Văn Minh Hy-La

Atlas – Thần Trụ Trời của Hy Lạp

Atlas là một vị thần cổ đại của Hy Lạp. Do tham gia phản loạn chống lại Zeus phải chịu hình phạt vác bầu trời

atlast than tru troi

Trong Thần Thoại Hy Lạp, Atlas là vị thần vác bầu trời trên lưng, như một hình phạt mà Zeus đã giáng xuống vị thần này vì tội tham gia cuộc biến loạn Titanomachy, một cuộc nổi dậy của các Titan nhằm lật đổ quyền cai trị thiên đình của Zeus.

Là vị thần vác cả bầu trời trên lưng, Atlas được gán cho danh hiệu người khai sinh thiên văn học, là tác giả của nhiều chòm sao nổi tiếng, là một nhân vật chính trong 12 chiến công của Hercules. Triết gia Plato còn tin rằng thần là vị vua đầu tiên của xứ sở Atlantis, đặt theo tên của thần.

Một rặng núi lớn ở phía bắc châu Phi đặt theo tên thần Atlas. Đại Tây Dương (Atlantic) cũng là tên vị thần này. Ngày nay, Atlas còn được dùng để chỉ các bộ bản đồ lớn.

Về lai lịch, Atlas là con của Titan Iapetus và Clymene, là anh của ba đứa em cũng rất nổi tiếng trong thần thoại Hy Lạp: Prometheus, người mang lửa cho loài người, Menoetius, và Epimetheus.

Atlas là cha của tiên rừng Calypso, và bộ bảy chị em Pleiades nổi tiếng.

Hình phạt vác bầu trời

Titanomachy là cụm từ chỉ cuộc đại chiến giữa nhóm Titan, những vị thần khổng lồ cổ đại, và nhóm linh thần trên đỉnh Olympia do Zeus lãnh đạo. Đôi bên tranh nhau quyền cai trị thiên đình và cả vũ trụ.

Atlas theo phe Titan.

Nhóm Titan thất bại, Zeus trở thành chúa tể, và tính sổ với các Titans “làm loạn”. Atlas hứng chịu hình phạt vĩnh viễn phải vác bầu trời trên lưng.

Đại chiến Titan và chư vị linh thần trên đỉnh Olympia
Đại chiến Titan và chư vị linh thần trên đỉnh Olympia

Các văn sĩ và sử gia cổ đại có nhiều mô tả về Atlas.

Homer, trong trường ca Odyssey, gọi Atlas là một kẻ khôn lường, vì biết rõ nông sâu của các đại dương, và nắm giữ những cây cột chống trời trên biển Atlantic.

Hesiod, trong Thần Phả, cũng mô tả Atlas người thần trụ trời ở vùng đất của nữ thần Hesperides, về phía cực tây của thế giới.

Các tác gia muộn hơn, như Herodotus, thì coi vị thần này chính là dãy núi Atlas ở phương bắc châu Phi. Vì thiếu thiện chí, nên Atlas, vốn là một mục đồng, bị Perseus dùng cái đầu rắn Medusa biến thành rặng núi đá. Phiên bản này có từ thế kỷ thứ 5 TCN.

Atlas trong 12 chiến công của Hercules

Câu chuyện quen thuộc nhất về Atlas là một trong 12 chiến công của Hercules: hái trái táo vàng trong vườn ngự uyển của Hesperides, vốn trồng riêng cho thần Hera, được con rồng Ladon ngày đêm canh gác.

Prometheus khuyên Hercules nhờ vả Atlas, vì Hesperides là con gái của thần này. Trong khi đó, Hercules sẽ vác đỡ bầu trời.

Atlas hái được táo về. Rất dễ đoán, vị titan này không muốn nhận lại bầu trời. Hercules bèn nghĩ ra một mẹo, bảo Atlas khiêng đỡ một lát để anh ta kiếm miếng lót vai.

Atlas mắc mẹo.

day nui atlas chau phio
Dãy núi Atlas bên châu Phi, nơi người ta tin rằng chính là hóa thân của Titan Atlas

Atlas trong nghệ thuật

Từ thế kỷ thứ 6 TCN, nghệ thuật Hy Lạp, trên các bình gốm, thường miêu tả Atlas thường trong chiến công của Hercules, chủ yếu trong tư thế đứng trong vườn táo của Hesperides.

Đến thời La Mã người ta mới bắt đầu khắc họa hình tượng vị thần này trong tư thế vác bầu trời quen thuộc hiện nay. Nổi tiếng nhất có lẽ là một bức tượng có niên đại thế kỷ 2 TCN, hiện trưng bày tại Bảo tàng Khảo Cổ Naples (hình dưới).

Tượng điêu khắc thần Atlas, niên đại Tk 2 TCN
Tượng điêu khắc thần Atlas, niên đại Tk 2 TCN
5/5 - (1 vote)

ĐỌC THÊM

Kim Lưu
Chào mọi người, mình là Kim Lưu, người lập Blog Lịch Sử này. Hy vọng blog cung cấp cho các bạn nhiều kiến thức hữu ích và thú vị.