Chính Sách Mỹ

Biden đã thất bại thế nào trong vấn đề Nhân quyền

Quyền con người, theo Biden, là “nguồn sức mạnh không bao giờ cạn kiệt” của Hoa Kỳ

Nguồn: Foreign Affairs
biden va nhan quyen

Tháng 11/2024, Donald Trump bất ngờ đắc cử nhiệm kỳ hai, và nếu ông tiếp tục như trước đây, rất ít khả năng chính quyền mới của Hoa Kỳ sẽ thúc đẩy quyền con người. Ngược lại, các giá trị dân chủ toàn cầu có thể bị tổn hại thêm. Tuy nhiên, bốn năm cầm quyền vừa qua của Tổng thống Joe Biden cũng không đem lại nhiều tín hiệu lạc quan cho những ai đặt niềm tin vào sứ mệnh bảo vệ nhân quyền của Mỹ. Bất chấp cam kết khi tranh cử, chính Biden cũng góp phần làm “mòn” lý tưởng nhân quyền trong chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Khi vận động tranh cử năm 2020, Biden chỉ trích Trump vì “ôm trọn các bạo chúa khắp thế giới” – từ Kim Jong Un của Triều Tiên tới Vladimir Putin của Nga. Trước đó, năm 2019, ông cũng cam kết biến Saudi Arabia thành “kẻ bị ruồng bỏ” (pariah) sau khi Thái tử Mohammed bin Salman (MBS) bị cáo buộc dính líu tới vụ sát hại nhà báo Jamal Khashoggi. Vào Nhà Trắng, Biden hứa biến nhân quyền thành ưu tiên đối ngoại. Ngay tuần thứ hai nhậm chức, ông tuyên bố tại Bộ Ngoại giao Mỹ rằng: “Bảo vệ các quyền phổ quát là sợi dây tiếp đất cho chính sách và sức mạnh toàn cầu của chúng ta.” Quyền con người, theo ông, là “nguồn sức mạnh không bao giờ cạn kiệt” của Hoa Kỳ. Ông không nói rằng nhân quyền chỉ được đề cao khi tình hình cho phép; ngược lại, ông khẳng định thúc đẩy các giá trị ấy là một phần trong việc đối phó với thách thức đối ngoại lớn nhất của nước Mỹ.

Những ngày đầu, Biden dường như làm đúng lời hứa: ông ký hàng chục sắc lệnh để đảo ngược các chính sách của Trump vốn làm suy yếu cam kết của Hoa Kỳ với nhân quyền quốc tế. Ông đưa Mỹ trở lại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, tái tham gia Hiệp định Khí hậu Paris, gỡ bỏ trừng phạt của Trump đối với Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), chỉ đạo các cơ quan liên bang thúc đẩy bảo vệ quyền lợi cộng đồng LGBTQ ở nước ngoài, và lần đầu ban hành chiến lược tổng thể ngăn ngừa tội ác diệt chủng (atrocities) của Hoa Kỳ.

Nhưng sau đó, có một sự thay đổi rõ rệt. Thay vì coi cam kết giá trị như sức mạnh, chính quyền lại hành xử như thể chính những nguyên tắc ấy là gánh nặng. Washington do dự khi phải đối chất với các đồng minh vi phạm nhân quyền, giảm bớt quan tâm đến những chuẩn mực pháp lý quốc tế, thậm chí cuối nhiệm kỳ, Biden quyết định gửi mìn sát thương cho Ukraine – bất chấp lệnh cấm vũ khí này đã được áp dụng trên toàn cầu nhiều thập kỷ – cũng như tiếp tục chuyển giao vũ khí cho Israel dù có cáo buộc vi phạm nghiêm trọng luật chiến tranh ở Gaza.

Biden vẫn nói về nhân quyền và công lý trong hai vụ việc nổi bật: khi Nga xâm lược Ukraine ngày 24/2/2022 và khi Hamas cùng các nhóm vũ trang khác sát hại hơn 1.200 người Israel ngày 7/10/2023. Cả hai sự kiện đều đáng bị ông lên án. Song trong khi ông không ngừng chỉ trích tội ác chiến tranh của Nga, hỗ trợ các cơ quan quốc tế như LHQ hay ICC điều tra, thì với chiến dịch quân sự của Israel ở Gaza, Biden lại phớt lờ hoặc bào chữa cho hành vi tương tự, đồng thời ngăn cản những nỗ lực đòi trách nhiệm quốc tế. Lập trường “nửa vời” này khiến nhiều quốc gia chú ý. Những lời hùng biện về nhân quyền – vốn từng là trung tâm trong chiến lược được ông tuyên bố – gần như biến mất. Bằng chứng: khi Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan viết trên tạp chí Foreign Affairs về “nguồn sức mạnh của nước Mỹ” vào mùa thu 2023, ông chỉ nhắc đến kinh tế và quân sự, không đả động gì tới nhân quyền.

