Châu Âu Trung Cổ

Hiệp sĩ Trung cổ giao chiến như thế nào?

Những bí kíp đấu kiếm thời Trung Cổ đã thất truyền và không ai giải mã nổi

Kim Lưu
tổng hợp và biên dịch từ BBC Future
hiep si trung co giao chien the nao

Thời Trung Cổ, các hiệp sĩ được ca tụng như những biểu tượng của lòng dũng cảm và danh dự. Thế nhưng, đằng sau vẻ hào nhoáng của áo giáp sáng lóa và tiếng vó ngựa dồn dập, kỹ thuật chiến đấu bằng kiếm – hay rộng hơn là toàn bộ nghệ thuật chiến đấu cận chiến – vẫn ẩn chứa vô vàn bí ẩn. Qua nhiều thế kỷ, không biết bao nhiêu “bí kíp” đã mai một, thất lạc, bị bóp méo hoặc còn lưu truyền nhưng khó lòng giải mã. Bài viết này sẽ đưa bạn khám phá hành trình ly kỳ của những võ kinh thời Trung Cổ, những giai thoại rùng rợn và cách mà các nhà nghiên cứu hiện đại đang cố gắng phục dựng một phần di sản võ thuật đã thất truyền từ hàng trăm năm trước.

Henry xứ Essex

Một câu chuyện điển hình về nỗi cay đắng khi đánh mất kỹ năng đấu kiếm chính là trường hợp của Henry of Essex – một nhân vật có thật vào thế kỷ 12. Ông vốn là một hiệp sĩ lừng danh, được vua Henry II (Anh) tin tưởng, song lại nổi tiếng… xấu tính. Henry of Essex từng ăn chặn tiền, làm ô danh nhiều phụ nữ và nhẫn tâm tra tấn một người vô tội. Sau đó, ông dính vào một sự cố khó tin: trong một trận chiến ở xứ Wales, Essex nhầm tưởng nhà vua đã tử trận và loan tin này, suýt khiến cả quân đội hoảng loạn bỏ chạy.

Mãi đến tận sáu năm sau, một người họ hàng cáo buộc Essex tội phản quốc và thách đấu với ông trước công chúng để “phân xử bằng vũ lực” (trial by combat). Hàng trăm người đã tụ tập trên bờ sông Thames lầy lội để theo dõi. Thoạt tiên, Essex phòng thủ bằng những đòn thế điêu luyện, nhưng rồi ông bỗng hoảng loạn sau một loạt ảo giác về những tội lỗi đã gây ra. Ông mất bình tĩnh, lao lên tấn công loạn xạ, bỏ hết mọi kỹ năng kiếm thuật được dày công rèn luyện. Kết quả là Essex gục ngã trong tiếng va chạm loảng xoảng giữa gươm và giáp. Tưởng ông đã chết, vua ra lệnh cho các tu sĩ mang thi thể đi chôn. Thế nhưng Essex may mắn sống sót. Ông phải nương nhờ chốn cửa Phật, sống đời sám hối ở tu viện Reading rồi sau chuyển đến tu viện St Edmund’s Abbey (Suffolk).

Chính trong những năm tháng ẩn dật, Essex đã gặp một vị tu sĩ vô danh – người sau này ghi chép lại cuộc đời sóng gió của ông thành một câu chuyện răn dạy đạo đức. Nhưng từ góc nhìn của chúng ta hôm nay, câu chuyện còn phản ánh một thực tế: chỉ một giây phút mất đi khả năng tập trung và quên hết “ngón nghề” đã học, Henry of Essex đã đánh mất tất cả.

Hình ảnh minh họa trong Võ kinh của các hiệp sĩ Trung cổ
Hình ảnh minh họa trong Võ kinh của các hiệp sĩ Trung cổ

Những “sao hạng A” thời Trung Cổ

Thật khó để hình dung vị thế của hiệp sĩ trong xã hội Trung Cổ. Họ không chỉ là trụ cột quân đội, mà còn được xem như “ngôi sao” của thời đại. Những người giỏi nhất sẽ có cơ hội được ban tặng lâu đài, ruộng đất và chỗ đứng đáng kể trong triều đình. Họ là cảm hứng cho đủ loại thơ văn và tranh vẽ, thường xuất hiện với tấm áo giáp sáng loáng cùng con ngựa oai phong, tay cầm kiếm và thể hiện lòng “trung quân ái quốc”.

