Châu Âu Trung Cổ

Charlemagne – Người khai sinh Đế Chế La Mã Thần Thánh

Charlemagne là nhà quân sự và hoàng đế đầu tiên của Đế quốc La Ma Thần Thánh. Cuộc đời và sự nghiệp của ông gắn liền với Giáo hội

Kim Lưu
tổng hợp và biên dịch từ World History
charlemagne là ai
11 views

Charlemagne (hay còn được gọi là Charles I, Charles Vĩ Đại, trị vì 742-814) từng là Vua của người Frank (trị vì 768-814), Vua của người Frank và Lombard (trị vì 774-814), và Hoàng đế La Mã Thần thánh (trị vì 800-814). Ông được coi là một trong những nhân vật nổi tiếng và có sức ảnh hưởng bậc nhất của thời kỳ Trung Cổ nhờ những chiến thắng quân sự vang dội, giúp thống nhất phần lớn Tây Âu, cùng những cải cách giáo dục và tôn giáo thiết yếu. Chính các chính sách do ông đề ra đã đặt nền móng cho sự phát triển của các quốc gia châu Âu sau này.

Charlemagne là con trai của vua Pepin Lùn, vị Vua đầu tiên của triều đại Carolingian của người Frank (trị vì 751-768). Sau khi cha mất, Charlemagne lên ngôi và đồng trị vì cùng với anh trai Carloman I (trị vì 768-771), cho đến khi Carloman I qua đời. Sau khi trở thành người cai trị duy nhất, Charlemagne nhanh chóng mở rộng bờ cõi vương quốc. Ông tự phong mình là người đứng đầu Giáo hội phương Tây – qua mặt cả các Giáo hoàng thời đó về quyền lực – đồng thời đích thân chỉ huy các chiến dịch quân sự nhắm mục tiêu đưa Thiên Chúa giáo đến khắp Châu Âu cũng như dẹp yên các cuộc nổi loạn trong suốt 46 năm trị vì.

Cái chết của ông vào năm 814 do bệnh tật được xem là một bi kịch. Cả châu Âu để tang vị vua kiệt xuất này, đặc biệt là sau khi các cuộc tấn công của người Viking bắt đầu xảy ra ngay sau khi ông qua đời. Charlemagne thường được gọi là “Cha đẻ của Châu Âu Hiện đại”.

Thời thơ ấu và con đường nắm quyền

Charlemagne có lẽ được sinh ra tại Aachen (thuộc nước Đức ngày nay) trong những năm cuối cùng của triều đại Merovingian, vốn đã cai trị khu vực từ khoảng năm 450. Vào thời này, quyền lực và tầm ảnh hưởng của các vị vua Merovingian ngày càng suy yếu. Ngược lại, chức vụ Chánh Cung (tương đương vị trí Thủ tướng) – vốn được cho là cấp dưới – lại ngày càng trở nên lớn mạnh. Vào thời vua Childeric III (trị vì 743-751), nhà vua gần như không còn chút quyền lực nào, và mọi chính sách hành chính đều do Chánh Cung Pepin Lùn quyết định.

Pepin hiểu rằng ông khó lòng có thể cướp ngôi một cách trắng trợn mà được công nhận, nên ông gửi thư cầu viện Giáo Hoàng, hỏi: “Có đúng hay không khi một người cai trị yếu kém vẫn được mang danh Vua?” (Hollister, 108). Lúc này, giáo hội đang đau đầu với hàng loạt vấn đề, từ các cuộc tấn công từ người Lombard ở Bắc Ý cho đến tranh cãi xung quanh vấn đề bài trừ tượng thánh với Đế quốc Byzantine.

Hoàng đế Byzantine gần đây ra lệnh lên án và phá bỏ bất kỳ hình ảnh nào mô tả Chúa Kitô trong các nhà thờ. Không chỉ dừng lại ở đó, ông ta còn muốn áp đặt chính sách này lên cả Giáo hoàng và toàn bộ Tây Âu. Như sử gia C.Warren Hollister nhận định, “giáo hội chưa bao giờ tuyệt vọng cần một người bảo trợ đến như vậy” – đó là khi Giáo hoàng Zachary (tại vị 741-752) nhận được bức thư từ Pepin. Ông nhanh chóng đồng ý với Pepin.

