Lịch Sử Hoa Kỳ

Chiến dịch Philadelphia: Bước ngoặt trong Chiến tranh Cách mạng Mỹ

Chiến dịch Philadelphia xảy ra trong cuộc Cách mạng Mỹ (1775-1783). Quân đội Anh cố gắng chiếm đóng Philadelphia, thủ đô cách mạng của Mỹ

Kim Lưu
tổng hợp và biên dịch từ World History
chien dich philadenphia cach mang my

Vào đầu năm 1777, cục diện cuộc Chiến tranh Cách mạng Mỹ vẫn chưa hoàn toàn ngã ngũ, dù Tướng Sir William Howe – tổng chỉ huy quân Anh ở Bắc Mỹ – đã giành loạt thắng lợi quan trọng trong năm 1776. Ông đánh bại người Mỹ ở Trận Long Island (27/8/1776), chiếm thành phố New York, và đuổi Quân đội Lục địa rút qua New Jersey trong tình trạng rệu rã. Danh tiếng ông lên đến đỉnh điểm, báo chí Anh tung hô, và nhà vua đích thân phong tước hiệp sĩ để ghi nhận công lao. Song, Howe lại không thể tận dụng thời cơ để tiêu diệt hẳn chủ lực của Tướng George Washington. Khi mùa đông cận kề, ông ngưng truy đuổi, đưa quân vào doanh trại nghỉ đông, tin rằng Quân đội Lục địa bệnh tật, thiếu thốn sẽ tan rã.

Nhưng Washington một lần nữa chứng tỏ mình là đối thủ đáng gờm. Giữa băng tuyết ngày Giáng sinh 1776, ông vượt sông Delaware, giành hai thắng lợi chớp nhoáng tại Trenton (26/12) và Princeton (3/1/1777). Chiến công phi thường này giúp vực dậy tinh thần người Mỹ, thu hút thêm tân binh, và duy trì lực lượng đủ mạnh để tiếp tục đối đầu quân Anh. Kết quả là vào đầu năm 1777, khi Howe còn đang tận hưởng cuộc sống xa hoa ở New York, Quân đội Lục địa đã tập kết trên các cao điểm tại Morristown (New Jersey) và dần trở nên bền bỉ, khó lường hơn.

Bấy giờ, London kỳ vọng Howe sớm giải quyết cuộc nổi dậy: tiêu diệt Quân đội Lục địa và chiếm thành phố Philadelphia – thủ đô cách mạng, nơi đặt trụ sở Quốc hội Lục địa (Second Continental Congress). Vì vậy, Howe ấp ủ kế hoạch “một mùa chiến dịch kết thúc chiến tranh”: vừa phá tan Quân đội Lục địa, vừa chiếm Philadelphia. Với ông, nếu làm được hai việc đó, phong trào phản loạn sẽ sụp đổ, nhân dân Mỹ mất tinh thần, và “Năm 1777” sẽ trở thành “năm của giá treo cổ” dành cho những kẻ “phản loạn”.

Tháng 2/1777, Howe trao đổi kế hoạch với Lord George Germain – Bộ trưởng Thuộc địa Anh. Germain hồi đáp với ý định khác: muốn Tướng John Burgoyne dẫn quân từ Canada đánh xuống theo sông Hudson, nhằm chia cắt các thuộc địa miền Bắc (New England) khỏi phần còn lại. Germain đề nghị Howe phối hợp lên phía bắc hợp lực với Burgoyne. Tuy nhiên, Howe không thích ý tưởng “góp công” để Burgoyne gặt hái vinh quang; ông tha thiết muốn tiến về Philadelphia và hứa chỉ khi chiếm xong thủ đô, ông mới hỗ trợ Burgoyne. Cuối cùng, Germain đồng ý, mặc dù không đáp ứng đầy đủ yêu cầu về tiếp viện và nhu yếu phẩm. Howe đành chấp nhận, bắt đầu chuẩn bị chiến dịch đánh Philadelphia.