Tuy nhiên, để trở thành một hiệp sĩ không chỉ đơn giản là khoác bộ giáp hay cưỡi ngựa giỏi. Họ phải trải qua quá trình huấn luyện khắc nghiệt kéo dài nhiều năm – có khi từ thuở nhỏ. Những kỹ năng quan trọng bao gồm bước di chuyển linh hoạt, cách gạt đòn tấn công, và đặc biệt là các chiêu thức hiểm ác để hạ gục kẻ thù một cách nhanh chóng nhất.

Vì vậy, đấu kiếm không phải là chuyện vung kiếm loạn xạ hay tấn công bừa bãi. Ở mức độ cao, nó là một môn võ công phức tạp, tinh vi chẳng khác gì võ Trung Hoa (kung fu) hay sumo Nhật Bản. Thế nhưng, dù vẫn còn những “sách dạy đánh nhau” lưu truyền, chúng ta ngày nay vẫn không thể giải mã trọn vẹn kỹ thuật đó. Thực tế, những cảnh đấu kiếm trong phim cổ trang hay các vở kịch chỉ mang tính minh họa hoặc do biên đạo sáng tạo nên, chứ không phải là mô phỏng chân thực những gì thực sự diễn ra.

“Võ sư”: Những bậc thầy trong bóng tối

Đỉnh cao của nghệ thuật đấu kiếm Trung Cổ phải kể đến công lao của các “fight masters” – tạm dịch là “võ sư”. Họ là những huấn luyện viên thượng thặng, chỉ dạy cách sử dụng kiếm dài (longsword), kiếm và khiên nhỏ (sword and buckler), dao găm, rìu cán dài (poleaxe), và thậm chí cả… túi đá. Nguồn gốc của họ rất đa dạng. Có những người sống phiêu bạt, luyện võ khắp nơi, thu nạp đệ tử rồi truyền lại tuyệt chiêu. Có người lại được các vương công đại thần thuê hẳn về để rèn quân, hoặc mở trường dạy võ cho tầng lớp trung lưu, dân thường muốn học tự vệ hay rèn luyện kiếm thuật.

Các “fight masters” nhiều khi bí ẩn không kém các hiệp sĩ mà họ huấn luyện. Hans Talhoffer – một bậc thầy người Đức với ngoại hình đặc trưng (tóc xoăn, râu quai nón) và sở thích mặc trang phục ôm sát người – là ví dụ. Sử sách ghi nhận rằng năm 1434, ông dính đến một vụ bắt cóc và tội giết người ở thành phố Salzburg (Áo). Dù vậy, người đời vẫn nể trọng tài nghệ của ông.

Vài người trong số họ “liên minh” thành những hội kín như Fellowship of Liechtenauer – một tổ chức có khoảng 18 thành viên với người đứng đầu (Johannes Lichtenauer) huyền thoại ẩn hiện trong bóng tối. Lichtenauer để lại những áng “thơ” ghi chép lại chiêu thức, nhưng phần lớn câu từ vẫn mơ hồ khó hiểu. Có giả thiết cho rằng ông cố tình “mã hóa” nội dung để giữ bí mật.

Võ kinh

May mắn là chúng ta vẫn còn lại các bản thảo được coi như “tài liệu gốc” để hiểu về võ thuật Trung Cổ – được gọi là võ kinh (fight book) hay “fechtbuch”. Nhiều bản chứa đầy hình minh họa có màu hoặc tranh khắc gỗ, mô tả cụ thể tư thế tay chân, góc vung kiếm, kèm theo lời diễn giải (thường là văn vần).

Một cuốn võ kinh còn tới ngày nay
Một cuốn võ kinh còn tới ngày nay

Nhưng đừng nghĩ chúng chỉ đẹp về mặt nghệ thuật. Chúng cũng đầy tính bạo lực. Trong cuốn sách của Hans Talhoffer năm 1467, từng bước di chuyển như màn vũ đạo rồi đột ngột kết thúc bằng cảnh thanh kiếm xuyên vào hốc mắt, hoặc mô tả cách hạ gục đối phương bằng một cú đâm thẳng thô bạo. Một vài thế đánh được đặt những cái tên lạnh gáy như “wrath-hew” (chém tức giận), “crumpler” (bóp nát), “twain hangings” (hai đường treo), “skuller” (nứt sọ) và “four openings” (bốn điểm yếu).

