Kitô Giáo

Chúa Giêsu Hồi giáo?

Vì gắn liền với Kitô giáo, nên vai trò của chúa Giêsu trong các tôn giáo khác thường bị lu mờ, đáng chú ý nhất là trong Hồi giáo.

Nguồn: The Collector
Chua Giesu trong Hoi Giao

Theo một hadith nổi tiếng (hadith là tên gọi các truyền thống Hồi giáo liên quan đến Tiên tri Muhammad), Muhammad cho rằng Giêsu là vị tiên tri gần gũi với mình nhất – cả trong đời này lẫn đời sau. Trong Hồi giáo, Giêsu cũng nhận được nhiều tôn hiệu đặc biệt không dành cho bất kỳ vị tiên tri nào khác, kể cả Muhammad. Các tôn hiệu này bao gồm “Đấng Messiah,” “Lời của (hoặc từ) Thiên Chúa,” và “Thần Khí của Thiên Chúa.” Tuy việc sử dụng những danh xưng cao quý cho Giêsu là điều rất đỗi quen thuộc trong Kitô giáo, nhiều người vẫn không khỏi ngạc nhiên trước cách Hồi giáo – tôn giáo lớn thứ hai thế giới – tôn kính Giêsu một cách độc đáo như vậy.

Giêsu có phải là tiên tri đặc biệt trong Hồi giáo?

Giêsu – trong tiếng Ả Rập gọi là Isa – được nhắc đến đến chín mươi ba lần trong Kinh Qur’an dưới nhiều tước hiệu. Tuy nhiên, riêng tần suất xuất hiện không làm Giêsu trở nên độc nhất, bởi các nhân vật Kinh Thánh khác như Môsê, Nô-ê, Ađam, Áp-ra-ham hay Gioan Tẩy Giả (John the Baptist) cũng được đề cập khá thường xuyên.

Dẫu vậy, một số khía cạnh trong Hồi giáo về Giêsu lại vô cùng đặc biệt. Trước hết là việc Ngài được thụ thai và chào đời bởi người mẹ đồng trinh. Kế đến, vai trò của Ngài trong “Giờ Tận Thế” – khoảnh khắc cao trào của lịch sử nhân loại, khi kẻ thù của Thiên Chúa sẽ thất bại và kỷ nguyên công lý, hòa bình được thiết lập. Nhân vật phản diện chính lúc bấy giờ được gọi là Dajjal, hay “Kẻ Phản Chúa/Phản Messiah.” Giêsu sẽ đích thân từ Thiên Đàng trở lại thế gian, tiêu diệt Dajjal, qua đó ngăn chặn cuộc chiến cuối cùng chống lại Hồi giáo.

Giêsu có xuất hiện trong Kinh Qur’an?

Kinh Qur’an không kể nhiều câu chuyện theo lối trình bày chi tiết, mà thường chỉ ám chỉ đến các sự kiện, đôi khi tìm được trong những tài liệu khác. Theo cách này, Kinh Qur’an trông cậy vào hiểu biết Kinh Thánh Cựu Ước và Tân Ước của người đọc. Chẳng hạn, Kinh Qur’an đề cập Giêsu như một bậc thầy dạy về Thánh Kinh, một người chữa lành, một đấng làm cho kẻ chết sống lại, một tiên tri, và là Đấng Messiah, nhưng lại không nêu ví dụ tường minh. Nếu chỉ dựa vào Kinh Qur’an, rất khó dựng nên một chân dung rõ nét về Giêsu trong Hồi giáo.

Tuy nhiên, về mặt thần học, với người Hồi giáo thì điều này không phải là vấn đề lớn, dù nó đặt ra nhiều câu hỏi lịch sử. Khi Muhammad đã trở thành “Dấu Ấn của các Tiên tri” (tức là tiên tri cuối cùng được Thiên Chúa sai đến cho nhân loại), thì không còn nhu cầu cốt yếu nào phải truy tìm giáo huấn riêng biệt của các vị tiên tri đi trước, vì tất cả đều truyền đạt cùng một thông điệp cốt lõi.

Phép lạ từ thuở sơ sinh

Mẹ của Giêsu là Mary (tiếng Ả Rập: Maryam) được xem là người phụ nữ được tôn kính nhất trong truyền thống Hồi giáo, và là người phụ nữ duy nhất được nêu đích danh trong Kinh Qur’an. Thậm chí, chương thứ 19 của Kinh Qur’an còn mang tên bà.