Khởi đầu Chiến dịch & Hành trình đường biển

Trong khi đó, Quân đội Lục địa ở Morristown theo dõi động thái Anh với sự tò mò. Vào mùa hè 1777, thấy New York Harbor nhộn nhịp tàu chiến, Washington di chuyển quân lên vùng đồi Middlebrook (New Jersey) để tiện quan sát. Nhận ra Washington đang “ân cần” theo dõi mình, ngày 13/7, Howe dẫn 18.000 quân “làm trò” diễu binh sang New Jersey, như thể sắp vượt sông Delaware tấn công Philadelphia. Tuy nhiên, trinh sát Mỹ báo cáo quân Anh không mang đủ hành lý cho cuộc hành quân dài; Washington không mắc lừa. Thấy không “nhử” được đối phương ra khỏi phòng tuyến, Howe cho quân quay lại New York, rồi bất ngờ lên tàu rời cảng ngày 24/7/1777, dong buồm ra Đại Tây Dương.

Howe quyết định chọn đường biển thay vì hành quân đường bộ, vì tuyến đường bộ qua sông Delaware bị người Mỹ bố trí nhiều đồn mạnh, tiêu biểu là Fort Mercer và Fort Mifflin, có thể cản trở nghiêm trọng tiến độ của quân Anh. Ngờ đâu, hành trình đường biển này hóa ra gian khổ: mất cả tháng giữa mùa hè oi bức, binh lính chen chúc trên tàu, nhiều người ốm đau, mệt mỏi. Mãi đến 25/8/1777, đoàn thuyền Anh mới cập bến Head of Elk, Maryland, rồi nghỉ ngơi vài ngày trước khi tiến vào Pennsylvania.

Lúc này, Washington đã phán đoán đúng hướng di chuyển của đối phương, nhanh chóng hành quân ra chốt chặn ở gần Brandywine Creek, với lực lượng khoảng 16.000 người (bao gồm dân binh và lính chính quy). Địa hình quanh Brandywine cho phép người Mỹ phòng thủ ở những điểm vượt (ford) qua suối. Tuy nhiên, họ bỏ sót hai điểm vượt xa hơn về phía bắc, không có quân chốt giữ. Nhờ Loyalist (Tory) nổi tiếng Joseph Galloway cung cấp tin tức và dẫn đường, Howe âm thầm điều 9.000 quân bọc sườn cánh phải Mỹ, trong khi 5.000 quân dưới quyền Tướng Wilhelm von Knyphausen đánh vào mặt trước để thu hút sự chú ý.

Trận Brandywine & Việc chiếm Philadelphia

Ngày 11/9/1777, quân Anh tấn công Brandywine. Knyphausen đánh vào trung tâm, còn Howe và Cornwallis vòng sang phải. Dù bất ngờ, Washington kịp đưa viện binh giữ cánh phải. Nhưng vào lúc chiều muộn, trung quân Mỹ bị đột phá, hai cánh đều suy yếu, buộc Washington lệnh rút quân về Chester (cách đó khoảng 22 km). Nhờ tướng Nathanael Greene kìm chân quân Anh trong rút lui, Quân đội Lục địa thoát khỏi nguy cơ tan tác. Dẫu Howe thắng trận, mục tiêu “tiêu diệt hoàn toàn” Quân đội Lục địa vẫn bất thành.

Washington vẫn cố tránh để Philadelphia rơi vào tay địch “dễ dàng”. Trong tuần tiếp theo, ông tránh giao chiến trực diện nhưng quấy nhiễu bước tiến của Howe. Có lúc hai bên sắp đánh nhau tại Warren Tavern (16/9), nhưng một cơn bão lớn ập đến khiến thuốc súng và đạn dược ướt sũng, buộc hai phe tạm hoãn. Sử Mỹ gọi sự cố này là “Trận Mây Mù” (Battle of the Clouds). Thừa dịp, Washington rút qua sông Schuylkill ngày 19/9, để lại Tướng Anthony Wayne với 1.500 quân quấy nhiễu hậu quân Anh.

