Lịch Sử Thế Chiến II

Chiến dịch Chastise: Cuộc đột kích “Dambusters”

Chiến dịch Chastise tấn công các con đập lớn ở thung lũng Ruhr, Đức do phi đội máy bay ném bom Lancaster Anh (RAF) thực hiện

Kim Lưu
tổng hợp và biên dịch từ World History
Chiến dịch Chastise tấn công các con đập lớn ở thung lũng Ruhr, Đức do phi đội máy bay ném bom Lancaster Anh (RAF) thực hiện
0 views

Chiến dịch Chastise, hay còn được mệnh danh là cuộc đột kích “Dambusters” (Những kẻ phá đập), là chiến dịch tấn công các con đập lớn ở thung lũng Ruhr, Đức vào tháng 5 năm 1943 bởi một phi đội máy bay ném bom Lancaster của Không lực Hoàng gia Anh (RAF). Dưới sự chỉ đạo của Trung tá Không đoàn Guy Gibson, các máy bay ném bom đã phá vỡ hai con đập, gây ra lũ lụt lớn ở vùng thung lũng phía dưới, tàn phá cơ sở công nghiệp và khiến ít nhất 1.300 dân thường thiệt mạng.

Mặc dù các nhà máy, mỏ than và cầu bị hư hại đã sớm được sửa chữa, nhiệm vụ cho thấy giá trị của việc ném bom chính xác bởi đội ngũ được đào tạo đặc biệt. Nó cũng đã chuyển hướng các nguồn lực của Đức sang phòng không, đồng thời củng cố vị thế của Anh trong khối Đồng Minh.

Lòng chảo Ruhr: Khu công nghiệp xương sống của Đức Quốc Xã

Lưu vực Ruhr ở Tây Đức là nơi tập trung hàng loạt ngành công nghiệp nặng quan trọng. Những nhà máy này, nhiều nhà máy quan trọng đối với ngành công nghiệp thép và vũ khí, phụ thuộc vào nguồn nước và thủy điện do một loạt các con đập đồ sộ cung cấp. Nếu các máy bay ném bom của Không lực Hoàng gia (RAF) có thể phá vỡ các con đập, trận lũ sau đó sẽ khiến các nhà máy ngừng hoạt động hoàn toàn. Với một nhiệm vụ duy nhất, kết quả hủy diệt tương đương với sức công phá của 3.000 máy bay ném bom thực hiện hai tuần ném bom trực tiếp vào các nhà máy. Khu vực này quan trọng đối với chiến lược của Đức đến nỗi các nhà hoạch định của RAF đã xem xét nó như một mục tiêu chính trước khi chiến tranh nổ ra vào năm 1939. Chiến dịch Chastise sắp biến những kế hoạch sơ bộ này thành hiện thực. Mục tiêu phụ của chiến dịch này là giáng một đòn vào tinh thần dân sự của Đức Quốc Xã, đồng thời cho công chúng Anh và các nước đồng minh của Anh – Nga và Hoa Kỳ- thấy rằng nước Anh đang chủ động trong cuộc chiến.

Tổng cộng có năm con đập được chọn làm mục tiêu, nhưng ba con đập được ưu tiên hàng đầu: Möhne, Eder và Sorpe. Ba con tiếp theo, tùy thuộc vào mức độ thành công của đợt đầu là Lister, Ennepe và Diemel. RAF biết rằng Möhne có phòng không, và chắc hẳn các đập còn lại cũng được phòng vệ. Möhne và Eder đều được xây dựng bằng bê tông và được thiết kế để chịu được áp lực nước cực lớn. Nhìn từ trên không, chúng là những mục tiêu kiên cố nhưng tương đối mỏng. Möhne, mục tiêu chính vì một vụ đánh phá thành công sẽ trực tiếp làm ngập các nhà máy bên dưới (không phải trường hợp với Eder), là con đập dài nhất ở châu Âu với chiều cao 36,6 m, dày 7,6 m ở đỉnh và dày 34,1 m ở chân đập. Hồ chứa Möhne chứa 140 triệu tấn nước (Eder chứa 200 triệu tấn). Các con đập này được bảo vệ bởi hai hàng lưới chống ngư lôi. Eder, xa hơn nhiều về phía đông, là lựa chọn thứ hai vì nó được xây với bê tông, mặc dù không có mục tiêu quân sự nào ở thung lũng bên dưới. Sorpe có tầm quan trọng chiến lược hơn Eder, nhưng vì làm phần lớn bằng đất nén chặt nên dự đoán hiệu quả đánh bom sẽ thấp hơn. Việc phá hủy những con đập này và các con đập khác sẽ cần đến một loại bom hoàn toàn mới.