Trong một trong số ít câu chuyện về Giêsu được kể trực tiếp trong Kinh Qur’an, hài nhi Giêsu đã cất tiếng nói để minh oan cho sự trong sạch của mẹ mình trước những kẻ hoài nghi. Dù nội dung thần học mà Hài Nhi cất tiếng nói không hoàn toàn giống với ghi chép trong Kinh Qur’an, điều đáng chú ý là một tác phẩm ra đời thế kỷ II, có tên “Phúc Âm Thời Thơ Ấu của Thomas,” cũng mô tả việc Giêsu trả lời những kẻ buộc tội mẹ mình ngay từ trong nôi. Tân Ước không ghi chép bất kỳ phép lạ nào của Giêsu cho đến sau khi Ngài chịu phép rửa.

Ngược lại, theo Hồi giáo – tương tự như một số truyền thống được ghi nhận trong Kitô giáo Ngộ Đạo (Gnostic Christianity) – Giêsu đã làm phép lạ từ thuở sơ sinh. Ít nhất có thêm một phép lạ thời thơ ấu là Ngài nắn những chú chim từ đất sét thành chim sống, cũng được Kinh Qur’an đề cập. Câu chuyện này cũng hiện diện trong “Phúc Âm Thời Thơ Ấu của Thomas.”

Tại sao Thiên Chúa ban cho Giêsu một “Tin Mừng”?

Trong Hồi giáo, “Tin Mừng” (Injil) của Giêsu được hiểu là sứ điệp do Thiên Chúa mặc khải cho Ngài. Cách hiểu này khác với quan niệm của Kitô giáo. Với Kitô hữu, “Tin Mừng” (Gospel) là tin vui về việc Giêsu đã chịu chết và sống lại để cứu độ nhân loại. Với người Hồi giáo, “Tin Mừng” là thông điệp Giêsu rao giảng khi còn tại thế.

Trong Hồi giáo, Tin Mừng của Giêsu thường được nhắc như một quyển sách. Tuy nhiều người lầm tưởng rằng quyển sách này chính là Tân Ước, điều đó dễ dẫn đến hiểu lầm khi đối thoại liên tôn. Với Hồi giáo, Tân Ước bị xem là đã bị “biến đổi” và không đáng tin về mặt thần học. Dù thỉnh thoảng người Hồi giáo vẫn tham chiếu Tân Ước (đặc biệt là bốn sách Tin Mừng) nhằm trao đổi liên tôn hoặc để củng cố cho giáo lý Hồi giáo, họ không xem đó là “Tin Mừng” mà Thiên Chúa đã ban cho Giêsu. Theo cách hiểu Hồi giáo, Injil – “Tin Mừng” đích thực ấy – đã gần như mất hẳn hoặc hoàn toàn biến mất.

Giêsu có thật sự không qua đời?

Kinh Qur’an (Chương 4, câu 157–158) khẳng định Thiên Chúa đã phá tan âm mưu của những kẻ muốn đóng đinh Giêsu, giải thoát Ngài khỏi kết cục đó. Giêsu, cũng như Êlia (Elijah) và Enoch trong Kinh Thánh Do Thái, được đưa về với Thiên Chúa mà không trải qua cái chết.

Nhiều người Hồi giáo tin rằng có một kẻ khác đã bị đóng đinh thay Giêsu. Nhờ sự can thiệp của Thiên Chúa, kẻ đó trông giống hệt Giêsu. Cách giải thích phổ biến này, được nhắc đến trong một số hadith, gợi lại những truyền thống tìm thấy trong các tác phẩm Kitô giáo Ngộ Đạo, chẳng hạn “Phúc Âm Giu-đa” và “Luận Thuyết Thứ Hai của Đại Sêth,” khi một trong các môn đệ Giêsu tình nguyện chịu chết thay Ngài. Riêng “Phúc Âm Barnabas” cũng mô tả tình tiết ấy một cách hết sức phong phú, nhưng tác phẩm này xuất hiện sau khi Hồi giáo đã ra đời, nên không thể đóng vai trò nguồn tài liệu hình thành quan điểm Hồi giáo thuở ban đầu về sự đóng đinh.

Giêsu trông như thế nào?