Đáng tiếc, Wayne bị đánh úp tại Paoli Tavern đêm 20/9. 1.200 quân Anh do Tướng Charles Grey chỉ huy bí mật tập kích, ra lệnh rút đá lửa khỏi súng để tấn công bằng lưỡi lê trong im lặng. Quân Mỹ đang ngủ say, bị đâm chớp nhoáng, và gánh tổn thất lên đến 200 người chết hoặc bị thương. Sau “Thảm sát Paoli”, Washington càng e dè, hạn chế va chạm lớn với quân Anh. Nhân lúc đó, ngày 22/9, Howe nghi binh lên phía bắc, buộc Washington chuyển quân theo. Rồi bất chợt, Howe quay lại hướng nam, tiến thẳng vào Philadelphia mà hầu như không gặp kháng cự. Sáng 26/9/1777, Lord Charles Cornwallis dẫn quân vào thủ đô Mỹ, nhưng Quốc hội Lục địa đã rời đi từ trước, mang theo nhiều vật dụng quan trọng.

Tìm cách kiểm soát sông Delaware & Trận Germantown

Dù đã chiếm Philadelphia, Howe vẫn lo lắng. Đường sông Delaware bị Fort Mifflin (trên một hòn đảo) và Fort Mercer (trên bờ đông) án ngữ, hỗ trợ bởi hạm đội nhỏ của Commodore John Hazelwood, khiến tàu Anh không thể tiếp cận trung tâm thành phố để cấp nhu yếu phẩm. Sợ bị “nhốt” trong Philadelphia, Howe dàn quân 9.000 người ra Germantown (cách 8 km), chỉ chừa 3.000 người canh giữ thành phố.

Washington, đóng ở Skippack Creek (40 km ngoài Philadelphia), chớp cơ hội muốn đánh “phủ đầu” lực lượng chủ lực Anh tại Germantown. Ông cho quân hành quân suốt đêm (khoảng 23 dặm, tức 37 km) và bất ngờ tấn công rạng sáng 4/10/1777. Ban đầu, quân Anh bị giật mình, các trạm gác bị quét sạch. Tuy nhiên, một lớp sương mù dày đặc khiến các đơn vị Mỹ mất liên lạc, vô tình bắn lẫn nhau. Lợi dụng thời gian, Anh tổ chức phản kích, đẩy lùi Quân đội Lục địa. Thất bại ở Germantown làm quân Mỹ buộc phải rút lui, song tinh thần lính vẫn cao, họ tin mình chỉ thua vì “lỗi kỹ thuật” chứ không phải do Anh quá mạnh.

Sau Germantown, Howe quyết “siết chặt” Philadelphia bằng cách chiếm hai pháo đài Fort Mifflin và Fort Mercer, dẹp nốt hệ thống phòng thủ sông Delaware. Ông hợp lực với Hải quân Anh do anh trai, Đô đốc Richard Howe, chỉ huy. Cuộc công kích Fort Mercer (Trận Red Bank) ngày 22/10 ban đầu thất bại: 1.200 lính Đức do Đại tá Carl von Donop chỉ huy bị chặn đứng bởi 400 lính Mỹ (gồm Trung đoàn 1 Rhode Island, nổi tiếng vì nhiều binh sĩ da màu). Donop tử thương, hơn 300 lính Đức bị giết, bị thương hoặc bị bắt. Dẫu vậy, tới ngày 10–15/11, Anh dội bão lửa lên Fort Mifflin, buộc nơi này đầu hàng. Tiếp đến, Fort Mercer bị Lord Cornwallis uy hiếp với 2.000 quân (20/11), chỉ huy Mỹ Christopher Greene đành bỏ đồn. Sang cuối tháng 11, Howe đã kiểm soát hoàn toàn cửa sông Delaware, bảo đảm nguồn tiếp tế cho mùa đông.

Mùa đông 1777–1778 & Sự ra đi của Howe

Tháng 12/1777, hai phe đụng độ nhẹ tại White Marsh (5–8/12), không phân thắng bại. Sau đó, họ “rút” về doanh trại mùa đông: quân Anh ở Philadelphia, Quân đội Lục địa tại Valley Forge (cách 32 km). Tướng Howe lúc này tuy giữ được thủ đô Mỹ nhưng lại day dứt: ông không diệt nổi Quân đội Lục địa, cũng không bắt được Quốc hội. Mục tiêu quan trọng nhất của Chiến dịch Philadelphia – khiến Mỹ nản chí và chấm dứt kháng chiến – đã không thành. Tồi tệ hơn, ở hướng bắc, Tướng Burgoyne bị quân Mỹ bắt buộc đầu hàng tại Saratoga (tháng 10/1777), làm phong trào cách mạng càng sục sôi. Howe chỉ trích chính quyền London không cung cấp đủ hỗ trợ, và cuối tháng 10, ông chính thức đệ đơn từ chức. Mãi đến tháng 4/1778, tin chấp nhận cho Howe rời chức vụ mới tới Philadelphia.