Dĩ nhiên, các tổng thống Hoa Kỳ từ trước đến nay thường không thực hiện đầy đủ những hứa hẹn về quyền con người. Nhiều người ngoài nước Mỹ – đặc biệt ở các quốc gia không thuộc phương Tây, nơi vốn coi Washington là kẻ đạo đức giả khi cổ xúy các giá trị tự do – có thể thấy “dễ chịu” hơn nếu Trump đoạn tuyệt hẳn lời lẽ về nhân quyền. Nhưng tước bỏ quyền con người khỏi chính sách đối ngoại, như Biden nhiều lần cho thấy và Trump còn sẵn sàng làm mạnh tay hơn, sẽ gây tổn hại nghiêm trọng đến lợi ích của Mỹ cũng như trật tự quốc tế. Khi Washington tùy tiện áp dụng hay bỏ qua những chuẩn mực mà chính họ từng đề xuất, uy tín của Mỹ giảm sút, và các chế độ độc tài hoặc phản tự do sẽ lợi dụng lý do ấy để ngang nhiên vi phạm luật pháp, gây nên thảm kịch cho người dân và bất ổn xuyên biên giới.

Có lẽ, bốn năm dưới thời Biden vẫn là giai đoạn “dễ thở” hơn so với kịch bản chính quyền Trump nhiệm kỳ hai. Tuy nhiên, bất kỳ cái nhìn hoài niệm nào với “thời Biden” cũng sẽ che mờ bức tranh thật. Khi tương quan quyền lực toàn cầu biến đổi, giá trị dân chủ vốn là lợi thế so sánh bền vững nhất của Hoa Kỳ. Biden từng khẳng định ông hiểu điều này. Nhưng rồi ông lại từ bỏ chính sách ấy vào thời điểm then chốt, góp phần đẩy thế giới vào “cuộc đua xuống đáy”, nơi cả tổng thống Mỹ lẫn các lãnh đạo nước ngoài, dù là dân chủ hay độc tài, đều ít phải chịu sức ép khi phớt lờ nhân quyền.

Liên minh nguy hiểm

Các quốc gia chà đạp nhân quyền thường kéo theo hỗn loạn và bất ổn. Dân chúng tại những nước như vậy sớm muộn sẽ nổi dậy (có thể bằng bạo lực) để đòi tự do. Nếu để lạm dụng nhân quyền không kiểm soát, mầm mống xung đột sẽ bùng phát, làm gián đoạn kinh tế thế giới và cản trở nỗ lực phòng chống khủng bố toàn cầu. Thời gian đầu, Biden có vẻ nhìn nhận thực tế này; ông chỉ trích Trump hay “kết thân với bạo chúa”, cam kết củng cố liên minh giữa các nền dân chủ, và đặc biệt tuyên bố sẽ cô lập Thái tử MBS của Saudi Arabia.

Tuy nhiên, vào năm 2022, nửa nhiệm kỳ trôi qua, Biden bay tới Saudi Arabia, vui vẻ chạm tay (fist bump) cùng MBS. Chuyến thăm nhằm thuyết phục Riyadh hạ giá dầu trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng do cuộc xâm lược của Nga vào Ukraine, nhưng kết quả mà ông mang về hầu như bằng không. Dù Biden bảo rằng sẽ đề cập quan ngại nhân quyền, kiểu “đối thoại nhẹ nhàng” này không làm chế độ độc tài phải suy chuyển. Họ chỉ thay đổi khi đối mặt trừng phạt nghiêm khắc – điều Biden không sẵn sàng thực hiện. Sau chuyến đi của ông, chính quyền Saudi Arabia gia tăng đàn áp, kết án tù hàng chục năm chỉ vì hoạt động trực tuyến. Thay vì xa lánh, Biden lại “trói buộc” uy tín nước Mỹ với quốc gia này. Đến năm 2023, Washington còn đàm phán liên minh quốc phòng với Riyadh, cam kết huy động quân lực Mỹ bảo vệ Saudi Arabia, tương tự như các điều khoản an ninh cho NATO. Nếu hoàn tất, Saudi Arabia sẽ là nước phi dân chủ đầu tiên sau nhiều thập kỷ được mời tham gia “câu lạc bộ” hiệp ước đồng minh của Mỹ.