Dr. Wallis và phát minh quả bom khổng lồ

Tiến sĩ Barnes Wallis (1887-1979), trước đây là một nhà thiết kế máy bay, đã phát minh ra quả bom mới này. Ông từng chế tạo ra máy bay ném bom Wellington rất nổi tiếng và phi thuyền R100. Wallis tin chắc rằng “chính các kỹ sư của đất nước này sẽ là người chiến thắng trong cuộc chiến” (Dildy, 13).

Để phát huy tối đa sức công phá, quả bom cần phải chạm trực tiếp vào thành đập nhưng được kích nổ bên dưới mặt nước. Wallis đã dành nhiều năm liền và vô số giờ làm việc để nghiên cứu các mô hình thu nhỏ. Giải pháp mà ông đưa ra chính là quả bom Upkeep, nặng tới 4200 kg. Upkeep thực chất giống một quả mìn hơn là bom, vì Wallis thiết kế nó để phát nổ ở độ sâu 90 mét dưới mặt nước.

Upkeep chứa hơn 2700 kg thuốc nổ Torpex, có hình dáng như một cái thùng (dài 1,52 mét) và được thả từ máy bay ném bom trong trạng thái quay (theo chiều ngược lại). Thùng bom sẽ chạm vào mặt hồ và nảy lên cho đến khi nó đến gần đập. Sau đó, bom chìm xuống và sử dụng cơ chế thủy tĩnh để xác định độ sâu, kích nổ mìn. Nếu hệ thống thủy tĩnh bị hỏng, quả bom được hẹn giờ để phát nổ trong vòng 90 giây sau khi thả.

Để quả bom nảy chính xác như thiết kế, máy bay cần thả bom ở độ cao 18,3 mét chính xác so với mặt hồ và giữ vận tốc khoảng 386 km/h. Các cuộc thử nghiệm thực tế cho thấy, nếu thả bom từ độ cao quá lớn, bom sẽ vỡ tan khi chạm nước, còn nếu thả quá thấp, bom sẽ không tới được thành đập hoặc sẽ bị nảy văng ra ngoài. Ngoài ra, khoảng cách thả bom cũng phải chuẩn xác để bom nảy ba lần và giảm tốc độ trước khi va vào thành đập. Các phi công cần luyện tập vô cùng kỹ lưỡng để thả bom trúng đích, đặc biệt là trong điều kiện bay đêm và đối mặt với hỏa lực của kẻ thù.

Biệt đội số 617 dũng cảm của Anh Quốc

Vào ngày 17 tháng 3, một biệt đội không quân đặc biệt đã chính thức được thành lập cho chiến dịch Chastise. Đó là Biệt đội số 617, đóng quân tại căn cứ RAF Scampton ở hạt Lincolnshire. Chỉ huy 22 phi hành đoàn dày dặn kinh nghiệm này là Guy Gibson (1918-1944). Mới 25 tuổi nhưng Gibson đã tham gia trên 100 nhiệm vụ, được trao tặng Huân chương Phục vụ Xuất sắc (DSO) và Huân chương Chữ thập Bay Xuất sắc (DFC). Như thường lệ, mỗi chiếc máy bay ném bom Lancaster có một phi hành đoàn gồm bảy người: phi công, kỹ sư bay, hoa tiêu, nhân viên điện đài, người thả bom, xạ thủ giữa (được bố trí lại ở phần mũi máy bay) và xạ thủ đuôi.

Những thành viên thuộc Biệt đội số 617 – phi hành đoàn, đội ngũ hỗ trợ mặt đất – đều là những người được tuyển chọn kỹ càng, toàn những anh tài giỏi và dày dạn kinh nghiệm nhất. Các phi hành đoàn đều xung phong tham gia. Biệt đội không chỉ có lính Anh mà còn có 29 người Canada, 12 người Úc, 2 người New Zealand và 1 người Mỹ.

