Văn Minh Hy-La

Đền Delphi và nghi thức gọi hồn của người Hy Lạp

Hy Lạp là thế giới nơi đàn ông làm chủ. Nhưng khi hữu sự thì từ vua chúa đến nông nô đều xếp hàng tìm đến một người phụ nữ để xin lời khuyên.

Hy Lạp cổ đại là thế giới nơi đàn ông làm chủ. Nhưng khi hữu sự thì từ vua chúa đến nông nô đều xếp hàng tìm đến một người phụ nữ để xin lời khuyên.

Đó là nữ chưởng tế đền Delphi, được biết đến với danh xưng Pythia.

Cầu đảo thần linh, bói toán, lên đồng, gọi hồn không phải là đặc sản của riêng phương đông, mà hiện diện trong mọi nền văn hóa và mọi thời đại. Chỉ khác nhau ở cách làm mà thôi.

Con người ở thời nào cũng có nhu cầu giao tiếp với thần linh hoặc người chết, để tìm câu trả lời cho những vấn đề nan giải của người sống.

Người Hy Lạp cổ đại đặc biệt xem trọng chuyện này. Cầu đảo không chỉ là hỏi cho biết, nhưng là “quốc gia đại sự” đối với thành bang, là chuyện lớn trong đời với mỗi người đàn ông, chứ không trò đùa.

Có hai hình thức cầu đảo chính trong thế giới Hy Lạp xưa, mà có lẽ thời cũng đều thế:

1. Vấn ý thần linh. Ở đây là thần Apollo, và địa điểm là đền thờ của thần ở thành Delphi.

2. Gọi hồn người chết. Muốn nói chuyện với ai thì gọi người đó lên. Địa điểm là các hang sâu, đầm nước, hoặc mộ địa của thân chủ, những nơi người ta tin rằng là lối xuống âm phủ.

Vấn ý thần Apollo

Apollo là vị thần chuyên ban lời sấm trong tín ngưỡng Hy Lạp. Thần ngự trong một ngôi đền “độc quyền” tại thành Delphi, nơi người ta tin rằng thần từng giết một con mãnh xà để đoạt lấy.

Tất cả mọi người ở mọi thành bang muốn vấn ý thần đều phải “hành hương” tới ngôi đền này.

Sống trong đền có một nữ thượng tế gọi là Pythia, người sẽ thay mặt thần Apollo để lắng nghe nguyện vọng khách thập phương, và ban lời sấm cho họ.

Pythia là địa vị quan trọng đầy tôn kính, ban đầu chỉ giao cho những trinh nữ “hoa khôi” trong thành. Nhưng sắc đẹp của các nàng thường khiến khách xin sấm chia trí, ảnh hưởng tới độ chính xác của lời sấm, nên về sau, người ta tuyển các bà trên 50 vào vị trí này.

Pythia có thể được chọn trong số các nữ tế làm việc tại đền Delphi, hoặc một người tiết hạnh sống trong thành. Phụ nữ có học thì tỉ lệ “đậu” Pythia cao hơn, nhưng vẫn có cơ hội cho giới nông dân.

Những Pythia đã lập gia đình thì phải bỏ chồng bỏ con khi nhận nhiệm vụ mới, thậm chí bỏ cả tên họ. Nhập vai Pythia là tận hiến cho thần Apollo, buộc ứng viên phải đoạn tuyệt với phần đời trước đây của mình.

Thần Apollo “tiếp chuyện” có giờ giấc chứ không tùy tiện. Đó là vào ngày thứ 7 trong 9 tháng hè hàng năm. Vì người ta tin rằng 3 tháng đông thần đi nghỉ. Tức là một năm Pythia chỉ ban sấm trong 9 ngày mà thôi.

Nếu là khách tới xin sấm thì bạn cần làm gì?

Vấn ý thần linh là chuyện hệ trọng, nên công tác chuẩn bị phải cho xứng hợp.

Ứng viên cần trai giới đàng hoàng trước khi khởi hành.

Vì lượng người tới xin sấm rất đông, nên có một vòng “sơ khảo” để chọn ra những người đáng được gặp Pythia. Thường thì quan chức, những người nổi tiếng, hay nhiều tiền, sẽ được ưu tiên hơn.