Cách tiếp cận với Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) cũng tương tự. Trong nhiều năm, UAE cung cấp vũ khí cho Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (RSF) ở Sudan, một bên của cuộc nội chiến mà Bộ Ngoại giao Mỹ gọi là “tội ác diệt chủng”. Nhưng tháng 9/2024, Tổng thống UAE Mohammed bin Zayed (MBZ) vẫn được mời tới Washington trong chuyến thăm cấp nhà nước. Ngay lúc MBZ đang dự tiệc ở Nhà Trắng, Đặc phái viên Hoa Kỳ về Sudan bất lực tìm cách ngăn các tướng lĩnh Sudan sử dụng vũ khí từ UAE để thảm sát dân thường. Dĩ nhiên, về mặt chiến lược, Mỹ có thể cần củng cố quan hệ quốc phòng với UAE. Nhưng lẽ ra đây là cơ hội để Washington mặc cả, yêu cầu UAE ngừng bơm vũ khí vào Sudan. Bằng không, Hoa Kỳ lại phải đổ hàng trăm triệu USD viện trợ nhân đạo để xoa dịu hậu quả, trong khi có thể ngăn chặn cái vòng luẩn quẩn bằng đối thoại cứng rắn.

Sự thất vọng càng lớn hơn khi ta so sánh với các trường hợp Biden thực sự cứng rắn trong nhân quyền và đạt kết quả. Khi Biden từng tuyên bố sẽ “cắt đứt” Saudi Arabia, MBS đã có động thái cải thiện vào giai đoạn chuyển giao quyền lực, như thả nhà hoạt động nữ quyền Loujain al-Hathloul. Hay việc tạm giữ một phần viện trợ an ninh cho Ai Cập vì không đáp ứng tiêu chuẩn nhân quyền đã khiến chính quyền Cairo buộc phải trả tự do cho một số tù nhân chính trị. Nhưng năm 2024, ông lại ký giấy miễn trừ (waiver) để giải ngân toàn bộ 1 tỷ USD viện trợ quân sự cho Ai Cập, nhằm “thưởng” cho nỗ lực của nước này trong vấn đề nhân đạo ở Gaza – vốn là điều Cairo có thể làm vì chính lợi ích của họ. Ở trong nước, tình hình nhân quyền Ai Cập năm 2024 vẫn tệ hại nhất trong vòng 10 năm.

Cái giá của cạnh tranh nước lớn

Một nguyên nhân khiến Biden “nhẹ tay” có lẽ là lo ngại các “quốc gia tầm trung” có thể quay sang bắt tay với Trung Quốc hoặc Nga. Những nước như Ấn Độ, Thái Lan… khi thấy Mỹ dè dặt, họ cứ tiếp tục vi phạm nhân quyền trong nước, đồng thời duy trì cánh cửa quan hệ với Bắc Kinh và Moskva.

Năm 2023, Nhà Trắng trải thảm đỏ đón Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, dù tình báo Mỹ cáo buộc chính phủ Ấn Độ dính líu âm mưu ám sát một nhân vật ly khai Sikh ngay trên đất Mỹ. Trong nước, Modi bị cho là phân biệt đối xử với các nhóm thiểu số tôn giáo, thậm chí có những vụ bạo lực cộng đồng và phá dỡ nhà dân Hồi giáo. Ủy ban Tự do Tôn giáo Mỹ (USCIRF) hai năm liền (2021, 2022) đề nghị xếp Ấn Độ vào danh sách “quốc gia cần đặc biệt quan tâm”, có thể dẫn đến trừng phạt. Nhưng Bộ Ngoại giao Mỹ từ chối. Đầu năm 2024, chính quyền Biden còn thông qua thương vụ bán máy bay không người lái trị giá 4 tỷ USD cho Ấn Độ, mong giữ New Delhi ở bên mình. Song những nỗ lực ấy không ngăn Modi sau đó tới thăm Putin ở Moskva, gây bực dọc cho Washington.