Trước khi ra đi, Howe cùng bộ chỉ huy Anh ăn chơi xa hoa, nổi tiếng nhất là lễ hội “Mischianza” ngày 18/5/1778 – dạ tiệc “tiễn” ông và phô trương thanh thế tại Philadelphia. Trong khi đó, Quân đội Lục địa ở Valley Forge phải chịu rét mướt, đói khát, bệnh tật. Khoảng 2.500 binh sĩ chết vì đói, lạnh, và bệnh tật. Washington nỗ lực tái tổ chức, đưa Nathanael Greene làm Tổng quản lý hậu cần (Quartermaster General), gửi các nhóm đi gom lương thực, và tiến hành tiêm ngừa đậu mùa trên diện rộng. Đặc biệt, ông mời Nam tước Friedrich Wilhelm von Steuben – sĩ quan người Phổ – đến huấn luyện tác phong, đội hình, và chiến thuật. Nhờ vậy, lính Mỹ dần trở nên chuyên nghiệp, kỷ luật, sẵn sàng cho thử thách mới.

Đồng minh Pháp & Việc rút khỏi Philadelphia

Tháng 2/1778, Pháp chính thức ký Hiệp ước Liên minh với Mỹ. Hay tin một hạm đội Pháp rời cảng Toulon hướng sang Tây bán cầu, chính phủ Anh yêu cầu Tướng Sir Henry Clinton (người thay Howe) rời Philadelphia, tập trung quân về New York – thành phố được coi là “giá trị chiến lược” hơn. Ngày 15/6/1778, quân Anh bắt đầu hành quân bộ rút khỏi Philadelphia, vượt sông Delaware sang New Jersey. Washington quyết bám theo để “gỡ gạc” danh dự sau những thất bại năm trước. Hai bên đụng độ ở Trận Monmouth (28/6/1778). Phó tướng Washington là Tướng Charles Lee tiến quân thiếu quyết đoán, vội vàng ra lệnh rút khi Clinton phản kích, suýt gây hỗn loạn. May thay, Washington kịp thời trấn tĩnh, bố trí hàng ngũ kháng cự. Kết quả trận Monmouth không ngã ngũ, nhưng Quân đội Lục địa đã thể hiện sự trưởng thành về kỷ luật và chiến thuật – thành quả rõ rệt của “lò luyện” Valley Forge.

Tháng 7/1778, Clinton đưa quân về lại New York, Washington đóng tổng hành dinh ở White Plains. Thực tế, hai bên quay lại vị trí gần như cũ từ cuối năm 1776, trước khi Chiến dịch Philadelphia bắt đầu. Thành phố Philadelphia trở lại tay người Mỹ, đồng nghĩa mọi thành quả mà Howe bỏ công sức giành được suốt năm 1777–1778 trở nên vô nghĩa về lâu dài. Cùng với thất bại song song của Burgoyne tại Saratoga, chính phủ Anh buộc phải chuyển trọng tâm chiến trường về miền Nam, nơi họ tin dân Loyalist (Trung thành) đông hơn, hy vọng dễ “chia rẽ” và kiểm soát. Giai đoạn sau của cuộc chiến kéo dài đến năm 1780–1781, kết thúc với thất bại cuối cùng của Anh ở Yorktown.

