Cuối thời Hùng Vương, giao tranh giữa nước Văn Lang của người Lạc Việt dưới sự lãnh đạo của các vua Hùng và nước Nam Cương của người Âu Việt với sự thống lãnh của Thục Phán, con trai Thục Chế, trở nên gay gắt đến mức phải thôn tính và sát nhập lẫn nhau. Văn Lang, ở tuổi xế chiều của cuộc đời 2800 năm, đã đuối sức trong cuộc tranh đoạt này trong khi Thục Phán nổi lên như một nhân vật kiệt xuất của thời đại. Tất cả những gì còn thiếu để thống nhất hai dân tộc chỉ còn là một động cơ đủ mạnh.
Cuộc xâm lăng của Tần Thủy Hoàng mang đến động cơ ấy.
Trải qua nhiều thế kỷ chiến loạn giữa các nước chư hầu, cuối cùng Doanh Chính nhất thống Trung Hoa, khai sinh nhà Tần, tự xưng là Tần Thủy Hoàng, và tuyên bố triều đại của ông sẽ trường tồn đến thiên thu vạn đại.
Sau khi lên ngôi Tần Thủy Hoàng mạnh tay thực hiện nhiều cải cách lớn về quản trị đất nước: dẹp bỏ chế độ phong kiến, chư hầu, lập các tỉnh lỵ, quận huyện và đặt quan lại cai trị; áp dụng tư duy pháp trị với luật lệ hà khắc và hình phạt tàn khốc để khuất phục dân chúng; tận lực khai thác sức người sức của trong thiên hạ, đẩy dân chúng vào cảnh lầm than khốn cùng; đốt sách, lùng giết nho sĩ, đàn áp các tư tưởng đối lập; thực hiện những dự án xây dựng đồ sộ, mà chủ yếu là phục vụ cho cá nhân; không sai khi nói rằng cơ nghiệp nhà Tần do Doanh Chính một tay gầy dựng, nhưng cũng một tay đạp đổ.
Bành trướng thế lực và mở rộng lãnh thổ bằng cách thôn tính các vùng đất biên thùy, chinh phạt các tộc người man, di, địch là một trong những công cuộc tái thiết của Tần Thủy Hoàng sau khi thống nhất. Phương Nam được ông quan tâm nhất vì tài nguyên phong phú, đất đai màu mỡ, đặc biệt ông “ham sừng tê, ngà voi, lông trả, ngọc chau, và ngọc cơ của người Việt.”
Đánh chiếm Bách Việt
Năm 312, được bổ dụng làm Lâu thuyền tướng quân, Đồ Thư dẫn năm mươi vạn quân thủy bộ càn quét vùng đất bao la phía nam sông Trường Giang trở xuống, bấy giờ nơi sinh sống của hàng trăm tộc người khác nhau mà sử sách Trung Hoa gọi một cách ôm đồm bằng từ “Bách Việt”. Quy mô đoàn quân nam chinh của nhà Tần có lẽ đã được nói quá lên như sử sách Trung Hoa vẫn thường làm vậy. Các nhà nghiên cứu sử hiện đại tính toán theo nhân khẩu học thời đó kết luận rằng quá lắm là 10 vạn người, bao gồm cả phu khuân vác.
Dù ít nhiều thế nào thì Đồ Thư cũng chia quân năm đạo nam tiến thôn tính một mạch cho tới sát Bắc Việt ngày nay mà không gặp bất kỳ sự kháng cự nào đáng kể. Hàng loạt các dân tộc và vương quốc bị xóa sổ. Sức càn quét mãnh liệt của quân Tần không có gì khó hiểu khi ta biết rằng hầu hết các sắc dân ở mạn nam Trung Quốc ngày ấy chỉ là thiểu số và trình độ văn minh thấp hơn nhiều so với người Hoa ở mạn bắc. Trước nhà Tần thì nước Sở cũng đã nhiều lần chinh phạt phía nam để mở mang bờ cõi, nay Tần Thủy Hoàng chỉ làm tiếp công việc đó với quy mô lớn hơn.
