Ai Cập Cổ Đại

Dấu ấn Ai Cập trong kiến trúc La Mã

La Mã cổ đại cũng say mê Ai Cập bí ẩn không kém gì chúng ta ngày nay. Cho nên dấu ấn Ai Cập rõ nét trong các công trình La Mã nổi bật

Kim Lưu
tổng hợp và biên dịch từ World History
dau an ai cap trong kien truc la ma

Rome – Thành Đô Vĩnh Cửu – đâu chỉ có đấu trường La Mã hay những kiến trúc cổ kính, nơi này còn ẩn chứa vô vàn dấu ấn Ai Cập mà ít người để ý đến. Từ ngôi đền nay đã bị lãng quên, cho đến những bức tượng uy nghi, cột tháp obelisk, và cả một kim tự tháp thu nhỏ nữa!

Ai Cập trở thành một phần của Đế chế La Mã vào năm 30 TCN, và từ đó Rome cũng bị cuốn vào cơn sốt “Egyptomania” (cuồng Ai Cập). Nói một cách dễ hiểu, người La Mã thời kỳ đầu Đế chế cũng mê mẩn Ai Cập Cổ Đại y như chúng ta mê mẩn Đế chế La Mã vậy. Dưới đây là một vài địa điểm thú vị cho những ai tò mò về Ai Cập Cổ Đại ngay tại lòng thành Rome!

Đài tưởng niệm này được lệnh xây dựng bởi Hoàng đế Domitian (trị vì 81 - 96 CN). Nó được điêu khắc ở Ai Cập và được vận chuyển đến Rome, nơi ban đầu nó được đặt tại đền thờ Isis và Serapis. Hiện tại, đài tưởng niệm này tọa lạc tại Quảng trường Navona và là một phần của Đài phun nước Bốn Dòng sông (Fontana dei Quattro Fiumi) của Gian Lorenzo Bernini (1598 - 1680 CN).
Obelisk (Đài tưởng niệm) này được lệnh xây dựng bởi Hoàng đế Domitian (trị vì 81 – 96 CN). Nó được điêu khắc ở Ai Cập và được vận chuyển đến Rome, nơi ban đầu nó được đặt tại đền thờ Isis và Serapis. Hiện tại, đài tưởng niệm này tọa lạc tại Quảng trường Navona và là một phần của Đài phun nước Bốn Dòng sông (Fontana dei Quattro Fiumi) của Gian Lorenzo Bernini (1598 – 1680 CN).

Kim Tự Tháp “Hàng Ý”

Một trong những “tàn tích” của cơn sốt “cuồng Ai Cập” dễ thấy nhất chính là Kim Tự Tháp Cestius, nằm ngay gần Porta San Paolo phía nam trung tâm lịch sử thành phố. Ngôi mộ hình kim tự tháp này được xây dựng từ năm 18 đến 12 TCN, dành cho Gaius Cestius, một chính trị gia giàu có ở Rome với niềm đam mê Ai Cập. Ông không phải là người duy nhất, vì sau khi Augustus – vị Hoàng đế La Mã đầu tiên – chinh phục Ai Cập vào năm 30 TCN, cả đế chế chìm trong cơn say mê nền văn minh Bắc Phi này.

Dù kém hoành tráng hơn kim tự tháp ở Ai Cập, Kim Tự Tháp Cestius vẫn là một điểm nhấn thú vị ngay giữa Rome – thành phố ngập tràn di tích. Thú vị nhất là ngắm nhìn kim tự tháp nhỏ bé nhưng được gìn giữ tốt này, một công trình chỉ mất 330 ngày để hoàn thành. Khó mà tin được là nó đã hiện diện hơn 2000 năm qua bao nhiêu thăng trầm của thành phố!

Điều đáng tiếc là đây không phải kim tự tháp duy nhất ở Rome cổ đại. Vùng đất nay tọa lạc tòa thánh Vatican từng có một kim tự tháp nữa, tên là “Kim Tự Tháp Romulus”. Tuy nhiên, nó đã bị tháo dỡ, “tái chế” để xây dựng một cấu trúc khác đồ sộ hơn – Nhà thờ Thánh Peter. Kim Tự Tháp Cestius, trước khi được phát hiện lai lịch vào thế kỷ 17, được gọi là Kim Tự Tháp Remus và may mắn tránh được số phận hẩm hiu kia vì nó trở thành một phần của Tường thành Aurelian (xây dựng giai đoạn 271-275) – bức tường bảo vệ thành Rome.

