Blog Lịch Sử

Chữ viết cổ đại – Từ hành chính đến sức mạnh tâm linh

Tâm linh và thần thánh là những vấn đề hệ trọng mang tính sống còn đối với các xã hội cổ đại. Và chữ viết cũng được dùng trong tương quan này

Kim Lưu
tổng hợp và biên dịch từ The Collector
y nghia tam linh chu viet co dai

Chữ viết không ra đời để người ta làm thơ hay viết tiểu thuyết đâu nhé. Ban đầu nó được dùng cho những thứ nhàm chán lắm – giữ sổ sách thuế má, buôn bán, và các việc kinh doanh khác. Nhưng chẳng mấy chốc, chữ viết được dùng cả cho mục đích tôn giáo nữa. Người ta bắt đầu tin rằng bản thân việc viết lách cũng mang một loại quyền năng nào đó – rằng nếu bạn viết tên của một vị thần, bạn có thể kết nối với họ, thậm chí triệu hồi họ!

Chữ hình nêm: Hệ thống chữ viết cổ xưa

Một trong những hệ thống chữ viết đầu tiên là chữ hình nêm. Nó xuất hiện khoảng năm 3.500 trước Công Nguyên ở một nơi gọi là Sumer (thuộc Iraq ngày nay). Người ta sử dụng loại chữ này để ghi chép đủ thứ– từ mấy thứ pháp lý khô khan, đến truyện kể, thần thoại, lời cầu nguyện, các loại bùa chú, thậm chí cả những lời tiên tri về tương lai. Và điều thú vị là, thời đó người ta không phân biệt những thứ này rạch ròi như cách chúng ta làm ngày nay. Rất nhiều văn bản hành chính của triều đình cũng được dâng lên các vị thần. Lịch sử, công việc, và cả lời cầu nguyện nữa, tất cả trộn lẫn vào với nhau!

Diện mạo của chữ hình nêm thay đổi rất nhiều theo thời gian. Ban đầu nó chỉ gồm những hình vẽ nho nhỏ – ví dụ như biểu tượng cho từ “vua” cơ bản là một người đội chiếc mũ lạ mắt! Nhưng sau này, nó biến đổi thành một hệ thống phức tạp hơn, một chữ có thể đại diện cho một âm tiết hoặc một chữ cái. Bạn phải được đào tạo đặc biệt mới có thể đọc và viết nó – công việc này phần lớn là mấy ông thầy ký và thầy tu. Với những người khác, chữ hình nêm chắc trông chẳng khác gì bùa phép.

Thời đó người ta vốn đã tin rằng lời nói gắn liền với sức mạnh ma thuật, vậy nên chẳng mất nhiều thời gian để liên hệ cả chữ viết với ma thuật nữa. Lúc này, họ nghĩ bạn có thể viết lời cầu nguyện, thậm chí nguyền rủa kẻ khác bằng cách viết nguệch ngoạc vài thứ! Họ viết lời nguyền lên đủ thứ, thậm chí cả trên lăng mộ của một nữ hoàng, rủa kẻ nào dám quấy rầy bà sẽ gặp điều xui xẻo ở kiếp sau. Nói về độ nghiêm túc thì miễn bàn!

Chữ viết Ai Cập cổ đại qua thời gian

Chữ tượng hình Ai Cập xuất hiện gần như đồng thời với chữ hình nêm Sumer thời xa xưa – ta đang nói khoảng thiên niên kỷ thứ tư trước Công nguyên đấy! Ban đầu, chúng giống như những hình vẽ nhỏ, nhưng theo thời gian, các biểu tượng dần trở nên trừu tượng, không còn đại diện cho ý nghĩa trực quan như trước.

Cuối cùng, người Ai Cập sáng tạo được hẳn hai hệ thống chữ viết khác nhau, như chữ thầy tu (Hieratic) và chữ bình dân (Demotic), tiện dụng hơn nhiều cho việc ghi chép nhanh. Dù vậy, họ vẫn giữ chữ tượng hình gốc, cầu kỳ hơn, cho những trường hợp đặc biệt. Dẫu Ai Cập đã đánh mất vị thế cường quốc kể từ cuối thời Tân Vương quốc, trước sự quấy nhiễu từ vương quốc Assyria và các thế lực khác, nền văn hóa và truyền thống tôn giáo của họ vẫn cực kỳ ảnh hưởng.