Với Thái Lan, chính quyền Biden coi đây là đối tác quân sự không thể thiếu ở châu Á – Thái Bình Dương, nên chỉ đưa ra đôi lời chỉ trích “nhẹ nhàng” trước các hành động lạm quyền của Bangkok. Thái Lan từng là nơi ẩn náu an toàn cho nhiều nhà bất đồng chính kiến từ Campuchia, Trung Quốc, Myanmar, Việt Nam, nhưng giờ chính phủ Thái hoặc làm ngơ, hoặc hỗ trợ các nước khác “vươn tay” đàn áp kiều dân tị nạn tại đây. Mới tuần trước, một cựu nghị sĩ đối lập Campuchia bị bắn chết ở Bangkok. Chính quyền Biden vẫn không có phản hồi đáng kể. Thái Lan cũng giải tán đảng đối lập Move Forward, dù Mỹ đã lên tiếng phản đối. Trên thực tế, quan hệ Mỹ – Thái có bề dày hơn một thế kỷ, Bangkok khó “bỏ” Washington, nhưng chính quyền Biden cũng chẳng tận dụng lợi thế đó để gây sức ép mạnh mẽ về nhân quyền.

Để công bằng, Ngoại trưởng Antony Blinken nhiều lần lên tiếng phê phán lạm dụng nhân quyền mỗi khi gặp lãnh đạo các nước độc tài, nhưng ai cũng hiểu ông không có đủ “đòn bẩy” vì không được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các cấp cao hơn. Một số quan chức cấp dưới trong chính quyền vẫn cố duy trì lời hứa ban đầu của Biden. Ví dụ, nhờ nỗ lực của các nhà ngoại giao Mỹ, một số tù nhân chính trị ở Việt Nam được trả tự do, Mỹ cắt gần nửa khoản hỗ trợ cho Tunisia khi tổng thống nước này gia tăng đàn áp, hay tung ra lệnh trừng phạt công ty nước ngoài bán phần mềm gián điệp cho các chế độ độc tài. Tại Guatemala, các nhà ngoại giao Mỹ đã giúp ngăn chặn âm mưu đảo chính trước lễ nhậm chức tổng thống. Đại sứ David Pressman tại Hungary dám lên tiếng chỉ trích chính quyền hung hãn của Viktor Orban, còn Bộ Tài chính Mỹ áp trừng phạt những kẻ xâm phạm nhân quyền ở Haiti, Myanmar, Sudan, Uganda, hay với những người định cư bạo lực ở Bờ Tây.

Tuy nhiên, đó chỉ là các nỗ lực “có tầm vóc hạn chế”. Ở các quyết sách địa chính trị quan trọng hơn, tiếng nói vì nhân quyền thường bị phớt lờ. Nhiều khi, chẳng có ai “ngồi trong phòng họp” để nhắc Tổng thống rằng chính quyền đã coi trọng nhân quyền như một trụ cột chiến lược. Bộ Ngoại giao Mỹ thậm chí không có Thứ trưởng phụ trách Dân chủ, Nhân quyền và Lao động (cấp cao nhất ở Cục DRL) trong suốt hơn ba năm đầu của nhiệm kỳ Biden.

Kết quả, ngay cả một số tiến triển mong manh cũng bị xói mòn. Tháng 3/2023, Bộ Ngoại giao Mỹ chính thức cáo buộc lực lượng Ethiopia phạm tội ác chiến tranh. Nhưng chỉ ba tháng sau, Nhà Trắng lại “bật đèn xanh” cho đầu tư nước ngoài vào Ethiopia, đồng thời không áp lệnh trừng phạt nào khác, mặc dù lực lượng này vẫn tiếp tục bạo hành dân thường. Hay trong nỗ lực đối phó đàn áp xuyên quốc gia, Mỹ cấm nhập cảnh một số công dân Saudi Arabia liên quan vụ sát hại Khashoggi, yêu cầu các cơ quan liên bang gặp gỡ kiều dân nước ngoài đang sống tại Mỹ để lắng nghe. Tuy nhiên, các quốc gia như Ai Cập, Ấn Độ, Rwanda vẫn tiếp tục nhắm vào những người chỉ trích chế độ đang ở trên đất Mỹ hoặc gia đình họ tại quê nhà, mà không chịu bất kỳ hậu quả nào.