Kinh Thánh Kitô giáo không miêu tả cụ thể diện mạo Giêsu, chỉ kể rằng Ngài bị lính Rôma giật râu như một phần trong những cực hình trước khi Ngài chịu chết. Nhưng trong một số hadith, dung mạo của Giêsu được mô tả khá chi tiết. Tiên tri Muhammad đã thấy Giêsu trong chuyến đi diệu kỳ trong một đêm (Isra và Mi’raj) – từ Mecca đến Giêrusalem, rồi lên các tầng trời. Ngoài ra, hình ảnh Giêsu cũng xuất hiện trong các hadith nói về Giờ Tận Thế.

Theo đó, Giêsu có nước da hơi đỏ hoặc nâu, dáng người thanh mảnh, tóc gợn sóng và luôn ướt. Khi mô tả Giêsu trong bối cảnh Giờ Tận Thế, hadith đặt Ngài đối lập với Dajjal, kẻ được mô tả là bị hỏng một mắt (mắt ấy giống như quả nho chín phồng), người thấp, vai rộng, trên trán có chữ “kafir” (“kẻ vô tín”).

Khi nào Đấng Messiah trở lại?

Người Hồi giáo trông đợi ngày Giêsu trở lại trần thế, khi Ngài sẽ tiêu diệt Dajjal và giành chiến thắng chung cuộc trước tất cả kẻ thù của Hồi giáo. Trong Tân Ước, Kitô giáo cũng nói đến việc Giêsu quang lâm, chủ yếu ẩn chứa trong các văn bản thuộc thể loại Khải Huyền, vốn thường sử dụng hình ảnh biểu tượng. Ví dụ, nhân vật “Phản Kitô” trong sách cuối cùng của Tân Ước, thường gọi là “Khải Huyền” (tựa gốc trong tiếng Hy Lạp là “Apocalypsis”), thực ra không hề được gọi tên đích danh, mà lại được mô tả như một con quái thú bốn đầu.

Trong sách Khải Huyền, Giêsu được hình dung như đang chiến đấu chống lực lượng quái thú đó bằng “thanh gươm từ miệng Ngài.” Hình ảnh này gợi ý rằng nội dung phần lớn mang tính biểu tượng. Ngược lại, các hadith về Giờ Tận Thế trong Hồi giáo dẫu cũng có yếu tố siêu nhiên, nhưng nhìn chung được tín đồ hiểu là những sự kiện sẽ xảy ra theo nghĩa đen.

Giêsu trong Hồi giáo và Kitô giáo tương đồng đến đâu?

Các học giả Hồi giáo thường trích dẫn bốn sách Tin Mừng trong Tân Ước để diễn giải Giêsu như một tiên tri theo lối Hồi giáo. Tuy nhiên, khi nội dung bốn sách Tin Mừng khác biệt với truyền thống Hồi giáo, nhất là những vấn đề liên quan đến ý nghĩa thần học của Giêsu, người Hồi giáo sẽ chọn tin vào phiên bản Hồi giáo. Thậm chí về các sự kiện trong đời Giêsu, Kitô hữu và Hồi giáo cũng nhìn nhận khác nhau. Với Kitô hữu, cuộc đóng đinh trên thập giá là tâm điểm sứ vụ của Giêsu.

Ý nghĩa của phục sinh và đóng đinh gắn liền mật thiết với toàn bộ sứ mạng của Giêsu. Còn với Hồi giáo, tin rằng Thiên Chúa đã giải thoát Giêsu khỏi một cái chết tủi nhục là yếu tố cơ bản của đức tin chân chính. Ngoài ra, trong Kitô giáo, nếu Chúa đã phục sinh thì không thể chết thêm lần nữa. Thế nhưng, nhiều hadith kể rằng sau khi tiêu diệt Dajjal, Giêsu sẽ lập gia đình, có con và cuối cùng được an táng bên cạnh Muhammad ở Medina.

Rate this post

Chúng tôi không có quảng cáo gây phiền nhiễu. Không bán dữ liệu. Không giật tít.
Thay vào đó, chúng tôi có:

  • Những bài viết chuyên sâu, dễ đọc
  • Tài liệu chọn lọc, minh bạch nguồn gốc
  • Niềm đam mê bất tận với sự thật lịch sử
DONATE

Toàn bộ tiền donate sẽ được dùng để:

  • Nghiên cứu – Mua tài liệu, thuê dịch giả, kỹ thuật viên.
  • Duy trì máy chủ và bảo mật website
  • Mở rộng nội dung – Thêm nhiều chủ đề, bản đồ, minh họa

THEO DÕI BLOG LỊCH SỬ

ĐỌC THÊM