Ý nghĩa & Đánh giá Chiến dịch Philadelphia

  1. Mục tiêu không trọn vẹn
    Howe bước vào chiến dịch với kỳ vọng “kép”: chiếm Philadelphia và tiêu diệt Quân đội Lục địa. Ông chỉ thành công một nửa: kiểm soát thủ đô Mỹ khoảng chín tháng (từ 9/1777 đến 6/1778) nhưng không thể giáng đòn quyết định lên Quân đội Lục địa. Thực tế, việc chiếm được “thủ đô” cũng không làm người dân Mỹ mất ý chí kháng chiến, vì Quốc hội Lục địa di tản kịp thời, hoạt động vẫn diễn ra ở những địa điểm khác.
  2. Thất bại của chiến lược phân đôi nước Mỹ
    London muốn Howe vừa chiếm Philadelphia vừa giúp Burgoyne ở phía bắc. Hai chiến dịch diễn ra song song, không được phối hợp chặt chẽ, dẫn đến Burgoyne lâm vào thế “đơn độc” và thua đau ở Saratoga. Mặt khác, Howe liên tục than phiền không được bổ sung lực lượng, khiến ông không tài nào ép được Washington quyết tử chiến trên mặt phẳng.
  3. Tinh thần và chiến thuật của Quân đội Lục địa
    Dù chịu thua ở Brandywine, Germantown, hay phải rút chạy tại Paoli, Quân đội Lục địa vẫn “sống sót” và dần hoàn thiện về tổ chức. Mùa đông ở Valley Forge là bước ngoặt lớn: Washington giải quyết cuộc khủng hoảng lương thực, đậu mùa, đồng thời bắt đầu huấn luyện kỷ luật dưới sự hướng dẫn của von Steuben.
  4. Yếu tố Pháp tham gia chiến tranh
    Thắng lợi của người Mỹ tại Saratoga thúc đẩy Pháp ký liên minh với Mỹ, đưa chiến tranh lên tầm quốc tế, buộc Anh phải dàn trải quân lực để phòng thủ nhiều hướng. Khi hạm đội Pháp tiến ra biển, Anh buộc rút khỏi Philadelphia để củng cố New York, coi như từ bỏ mưu đồ kiểm soát trung tâm chính trị Pennsylvania.
  5. Hệ quả lâu dài
    Đến giữa năm 1778, chiến sự ở miền bắc Mỹ lắng lại, hai bên quay về thế “cầm cự” quanh New York. Người Anh chuyển hướng Nam, thực hiện cuộc xâm lược Charleston và Carolinas. Tại đây, họ gặp mô hình kháng cự du kích kết hợp đánh chính quy, cuối cùng thất bại tại Yorktown (1781). Nhìn rộng ra, Chiến dịch Philadelphia không đem lại kết quả lâu dài cho Anh, mà còn làm hao tổn binh lực, thời gian, tạo điều kiện cho Mỹ tranh thủ huấn luyện và bắt tay với Pháp.

Toàn bộ Chiến dịch Philadelphia (từ mùa hè 1777 đến giữa năm 1778) minh họa rõ sự phức tạp của Chiến tranh Cách mạng Mỹ. Tướng Howe, dù chiếm được “thủ đô” đối thủ, vẫn không đạt mục tiêu quyết định, còn Quân đội Lục địa lợi dụng từng sơ hở để tồn tại và cải thiện sức mạnh. Cuối cùng, những gì người Anh dốc công xây dựng ở Philadelphia hóa thành vô nghĩa khi họ phải rút về New York, đối phó nguy cơ hạm đội Pháp. Quân đội Lục địa, sau Valley Forge, cũng lột xác thành lực lượng kỷ luật hơn, sẵn sàng cho các chiến dịch tiếp theo. Trong bức tranh toàn cục, Chiến dịch Philadelphia vừa là cuộc đọ sức khốc liệt trên chiến trường, vừa thể hiện yếu tố địa – chính trị quan trọng, khi Pháp chính thức nhập cuộc, biến cuộc xung đột thuộc địa thành một cuộc chiến toàn cầu.

Dù Howe ra đi với bữa tiệc chia tay “Mischianza” xa hoa, những vinh quang ông từng có đã mờ nhạt trước hiện thực: chiến tranh chưa thể kết thúc nhanh chóng, nghĩa vụ đế quốc ngày càng nặng gánh. Chiến dịch Philadelphia vì thế là một bước ngoặt quan trọng, cho thấy lòng kiên trì của người Mỹ và cả những sai lầm chiến lược của đế quốc Anh. Sau chiến dịch, cánh cửa độc lập của nước Mỹ lại mở rộng thêm, còn đế quốc Anh vướng dần sâu hơn vào cuộc chiến hao tổn trên nhiều mặt trận.

Rate this post

ĐỌC THÊM

Kim Lưu
Chào mọi người, mình là Kim Lưu, người lập Blog Lịch Sử này. Hy vọng blog cung cấp cho các bạn nhiều kiến thức hữu ích và thú vị.