Từ những lò nung thô sơ ở sân sau đến các kỹ thuật nông nghiệp chưa được kiểm chứng, Đại Nhảy Vọt là một giai đoạn với những quyết định sai lầm khủng khiếp đánh dấu bước chuyển mình của Mao Trạch Đông sang chế độ độc tài. “Chiến dịch Diệt Tứ Hại” chỉ là một trong nhiều chính sách đáng ngờ, trong đó chim sẻ và các loài bị xem là “sinh vật hại” khác bị tiêu diệt nhằm tăng năng suất cây trồng. Tuy nhiên, kết quả mang lại lại hoàn toàn trái ngược, gây ra sự mất cân bằng sinh thái và thảm họa khôn lường. Những chính sách sai lầm, thiên tai, và sự ngoan cố từ chối các biện pháp hỗ trợ của Chủ tịch Mao, đã dẫn đến nạn đói chết người nhất trong lịch sử loài người.
Tham Vọng Ban Đầu
Vào tháng 1 năm 1958, Mao Trạch Đông công bố kế hoạch Đại Nhảy Vọt của mình. Ông tin rằng Trung Quốc có thể “bước đi trên hai chân” khi phát triển cả ngành công nghiệp nặng và nhẹ. Lấy cảm hứng từ kế hoạch vượt qua sản lượng công nghiệp của Mỹ trong vòng 15 năm của Liên Xô, Mao tuyên bố Trung Quốc cũng sẽ làm điều tương tự, chỉ khác là đặt mục tiêu đuổi kịp sản lượng công nghiệp của Anh.
Có thể bị ảnh hưởng bởi thành công của kế hoạch năm năm đầu tiên, tầm nhìn của Mao vô cùng tham vọng. Ông không chỉ muốn thay đổi cán cân nông nghiệp và công nghiệp một cách triệt để mà còn mong thực hiện điều đó dưới lý tưởng xã hội chủ nghĩa. Nông dân khi đó đã dần được tổ chức thành “đội tương trợ” khoảng 10-15 hộ và sau đó là thành các “hợp tác xã bậc cao” khoảng100-300 hộ gia đình. Tuy nhiên, đến năm 1958, quyền sở hữu tư nhân bị hoàn toàn bãi bỏ và các gia đình buộc phải gia nhập các công xã do nhà nước kiểm soát. Mao nhanh chóng yêu cầu các công xã này tăng sản lượng lương thực trong khi vẫn phải phát triển sản lượng công nghiệp thông qua công nghiệp hóa nông thôn thô sơ. Chính phủ Trung Quốc coi nguồn lao động con người dồi dào từ khu vực nông thôn như một nguồn lực chưa được tận dụng hết. Đây là nỗ lực của chính phủ nhằm bù đắp cho lượng vốn đầu tư thực sự cho ngành công nghiệp.
Năm 1955, Mao tuyên bố quan điểm rằng quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội nên đạt được kết quả “lớn hơn, nhanh hơn và tiết kiệm hơn”. Điều này dẫn đến “những bước tiến liều lĩnh”, một thuật ngữ ám chỉ sự quản lý kinh tế yếu kém, tự tin thái quá và tình trạng chi tiêu quá mức – vốn đã được nhận ra và khắc phục thông qua kế hoạch năm năm đầu tiên. Những ai bày tỏ sự nghi ngờ về khả năng thất bại bị buộc tội không tôn trọng “cuộc đấu tranh giai cấp” và do đó trở thành kẻ thù của “sự sùng bái Mao Chủ Tịch”.
Đại Nhảy Vọt Thực Chiến
Nạn đói Đại nhảy vọt, nạn đói chết người nhất lịch sử nhân loại, bắt nguồn từ việc thực thi chính sách kém hiệu quả, học thuyết chuyên chế của Mao và sự tự tin thái quá. Trong một cuộc họp Bộ Chính trị năm 1958, dự đoán sản lượng thép sẽ tăng gấp đôi chỉ sau một năm, với phần lớn mức tăng này đến từ những lò nung thép ở sân sau mới được áp dụng.
Các lò nung thép thô sơ được giới thiệu tại mọi công xã cũng như khu dân cư ở thành thị theo lệnh của Mao, bất kể việc ông không hề có kiến thức luyện kim. Trong những lò nung thô sơ này, “phế liệu” sẽ được nấu chảy với hy vọng đạt được các mục tiêu sản xuất thép mới. Tuy nhiên, các mục tiêu này thiếu thực tế một cách đáng kinh ngạc. Đồ dùng cá nhân như nồi niêu, xoong chảo đã bị đem hiến tế để cố gắng đạt được những chỉ tiêu ấy.