Năm 751, Pepin lên ngôi vua của người Frank và theo thông lệ lúc bấy giờ, ông chọn hai người con trai của mình làm người kế vị. Một trong những hành động đầu tiên với vai trò vua, Pepin đánh bại người Lombard và hiến một vùng rộng lớn của họ cho Giáo hoàng (một khoản hiến tặng được gọi là “Sự hiến tặng của Pepin”). Về phần mình, Giáo hội hy vọng kiểm soát được Pepin và những người kế vị của ông. Họ muốn thao túng vương miện Frank bằng một văn bản được gọi là Sự hiến tặng của Constantine. Giả vờ được viết bởi chính hoàng đế Constantine I, người theo Cơ đốc giáo đầu tiên của La Mã, văn bản này tuyên bố rằng các nhà cầm quyền Cơ đốc đã tự nguyện trao quyền lực cho Giáo hoàng, và Giáo hoàng nhân từ ban trả lại cho họ.

Theo văn bản này, Giáo hội thực sự là quyền lực đứng sau mọi ngai vàng và có thể giành lại quyền kiểm soát dễ dàng như lúc ban cho. Đương nhiên, đây chẳng khác gì hàng giả – không có bằng chứng nào cho thấy Constantine từng đưa ra tuyên bố tương tự – nhưng Pepin đâu thể nào biết được điều đó. Ông vốn không biết chữ, nên đành phải tin bất cứ điều gì mà các giáo sĩ nói khi họ vẫy tờ giấy trước mặt ông. Pepin chấp nhận những điều khoản trong Sự hiến tặng của Constantine; nhưng con trai ông thì không.

Vua Pepin qua đời năm 768 và hai người con trai của ông đồng trị vì. Việc cùng cai trị với Carloman chẳng yên bình tí nào, vì Charlemagne thích hành động trực tiếp khi giải quyết các vấn đề, trong khi anh trai ông có vẻ thiếu quyết đoán. Thử thách đầu tiên là cuộc nổi loạn của tỉnh Aquitaine, nơi mà Pepin khuất phục được vào năm 769. Charlemagne muốn đem quân đàn áp, trong khi Carloman không tán thành.

Charlemagne hành quân đến Aquitaine và đánh bại quân nổi dậy, đồng thời khuất phục xứ Gascony lân cận. Còn Carloman thì nhất quyết không tham gia gì hết. Năm 770, Charlemagne cưới rồi bỏ một công chúa Lombard, con gái của vua Desiderius (trị vì 756-774), để cưới cô bé tuổi teen Hildegard (người sau này trở thành mẹ của Louis the Pious, trị vì 814-840). Sau khi Desiderius tiếp cận Carloman để lật đổ Charlemagne và trả thù cho con gái mình, hai anh em gần như bước vào một cuộc nội chiến thì Carloman bất ngờ qua đời vào năm 771.

Chân mệnh thiên tử

Là vị vua duy nhất của người Frank, Charlemagne cai trị chủ yếu bằng uy tín cá nhân – hiện thân của vị vua chiến binh kết hợp cùng tầm nhìn đậm chất Cơ Đốc giáo. Nhà sử học Hollister miêu tả vị vua như sau:

Charlemagne thực sự là tượng đài thời đó cả về nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Ông cao 6 feet 3 ½ inch (khoảng 1m92), cổ đầy đặn, bụng phệ nhưng vẫn cực kỳ uy nghi. Ông dễ dàng vui vẻ, hoạt ngôn, nhưng đôi lúc lại tỏ ra tàn độc. Thần dân của ông vừa vô cùng ngưỡng mộ lại vừa sợ hãi ông… Trên hết, Charlemagne là một vị vua chiến binh. Ông đích thân dẫn dắt quân đội hàng năm chỉ để tham chiến. Chỉ sau nhiều cuộc chinh phạt ông mới dần phát triển tư tưởng về sứ mệnh Cơ Đốc giáo và có kế hoạch thống nhất, mở rộng Phương Tây dưới sự bảo hộ của Giáo hội. (109)