Sức Mạnh Của Từ Ngữ Và Hình Ảnh

Người Ai Cập cổ đại rất coi trọng phép thuật ẩn chứa trong lời nói và hình vẽ. Bạn có thể thấy điều này trong các câu chú thuật và minh văn trong các lăng mộ, hoặc trên những chiếc bùa hộ mệnh! Chữ tượng hình không chỉ dùng để ghi chép thông thường, chúng còn mang ẩn ý sâu xa hơn. Ví dụ, cây cột Djed đại diện cho sức mạnh, còn Mắt thần Horus tượng trưng cho sự bảo vệ và tái sinh.

Tên Pharaoh Ai Cập Và Nỗi Sợ Bị Xóa Sổ

Lăng mộ Ai Cập rất chú trọng việc thể hiện tên của người quá cố – trên tường, trên quan tài, ở khắp mọi nơi. Và nếu ai đó MUỐN xóa hết dấu vết và tầm ảnh hưởng của một Pharaoh, họ đơn giản chỉ cần đục bỏ tên vị vua đó đi! Nghĩ như một phiên bản siêu cổ đại của kiểu “tẩy chay” một người ấy.

Tutankhamun, cùng với song thân (Akhenaten và Nefertiti, dành cho các bạn đam mê lịch sử nhé) đã lãnh đủ trò này. Bọn họ còn đập phá cả tượng, đặc biệt là mũi và miệng, như thể tin rằng hành động đó sẽ khiến linh hồn người chết không thể thở được nữa.

Người Hy Lạp: Từ bảng chữ cái dễ dàng đến Thần số học

Người Hy Lạp xưa kia rất thông minh. Họ đã lấy bảng chữ cái của người Phoenicia – một hệ thống gồm 22 ký hiệu đơn giản – và phát triển nó. Học cái này dễ hơn nhiều so với mấy chữ tượng hình Ai Cập rối rắm hay chữ hình nêm. Người Hy Lạp, vốn luôn pha thêm chút huyền bí, lại còn thấy phép màu từ chữ viết nữa. Tình yêu dành cho ngôn ngữ này đã dẫn họ đến việc phát minh ra thần số học – bộ môn cho rằng các con số có thể dự đoán tương lai.

Chữ cái thành Con số

Vì chữ số ra còn khá mới mẻ, người Hy Lạp dùng chính bảng chữ cái của họ để biểu thị số. Họ có một thứ khá hay ho gọi là isopsephy – tức cộng các giá trị chữ cái trong một từ lại với nhau. Nếu hai từ có kết quả bằng nhau? Bùm! Chúng có liên kết thần kỳ rồi đấy. Mà bạn đoán xem? Người Hy Lạp không đơn độc trong chuyện này đâu. Người Do Thái có ý tưởng tương tự gọi là Gematria, và cả người Assyria cũng tham gia vào trò chơi phép thuật với các con số nữa.

Pythagoras: Nhà thần bí mê toán

Nhớ ông Pythagoras, ông mê tam giác ấy không? À, ổng cũng tin rằng tên và ngày sinh của bạn chứa đựng tất cả những bí mật về cuộc đời và số mệnh của bạn đấy.

Ông ấy sẽ chuyển chúng thành số và thế là – toàn bộ tính cách của bạn được phô bày! Ý tưởng này, được gọi là khoa bói tên (onomancy), cực kỳ phổ biến ở châu Âu thời trung cổ, và thậm chí tới nay, người ta vẫn cố tìm ý nghĩa ẩn giấu trong các cái tên.

Tiếng Hy Lạp: Ngôn ngữ của Thánh kinh

Nhưng Tiếng Hy Lạp không chỉ để bói toán. Nó trở nên siêu quan trọng trong Cơ đốc giáo. Tân Ước ban đầu được viết bằng tiếng Hy Lạp, vì vậy ngay cả ngày nay các học giả kinh thánh vẫn nghiên cứu ngôn ngữ này. Việc ngôn ngữ Hy Lạp sống mãi qua các văn bản tôn giáo là minh chứng cho tầm quan trọng của nó – từ các phiên bản Hy Lạp cổ được sử dụng bởi các Cơ đốc nhân Chính thống, đến các bản dịch tiếng Latinh, tiếng Anh và vô số ngôn ngữ khác được thực hiện qua nhiều thế kỷ.