Hậu quả của những chiếc lò sân sau và các mục tiêu đi kèm đã gây chết chóc về sau. Nhiều nông dân nam giới buộc phải rời bỏ đồng ruộng để hỗ trợ sản xuất sắt, làm giảm thu hoạch tại một đất nước đang bùng nổ dân số. Tất cả những hy sinh vì thép đều vô ích, vì sản phẩm phần lớn chỉ là gang chất lượng thấp, không mang lại nhiều giá trị. Rất lâu sau, Mao mới nhận ra rằng sắt chất lượng cao đòi hỏi các nhà máy lớn để sản xuất. Sự khủng bố trong “Chiến dịch Trăm Hoa Đua Nở” năm 1956 có lẽ khiến cho ngay cả những chuyên gia có thể lường trước số phận bi thảm của kế hoạch này cũng phải quá sợ hãi để lên tiếng phản đối.
Nhiều chính sách tai hại khác được thực hiện trong lĩnh vực nông nghiệp. Những ý tưởng gây tranh cãi nhằm tăng năng suất cây trồng của nhà nông học Liên Xô Trofim Lysenko (hiện đã bị lên án rộng rãi) được Mao áp dụng và thực hiện như một phần của Đại Nhảy Vọt. Gieo trồng với mật độ dày, cày xới sâu… đều là những ý tưởng sai lầm và kém hiệu quả. Bên cạnh đó, đất trồng với năng suất trung bình bị bỏ hoang, chỉ tập trung phân bón và nhân lực vào những khu đất màu mỡ nhất. Dù vậy, tất cả những ý tưởng này đều dẫn đến tình trạng giảm sản lượng lương thực mặc cho nhiều nỗ lực tập trung. Hệ thống thủy lợi cũng được xây dựng nhưng không hề có sự tham vấn từ các kỹ sư vì Mao không tin tưởng giới trí thức.
Một nguyên nhân sâu xa khác của nạn đói, khiến số người chết gia tăng, chính là cách chính quyền đối xử với nông dân trong các công xã. Hệ thống công xã và lệnh cấm sở hữu tư nhân đã phá hủy nền tảng kinh tế truyền thống của nông dân. Đầu tiên, thực phẩm trong các công xã được cung cấp miễn phí cho đến khi nguồn cung bị bóp nghẹt. Khi đó, số phận của người nông dân hoàn toàn phụ thuộc vào các quan chức địa phương – những người thường xuyên tổ chức các “phiên đấu tố”, hăm dọa và hành hung dân làng. Khoảng 6 đến 8% số người chết trong Đại nhảy vọt là do bị tra tấn.
Ralph Thaxton, giáo sư tại Đại học Brandeis và là tác giả cuốn sách “Trung Quốc Ngược Chiều: Tính Chính Danh của Cách mạng trong Thế giới Nông dân”, viết, “Những đòn đánh vào cơ thể gây ra nội thương nghiêm trọng, cộng với tình trạng đói lả và kiệt quệ, là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tử vong.”
Sự kết hợp hoàn hảo giữa yếu tố thiếu năng lực, nỗi sợ hãi và lòng kiêu ngạo này đã làm 15 đến 55 triệu người chết (con số ước tính). Đây được coi là nạn đói kinh hoàng nhất trong lịch sử nhân loại.
Nạn đói khủng khiếp
Nguồn cung cấp lương thực bị thu hẹp lại càng gây ra nhiều hậu quả tàn khốc do những cải tiến y tế mà Trung Quốc vừa đạt được. Tỷ lệ tử vong ở trẻ sơ sinh giảm và tuổi thọ tăng lên đồng nghĩa với nhu cầu lương thực tăng theo. Vì vậy, việc thiếu lương thực gây ra nhiều ca tử vong hơn so với tình trạng này ở các thập kỷ trước. Thêm vào đó, quá nhiều lao động bị chuyển sang lĩnh vực công nghiệp dẫn đến tình trạng mùa màng bị bỏ mặc, thối rữa trên đồng ruộng vì không có người thu hoạch.
Nỗi sợ hãi từ các làn sóng thanh trừng chính trị trước, cộng với các mục tiêu sản lượng nông nghiệp phi lý, đã khiến các quan chức địa phương chịu áp lực lớn. Họ buộc phải báo cáo những mùa bội thu được tạo ra nhờ so gọi “sáng kiến nông nghiệp mới.” Các quan chức này thậm chí còn đua nhau thổi phồng sản lượng để thăng tiến. Đây là yếu tố chủ chốt gây ra nạn đói. Nạn “thừa ảo thiếu thật” khiến chính quyền tiếp tục xuất khẩu lượng lớn ngũ cốc trong khi chính người dân trong nước chết đói. Điều này khiến ta liên tưởng tới sự tàn nhẫn của Stalin khi ông ta vẫn xuất khẩu 1,8 triệu tấn ngũ cốc trong nạn đói Holodomor, dù không đến mức độc ác như vậy.