Cả kim tự tháp và phần tường thành vẫn có thể được chiêm ngưỡng từ con đường bên ngoài. Muốn tìm chỗ yên tĩnh hơn thì bạn rẽ vào Nghĩa Trang Tin Lành, một ốc đảo xanh mát lạ kỳ giữa đô thị. Ngồi ngay trên ghế đá ngắm nhìn kim tự tháp cổ, biết đâu lại có một bé mèo từ trại cứu hộ gần đó ghé thăm. Nếu muốn tham quan bên trong kim tự tháp thì nhớ đặt tour trước nhé. Trước khi rời nghĩa trang, nhớ ghé thăm mộ của các nhà thơ vĩ đại John Keats và Percy Bysshe Shelley nữa!

Dấu ấn Ai Cập trên đất Rome qua kiến trúc obelisk

Một trong những ảnh hưởng rõ rệt của Ai Cập để lại trên thành Rome chính là những cây cột obelisk rải rác khắp nơi. Mọi người ai cũng biết Rome có obelisk, nhưng rất ít người hiểu rõ về lịch sử hào hùng của chúng, về cuộc hành trình dài đưa chúng đến định cư tại đây. Rome có tất cả 13 cây obelisk, và thủ đô nước Ý tự hào vì không nơi nào trên thế giới lại “chứa” nhiều obelisk đến vậy.

Những cây obelisk đầu tiên được đưa về đây là từ Ai Cập, sau khi hoàng đế Augustus thắng trận Actium (năm 31 trước Công nguyên) rồi sáp nhập Ai Cập vào lãnh thổ. Một trong những obelisk nhập khẩu lâu đời nhất vẫn còn sừng sững tới ngày nay là ở Quảng trường Thánh Peter, ngay trước Vương cung thánh đường Thánh Peter ở thành Vatican.

Cây obelisk này đứng giữa quảng trường, là nơi hàng triệu tín đồ Công giáo và khách du lịch tới viếng thăm mỗi năm. Tuy đã thành biểu tượng của cả khu phức hợp Vatican, nó lại chẳng hề có liên hệ gì với đạo Cơ đốc từ xa xưa hết. Điều duy nhất người ta chắc chắn về nó là nó vốn được dựng ở thành phố Heliopolis của Ai Cập, trước khi được Augustus chuyển tới Alexandria. Sau khi về tới Rome, obelisk được lệnh của hoàng đế Caligula (trị vì năm 37-41 Công nguyên) đặt tại trường đua Circus Maximus – rất gần vị trí Vatican ngày nay. Cuối cùng thì tới tận năm 1586, nó mới được đặt cố định ở địa điểm hiện tại.

Những cây obelisk khác

Hai cây cột obelisk nữa cũng từng đứng trong Circus Maximus thời cổ đại – một đặt theo lệnh của Augustus, một của Constantius II (trị vì năm 337-361). “Cây” của Augustus còn có tên Obelisk Flaminio, người ta cho rằng nó được đẽo từ thời của Seti I (1290-1279 trước Công nguyên) và con trai của ông là Ramesses II (1279-1213 trước Công nguyên). Hiện tại, nó đứng ngay giữa quảng trường Piazza del Popolo tuyệt đẹp, ngay lối vào khu trung tâm phố cổ.

Constantius II muốn vượt mặt obelisk của người tiền nhiệm, nên đã cho mang về Rome một cây gốc gác ở Aswan (Ai Cập), được dựng ban đầu bởi Thutmose III (1458-1425 trước Công nguyên). Vào một thời điểm không rõ lịch sử, obelisk này (tên Obelisk Lateran) đã đổ xuống, bị bùn đất chôn vùi. Nó được khai quật lại vào năm 1587, và nay có thể được chiêm ngưỡng trước Vương cung thánh đường St. John Lateran. Obelisk Lateran là cây cột Ai Cập lớn nhất còn tồn tại trên thế giới!

Cùng với Obelisk Flaminio, Augustus cũng cho đem về Obelisk Montecitorio, có niên đại từ thời Psamtik II (595-589 trước Công nguyên). Tên nó còn là “Obelisk Mặt trời”, từng được đặt ở Campus Martius để làm một phần trong đồng hồ mặt trời cổ đại của Augustus – gọi là Solarium Augusti. Ngày nay, bạn có thể thấy nó ở Piazza Montecitorio, trước tòa nhà Hạ viện Ý.

Những obelisk “pha-ke” nổi tiếng

Hai trong số những cây obelisk được viếng thăm nhiều nhất ở Rome lại là… hàng giả cổ đại. Một ở đỉnh của Spanish Steps (Đồi Tây Ban Nha), một nằm trên đỉnh Fontana dei Quattro Fiumi (Đài phun nước Bốn Sông) ở Piazza Navona, do Gian Lorenzo Bernini (1598-1680) điêu khắc.

