thực vật marabium (white horehound) và bầy ong trên tổ ong (honeycomb), biểu thị cho mật ong (honey), khoảng 1280-1310

Thừa nhận rằng rào cản vật lý có thể hạn chế nguy cơ thụ thai, người Trung Cổ cũng sáng chế những dạng “diệt tinh trùng” (spermicide) sơ khai. Khác xa các loại diệt tinh trùng hiện đại thường dùng hoạt chất nonoxynol-9, phiên bản cổ xưa là các hỗn hợp từ cây cỏ nghiền, lá, hay thậm chí phân động vật. Trong Canon of Medicine, Avicenna nhắc đến gỗ tuyết tùng (cedar) như thứ có thể “làm hỏng tinh dịch” và “ngăn cản sự mang thai.” Những phương pháp khác thường như vậy cũng xuất hiện trong các văn bản phi y học cùng thời, chẳng hạn Truyện Parsons của Chaucer, mô tả việc uống một số thảo dược nhất định hoặc đặt vật chắn hữu hình để ngăn thụ thai bị coi là tội lỗi.

Ngoài ra, phụ nữ thời Trung Cổ còn sử dụng một số biện pháp tránh thai đặt bên trong âm đạo, như vải thấm mật ong hoặc giấm. Niềm tin vào khả năng kiểm soát sinh sản của mật ong hay trái cây ủ men có từ thời Ai Cập cổ đại. Một công thức từ năm 1521 TCN hướng dẫn: “Nghiền lá keo (Acacia) trộn với mật ong rồi ngâm vào vải mỏng, đặt vào âm đạo.” Dù nghe lạ lùng với chúng ta, nhưng công thức này có thể phần nào hiệu quả nhờ độ dính của mật ong (làm hạn chế khả năng di chuyển của tinh trùng), kết hợp với axit lactic trong nhựa keo có tác dụng diệt tinh trùng.

2. Che giấu (Concealment)

Một biện pháp tránh thai nữa thời Trung Cổ không hẳn là phòng ngừa, mà thiên về “xử lý hậu quả” bằng cách che giấu việc mang thai và sinh nở. Mang thai ngoài hôn nhân bị Giáo hội kịch liệt lên án, làm mất danh dự của người phụ nữ và cản trở cơ hội kết hôn tốt đẹp. Vì vậy, nhiều người cảm thấy áp lực phải che giấu chuyện mình có thai hoặc đã sinh con.

Ví dụ, trong tiểu thuyết tự do (libertine) Pháp thế kỷ 17 mang tên L’ecole des filles, một phụ nữ dạy “giáo dục giới tính” cho một cô bé 16 tuổi. Khi nói đến mang thai, thay vì nhấn mạnh các phương pháp tránh thai, bà nói:

“[…] hơn nữa, để xua tan lo lắng, có một điều nên lưu tâm: tai nạn ấy (mang thai) không đến nỗi quá bất thường mà phải sợ hãi. Có vô số cô gái mang bầu mà chẳng ai để ý, nhờ những loại áo nịt và váy được may đặc biệt, không ngăn họ tiếp tục vui vẻ cùng kẻ đã làm họ có thai.”

Xuất phát từ quan điểm xem thai kỳ như chút bất tiện, người phụ nữ ấy liệt kê nhiều cách để giải thích những dấu hiệu mang thai và cả chuyện sinh nở:

“[…] và trong thời gian đó, cô có thể giả ốm, đi du lịch, hành hương. Tới lúc sắp sinh, cô sẽ tìm một bà đỡ, người có bổn phận về lương tâm phải giữ kín chuyện này.”
Cuối cùng, sau khi đứa bé bị mang đi, người mẹ “lại vui vẻ như chim chiền chiện.”

Dĩ nhiên, câu chuyện này phản ánh chủ yếu góc nhìn của tầng lớp trung lưu, và cho thấy đặc quyền của những ai đủ tiền để che giấu, mua váy áo rộng hay “đi xa” chín tháng. Hầu hết phụ nữ lao động thời Trung Cổ không có điều kiện như vậy. Họ khó giấu giếm và cũng hiếm có cơ hội thoát tội trong bối cảnh Giáo hội và xã hội đều kịch liệt phản đối việc sinh con ngoài giá thú. Vậy nên, nhiều phụ nữ buộc phải tìm mọi cách xoay xở hoặc che đậy, dẫn đến cả những vụ giết trẻ sơ sinh (infanticide) đáng buồn.

1. Giáo hội Công Giáo

Dù không thực tế khi cho rằng phần lớn xã hội đều sống khiết tịnh, vẫn có một bộ phận nhỏ người Trung Cổ tránh thai ngoài ý muốn bằng cách không quan hệ tình dục ngoài hôn nhân. Bởi Giáo hội coi tình dục là nhằm duy trì nòi giống, nên quan hệ ngoài hoặc trước hôn nhân chẳng được khuyến khích, và vi phạm này có thể khiến cả cha mẹ lẫn đứa trẻ chịu hệ lụy xã hội. Do đó, tôn giáo trong bối cảnh này cũng đóng vai trò như một hình thức “tránh thai,” bởi nó tác động lớn đến quyết định cá nhân về cơ thể và chuyện tình dục.

Giá trị tôn giáo cũng quyết định thời điểm con người chọn quan hệ. Giống như cách người ngày nay chủ động “ngừng” dùng biện pháp tránh thai khi muốn có con, thời Trung Cổ, niềm tin tôn giáo cũng định hướng khi nào chuyện chăn gối là “thích đáng.” Đến tận ngày nay, Giáo hội Công giáo vẫn xem sinh con là lý do cốt yếu của hôn nhân, và hôn nhân có ý định không sinh con bị xem là vi phạm bí tích. Quan điểm này có từ thời Giáo hoàng Gregory IX và sắc lệnh của ông vào đầu – giữa thế kỷ 13, nêu rõ những cuộc hôn nhân cố tình tránh sinh con đều vô hiệu.

Giáo dục giới tính thời Trung Cổ

Dù kiến thức chung về tình dục và giải phẫu học ở giai đoạn này còn hạn chế so với thời nay, nhưng họ vẫn nắm được những cách để tránh mang thai. Như đã nói, xã hội Trung Cổ sử dụng nhiều phương pháp tránh thai mang tính vật lý lẫn luân lý, nhằm điều chỉnh cơ thể, ngăn mang thai và qua đó, phần nào làm chủ được số phận.

5/5 - (1 vote)

Chúng tôi không có quảng cáo gây phiền nhiễu. Không bán dữ liệu. Không giật tít.
Thay vào đó, chúng tôi có:

  • Những bài viết chuyên sâu, dễ đọc
  • Tài liệu chọn lọc, minh bạch nguồn gốc
  • Niềm đam mê bất tận với sự thật lịch sử
DONATE

Toàn bộ tiền donate sẽ được dùng để:

  • Nghiên cứu – Mua tài liệu, thuê dịch giả, kỹ thuật viên.
  • Duy trì máy chủ và bảo mật website
  • Mở rộng nội dung – Thêm nhiều chủ đề, bản đồ, minh họa

THEO DÕI BLOG LỊCH SỬ

ĐỌC THÊM