Các phi hành đoàn bắt đầu huấn luyện từ ngày 31 tháng 3 năm 1943. Họ tập điều hướng tầm thấp, bay thấp trên mặt nước và thả bom Upkeep ngoài khơi bãi biển Reculver ở Kent cũng như trên các hồ và vùng nông thôn ở nhiều nơi khác trên khắp nước Anh. Để giữ bí mật cho nhiệm vụ, Bộ Không quân đã tiến hành một chiến dịch tung hỏa mù rằng những chiếc máy bay này sẽ được sử dụng để thả thủy lôi trên biển. Một tổ lái Lancaster bị loại do kỹ năng không đạt, thế là biệt đội giảm xuống còn 19 thành viên. Quả bom cũng vẫn đang trong giai đoạn thử nghiệm song song với huấn luyện cho các phi hành đoàn thì người ta quyết định loại bỏ vỏ gỗ của bom Upkeep. Lúc này, các thông số về tốc độ, hướng và độ cao thả bom chính xác mới được tính toán. Tính đến tháng 5, các phi hành đoàn đã tập thả bom thật ngoài biển, và một buổi “tổng duyệt” cuối cùng được tiến hành vào ngày 14 tháng 5. Lúc này, mọi người đã sẵn sàng và nóng lòng lên đường.

Chiến dịch Dambusters: Khi người Anh phá đập Đức

Rời căn cứ vào lúc 9 giờ 10 phút tối ngày 16 tháng 5 năm 1943, phi đội 19 chiếc Lancaster hướng đến khu vực thung lũng Ruhr, Đức dưới ánh trăng tỏ. Mục tiêu của họ là những con đập quan trọng, khi mực nước đang ở mức cao nhất.

Chiếc Lancaster gắn "Bom nảy"Nguồn: Không quân Hoàng gia Anh (Miền công cộng)
Chiếc Lancaster gắn “Bom nảy”Nguồn: Không quân Hoàng gia Anh (Miền công cộng)

Lancaster bomber with Bouncing Bomb

Đập Möhne

Chiến dịch diễn ra với 3 đợt tấn công. Đợt đầu tiên nhắm vào các đập Möhne (mã hiệu Mục tiêu X) và Eder (Mục tiêu Y). Khi đến gần Möhne, phi đội mất một chiếc máy bay do va phải đường dây điện. Tám phi cơ còn lại tập hợp đội hình, chuẩn bị cho đợt oanh tạc. Chỉ huy Guy Gibson nhận định:

Dưới ánh trăng đó, con đập trông thật vững chãi, nặng nề và bất khả xâm phạm; nó có màu xám và cứng chắc, hòa lẫn vào khung cảnh xung quanh như một phần của thiên nhiên. Trên mặt đập, pháo phòng không phun lửa dọc theo toàn bộ chiều dài.

(Spick, 55)

Gibson là người lao vào đầu tiên, hứng chịu hỏa lực từ sáu đơn vị phòng không Đức. Chiếc Lancaster thả quả “bom nảy” xuống, lướt đi như dự kiến, nhưng đập Möhne vẫn không hề suy suyển. Chiếc Lancaster thứ hai trúng đạn và rơi, quả bom của nó may mắn vọt qua con đập và phá hủy trạm bơm nước. Chiếc thứ ba trong đợt tấn công gặp kết cục tương tự, dù có Gibson yểm trợ. Phải đến lượt thứ tư, quả bom nảy đúng hướng mới phát huy tác dụng, tạo ra một lỗ hổng nhỏ trên đập. Lúc này, quả bom từ chiếc thứ năm cũng tìm đến đúng vị trí đó. Một đợt thủy triều khổng lồ ào qua khoảng trống 76 mét, tàn phá thung lũng bên dưới. Hai chiếc Lancaster rút êm, còn Gibson dẫn đội hình còn lại bay tới Eder.