Piazza Navona là một trong những nơi hút khách nhất ở Rome, điểm tuyệt vời để ngồi nghỉ chân và tận hưởng bầu không khí đầy mê hoặc của thành phố. Vừa thưởng thức cây kem gelato mát lạnh, bạn vừa có thể ngắm nghía cây obelisk trên đỉnh đài phun nước – tuy vậy thì nó không cổ bằng những cây gốc Ai Cập kia được. Nguồn gốc thật sự của cây này không thể truy ra tới tận thời Pharaoh, dù nó xuất xứ từ Ai Cập thật. Tương truyền chiếc obelisk được dựng theo lệnh của Hoàng đế La Mã Domitian (trị vì năm 81-96 Công nguyên). Người ta đẽo nó ở Ai Cập rồi vận chuyển về, ban đầu nó để làm đẹp cho đền Isis và Serapis.

Obelisk Sallustiano nằm ở đỉnh Đồi Tây Ban Nha. Nó cũng không phải là hàng Ai Cập xịn, được dựng trong triều đại của Hoàng đế Aurelian (trị vì năm 270-275) rồi đặt trong Vườn Sallust (do nhà sử học La Mã Sallust phát triển vào thế kỷ thứ nhất Trước Công nguyên).

Đây mới chỉ là vài cái tên trong danh sách 13 cái obelisk của Rome – một thành phố không thiếu những báu vật ẩn giấu hay các di tích hấp dẫn để tìm hiểu. Hãy xem video dưới đây để học thêm về Obelisk Quirinal. Khách du lịch tới Rome chỉ có mỗi câu hỏi này: Liệu có thể nào ngắm cho hết chúng nó, mà vẫn còn thời gian để thưởng thức vài chiếc pizza ngon nhất thế giới đây?

Những tôn giáo bí ẩn từ Ai Cập xuất hiện ở Rome

Các giáo phái tôn giáo và tôn giáo huyền bí từ thế giới Hy Lạp, Ba Tư và Ai Cập cũng được người La Mã chấp nhận và tích hợp vào tôn giáo của họ. Một trong những giáo phái được tiếp nhận quan trọng nhất và nổi bật hơn cả là giáo phái Isis – nữ thần đến từ Ai Cập, được tôn sùng là nữ thần của tình mẫu tử, phép thuật, chữa bệnh và trí tuệ.

Isis, được biết đến với cái tên Bà Chủ Của Mười Ngàn Danh Hiệu, sở hữu một ngôi đền ở Rome với cái tên Iseum Campense nằm gần nơi Điện Pantheon vẫn đứng sừng sững tới ngày nay. Nữ thần được tôn kính hằng ngày bằng việc thắp sáng ngọn lửa thiêng và hát những bài thánh ca.

Isis và những vị thần Ai Cập khác

Ngôi đền Isis là một phần của quần thể đền thờ lớn hơn, cũng được xây dựng để tôn vinh thần Serapis – một vị thần mang huyết thống Ai Cập – Hy Lạp cổ đại. Serapis gắn liền với hình ảnh chú bò thiêng Apis trong tôn giáo Ai Cập và từng được cho là thần cai quản địa ngục. Tuy vậy, Serapis sau này được xem như vị thần gắn với mặt trời khi mang một phần ngoại hình của thần Zeus trong thần thoại Hy Lạp.

Một ghi chép từ lịch năm 354 sau Công Nguyên cho chúng ta biết ngày quan trọng nhất trong năm của tín đồ Isis tại Rome là mùng 5 tháng 3. Lễ hội được tổ chức để vinh danh nữ thần có cái tên Navigium Isidis, đánh dấu sự kiện mở cửa lại các tuyến đường hàng hải trong năm sau khi biển động và khép mình lại trước tàu thuyền suốt bốn tháng rưỡi. Trong lễ hội này, sẽ có một đám rước lớn và đầy màu sắc diễn ra dọc theo bờ sông Tiber, tại đó một con thuyền dành riêng cho nữ thần sẽ được hạ thủy.

Sự tàn lụi của đền đài Ai Cập và di sản của nó

Ngôi đền thờ Isis bị đóng cửa vào tháng 2 năm 391 sau Công Nguyên bởi Hoàng đế Theodosius I (trị vì năm 379-395 sau Công Nguyên). Đây là là thời điểm Thiên Chúa giáo trở thành tôn giáo hợp pháp duy nhất trong đế chế. Tuy nhiên, một số hồ sơ cho thấy các tín đồ Isis vẫn có thể tiếp tục các nghi thức của mình thêm một vài năm nữa sau khi bị chính thức cấm đoán. Có thể là do mọi người sợ cản trở niềm tin rằng các nghi lễ của Isis sẽ đảm bảo cho những chuyến đi biển an toàn và thịnh vượng. Một nguyên nhân nữa có thể bắt nguồn từ lòng trung thành dành cho vị nữ thần quyền năng đã được tôn thờ hàng ngàn năm.