Một số yếu tố môi trường có thể cũng đã góp phần, dù không đáng kể, vào nạn đói như đợt hạn hán năm 1959 và lũ lụt sông Hoàng Hà ở một số khu vực của Trung Quốc. Ngoài ra, tình trạng châu chấu hoành hành trở nên nghiêm trọng hơn do “Chiến dịch Diệt Bốn Loại Sâu Bệnh”. Trong đó, chim sẻ (kẻ thù tự nhiên của châu chấu) là một trong những mục tiêu bị diệt trừ vì bị gán tội truyền bệnh..!
Điều kiện sống trong nạn đói thật khủng khiếp. Nhà văn Diêm Liên Khoa kể lại rằng ông lớn lên ở Hà Nam vào thời kỳ này và được mẹ “dạy cách nhận biết loại vỏ cây và đất nào ăn được… khi đất hết, ông biết ăn cục than có thể giúp đánh lừa dạ dày, ít ra là trong vài phút.” Những câu chuyện truyền miệng rùng rợn về nạn ăn thịt người xảy ra ở nhiều nơi trên cả nước, nhưng có rất ít tài liệu chính thức ghi nhận những trường hợp đó.
Thật khó tin, nhưng các chính sách của Đại nhảy vọt vẫn được duy trì đến tận tháng 1 năm 1961, có lẽ là để giữ thể diện. Chỉ đến Hội nghị toàn thể lần thứ chín của Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa VIII, chính quyền mới bắt đầu đảo ngược các chính sách này. Ngũ cốc không còn được xuất khẩu, thay vào đó, Trung Quốc bắt đầu nhập khẩu từ Úc và Canada, giúp giảm bớt phần nào tình trạng thiếu lương thực, nhưng chủ yếu chỉ ở các thành phố ven biển.
Mao Trạch Đông: Từ nhà cách mạng lỗi lạc đến kẻ độc tài tàn nhẫn
Đối với nhiều người, giai đoạn lãnh đạo này của Mao và vai trò của ông trong nạn đói là thời điểm Mao trở thành một nhà độc tài tàn nhẫn, ích kỷ hơn là một nhà cách mạng có tầm nhìn như ban đầu.
Vào tháng 1 năm 1962, tại “Hội nghị bảy nghìn cán bộ”, Mao từ chối thừa nhận tội lỗi của mình xung quanh nạn đói. Ông né tránh, đổ lỗi cho phe “hữu khuynh” và thực hiện chính sách kém. Trong nỗ lực củng cố quyền lực cá nhân, năm 1963, ông phát động Phong trào Giáo dục Xã hội Chủ nghĩa và năm 1966, Cách mạng Văn hóa. Cả hai phong trào đều thanh trừng những người chống đối tư tưởng của Mao và việc sùng bái nhân cách của ông ta, từ đó củng cố vị thế của ông ta sau khi bị suy yếu bởi thất bại kinh hoàng của Đại nhảy vọt.
Ngoài ra, việc Mao từ chối thừa nhận nạn đói đang tàn phá đất nước để giữ thể diện trên trường quốc tế cũng gây thêm tổn thất nhân mạng không đáng có. Trong một hội nghị vào tháng 5 năm 1962, John F. Kennedy đã nói về tình hình ở Trung Quốc: “Không có dấu hiệu nào cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc bày tỏ sự quan tâm hay mong muốn nhận bất kỳ thực phẩm nào từ chúng tôi”. Viện trợ nước ngoài do các nước khác như Nhật Bản đề nghị viện trợ cũng bị từ chối.
Sau những thất bại của Đại nhảy vọt, tốc độ công nghiệp hóa chậm lại, và trọng tâm được đặt vào các thành phố ven biển đã phát triển hơn và sản xuất hàng tiêu dùng. Trong kế hoạch 5 năm lần thứ ba, Mao cuối cùng cũng thừa nhận ở một mức độ nào đó về tham vọng quá mức đã đóng một phần trong thất bại của Đại nhảy vọt: “tốt nhất là làm ít và làm tốt”.
Sự mất mát thảm khốc của hàng triệu sinh mạng gây ra trong thời kỳ này là do nỗi sợ hãi kéo dài, sự tự tin quá mức và hoạch định chính sách thiếu hiểu biết. Nó đánh dấu sự chuyển đổi của Mao Trạch Đông sang chế độ độc tài. Cuối cùng, tất cả các chính sách của Đại nhảy vọt đều bị đảo ngược và bị lên án, ngay cả dưới sự giám sát của Chủ tịch Mao cứng đầu phủ nhận, điều này càng đánh dấu sự thất bại hoàn toàn của chúng.