Đập Eder

Máy bay ném bom may mắn thoát nạn vì người Đức chưa thiết lập hệ thống phòng không tại Eder. Có lẽ họ tin rằng những ngọn núi xung quanh đủ sức chống lại các cuộc tấn công từ trên không. Lãnh đạo Đức đã đúng bởi vì hai chiếc Lancaster phải mất tổng cộng năm lần nỗ lực mới ném được bom, trong đó không lần nào đạt được độ cao, tốc độ và hướng theo yêu cầu. Ở lần thử thứ sáu, quả bom nảy nổ tung vào bức tường bê tông, nhưng thiệt hại chỉ ở mức tối thiểu. Lần ném thứ bảy gặp vấn đề khi quả bom bật ra khỏi đập, có thể đã làm hư hại chiếc Lancaster vừa thả nó – chiếc máy bay này sau đó rơi trên đường về, có lẽ là do hư hại đó. Chỉ còn một quả bom duy nhất, lần thả đầu tiên của chiếc Lancaster cuối cùng bị hủy bỏ, nhưng lần thứ hai thành công; con đập vỡ tan tành khiến một đợt thủy triều kinh hoàng khác xuất hiện.

Sorpe

Trong số năm chiếc máy bay hướng đến Sorpe, có một chiếc bay quá thấp trên biển và đánh mất bom, chiếc khác đâm vào cột điện cao thế phải rơi, và chiếc thứ ba buộc phải quay về do trúng đạn phòng không làm hỏng thiết bị vô tuyến. Đức bắn hạ chiếc Lancaster thứ tư. Chiếc cuối cùng tiếp tục sứ mệnh, loay hoay đến tận chín lần mới tiến gần được đập Sorpe. Họ thả bom ở lần chạy thứ mười nhưng gây ra rất ít thiệt hại cho thân đập, ngoại trừ phần trên mặt nước.

Làn sóng dự phòng thứ ba gồm năm chiếc Lancaster đã mất hai chiếc do pháo phòng không, và một chiếc buộc phải quay trở lại căn cứ do trục trặc cơ khí. Một chiếc Lancaster khác dự tính ném bom Sorpe cũng đã phóng bom trúng đập, nhưng không có tác dụng gì. Bộ Chỉ huy Không quân biết rõ từ đầu rằng bom “Upkeep” sẽ khó có tác dụng với đập đất, và điều đó đã trở thành sự thật. Chiếc Lancaster cuối cùng của nhóm thứ ba chuyển hướng đến đập Ennepe. Trong khung cảnh hỗn loạn do lũ lụt từ hai con đập bị vỡ, chiếc Lancaster đã nhầm mục tiêu và đánh bom đập Bever, nhưng không để lại tổn hại nào đáng kể (Dildy, 62). Bộ Không quân đã giữ bí mật về sai lầm này. Tất cả máy bay sau đó đều về nhà, nhưng với sự rình rập của súng phòng không và máy bay chiến đấu của kẻ thù, không phải ai cũng quay trở lại thành công.

Nhận định

Hai đập Eder và Möhne đã bị phá hủy hoàn toàn; Sorpe và Ennerpe cũng chịu thiệt hại nặng nề. Chiến dịch được coi là một thành công vang dội, và biệt đội ‘Dambusters’ đã được trao tặng 34 huy chương. Phóng viên báo chí Anh ngay lập tức đăng tải những bức ảnh tàn tích chiến dịch từ các chuyến bay trinh sát, biến câu chuyện này thành một chiến thắng lừng lẫy của phe Đồng Minh trên đất Đức. Tuy nhiên, cái giá cho chiến dịch này cũng đắt đỏ. Tám trong số 19 chiếc Lancaster đã không thể trở về, 53 người thiệt mạng và ba người sống sót trở thành tù nhân chiến tranh (Morris, 170).

Trở lại nước Đức, sóng thần từ con đập Möhne bị vỡ đã quét qua thung lũng bên dưới, trải dài 80 km. Nước lũ tàn phá hơn 125 nhà máy, phá hủy hơn 1.000 ngôi nhà, nhấn chìm hai nhà máy thủy điện và phá hủy bảy nhà máy khác, làm ngập nhiều mỏ than và cuốn trôi gần 50 cây cầu. Hơn 1.300 thường dân chết trong trận lũ này, nhiều người trong số họ đã trú ẩn trong hầm trú bom do còi báo động. Trong số các nạn nhân có gần 500 phụ nữ Ukraine, những người lao động cưỡng bức. Hàng ngàn gia súc đã chết đuối và phần lớn đất đai ngập lụt, không thể làm nông nghiệp cho đến hết chiến tranh. Thảm họa này được gọi là Möhnekatastrophe (thảm họa Möhne). Vụ đập Eder bị phá hủy cũng vô hiệu hóa bốn trạm điện, phá hủy 14 cây cầu và giết chết 47 người.