Trải qua hàng trăm năm, qua bao lần mất cắp, cháy xém, tô vẽ bậy bạ hay thậm chí “biến mất” khỏi kho lưu trữ lịch sử, chúng ta vẫn còn khoảng 80 bản thảo như thế riêng ở vùng nói tiếng Đức. Dẫu vậy, những chỉ dẫn trong đó lại rắc rối, đôi khi ghi “sai” (hoặc do người chép hiểu lầm, vẽ nhầm nhiều tay nhiều chân), hoặc câu từ lúc bí ẩn, lúc lan man như… thơ tượng trưng. Đó là lý do vì sao, dù có nhiều công sức sưu tầm và giải mã, nhân loại vẫn chưa thể phục dựng hoàn toàn cách đánh kiếm năm xưa.

Các thế đánh “không thể thực hiện”

Khó khăn đầu tiên nằm ở bản chất tĩnh của hình minh họa: làm sao diễn tả một loạt động tác linh hoạt, phức tạp thông qua tranh hai chiều hay đoạn văn ngắn ngủi? Nhiều hình mô tả hai đấu thủ đang vắt tay chân vào nhau như thể bẻ xương, nhưng góc độ nào là chính xác? Ai đang thắng, ai đang thua? Có bức thấy cả hai cùng bị kiếm kề sát cổ.

Ngôn từ cũng đầy trở ngại. Johannes Lichtenauer, bậc thầy của Hội Liechtenauer, đã dùng hệ thống “mật ngữ” để truyền dạy. Học trò muốn học phải trả tiền hoặc thành tâm theo học, chứ đọc “chay” thì chỉ thấy… lảm nhảm. Những câu thơ ẩn ý như “Nếu ngươi có muối trong não thì phải biết cách leo cầu thang này” (ám chỉ người luyện kiếm cần tài trí để lĩnh hội) khiến việc giải thích thêm gian nan. Đôi lúc, ta không rõ cùng một câu có thể diễn giải thành bốn, năm cách đánh khác nhau hay không.

Hơn thế nữa, người viết thời Trung Cổ đa phần chưa thạo vẽ phối cảnh. Có minh họa thì người vẽ cố gắng mô tả chuyển động ba chiều nên… thêm tay chân “dư”. Chưa kể nhiều động tác trong tranh, nếu cố làm theo, có khi bạn sẽ “trẹo khớp” ngay từ lần thử đầu.

Minh họa một trận đánh giữa một nam và một nữ, cùng tư thế xuất chiêu tàn nhẫn
Minh họa một trận đánh giữa một nam và một nữ, cùng tư thế xuất chiêu tàn nhẫn

Những chiêu “kỳ quái”

Đôi khi, trong các tài liệu, ta thấy những phương pháp đánh cực kỳ lạ lùng. Ví dụ, có cuốn (thuộc bộ The Gladiatoria Series) hướng dẫn tháo pommel (nút tròn ở chuôi kiếm) để ném vào đối phương. Thử hỏi ai dám chắc chiêu này hay được dùng ngoài đời thực, hay chỉ là sáng kiến ngẫu hứng của một tác giả?

Cũng có những tranh vẽ mô tả cảnh đàn ông và phụ nữ giao chiến, hoàn toàn nghiêm túc. Trong cuốn của Talhoffer, có hình một người đàn ông đứng dưới hố, chỉ hở nửa thân trên, đấu với một người phụ nữ quấn khăn voan, bên trong bọc hòn đá nặng khoảng 2 kg để làm vũ khí. Có cảnh cô ta nắm tóc hắn lôi xuống hố, và ngược lại, có cảnh người đàn ông bẻ ngược tay đối thủ. Nhiều giả thuyết cho rằng đây là cách “giải quyết” mâu thuẫn hôn nhân (marital dispute), dù chưa ai dám khẳng định chắc chắn.

Nữ giới và tu sĩ

Trường hợp nổi bật là bản thảo MS I.33 – được coi là võ kinh cổ xưa nhất châu Âu (khoảng 750 năm tuổi). Nội dung đa phần dạy cách sử dụng kiếm và khiên nhỏ, nhưng điểm kỳ quái là nhân vật chính lại là một vị linh mục (cạo trọc ở đỉnh đầu) đang tập đấu với một “học giả”, và đôi khi cả một người phụ nữ tên Walpurga. Thời đó, linh mục, tu sĩ được coi là chốn tu hành, ít khi lộ diện cầm gươm. Vì sao họ lại xuất hiện trong tư thế đọ kiếm? Phải chăng đây là ám chỉ, hay thực sự trong tu viện có người luyện võ?