Đất đai chiếm tới đâu nhà Tần chia quận phân huyện tới đó và cắt cử ngay quan lại cai trị. Với lãnh thổ mới chiếm được họ lập ba quận Quế Lâm (tỉnh Quảng Tây ngày nay), Tượng quận (một phần Quảng Tây và Quý Châu) và Nam Hải (Quảng Đông). Thái thú Nhâm Ngao được bổ nhiệm coi giữ Nam Hải, về sau Nhâm Ngao chết truyền chức lại cho Triệu Đà. Đến khi nhà Tần mất nước vào tay nhà Hán thì Triệu Đà nhân lúc rối ren tự lập quốc, đặt tên là Nam Việt. Nhưng câu chuyện này sẽ bàn sau.
Tiến đánh Âu Việt và Lạc Việt
Đồ Thư hội quân ở Nam Hải, nằm ở mạn đông nam của Trung Quốc ngày nay, rồi kéo lâu thuyền theo hai con sông Tả giang (dẫn vào vùng đất là Cao Bằng ngày nay) và sông Kỳ Cùng (dẫn vào vùng Lạng Sơn) tiến xuống phía nam với ý định đánh nốt đất đai của người Âu Việt và người Lạc Việt, hoàn tất thắng lợi cuộc chinh phạt.
Nhưng từ đây họ gặp sự kháng cự mãnh liệt, và cuộc nam chinh trở thành cơn ác mộng kéo dài mười năm với binh lính nhà Tần.
Lúc này có lẽ Thục Phán vừa thôn tính xong Văn Lang và sát nhập hai dân tộc Âu Việt và Lạc Việt làm một, gọi là Âu Lạc. Từ thủ lĩnh chính trị giờ đây ông kiêm thêm thủ lĩnh quân sự và thủ lĩnh tinh thần của người Việt trong công cuộc kháng chiến ngoại xâm.
Cũng nên lưu ý rằng đây là lần đầu tiên người Việt đối mặt với cuộc xâm lăng quy mô lớn như vậy từ đế quốc hùng mạnh nhất phương bắc. Họ chưa có kinh nghiệm, và khác với chúng ta giờ đây nhìn lại lịch sử biết rõ bối cảnh hai bên thế nào, người Việt thời ấy, với tất cả những cách biệt về địa lý và phương tiện thông tin, có lẽ cũng không biết kẻ thù là ai, hay họ mạnh và lớn tới mức nào.
Lần đầu tiên người Việt cảm thấy có một sự ràng buộc và nối kết về huyết thống, về tổ tiên, về văn hóa, và lãnh thổ giữa họ với nhau khi đối mặt với cuộc xâm lăng của một sắc dân hoàn toàn khác họ. Nhưng nói như thế không có nghĩa là ta bỏ qua vai trò của người lãnh đạo. Không có một tập thể hay cộng đồng nào tự động đoàn kết với nhau mà không có một lãnh đạo xuất chúng là người giúp họ nhận ra điểm tương đồng của mình, chỉ ra lợi ích chung, đặt ra mục tiêu chung, xác định chiến lược, và nhất thống nhân tâm.
Thục Phán là người đi tiên phong trước hết trong việc đoàn kết các tộc người Việt trước giờ vẫn đánh lộn với nhau và xem nhau là người ngoài. Có thể nói nếu thiếu một nhân vật như Thục Phán trong thời điểm cực kỳ hệ trọng này của lịch sử, người Hoa có lẽ đã thôn tính và sát nhập thành công đất đai của người Việt ngay từ thời ấy, khi tinh thần dân tộc chỉ vừa mới chớm nở. Các thế hệ lãnh đạo sau này đã thừa hưởng di sản lớn nhất ấy của Thục Phán, đó là tinh thần đoàn kết dân tộc mà thiếu nó thì một quốc gia nhỏ bé, núi liền núi, sông liền sông với đế chế hùng mạnh phương bắc không thể trụ vững được trước làn sóng đồng hóa của họ, và thậm chí còn vượt qua một ngàn năm đô hộ của họ.
Khốn ở Bắc Việt
Quay trở lại với cuộc tiến công của quân Tần. Đồ Thư mang đến phương nam những công nghệ tân tiến nhất của chiến tranh: thuyền chiến, vũ khí, áo giáp, binh xa; và kinh nghiệm chinh chiến hàng thế kỷ trong thời Xuân Thu và Chiến Quốc: đủ loại mưu lược, kế sách, chiến thuật, chiến lược, trận pháp, binh pháp. Bản thân Đồ Thư cũng là một chiến tướng hạng nhất của nhà Tần, hay như cách nói quen thuộc, thân trải trăm trận.