Hình ảnh đập Möhne bị phá hủy
Hình ảnh đập Möhne bị phá hủy

Đây là tổn thất nhân mạng lớn nhất trong một cuộc không kích của RAF cho đến thời điểm đó của cuộc chiến. Việc thiếu nước ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động của các nhà máy, mỏ than và khả năng chữa cháy. Ngoài ra, phía Đức buộc phải chi rất nhiều tài nguyên để bảo vệ các con đập khác bằng hệ thống phòng không. Nói tóm lại, thật “ngớ ngẩn khi cho rằng Đức có thể chịu đựng sự tàn phá nặng nề như vậy mà không ảnh hưởng đến chiến tranh” (Hastings, 286).

Đối với người Anh, việc Thiệt đội ‘Dambusters’ gây ra phần lớn được sửa chữa chỉ trong vài tháng chắc chắn là một sự thất vọng. Điều quan trọng là nhiều nhà máy sản xuất vũ khí vẫn nguyên vẹn và sản lượng vẫn tiếp tục tăng trong dài hạn. Một điều khó hiểu là Bộ Chỉ huy Máy bay Ném bom Anh đã không tiếp tục các cuộc không kích trong thời gian sửa chữa các con đập, một mục tiêu tương đối dễ dàng đối với bom cháy tiêu chuẩn.

‘Trái ngọt’ từ một chiến dịch ‘đắng’

Tuy nhiên, cũng có những thành công “vô hình” dù không kém phần quan trọng trong nhiệm vụ này. Nước Anh đã chứng minh được năng lực vượt bậc trong việc lập kế hoạch và thực hiện các chiến dịch thời chiến, điều mà họ còn yếu kém cho đến thời điểm đó trong cuộc chiến tranh thế giới. Churchill nhận được sự khích lệ lớn trong quan hệ với các đối tác quan trọng như Hoa Kỳ, Canada và Nga. Chiến dịch được tận dụng hết mức cho mục đích tuyên truyền, khi Gibson được cử đi thuyết trình khắp Bắc Mỹ.

Những thành công khác của Chastise bao gồm việc xác nhận lợi ích của việc ném bom chính xác ở độ cao thấp vào các mục tiêu cụ thể bởi các phi hành đoàn được huấn luyện kỹ lưỡng và được lựa chọn thủ công. Đây là điều mà Bộ tư lệnh Ném bom theo đuổi thành công cho đến hết chiến tranh, song song với chiến thuật ném bom các khu vực rộng lớn hơn bằng số lượng máy bay lớn. Việc sử dụng tần số VHF (tần số rất cao) cũng là một bước đột phá lớn và khiến tất cả các nhiệm vụ sau đều có một máy bay ném bom dẫn đầu, đóng vai trò ‘Người đánh bom chính’, người có thể liên lạc thông tin quan trọng cho những máy bay khác. Phi đội số 617 được sử dụng trong các nhiệm vụ khác có mục tiêu chiến lược cụ thể trong suốt cuộc chiến và kết thúc cuộc xung đột với tư cách là phi đội ném bom hạng nặng chính xác nhất.

Sau Chiến dịch Chastise, Gibson được trao Huân chương Chữ thập Victoria. Wallis được phong tước hiệp sĩ năm 1968. Cả hai người đều trở thành anh hùng dân tộc. Trong thời hiện đại, Chastise đã được đánh giá lại tác động của nó đối với dân thường. Việc cố ý đánh bom các mục tiêu như đập nước gây thiệt mạng lớn cho dân thường ngày nay được phân loại là tội ác chiến tranh trong Các Nghị định thư bổ sung cho Công ước Geneva.

Rate this post
Kim Lưu
Chào mọi người, mình là Kim Lưu, người lập Blog Lịch Sử này. Hy vọng blog cung cấp cho các bạn nhiều kiến thức hữu ích và thú vị.

BÀI LIÊN QUAN