Khi luật pháp bị bẻ cong

Mâu thuẫn lớn nhất trong chính sách của Biden lộ rõ ở cách phản ứng với cuộc chiến tại Ukraine và xung đột Gaza. Dưới thời ông, luật quốc tế được áp dụng linh hoạt: nơi này thì quyết liệt trừng phạt, nơi khác thì lơ đi. Về Ukraine, Biden dốc sức lôi kéo Nga ra tòa, khai trừ Moskva khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ, ủng hộ ICC điều tra tội ác chiến tranh. Tháng 2/2023, đúng một năm sau khi Nga xâm lược, Ngoại trưởng Blinken phát biểu mạnh mẽ tại Hội đồng Bảo an, liệt kê chi tiết các vi phạm như giết thường dân, phá hủy hệ thống năng lượng Ukraine và sử dụng nạn đói làm vũ khí.

Nhưng với những hành động của Israel ở Gaza, chính quyền Mỹ lại thiếu hẳn sự mạch lạc. Gaza bị hủy diệt khủng khiếp, với hàng chục nghìn người Palestine thiệt mạng, hơn 90% dân số phải di dời, hệ thống điện nước và cơ sở hạ tầng bị cắt đứt. Tổng Thư ký LHQ, nhiều lãnh đạo thế giới và tổ chức nhân quyền cáo buộc Israel vi phạm nghiêm trọng luật chiến tranh – những tội danh tương tự các hành vi mà Blinken lên án Nga tại Ukraine. Thế nhưng, Biden tiếp tục chuyển giao vũ khí cho Israel mà không có điều kiện ràng buộc, từ chối dùng công cụ ảnh hưởng mạnh nhất để buộc Israel thay đổi hành vi.

Bộ Ngoại giao Mỹ thường xuyên công bố chi tiết về các hành động tàn bạo của Nga, như vụ không kích nhà hát ở Mariupol tháng 3/2022 có ghi chữ “trẻ em” bằng tiếng Nga. Trong khi đó, dù xung đột ở Gaza kéo dài nhiều tháng, nhân quyền quốc tế và các tổ chức cứu trợ đã thu thập vô số bằng chứng về tội ác chiến tranh của Israel, Bộ Ngoại giao vẫn “không thể xác nhận” bất cứ trường hợp cụ thể nào. Với khả năng tình báo hàng đầu thế giới, Mỹ gần như “mù” trước những gì phần còn lại của thế giới thấy rõ. Đáng nói, chính quyền Mỹ còn phớt lờ quy định trong Luật Hỗ trợ Nước ngoài 1961, cấm chuyển vũ khí cho chính phủ vi phạm luật chiến tranh hoặc ngăn cản viện trợ nhân đạo. Trong một bản ghi nhớ tháng 4/2024, Giám đốc USAID Samantha Power cho biết chính quyền Israel cản trở nghiêm trọng hoạt động cứu trợ ở Gaza, sát hại nhân viên y tế, ném bom xe cứu thương và bệnh viện, hoặc buộc xe tải hàng cứu trợ quay đầu. Thế nhưng, Mỹ vẫn tiếp tục gửi vũ khí, với bảy đợt chuyển giao ngay trong tháng 5/2024.

Hành động này làm xói mòn luật quốc tế cũng như “khuyến khích” các chính quyền khác lờ đi quy tắc khi có xung đột. Bản thân chính quyền Biden hiện cũng rất hạn chế công khai lên án Nga về các tội ác chiến tranh, có lẽ hiểu rằng khó giữ được tính chính danh để phê phán Moskva khi chính mình đang “nhắm mắt làm ngơ” cho Tel Aviv.

Quyết định gửi mìn sát thương (antipersonnel landmines) cho Ukraine cuối năm 2024 là một ví dụ khác về việc Mỹ đi ngược lại các chuẩn mực. Loại mìn này không phân biệt được giữa dân thường và binh lính, vì vậy từ 25 năm qua đã có hiệp ước quốc tế cấm, với 164 quốc gia tham gia. Dù Mỹ không ký, chính Biden năm 2022 vẫn cấm sử dụng mìn sát thương ngoài bán đảo Triều Tiên và từng chỉ trích Trump là “liều lĩnh” khi dỡ bỏ lệnh cấm trước đó. Còn nay, Biden biện minh rằng “phá vỡ” một quy tắc nhằm cứu một quy tắc khác (bảo vệ chủ quyền Ukraine). Tháng 7/2023, chính quyền ông cũng gửi bom chùm (cluster munitions) cho Ukraine, loại vũ khí bị cấm bởi một hiệp ước quốc tế khác mà Mỹ chưa tham gia. Không vũ khí nào trong số này đủ thay đổi cục diện chiến trường Ukraine, nên hành động của Biden chỉ khiến thêm dân thường gặp nguy hiểm, đồng thời làm suy giảm tính răn đe của các tiêu chuẩn nhân đạo.