Chưa hết, Walpurga xuất hiện một cách hết sức tự nhiên, ra chiêu không kém cạnh. Có ý kiến cho rằng bà là một nữ tu sĩ, hoặc mang danh Thánh Walpurgia, nhưng tài liệu mơ hồ đến mức đến nay các nhà nghiên cứu vẫn mông lung. Nếu so với câu chuyện của Henry of Essex, có lẽ ông không hề đơn độc khi là một hiệp sĩ thất sủng rồi vào tu viện. Biết đâu, việc tu sĩ luyện kiếm không hiếm như ta tưởng?

Sự thoái trào của đấu kiếm và cuộc “hồi sinh” hiện đại

Tuy huy hoàng thời Trung Cổ, nghệ thuật đấu kiếm dần nhường chỗ cho các loại hình chiến đấu khác khi châu Âu thay đổi. Thời Tudor (thế kỷ 16), người dân bắt đầu ưa dùng rapier (kiếm mảnh, dài) để đấu tay đôi, và đây được coi là bước chuyển tiếp sang môn đấu kiếm hiện đại. Thế nhưng, khi súng lục (pistol) phổ biến, chuyện rút súng bắn đơn giản hơn nhiều so với việc học cả chục năm múa kiếm. Các trường dạy kiếm biến mất dần, nhiều bí quyết không được truyền lại.

Ở một số vùng như Đức, từng có lệnh cấm mở “sàn đấu kiếm” để tránh gây rối trị an, nhưng sau đó cũng có thời điểm lỏng lẻo hơn, người ta đấu nhau chỉ vì “sĩ diện hão”. Lúc này, đấu kiếm mang dáng dấp một thú vui của tầng lớp quý tộc hơn là kỹ năng sinh tồn thiết yếu. Những bí kíp “đấm thọc”, “quặt tay” bạo lực ít người còn hứng thú gìn giữ.

Chân dung Saladin, một nhà cai trị Hồi giáo
Chân dung Saladin, một nhà cai trị Hồi giáo, rất được giới hiệp sĩ trung cổ ngưỡng mộ vì tinh thần thượng võ, dù đôi bên đối địch.

Tái dựng

Dẫu vậy, vài thập kỷ gần đây, trào lưu Historical European Martial Arts (Hema) – tạm gọi là “võ châu Âu cổ” – bỗng hồi sinh. Nhiều hội nhóm mọc lên, tập luyện theo các bản thảo cũ, cố gắng tra cứu, chuyển ngữ từ tiếng Đức Trung Cổ hoặc tiếng Ý cổ. Các thành viên vừa dịch tài liệu, vừa thử tái hiện “động tác” xem liệu chúng có logic hay không. Tất nhiên, họ phải áp dụng quy tắc an toàn hiện đại: mặc áo giáp đệm dày, đội mũ bảo hộ, dùng kiếm cùn (đã làm tù mũi hoặc bọc một lớp an toàn), tập chậm để cảm nhận góc độ, nhịp chuyển.

Những cuộc thử nghiệm này khá phức tạp. Có chiêu thức được mô tả bằng vài dòng, nhưng thực tế có thể biến tấu thành nhiều bước liên hoàn. Chưa kể hội họa Trung Cổ không đủ độ chính xác, nên đôi khi họ ngỡ mình đã làm đúng, nhưng hóa ra góc tay, độ dài cánh tay lại sai khiến chiêu thức thành vô hiệu. Hoặc một ngày đẹp trời, có người “a-lê-hấp” bẻ mạnh, bạn tập kêu lên vì đau – thế là nhận ra “À, đây mới chính là cách ra đòn thật sự”.

Anh Jamie MacIver, một huấn luyện viên kiếm dài và cựu Chủ tịch Câu lạc bộ Lịch sử Đấu kiếm London, kể rằng mình từng phải thay đổi cách cầm kiếm “chờ đòn” (guard) sau hai năm “tưởng nhầm” vì bức hình trong sách vẽ thiếu chính xác về phối cảnh. Hoặc trường hợp của di Vadi – một bậc thầy Ý thế kỷ 15 – liên tục nhấn mạnh “bước chân mới” (footwork) là bí quyết tối thượng, nhưng bài viết của ông quá mơ hồ, đến nay nhiều khả năng vẫn chỉ là phỏng đoán.