Sau khi xây dựng quân đội, chiến dịch đầu tiên của ông là tiến công Saxony vào năm 772, mở ra cuộc xung đột đẫm máu kéo dài được gọi là Chiến tranh Saxon (772-804). Charlemagne muốn xoá sổ chủ nghĩa ngoại giáo Bắc Âu trong khu vực và củng cố quyền lực của mình ở đó. Để lại một đội quân chiếm đóng ở Saxony, ông tiếp tục chuyển hướng qua Ý, nơi người Lombard lại bắt đầu gây rối. Ông chinh phục người Lombard vào năm 774 và sáp nhập lãnh thổ của họ vào vương quốc, sau đó xưng danh “Vua của người Frank và người Lombard”, rồi nhanh chóng quay lại chiến trường Saxony.

Tượng Charlemagne Tượng Charlemagne Mark Kaswan (CC BY-NC-SA) Tình hình bất ổn của người Basque ở dãy Pyrenes sau đó “kéo” Charlemagne và quân đội của ông tham gia thêm hàng loạt trận đánh lớn nhỏ. Đáng chú ý là Trận chiến đèo Roncevaux năm 778 (cảm hứng cho sử thi The Song of Roland sau này) – hậu quân của Charlemagne bị phục kích và tàn sát, kể cả bá tước Roland của vùng Breton March. Thất bại này không những không làm nhụt ý chí mà còn khiến Charlemagne càng thêm quyết tâm kiểm soát hoàn toàn khu vực.

Giữa năm 778 và 796, Charlemagne đích thân chinh chiến ở Pyrenes, Tây Ban Nha, và Germania với hàng loạt chiến thắng liên tiếp. Năm 795, ông đồng ý cho người Avars ở Hungary đầu hàng, nhưng do không tin tưởng họ, ông tấn công thành trì của họ (được gọi là The Ring) và đánh bại họ hoàn toàn vào năm 796, xóa sổ bộ tộc này. Ông cũng đánh bại người Saracen ở miền bắc Tây Ban Nha, thiết lập một vùng đệm gọi là Spanish March, và chiếm đảo Corsica. Vương quốc của ông lúc này trải dài khắp lãnh thổ nước Pháp hiện đại, miền bắc Tây Ban Nha, miền bắc Ý và nước Đức ngày nay, ngoại trừ Saxony ở phía bắc.

Chiến tranh Saxon

Mỗi lần Charlemagne nghĩ rằng mình khuất phục được người Saxon, dập tắt hoàn toàn tinh thần đấu tranh của họ thì họ lại vùng lên chống trả. Trước cuộc Chiến tranh Saxony, vùng đất này vốn có quan hệ tốt với vương quốc Francia, thường xuyên giao thương và đóng vai trò quan trọng trên tuyến đường dẫn đến các nước Scandinavia.

Năm 772, một nhóm người Saxon bị cáo buộc tấn công và đốt cháy nhà thờ Deventer (nay thuộc Hà Lan, khi đó là một phần lãnh thổ của Charlemagne). Sự kiện này trở thành cái cớ để Charlemagne tiến hành xâm lược Saxony. Tuy nhiên, ai là kẻ đứng sau vụ tấn công tàn bạo, hay liệu người Saxon có thực sự phạm phải tội lỗi đó không, vẫn còn là ẩn số. Biết rõ bản chất cố chấp và không khoan nhượng của Charlemagne với tín ngưỡng ngoại giáo, hoàn toàn có khả năng chính vị vua Công giáo này đã dựng lên vụ hỏa hoạn để có lý do chính đáng tấn công bộ tộc German mà ông vốn đã lên kế hoạch chinh phục.

Để trả thù cho nhà thờ bị đốt, Charlemagne tiến quân vào vùng Westphalia, chặt phá cây linh thiêng Irminsul (biểu tượng cho cây Yggdrasil trong thần thoại Bắc Âu) và tàn sát vô số người Saxon trong chiến dịch đầu tiên. Các chiến dịch tiếp theo, cho đến tận lần thứ 18, đều mang màu sắc tương tự – hủy diệt và thảm sát. Năm 777, một thủ lĩnh chiến binh Saxon tên là Widukind đứng lên lãnh đạo phong trào kháng chiến. Mặc dù tài ba, Widukind vẫn không đủ sức mạnh để đối đầu với cỗ máy chiến tranh của Charlemagne. Dù vậy, ông vẫn thành công trong việc thương lượng với Vua Sigfried của Đan Mạch để mở đường cho người tị nạn Saxon tới đây.

