Athena Parthenos (nghĩa là Trinh Nữ Athena) là tên một bức tượng điêu khắc khổng lồ tạc trong giai đoạn Cổ Điển của nền văn minh Hy Lạp cổ đại. Đặc trưng nghệ thuật giai đoạn này là chi tiết về biểu cảm nét mặt, trang phục, và thần thái, mà bức tượng này là điển hình.
Thần Athena, quan thầy của thành Athen, được khắc họa sinh động, mạnh mẽ, và trang phục trang nghiêm, toát lên vẻ quyền uy của vị thần chủ trì chiến tranh và sự khôn ngoan.
Bức tượng gốc thời Hy Lạp đã thất lạc, hoặc bị phá hủy từ lâu. Bức tượng hay xuất hiện trong hình ảnh minh họa ngày nay là từ một bản copy của nghệ nhân Alan LeQuire, trưng bày trong đền Parthenon phục dựng tại Nashville, Tennessee (Mỹ).
Đền Parthenon và lý do tạc tượng Athena Parthenos
Sau chiến thắng trong chiến tranh Hy Lạp – Ba Tư, dân thành Athen quyết định dựng đền Parthenon để tạ ơn nữ thần chiến tranh và khôn ngoan vì đã che chở cho thành bang này. Đền được dựng ngay tại vị trí của ngôi đền cũ đã bị quân Ba Tư phá hủy, trên đồi Acropolis. Pericles là một trong những người ra lệnh xây đền.
Tượng Athena Parthenos, tạc thần Athena, được đặt trong ngôi đền này. Kinh phí tạc tượng và xây đền do Liên minh Delian tài trợ. Đền thờ này ngoài chức năng tôn giáo, còn có vai trò như một kho bạc.
Đền Partheon không có tu sĩ điều hành. Mỗi năm dân thành Athen tổ chức một lễ rước ở đền để kỉ niệm sự sinh ra của thần Athena. Công đoạn linh thiêng nhất trong lễ rước là nghi thức mặc áo cho bức tượng.
Bên trong đền Parthenon, tượng thần Athena đứng trên một cái bệ được trang trí cầu kỳ, cao gần tới trần nhà. Trước mặt nữ thần là bồn nước có chức năng duy trì độ ẩm cho chính điện, và hắt ánh sáng phản chiếu lên bức tượng tăng thêm vẻ uy linh cho nó.
Nhà điêu khắc Hy Lạp Phidias, người được biết đến với việc thiết kế đền Parthenon cũng như Tượng thần Zeus ở Olympia, cũng chính là tác giả của bức tượng Athena Parthenos. Cuộc đời của Phidias không được biết nhiều, nhưng nhiều tác phẩm của ông đã sống sót, dưới hình thức gốc hoặc qua các bản sao thời La Mã. Những nhà văn nổi tiếng như Plato và Plutarch đã từng nhắc đến Phidias, khen ngợi hết lời tinh thần đặc biệt được thể hiện trong các tác phẩm của ông. Chính trị gia Hy Lạp Pericles là người đã ra lệnh xây dựng đền Parthenon và Athena. Công trình này được xây dựng trên nền của ‘Tiền-Parthenon’, một công trình được tạo ra vào năm 490 TCN và đã bị quân Ba Tư phá hủy trong quá trình xây dựng.
Tác giả bức tượng
Phidias là tác giả bức tượng, ngoài ra ông còn một tác phẩm nổi tiếng khác là Tượng Thần Zeus trên đỉnh Olympia.
Ta có ít thông tin về cuộc đời nghệ nhân này, nhưng nhiều tác phẩm của ông, hoặc bản gốc, hoặc bản sao, còn tồn tại tới ngày nay. Nhiều tác gia nổi tiếng như Plato hay Plutarch cũng có nhắc tới Phidias, ca ngợi tài năng xuất chúng của ông.
Nhưng như nói bên trên, bức tượng hiện nay không phải là bản gốc
Trải qua nhiều cuộc bể dâu, cuối cùng đền Parthenon kết thúc cuộc đời của nó vào thời đế quốc Byzantine. Vốn đặt Ki-tô làm quốc giáo, đế quốc này rất kỳ thị các công trình “ngoại giáo”. Ngôi đền được chuyển đổi thành nhà thờ. Theo một số tài liệu thì khi ấy bức tượng đã không còn nữa. Có lẽ nó đã bị thiêu rụi trong một trận hỏa hoạn vào thế kỷ thứ 3. Cũng có thể nó bị phe bài trừ ảnh tượng của Kitô giáo phá hủy. Nói chung, số phận bức tượng là một bí ẩn.
Tuy bản gốc đã ra đi, nhưng vẫn còn đó nhiều bản copy. Nổi tiếng nhất là phiên bản đặt trong đền Parthenon copy tại Nashville, Tennessee (Mỹ). Bức tượng phục dựng này tạc năm 1990, của Alan LeQuire, dựa theo các mô tả trong tài liệu cổ, như của Pliny Lớn.