Nhiều nhà nghiên cứu lịch sử tỏ ý hoài nghi, cho rằng việc chúng ta cố gắng tái hiện những động tác phức tạp như thế chẳng khác gì thử “khai quật” một bản nhạc cổ chỉ ghi những nét giai điệu mờ nhạt. Vì âm nhạc xưa truyền khẩu, động tác võ thuật xưa cũng truyền qua “cảm giác” và “kinh nghiệm thân thể” (embodied knowledge). Người ta học bằng cách kề cận sư phụ, quan sát, sửa từng chút, còn tài liệu viết chỉ là gợi ý. Nay chúng ta không có bậc thầy thực sự nào, nên hoàn toàn có thể sai lệch.

Minh họa cách dùng khiên để hạ sát đối phương trong võ kinh
Minh họa cách dùng khiên để hạ sát đối phương trong võ kinh

Vấn đề quân tử

Như một cú “vả” vào hình tượng hào hoa của hiệp sĩ, nhiều bằng chứng khảo cổ (như xương sọ có đến 5-6 vết chém) cho thấy chiến tranh Trung Cổ cực kỳ tàn nhẫn. Đối phương vừa ngã, các chiến binh sẽ liên tiếp đập kiếm tới tấp để bảo đảm kẻ kia không thể gượng dậy. Những khẩu hiệu về “chivalry” (tinh thần hiệp sĩ) đẹp đẽ có vẻ chỉ để trang trí.

Fiore de’I Liberi – một bậc thầy Ý khác – từng huấn luyện đấu kiếm không giáp năm lần trong đời (và chẳng lần nào là chủ động muốn) vì quá nguy hiểm. Ông thẳng thừng cho rằng “chiêu nào giúp sống sót thì cứ dùng”, kể cả đánh lén hay giở mánh khóe. Chính điều đó cho thấy sân khấu đấu kiếm thời ấy khốc liệt hơn nhiều so với phim ảnh.

Thế nhưng, điều này không ngăn cản những người đam mê Hema hiện đại tiếp tục “lần mò” các bản thảo. Bởi lẽ, một phần ý nghĩa sâu xa của các võ kinh là mong ước truyền lại bí kíp cho thế hệ sau, tránh để thất lạc. Fiore de’I Liberi từng viết rằng ông dốc công ghi lại để “đừng biến mất do sự cẩu thả của mình”. Việc hôm nay vẫn có người cẩn thận nghiên cứu, diễn giải, thực hành – dù không thể chính xác 100% – cũng là cách đáp lại niềm tâm huyết ấy.

Tương lai của “môn võ đã mất”

Không ai dám khẳng định rằng những chiêu thức ngày nay “phục dựng” trong Hema đã hoàn toàn đúng với nguyên bản. Nhưng đây là nỗ lực đáng trân trọng để hiểu rõ hơn một góc khuất văn hóa – nơi mà “nghệ thuật chiến đấu” được đẩy lên đỉnh cao một thời, rồi dần bị quên lãng trước làn sóng vũ khí hiện đại.

Dẫu vậy, chặng đường tái hiện lại lịch sử luôn gian nan. Ta phải chấp nhận nhiều khoảng trống, nhiều mảnh ghép còn thiếu. Nếu không có dữ liệu đủ đầy, việc “tiếp cận” chân thực nghệ thuật vung kiếm và chém giết thời Trung Cổ dường như là bất khả thi. Nhưng chí ít, thông qua mỗi cuộc thử nghiệm, mỗi lần đâm – chém – gạt tại các CLB Hema, ta lại được cảm nhận phần nào lối suy nghĩ và sức mạnh của những hiệp sĩ từng bước ra chiến trường, phải dốc hết bản lĩnh để giữ mạng sống.

Có thể nói, dù các “fight masters” đã khuất từ lâu, những đường kiếm họ để lại vẫn sống động giữa chúng ta. Ở đâu đó, trong tiếng thép va chạm, trong nỗ lực tìm hiểu lời thơ cổ đầy ẩn ý, ta cảm nhận được sợi dây nối hiện tại với một thời đại mà Henry of Essex từng tỏa sáng rồi suy tàn, thời mà một bước chân sai lầm cũng có thể hủy hoại tất cả. Và nhờ có những đam mê hiện đại, nghệ thuật đấu kiếm thời Trung Cổ vẫn đang tìm lại ánh hào quang xưa – dẫu chỉ là tia le lói trong muôn vàn bí mật chưa thể giải mã trọn vẹn.

5/5 - (1 vote)

ĐỌC THÊM

Kim Lưu
Chào mọi người, mình là Kim Lưu, người lập Blog Lịch Sử này. Hy vọng blog cung cấp cho các bạn nhiều kiến thức hữu ích và thú vị.