Cách “bẻ cong” luật quốc tế ở Gaza và Ukraine cũng làm lu mờ nỗ lực tự cải thiện của Bộ Quốc phòng Mỹ, nơi Bộ trưởng Lloyd Austin đã thành lập văn phòng chuyên trách bảo vệ thường dân, xây dựng trung tâm đào tạo và quy trình điều tra, với hy vọng ngăn ngừa lỗi lầm khi “tác chiến chống khủng bố” suốt 20 năm qua. Austin còn muốn lôi kéo các đối tác an ninh của Mỹ tuân thủ chuẩn mực này. Nhưng khi Washington làm ngơ trước tội ác chiến tranh của Israel, các nước khác sẽ ít tin vào thiện chí của Mỹ trong việc bảo vệ thường dân.

Mọi xung đột đều có vi phạm luật chiến tranh, và bản thân Mỹ cũng từng vướng điều tiếng ở Afghanistan, Iraq… Song việc duy trì các quy tắc vẫn vô cùng quan trọng. Chúng giúp cứu sống thường dân, cung cấp công cụ truy tố kẻ vi phạm. Lẽ ra Biden có thể củng cố các nguyên tắc ấy, tận dụng vị thế siêu cường, là một trong những nước “kiến trúc sư” của luật nhân đạo quốc tế, đồng thời là nhà cung cấp vũ khí lớn nhất thế giới và nước đóng góp ngân sách hàng đầu cho LHQ. Thế nhưng, ông đã để lỡ cơ hội, để mặc cho những quy phạm bảo vệ dân thường dần tan vỡ.

Di sản hoen ố

Câu hỏi vì sao Biden từ bỏ nhân quyền như một trụ cột đối ngoại sẽ thuộc về các nhà sử học và người chấp bút tiểu sử. Liệu ông vốn không xem quyền con người là lợi ích cốt lõi của Mỹ? Nhưng ông lại từng hùng hồn tuyên bố điều ngược lại khi tranh cử, rồi tái khẳng định lúc nhậm chức. Hoặc có lẽ bước vào Nhà Trắng, ông nhận ra thế giới phức tạp hơn nhiều so với tưởng tượng, song Biden đã kinh qua hàng chục năm chính trường, lẽ nào không hình dung nổi thực tế ấy?

Dù lý do là gì, sự thiếu nhất quán của Biden khiến các nguyên tắc nhân quyền và pháp quyền dễ dàng bị bào mòn hơn dưới thời tổng thống tiếp theo, hay thậm chí dưới tay các lãnh đạo thế giới khác. Nếu Hoa Kỳ tiếp tục “nới lỏng tiêu chuẩn”, cho phép các đối tác vi phạm nhân quyền mà không chịu hậu quả, sớm muộn sẽ chẳng còn ai đứng ra bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp.

Kịch bản này là món quà dành cho Trung Quốc và Nga – hai cường quốc đang tìm cách khoét sâu các vết nứt của hệ thống quốc tế. Lợi thế cạnh tranh của Mỹ xưa nay nằm ở chỗ nước này chịu “dùng sức” bảo vệ quyền con người, góp phần duy trì trật tự quốc tế mang lợi ích lớn cho Washington. Từ chối sử dụng quyền lực để cứu vãn những gì đáng giá nhất, Biden đã trao lợi thế đó cho kẻ khác.

Trong cuộc chơi quyền lực, nếu nước Mỹ sa vào quỹ đạo của các đối thủ, chỉ dựa vào giao dịch kinh tế – quân sự mà phớt lờ giá trị dân chủ, thì bản sắc quốc gia và an ninh toàn cầu sẽ bị đe dọa. Người dân Mỹ và hàng triệu con người khắp thế giới – vốn được mạng lưới các chuẩn mực quốc tế bảo vệ – nay đối mặt rủi ro lớn hơn. Biden, với hành trình dài phục vụ công, từng hứa sẽ đấu tranh mạnh mẽ cho nhân quyền. Nhưng khi lên đến vị trí quyền lực cao nhất, ông lại lùi bước, để mặc chính sách đối ngoại Mỹ dần kém nguyên tắc và thế giới ngày một khắc nghiệt hơn.

Rate this post

MỚI NHẤT