Quy mô cuộc chiến mà quân Tần mang đến vượt xa những cuộc giao tranh giữa các bộ lạc người Việt từ trước đến giờ. Và Đồ Thư hoàn toàn hợp lý nếu như ông ta có nghĩ rằng việc thôn tính đất đai người Việt chỉ như lấy đồ bỏ vào túi.
Nhưng quân Tần cũng đối mặt với không ít khó khăn mà chủ yếu là do phong thổ và địa lý mang lại. Địa hình hiểm trở vùng Tây Bắc Việt Nam khiến cho việc chuyển quân và vận lương không hề dễ dàng. Binh lính nhà Tần liên tục phải mở núi đào kênh để chuyển vận lương thực. Việc này tổn hao phần lớn nhân lực vật lực của họ. Càng tiến sâu xuống phía nam khí hậu thủy thổ càng trở nên khắc nghiệt với người phương bắc. Một phần lớn nhân lực nữa phải tiêu hao vì dịch bệnh. Phần nhân lực còn lại của họ phải kháng cự với chiến thuật đánh du kích của người Việt. Quân Tần nhanh chóng rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan, không có đường lui quân mà cũng không có sức để tiến tới.
Tư Mã Thiên ghi nhận trong Sử Ký:
Đóng binh ở đất vô dụng… Tiến không được, thoái không xong. Đàn ông mặc áo giáp, đàn bà phải chuyên chở, khổ không sống nổi. Người ta phải thắt cổ trên cây dọc đường. Người chết trông nhau
Trong khi sức quân Tần ngày một yếu, nhuệ khí ngày một giảm thì người Việt bản địa ngày càng thành thạo chiến thuật đánh du kích và tinh thần ngày càng hăng hái. Vậy nên các trận bố ráp dần lớn hơn, quy mô hơn và bài bản hơn. Ta biết rằng kỹ thuật làm cung nỏ của người Việt giai đoạn này đã rất phát triển. Trong một di chỉ khảo cổ tại Phú Thọ người ta còn đào được 2 vạn mũi tên đồng. Với một chút trí tưởng tượng hợp lý ta có thể hình dung được quân Tần phải khốn khổ thế nào khi bị vây hãm trong trận địa cung nỏ của người Việt suốt những tháng năm dài mà thậm chí còn không thể trông thấy họ.
Bước ngoặt cuộc chiến xảy ra trong một trận đánh lớn, tướng Đồ Thư tử trận, và vô số quân Tần bỏ mạng, “thây phơi máu chảy hàng chục vạn người” như sách Hoài Nam Tử cảm khái. Nhâm Ngao thay thế Đồ Thư tiếp tục duy trì công cuộc chinh phạt lúc này đã hoàn toàn thất bại.
Giữa lúc ấy thì Tần Thủy Hoàng qua đời, con là Tần Nhị Thế lên thay và kế thừa một Trung Hoa rộng lớn đang rơi vào khủng hoảng với vô số các cuộc nổi dậy của nông dân trên khắp đất nước. Công cuộc nam chinh không còn nhiều ý nghĩa với nhà Tần. Nhâm Ngao nhận lệnh lui quân khỏi vùng đất của người Việt về trấn giữ tại ba quận Nam Hải, Quế Lâm, và quận Tượng đã thôn tính trước đó. Nhâm Ngao chết, Triệu Đà lên thay thế. Triệu Đà là người cơ mưu, lại được người tiền nhiệm chỉ vẽ kế sách lâu dài, nên nhân lúc nhà Tần rối loạn đã thôn tính ca ba quận vùng Lĩnh Nam lập ra nước Nam Việt.
Tựu chung thì chiến tranh Tần-Việt kết thúc với thắng lợi thuộc về người Việt. Tuy phải trả nhiều xương máu, nhưng nền độc lập được bảo toàn. Từ đây Thục Phán chính thức ghi danh vào lịch sử như vị anh hùng dân tộc chống ngoại xâm đầu tiên, và có lẽ cũng từ đây tinh thần chống xâm lược và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ bắt đầu ăn sâu vào huyết tủy người Việt.
Kết thúc chiến tranh, uy tín và uy quyền của Thục Phán lên cao. Ông bèn lập quốc đặt tên là Âu Lạc, xưng là An Dương Vương.
…
Tham khảo:
Đào Duy Anh, 2005. Lịch sử cổ đại Việt Nam, NXB Văn hóa Thông tin.
Đào Duy Anh, 1950. Nguồn gốc dân tộc Việt Nam, NXB Thế Giới