Đọc thêm:

Chữ Maya cổ đại bắt nguồn từ thời gian và tế lễ

Hãy tưởng tượng một nền văn minh cổ xưa từng khởi sinh từ những người săn bắt hái lượm hàng nghìn năm trước. Người Maya chính là một nền văn minh như thế – họ tồn tại và phát triển rực rỡ trong nhiều thế kỷ trước khi bước vào giai đoạn suy tàn vào khoảng năm 900 Công nguyên (và chính thức bị chinh phục bởi người Tây Ban Nha khá lâu sau đó). Một trong những điều khiến văn hóa Maya trở nên vô cùng hấp dẫn chính là hệ thống chữ viết độc đáo của họ, được tạo thành từ những biểu tượng cầu kỳ gọi là biểu tự (glyph).

Biểu tự Maya là gì?

Loại biểu tự này ban đầu được đặt tên là “chữ tượng hình Maya” bởi các nhà thám hiểm châu Âu, những người đã nhầm lẫn khi thấy nét tương đồng giữa chúng với hệ chữ tượng hình Ai Cập (mặc dù hai hệ thống hoàn toàn không có liên quan).

Biểu tự Maya là một sự kết hợp – một số biểu tượng thể hiện cho một từ trọn vẹn, một số khác đại diện cho âm tiết hoặc âm thanh. Những người sáng tạo nên hệ chữ viết tinh vi này là các t’zib – vừa là ký lục (scribe), một phần là nghệ sĩ.

Những tín đồ cuồng thời gian: Lịch, nghi lễ hiến tế và thế giới bên kia

Người Maya bị ám ảnh bởi thời gian! Bộ lịch nổi tiếng nhất của họ, lịch Haab’, sở hữu độ chính xác cạnh tranh được với một số loại lịch tốt nhất hiện nay.

Tại sao họ lại quan tâm đến thời gian đến vậy? Chà, họ nhìn nhận thời gian như một vòng tuần hoàn – lịch sử sẽ lặp lại chính nó theo chu kỳ ngắn và dài. Ngoài ra, họ còn có một bộ lịch tôn giáo cực kỳ phức tạp (lịch Tzolk’in), và sẽ khá đau đớn khi phải tiết lộ rằng nó liên quan nhiều đến các nghi thức hiến tế người. Hoàng tộc đặc biệt phải hiến tế vào những ngày cụ thể theo lịch, và các công cụ được sử dụng trong nghi thức đều được khắc biểu tự Maya.

Người Maya có một số tín ngưỡng khá bất thường được thể hiện qua chữ viết của họ! Họ tin vào một thế giới ngầm dưới nước, nơi thời gian và không gian trở nên méo mó. Ví dụ, đôi khi bạn sẽ tìm thấy những dòng niên đại được khắc trong hang động dường như bất khả thi. Đó là bởi vì họ coi thế giới bên kia như một không gian siêu nhiên mang những quy tắc rất khác thường.

Những văn tự còn sót lại: Chuyện kể về các vị thần

Thật không may, phần lớn chữ viết của người Maya đã bị thất lạc khi người Tây Ban Nha xâm lược. Chỉ có ba cuốn sách (được gọi là các bộ sách cổ – codex) tồn tại cho đến nay. Điều thú vị là tất cả đều đề cập đến lịch trình nghi lễ, các vị thần và những thứ liên quan đến vũ trụ.

Bộ sách Dresden Codex chứa các bảng thiên văn chi tiết, bộ sách Madrid Codex có những mô tả về hiến tế và chiến tranh, còn bộ Paris Codex tập trung vào các nghi lễ và lễ hội. Và tất nhiên, những cuốn sách này chứa đầy hình minh họa thần thánh tuyệt đẹp! Người Maya tôn thờ các vị thần, và những hình ảnh này thường có chú thích bằng chữ tượng hình để giải thích về hành động của các thần linh.

Rate this post

ĐỌC THÊM

Kim Lưu
Chào mọi người, mình là Kim Lưu, người lập Blog Lịch Sử này. Hy vọng blog cung cấp cho các bạn nhiều kiến thức hữu ích và thú vị.