Ngay thời cổ đại cũng có nhiều bản copy của bức tượng, vì nó được xem là một công trình mẫu mực của giới điêu khắc. Varvakeion Athena là một bản như thế, do người La Mã tạc vào thế kỷ 3 TCN. Một bản khác là Lenormant Athena thế kỷ 1, bé hơn tượng gốc nhưng mô phỏng chuẩn xác hình dáng.
Chi tiết bức tượng Athena Parthenos
Tượng Athena Parthenos cao khoảng 12.2m, thuộc vào loại lớn nhất trong thế giới cổ đại, gần đụng trần ngôi đền (13m). Kích thước khổng lồ và choáng gần hết không gian chính điện giúp toát lên uy quyền của nữ thần.
Thần Athena đứng trong tư thế chỉ huy đầy tự tin. Chân trái hơi khụy xuống, đối xứng với thế nâng của tay phải. Tuy nhiên trọng lượng toàn thân bức tượng không dịch chuyển như trong kiểu tượng contrapposto của Hy Lạp, điển hình như bức tượng Doryphoros của Polykleitos. Có lẽ lý do nằm ở kích thước quá lớn của bức tượng, nếu điều chỉnh tư thế nghiêng theo chân có thể khiến nó dễ bị bể.
Về vật liệu: Bức tượng được tạo thành từ ba vật liệu chính: gỗ sồi làm cốt tượng, ngà voi ốp bên ngoài, và khảm vàng các chi tiết trang trí như tấm khiên, mũ chiến, hai áo choàng. Gỗ sồi chặt từ khu rừng dâng tiến cho thần Apollo, rất linh thiêng và chỉ dùng cho mục đích tôn giáo. Ngoài ra tượng còn được khảm ngọc, đá quý cho thêm rực rỡ.
Tuy ngà voi rất quý giá, nhưng vàng mang nhiều ý nghĩa hơn vì đây là kim loại tượng trưng cho chính thần Athena, nếu sử dụng không thích đáng có thể khiến nữ thần nổi giận.
Việc dùng vàng tạc tượng còn liên quan đến chức năng kho bạc của đền Parthenon. Khi hữu sự, người ta có thể gỡ vàng ra nung chảy rồi đúc tiền, hoặc dùng làm việc khác.
Về tính biểu tượng
Hầu như mọi chi tiết trên bức tượng thần bảo trợ thành Athen này đều mang một ý nghĩa tượng trưng nào đó. Ngoài kích thước, vật liệu, và tư thế như đã nói bên trên, thì tấm áo nữ thần mặc cũng có nhiều ý nghĩa. Nàng mặc áo pelos tôn lên vẻ nữ tính quyến rũ. Nét mặt nghiêm nghị, môi hơi hé mở tượng trưng cho hơi thở sự sống. Mắt khảm ngọc, long lanh sinh động khi ánh nắng chiếu vào.
Mũ chiến, khiên, và bệ dày đặc các hình ảnh miêu tả những câu chuyện kinh điển iên quan đến nữ thần. Mũ chiến tạc theo kiểu gác mái, điểm trang bằng một bức tượng nhân sư nằm chính giữa, hai bên là nhân mã, nhấn mạnh đến vinh quang chiến thắng của thành bang trong cuộc chiến vừa qua.
Chiếc khiên là sự bao vệ, che chở của nữ thần. Đi kèm với cái khiên là hình ảnh con rắn Medusa, mà theo thần thoại Hy Lạp do chính nữ thần tạo ra.
Chiếc khiên tựa vào ngọn giáo nằm trong tay trái nữ thần. Trên khiên là hình ảnh minh họa thần thoại về các chiến binh Amazon và các Titan, trong những cuộc chiến với chư thần và quái vật. Tay bên kia nàng nâng tượng Nike, nữ thần chiến thắng, tượng trưng cho quyền năng của Athena và thành bang vinh thắng của thần.
Bệ tượng trang trí bằng thần thoại Pandora, đại diện cho sự trinh bạch của nữ thần.
Tất cả những biểu tượng xuất hiện trên bức tượng đều nhằm tôn vinh thần Athena là một chiến binh và đấng giải cứu.
Kết
Athena Parthenos là tác phẩm mẫu mực của điêu khắc Hy Lạp cổ đại. Những đặc tính của bức tượng giúp giới nghiên cứu hiểu hơn về niềm tin của người dân Athen dành cho nữ thần này, cũng như tín ngưỡng của người Hy Lạp đương thời nói chung.
Về nghệ thuật, bức tượng xứng đáng vị trí hàng đầu của giới điêu khắc cổ kim, một kỳ quan của bộ môn này.