Tính cả truyền thuyết thì có thể xem Lộc Tục là nhân vật đầu tiên của Lịch sử Việt Nam, ông tổ của dòng họ Hồng Bàng, là người khoảng 5000 năm trước đây lập ra một nước tên là Xích Quỷ, tự xưng là Kinh Dương Vương.
Bờ cõi nước Xích Quỷ rộng mênh mông, kéo dài từ bờ nam sông Trường Giang của Trung Quốc, xuống tới tận tỉnh Nghệ An ngày nay.
Kinh Dương Vương cưới vợ là Long Nữ, con gái của vua thủy tề là Động Đình Quân, hay còn gọi là Tứ Hải Long Vương, và sinh ra những người con mà ông dự định sẽ chọn trong số đó ra một người kế vị. Nhưng rủi thay Kinh Dương Vương mất sớm, dẫn tới việc tranh giành quyền lực trong giữa các hoàng tử, sinh ra cảnh huynh đệ tương tàn. Không ai trong số họ nhường nhau, cũng không ai diệt được ai, thành ra mỗi người chiếm cứ một vùng đất và đều tự xưng là Kinh Dương Vương.
Chỉ riêng Sùng Lãm, tên khác quen thuộc hơn là Lạc Long Quân, không can dự vào cuộc tranh đoạt tước vị ấy, rút xuống phía nam, đến khu vực ngày nay là Bắc Bộ Việt Nam.
Lạc Long Quân trên đường xuống phía nam tiện tay thu phục nhiều loại yêu tinh, quái vật quấy nhiễu dân lành, như là Ngư tinh trên sông, Hồ tinh trên núi, Mộc tinh trong rừng v.v. giúp dân chúng sống yên ổn. Hơn thế nữa, ngài còn dạy dân cách làm ruộng, trồng lúa, các tục lệ ma chay cưới hỏi, các kỹ thuật trồng dâu nuôi tằm, dệt vải, rèn đúc v.v. nói chung là khai hóa văn minh cho họ. Sau khi làm xong các công việc ấy, ngài xuống biển sống, vì vốn là dòng dõi thủy tề. Nhưng vì thương dân nên trước khi đi ngài dặn họ hễ có việc gì cần thiết thì cứ đứng trên bờ biển mà hô to “Bố ơi, sao không lại cứu chúng tôi!” thì ngài sẽ lại tới.
Trong một lần về thăm dân chúng thì Lạc Long Quân gặp nàng Âu Cơ, vốn là tiên trên núi đang có việc trong dân gian. Đôi bên thương nhau và nên nghĩa vợ chồng. Âu Cơ mang thai và sinh một cái bọc trăm trứng, nở ra một trăm người con trai. Sau đó, vì tính chất của hai vợ chồng khác nhau, một người là tiên trên núi còn người kia là rồng dưới biển, nên không thể ở với nhau mãi được. Cuối cùng hai vợ chồng ly biệt, và chia nhau mỗi bên năm mươi người con mang đi, nửa lên núi, nửa xuống biển. Dân tộc Việt phân tán làm hàng trăm nhánh khác nhau từ ấy.
Những người con theo Âu Cơ gây dựng nhà nước đặt tên là Văn Lang, với cư dân chính là người Lạc Việt. Các vua của Văn Lang nối tiếp nhau đều xưng là Hùng vương. Kể từ đó, nước Văn Lang của người Lạc Việt, cùng với rất nhiều các nước nhỏ khác của nhiều tộc người Việt khác cùng nhau đi ra khỏi truyền thuyết và bước vào lịch sử.
Đấy cũng chính là nguồn gốc xa xôi của nước Việt Nam ngày nay xét theo truyền thuyết. Như nhiều dân tộc khác trên thế giới, như người Nhật Bản xem mình là con cháu của Thái Dương Thần Nữ, người Trung Quốc thì là hậu duệ của Hoàng Đế, người Đức coi dân tộc mình sinh ra là loài thượng đẳng v.v. người Việt Nam cũng tìm ra cho mình một xuất thân cao quý, là Con Rồng Cháu Tiên, là dòng giống anh hùng. Điều đó không có gì lạ, và cũng không có gì phải bài bác.
Các nhà khảo cổ thường không thích những truyền thuyết, họ đào bới đất đai, nghiên cứu những mảnh xương, soi xét những di vật cũ kĩ, và dựa vào suy luận tìm tòi của mình đưa ra những giả thuyết về nguồn gốc dân tộc. Thế nhưng xét ra thì những giả thuyết của họ cũng không có gì là chắc chắn, chính xác. Thỉnh thoảng sẽ lại có nhà nghiên cứu này phủ định một nhà nghiên cứu khác, lý thuyết này thay thế lý thuyết khác. Vậy nên cách giải thích nguồn gốc dân tộc Việt Nam của ngành khảo cổ học, thường có di truyền học và nhân loại học đi kèm, cũng không rõ ràng và thuyết phục hơn các truyền thuyết là bao. Và đó là câu chuyện của các học giả, không phải câu chuyện của đại chúng.
Từ Kinh Dương Vương cho tới đời Hùng Vương cuối cùng là ngót gần ba ngàn năm. Đây là khoảng thời gian mờ mịt trong lịch sử vì không có tài liệu nào ghi chép cụ thể những gì đã xảy ra. Nhưng chúng ta có thể tin rằng suốt quãng thời gian dài đằng đẵng này người Lạc Việt không hề ngồi yên. Họ sáng tạo và phát triển đời sống. Họ là những bậc thầy về nghệ thuật trồng lúa nước mà người phương Bắc hoàn toàn kém xa, hay thậm chí còn không biết tới; họ là những nghệ nhân điêu luyện về nghề luyện đồng, dệt vải, làm đồ gốm; họ đã biết sáng tạo nghệ thuật, đã hình thành một thế giới quan phong phú, đã có đời sống tâm linh sâu xa; đã có lễ nghĩa phong tục; tựu chung lại họ đã có một nền văn minh phát triển, một nền văn minh thuần Việt mà có lẽ mãi mãi chúng ta cũng không thể khám phá tường tận được.