Ngoài ra ở vòng sơ khảo này thì các nữ tế của đền còn lắng nghe nguyện vọng hay câu hỏi của các ứng viên, thường là dài dòng, và vắn tắt lại cho gọn.

Vượt qua vòng “sơ khảo”, mỗi ứng viên sẽ dâng tế phẩm lên cho thần Apollo, rồi bắt đầu hành trình lên đền. Tới đền, họ sẽ được sắp xếp thứ tự diện kiến Pythia, thường là bằng cách rút thăm. Tuy nhiên, một lần nữa, những người nào “donate” mạnh sẽ bảo đảm khỏi phải chờ đợi.

Pythia sẽ chuẩn bị gì trước khi ban sấm

Tranh minh họa cô đồng Pythia “lên đồng”

Tuyên sấm cho thần Apollo đương nhiên là việc trọng đại, nên người ta bày ra rất nhiều nghi thức để làm cho việc này trở nên linh thiêng.

Mỗi tháng một lần, nữ chưởng tế phải cử hành nghi thức thanh tẩy trước khi tiếp kiến các ứng viên xin sấm.

Nàng phải tắm ở Suối thiêng Castalia, rồi uống nước thánh của thủy thần chảy ra từ một cái khe nhỏ gần đền. Tất cả để đảm bảo tình trạng thuần khiết nhất có thể nơi nàng, trước khi “giao tiếp” với thần Apollo.

Thanh tẩy xong, Pythia sẽ vào tẩm điện, là nơi linh thiêng nhất trong đền vì có cổng thông tới âm phủ. Nàng ngồi trên một cái ghế ba chân (tripod), kê trên một cái khe nứt mà từ trong khe đó người ta sẽ đốt các loại hương liệu có tác dụng làm mê man thần trí.

Về cái khe nứt này cũng có lý do của nó. Người Hy Lạp tin rằng các thế lực siêu nhiên của âm phủ lên xuống cõi trần qua các khe nứt trên mặt đất.

Thần thoại Hy Lạp kể rằng thuở xa xưa có một con mãnh xà canh gác đền Delphi, không cho ai ra vào. Thần Apollo xuất hiện, giương cung bắn chết con vật rồi ném xác nó xuống khe nứt. Còn bản thân thần thì chiếm lấy ngôi đền này làm chỗ ở. Bất kỳ ai ngồi trên cái khe nứt ấy sẽ được thần linh ứng.

Cái khe nứt đó chính là chỗ mà Pythia ngồi ban sấm.

Sau khi nàng đã nhập định, ứng viên bắt đầu nêu câu hỏi, và qua nàng thần Apollo sẽ xướng câu trả lời.

Tranh minh họa Pythia trong tư thế nhập định

Như mọi lời sấm ở bất kỳ đâu trên thế giới này, nnững câu trả lời ấy thường mơ hồ mông lung, như kiểu những lời từ trong kinh dịch. Nhưng không sao, trong đền đã có một vị nữ tế chờ sẵn để giải thích ý nghĩa lời sấm cho ứng viên, và đưa ra những lời khuyên.

Vị nữ tế sử dụng một số thủ pháp đặc biệt để khám phá ý nghĩa của lời sấm: như quan sát bộ đồ lòng của những con vật bị sát tế, xem xét lũ chim bay vòng vòng theo hình thù gì, hoặc để ý hành vi của những con vật trong đền thờ. Bằng cách nào đó bà ta sẽ kết nối những quan sát ấy với ý nghĩa của lời sấm đã tuyên.

Nghe có vẻ khó tin, nhưng những lời sấm này có ý nghĩa tối quan trọng với ứng viên. Họ sẽ dựa vào đó để ra những quyết định của riêng mình về vấn đề đã thỉnh thị.