Năm 782, Charlemagne ra lệnh hành quyết 4.500 người Saxony trong một thảm kịch được gọi là Thảm sát Verden, nhằm đập tan ý chí chiến đấu của họ. Nhưng tinh thần của người Saxon vẫn không hề suy yếu. Họ nhất quyết không từ bỏ lãnh thổ và tôn giáo. Không lâu sau đó (vào năm 784 hoặc 785), Widukind đề nghị được rửa tội như một cử chỉ hòa giải. Tài liệu lịch sử cho thấy nghi lễ rửa tội đã diễn ra nhưng sau đó ông biến mất.

Mãi đến năm 798, Charlemagne mới giải quyết xong dòng người tị nạn tràn vào Đan Mạch. Cuộc nổi loạn của người Saxon vẫn tiếp diễn ngay cả sau sự biến mất của Widukind, và cách đối phó của Charlemagne vẫn như cách ông đã làm trong suốt 30 năm qua. Cuối cùng, vào năm 804, Charlemagne trục xuất hơn 10.000 người Saxon đến Neustria và thay thế họ bằng dân của mình, chính thức giành chiến thắng nhưng đồng thời châm ngòi cho mối thù với các vương quốc Scandinavia, đặc biệt là Vua Sigfried – người đã phái quân tấn công vùng Frisia của đế chế Frank ngay sau đó. Cuộc chiến này suýt nữa đã tiếp diễn dai dẳng, nhưng cái chết của Sigfried và quyết định cầu hòa của người kế vị ông dập tắt nguy cơ đó.

Hoàng đế La Mã Thần Thánh

Trong suốt các cuộc Chiến tranh Saxon và các chiến dịch khác, Charlemagne hành động hoàn toàn theo sáng kiến của riêng mình, ít để tâm đến Giáo hoàng. Tuy nhiên, không có vị Giáo hoàng nào phàn nàn, vì các hoạt động của Charlemagne trùng hợp với lợi ích của Giáo hội hoặc mang lại lợi ích trực tiếp cho họ. Đến năm 800, rõ ràng quyền lực của Charlemagne đã vượt xa Giáo Hội, và không ai có thể làm gì để thay đổi điều đó.

Lễ đăng quang của Charlemagne
Lễ đăng quang của Charlemagne

Điều này trở nên rõ ràng khi Giáo hoàng Leo III (tại vị 795-816) bị một đám đông tấn công trên đường phố Rome và buộc phải chạy trốn. Đám đông kích động vốn là các quý tộc La Mã muốn thay thế Leo III bằng một người của phe họ. Giáo hoàng bị cáo buộc về tội vô đạo đức và lạm dụng chức vụ. Leo đến gặp Charlemagne tìm kiếm sự bảo vệ. Nghe theo lời khuyên của cố vấn Alcuin (735-804), Charlemagne tháp tùng Leo trở lại Rome để minh oan cho ông. Học giả Norman Cantor mô tả các sự kiện như sau:

Vào ngày 23 tháng 12, trong một phiên tòa do Charlemagne chủ trì, Leo thanh minh mọi tội lỗi cáo buộc chống lại mình. Tuy nhiên, loạt sự kiện này là sự sỉ nhục khủng khiếp đối với Giáo hoàng và thể hiện sự yếu kém của ông trước nhà cầm quyền Carolingian. Giáo Hoàng quyết định lấy lại uy tín và quyền lực bằng cách cử hành lễ đăng quang hoàng đế cho Charlemagne. Vào ngày lễ Giáng sinh năm 800, khi Charlemagne đứng dậy sau lời cầu nguyện trước mộ Thánh Peter, Giáo hoàng Leo bất ngờ đội vương miện lên đầu nhà vua. Các giáo sĩ và người dân La Mã đã tập dượt trước liền hoan hô: “Charles Augustus, Hoàng đế La Mã vĩ đại và yêu chuộng hòa bình, xin Ngài trường thọ và chiến thắng!” (181)