Ngôi đền Isis đã không còn tồn tại, nhưng vị trí của nó thì được biết đến khá rõ ràng. Khu vực đền thờ tiếp giáp với vị trí của Thánh đường Đức Bà trên đỉnh Minerva (Basilica di Santa Maria sopra Minerva) tọa lạc ngày nay – đây là một địa điểm tham quan tuyệt vời. Nhà thờ này là nhà thờ Gothic duy nhất ở Rome và được xây dựng từ năm 1280 đến khoảng năm 1350 sau Công Nguyên bởi Dòng Đa Minh. Có thể nói đây là một trong những địa điểm linh thiêng đẹp nhất ở Rome.

Nhà thờ được xây dựng trên tàn tích của các ngôi đền cổ xưa. Cái tên “trên đỉnh Minerva” bắt nguồn từ một ngôi đền nhỏ dành riêng cho nữ thần Minerva, nằm gần đền Isis. Một số người lập luận rằng những người xây dựng nhà thờ đã nhầm lẫn ngôi đền Isis với ngôi đền dành riêng cho Minerva khi hai nữ thần đôi khi được hợp nhất và liên kết với nhau trong thời cổ đại.

Nữ thần trinh nguyên Minerva – tương đương với nữ thần Athena của Hy Lạp trong thần thoại La Mã – phần nào khá trùng khớp với các đặc điểm của Isis: nữ thần của kiến thức và trí tuệ. Sau khi Cơ đốc giáo được truyền bá và được chấp nhận, Đức Mẹ Maria đã kế thừa nhiều nét đặc trưng của những nữ thần cổ đại này, và nhiều thánh địa của họ cũng trở thành thánh địa của Đức Mẹ.

Bài tương tự:

Những gì còn sót lại

Một trong số ít dấu vết gợi nhớ đến khung cảnh Ai Cập cổ xưa ở đây là sự hiện diện của một trong rất nhiều cột tháp obelisk ở thành phố. Vốn dĩ, đã từng có nhiều chiếc cột tháp obelisk (bao gồm cả cột Macuteo trước Điện Pantheon) là một phần của quần thể đền thờ Isis và Serapis, nhưng giờ chỉ còn một chiếc duy nhất đứng vững tại quảng trường Piazza della Minerva. Đây là cột tháp obelisk nhỏ nhất của Rome, và nó nằm trên lưng một con voi được điêu khắc bởi Gian Lorenzo Bernini (1598-1680 sau Công Nguyên). Nguồn gốc của cây cột tháp này không được biết đến, nhưng vì nó được tìm thấy trong khu vườn bên cạnh tu viện của nhà thờ Santa Maria sopra Minerva, người ta tin rằng nó từng đứng ở lối vào của đền Isis trong thời cổ đại, sau khi được Hoàng đế Diocletian (trị vì năm 284-305 sau Công Nguyên) đưa về Rome.

Cho dù bạn ngồi bên ngoài quảng trường và ngắm nhìn chiếc cột tháp, hay bước vào trong và ngồi trong nhà thờ xinh đẹp này, thật khó để không nhận ra vẻ đẹp và di sản của vùng đất này – một vùng đất đã tôn vinh trí tuệ và tình mẫu tử của một nữ thần đến từ phương xa hàng ngàn năm trước.

Sau khi dừng chân ở đây một lúc, mường tượng lại hình ảnh ngôi đền thờ trước kia và cuộc sống trong đền có thể như thế nào ở thời kỳ hoàng kim của nó, bạn cũng có thể ghé thăm Bảo tàng Capitoline, nơi trưng bày những hiện vật được tìm thấy từ ngôi đền cũ. Một số hiện vật bao gồm các cột và tượng từ ngôi đền. Một bức tượng Isis cũng được đặt trong bảo tàng, được tìm thấy tại Biệt thự của Hoàng đế Hadrian ở ngoại ô Rome và có niên đại từ thế kỷ thứ 2 sau Công Nguyên.

Nếu bạn vẫn còn say mê những hiện vật và vùng đất Ai Cập, hãy đến Bảo tàng Quốc gia Rome – Palazzo Altemps. Nơi đây có một bộ sưu tập lớn các cổ vật Ai Cập. Ngay cả Bảo tàng Vatican cũng dành hẳn chín phòng cho Ai Cập cổ đại (Bảo tàng Ai Cập Gregorian).

Rate this post

ĐỌC THÊM

Kim Lưu
Chào mọi người, mình là Kim Lưu, người lập Blog Lịch Sử này. Hy vọng blog cung cấp cho các bạn nhiều kiến thức hữu ích và thú vị.