Một vài thỉnh nguyện và lời sấm

Sau đây là một vài thỉnh nguyện cùng lời sấm của những nhân vật tiếng tăm thời Hy Lạp cổ đại mà người ta khai quật được:

Tôi là một nhà lập pháp xứ Sparta, gần đây có các thế lực ngoại bang nhòm ngó thành bang chúng tôi. Liệu chúng có phải mối đe dọa không, hay do tôi đang quá lo lắng. – Lycurgus người Sparta

Sấm rằng: Tiền tài chứ không phải thứ gì khác sẽ làm Sparta lụi bại.

Biết là thật ngớ ngẩn nhưng tôi luôn ám ảnh về cái chết! Có cách nào để tôi ngăn cái chết đến sớm không? – Lysander người Sparta

Sấm rằng: Chú ý độc xà, chui ra từ đất, mưu mô xảo quyệt, đến sau lưng ngươi.

Gần đây tôi có chiếm được một hòn đảo và soạn vài điều luật để cai trị họ. Nhưng tôi nên cai trị thế nào? – Solon người Athens

Sấm rằng: “Giờ ngươi ngồi giữa những chiến hạm, là hoa tiêu của thành Athens. Hãy vững tay lái, kìa trong thành ngươi có nhiều đồng minh.

Một cựu thù vừa tìm đến khiêu chiến. Chúng đông đảo hơn chúng tôi. Tôi có nên nghênh chiến? – Leonidas người Sparta.

Sấm rằng: Sức bò tót hay sức sư tử không ngăn được địch thù. Không, hắn sẽ không rời đi, chừng nào chưa xé nát thành bang hay phanh thây quân chủ.

Tuy tôi là vua nhưng luôn cảm thấy không thỏa mãn. Tôi muốn có cái gì đó thật ấn tượng. Tôi phải làm gì để lưu danh muôn thuở. Philip người Macedonia

Sấm rằng: Bằng mũi thương bạc ngươi sẽ chinh phục thế gian

Bạn tôi là người rất quan trọng, nhưng gần đây y có những quyết định khó hiểu. Tôi có nên ủng hộ y không? Cicero người Arpino

Sấm rằng: Cả đời ngươi hãy làm theo những gì tâm trí ngươi mách bảo, đừng tìm lời khuyên kẻ khác.

Bên trên là quy trình căn bản khi muốn vấn ý thần Apollo.

Nữ tế đền Apollo là nhân vật được tin tưởng nhất và có uy quyền nhất về vấn đề thỉnh thị ý kiến chư thần. Tuy nhiên, Apollo không phải là vị thần duy nhất mà người ta cầu đảo. Các thần như Zeus, Hermes, Athena cũng đều có thể ban sấm, tuy ít phổ biến hơn Apollo.

Tựu chung ở một điểm, vấn ý thần linh là việc làm không thể bỏ qua của người Hy Lạp khi đứng trước các vấn đề quan trọng, bất kể của cá nhân hay của thành bang. Một ông vua muốn dấy quân chinh phạt, một bác nông dân muốn biết vụ mùa được mất, cũng đều phải đi xin sấm kiểu vậy. Việc chống lại lời sấm đã ban và đã được giải thích của chư thần là rất nguy hiểm.

Trong bộ phim 300 Chiến Binh, trước khi dẫn quân đối đầu với quân Ba Tư xâm lược, vua Leonidas I của Spatar đã một mình lên núi hỏi ý kiến chư thần. Ta thấy có cảnh một nữ tế trẻ trung xinh đẹp, quần áo phong phanh, nhảy múa trong trạng thái mê man xuất thần, rồi ban sấm cho Leonidas.

Lời sấm, theo giải thích của các tư tế, không mấy thiện lành cho lắm vì cảnh báo quân Sparta sẽ bại trận. Leonidas bất chấp lời sấm vẫn dẫn quân nghênh địch. Khi vợ ông là Gorgo thuyết phục hội đồng nhà nước viện trợ cho chồng, những người này đã viện cớ rằng Leonidas cãi lại lời sấm của chư thần nên phải chịu sự trừng phạt, họ từ chối cứu viện.

Gọi hồn trong thế giới hy lạp

Dead men tell no tales – Kẻ kín tiếng nhất chính là kẻ chết.

Châm ngôn của Salaza trong phim Cướp Biển Carribe.

Nhưng chưa chắc.