Người ta cho rằng Charlemagne không muốn được Leo trao vương miện và từng nói rằng ông sẽ không bao giờ bước vào nhà thờ nếu biết điều đó sẽ xảy ra. Tuy nhiên, có cơ sở để tin rằng vương miện được trưng bày rõ ràng trong nhà thờ khi Charlemagne bước vào. Vì vậy, rất có thể Charlemagne hoan nghênh uy tín của danh hiệu này, nhưng ông cũng không hề có ý định để Giáo Hội có được thêm quyền lực nhằm thao túng ông.

Cải cách giáo dục và giáo hội

Rõ ràng phong vương cho Charlemagne biện pháp của Giáo hội nhằm kiểm soát ông. Nhà sử học Hollister từng viết, “Các Giáo hoàng tin rằng hoàng đế nên là người quản lý cấp cao của Giáo hội – sử dụng quyền lực chính trị thế tục của họ vì lợi ích của Giáo hội.” Tuy nhiên, thực sự chẳng cần làm vậy vì Charlemagne luôn kết hợp quyền lợi của mình với quyền lợi của Giáo hội kể từ khi lên nắm quyền.

Ngoài các chiến thắng quân sự vang dội, Charlemagne cũng tham gia vào việc cải tổ giáo hội và giáo dục, cải thiện hoạt động của nhà thờ, tu viện và các cơ sở giáo dục trên toàn vương quốc, giờ là đế chế của ông. Các tiến bộ công nghệ từ thời kỳ Vương triều Merovingian và triều đại Pepin the Short đã tạo nền tảng cho sự thịnh vượng. Những đột phá trong nông nghiệp, như luân canh cây trồng trên ba cánh đồng, phát minh sử dụng máy cày phức tạp thay cho loại cày đơn giản trước đây, và khuyến khích nông dân hợp tác trong sản xuất – tất cả đều dẫn đến năng suất lương thực gia tăng và đất đai được khai thác tốt hơn. Charlemagne tiếp tục cải tiến bằng cách khuyến khích cơ giới hóa, ví dụ như sử dụng cối xay nước để xay ngũ cốc thay vì sức người.

Tượng Charlemagne
Tượng Charlemagne

Pepin the Short khởi xướng một cuộc cải cách Giáo hội Frank dưới sự dẫn dắt của Thánh Boniface, người thiết lập trật tự cho các tu viện và phát triển các trường dòng. Ông cũng chia các vùng thành giáo xứ để dễ quản lý hơn. Charlemagne xây dựng trên những thành tựu này, tiếp tục phát triển, thu hút các bộ óc lỗi lạc nhất thời đại như học giả Alcuin xứ York, người tập trung vào tầm quan trọng của việc xóa mù chữ cho dân chúng. Quan điểm này được đẩy mạnh trong các trường dòng trên khắp đế chế Charlemagne, cải thiện tỷ lệ người biết chữ và tạo ra nhiều học sinh giỏi hơn. Những cải cách của Boniface cũng được Charlemagne duy trì, với việc nhà vua cử các viên chức từ thủ đô Aachen đến các quận huyện và giáo xứ, đảm bảo mệnh lệnh của ông được thực thi đúng đắn và chính quyền vận hành trơn tru. Có điều, hình như những viên chức này không thực sự cần thiết bởi những người được Charlemagne tin tưởng giao cho trọng trách đều đã rất trung thành và hết lòng vì nhà vua, chứ không hẳn vì trách nhiệm với đất nước.

Di sản của Charlemagne và sự sụp đổ của Đế chế Carolingian

Charlemagne trị vì đế chế của mình trong 14 năm cho đến khi ông qua đời vì bệnh tật vào năm 814. Nhà sử học Loyn lưu ý rằng “sức mạnh và cá tính năng động của ông là cần thiết để tạo ra đế chế, và nếu không có ông, các mâu thuẫn chia rẽ bên trong nhanh chóng trở nên chiếm ưu thế” (79). Ông đã trao vương miện cho Louis the Pious (Ludwig Người Đạo đức) làm người kế vị vào năm 813, nhưng không thể chắc chắn rằng di sản của mình sẽ tồn tại sau khi ông qua đời. Nhà sử học Cantor nhận xét:

“Cái chết của một vài nhà lãnh đạo uyên bác, hoặc thậm chí sự mất mát đột ngột của một nhân vật vĩ đại, có thể khiến toàn bộ hệ thống sụp đổ và mở đường cho việc trở lại hỗn loạn và man rợ. Xung quanh một nhóm lãnh đạo có tầm nhìn xa trong một xã hội tiền công nghiệp như vậy là vô số những chiến binh hoang dã và nông dân thô lỗ, những người thiếu bất kỳ sự hiểu biết nào về những gì mà các nhà lãnh đạo đang cố gắng thực hiện. Do đó, khi định hướng trung tâm bị lung lay, thì sự tụt dốc trở về với chủ nghĩa man rợ sẽ xảy ra ngay lập tức.” (172)

Tuy nhiên, những rắc rối ban đầu đối với đế chế không phải do bất kỳ sự tụt dốc hay chia rẽ nào, mà là do chính lựa chọn của Charlemagne liên quan đến Saxony nhiều thập kỷ trước đó. Các cuộc Chiến tranh Saxon đã tàn phá khu vực này, giết chết hàng nghìn người, và gần như chẳng đạt kết quả gì ngoài việc chọc giận các vị vua Scandinavia – những người đã chờ đợi thời cơ cho đến khi Charlemagne qua đời, rồi mới tung ra các cuộc tấn công của người Viking vào xứ Francia. Trong suốt triều đại của Louis, từ năm 820 đến năm 840, người Viking liên tục tấn công Francia. Louis đã cố gắng hết sức để chống lại các cuộc tấn công này, song ông nhận thấy việc xoa dịu người Norse thông qua nhượng bộ đất đai và đàm phán dễ dàng hơn.

Khi Louis qua đời vào năm 840, đế chế bị chia cắt giữa ba người con trai của ông, những người đã chiến đấu với nhau để giành quyền tối cao. Cuộc xung đột của họ được giải quyết bằng Hiệp ước Verdun năm 843, hiệp định chia đế chế giữa các con trai của Louis I. Louis the German (Ludwig Người Đức) (trị vì 843-876) tiếp nhận Đông Francia, Lothair (trị vì. 843-855) cai quản Trung Francia, và Charles the Bald (Charles Hói) (trị vì 843-877) sẽ cai trị Tây Francia. Không vị vua Frankish nào trong số này quan tâm đến việc giúp đỡ những người khác, và cơ sở hạ tầng của đế chế cùng với hầu hết các cải cách do Charlemagne khởi xướng đã bị xuống cấp. Các cuộc đột kích của người Viking vẫn tiếp diễn từ năm 843 đến khoảng năm 911, khi chúng cuối cùng cũng chấm dứt bởi Charles the Simple (Charles Đơn Giản) (trị vì 893-923) thông qua một hiệp ước với thủ lĩnh Viking Rollo (sau này là Rollo xứ Normandy, trị vì 911-927).

Mặc dù bản thân Charlemagne không bao giờ bị ảnh hưởng bởi sự bịa đặt lố bịch mang tên “Sự Ban tặng của Constantine” từ phía nhà thờ, nhưng các hậu duệ của ông thì không được mạnh mẽ như vậy. Vương triều Carolingian về sau phải chịu đựng khi các giáo hoàng áp đặt quyền lực chính trị theo cách giả định của họ. Các vương quốc độc lập trong đế chế của Charlemagne cuối cùng sẽ hình thành nên các quốc gia châu Âu hiện đại. Dù với tất cả những sai sót, không thể phủ nhận rằng Charlemagne đã có tầm nhìn xa và tài năng lãnh đạo bẩm sinh, khiến ông trở thành người mà những người khác khao khát được phục vụ.

Rate this post
Kim Lưu
Chào mọi người, mình là Kim Lưu, người lập Blog Lịch Sử này. Hy vọng blog cung cấp cho các bạn nhiều kiến thức hữu ích và thú vị.

BÀI LIÊN QUAN