Người Hy Lạp, cũng như người Trung Hoa, người Ai Cập cổ, hay bất kỳ dân tộc nào, luôn tin rằng mình có cách gọi người chết lên nói chuyện.

Và ta có thuật gọi hồn.

Về cơ bản thì thuật gọi hồn của Hy Lạp cũng hao hao của Trung Quốc mà chúng ta đã quen thuộc, khác ở chỗ người Hy Lạp không cần đồng cốt để nhập hồn. Có cũng được, nhưng chỉ là “tùy chọn” chứ không bắt buộc. Họ thích trực tiếp hơn, vong linh người quá cố sẽ nói với người cầu đảo.

Mọi thứ sẽ diễn ra thế này.

Chọn vị trí: Tất cả người chết ở Hy Lạp đều ở dưới âm phủ, bất kể thiện ác. Hades sẽ xét xử họ rồi phân phong ra các khu vực khác nhau dưới địa phủ.

Người cầu đảo cần tìm đến nơi nào đó “thông” với âm phủ để thực hiện nghi thức gọi hồn. Phổ biến nhất là các hang sâu, vực thẳm, đầm nước, hay chính ngôi mộ của người quá cố. Nhưng linh nghiệm nhất là đền thờ Ma vương Hades, gọi là Necromanteion.

Sửa soạn: Như nhiều nghi lễ khác, mọi hình thức tâm linh của Hy Lạp đều liên hệ đến một hay một vài vị thần cụ thể, và sát tế cho thần là công đoạn mang tính bắt buộc.

Gọi hồn cũng vậy. Vị thần linh cần “làm việc” là Hades, chủ quản cõi âm ty. Kèm với cúng tế, người cầu đảo phải tẩy trần bằng cách tắm rửa, trai giới, kiêng xác thịt. Tất cả là để bày tỏ lòng tôn kính với chư thần, và dọn mình sạch sẽ để dàng dàng “giao thông” với thế giới bên kia hơn.

Nghi thức: Gọi hồn luôn luôn thực hiện vào ban đêm. Người cầu đảo sẽ chọc tiết con vật sát tế, đốt hương liệu và các thứ hoa cỏ cụ thể, rồi dùng chú thuật theo công thức để gọi người quá cố về.

Giao tiếp: Nếu làm đúng công thức, cộng với chút may mắn, vong linh được gọi sẽ hiện về, và sẵn sàng trả lời các câu hỏi. Chính vong linh sẽ thì thầm vào tai của người cầu đảo.

Người Hy Lạp cũng có thuật gọi hồn như hầu hết mọi dân tộc khác

Nhưng nhớ rằng vong hồn người chết ăn nói không được như người sống. Tiếng nói của họ rất mơ hồ, xa xôi, và mờ nhạt. Người cầu đảo phải hết sức chú tâm để lắng nghe.

Cũng có khi các vong hồn không nói, mà ra dấu hiệu, hoặc cung cấp các điềm báo. Trong trường hợp này thì người cầu đảo cần tới một “chuyên gia” để giải thích cho họ.

Trong trường ca Odyssey của Homer có kể câu chuyện Odysseus gọi hồn người chết để nói chuyện:

“Ta chọc tiết một con cừu đen, vấy máu lên bờ vực. Vong linh những người quá cố từ nơi vực thẳm kéo lên – có già có trẻ, có nam có nữ, những người đã chịu đau khổ trần đời, nhưng người tan vỡ trong tình ái – tất cả kêu gào từ dưới vực sâu khiến ta kinh hãi. Ta vội gọi các chiến hữu tới và thiêu lũ cừu sát tế, rồi cầu khẩn với các thần coi giữ âm phủ.

Rồi ta tuốt gươm bên mình, ngồi đó, giơ trên vũng máu, còn đám oan hồn từ vực sâu kéo lên. Rồi ta hỏi từng người trong số chúng.”

5/5 - (1 vote)

ĐỌC THÊM

Kim Lưu
Chào mọi người, mình là Kim Lưu, người lập Blog Lịch Sử này. Hy vọng blog cung cấp cho các bạn nhiều kiến thức hữu ích và thú vị.