Anything History

Lịch sử quần đảo Svalbard ở Bắc Cực

Khám phá lịch sử hấp dẫn của Svalbard, quần đảo Bắc Cực hoang dã với sự hiện diện của người Viking, khai thác than đá và các hiệp ước quốc tế.

Kim Lưu
tổng hợp và biên dịch từ World History
Lịch sử quần đảo Svalbard ở Bắc Cực
2 views

Svalbard là một quần đảo nằm trong vùng Bắc Băng Dương, ở góc Tây Bắc của thềm lục địa Barents. Nơi đây cách đất liền Na Uy khoảng 800km về phía Bắc và nằm gần như chính giữa Na Uy và Bắc Cực. Về phía Tây, quần đảo giáp với Greenland (vốn thuộc Đan Mạch) và giáp với quần đảo Franz Josef (thuộc Nga) ở phía Đông. Tên gọi Svalbard (trong tiếng Na Uy cổ có nghĩa là “Bờ biển lạnh”) trước đây vốn được biết đến với cái tên Hà Lan – Spitsbergen (“những dãy núi lởm chởm”).

Svalbard gồm 9 hòn đảo chính, trong đó Spitsbergen (tên cũ là Tây Spitsbergen) là đảo lớn nhất với diện tích 37.673 km vuông. Tổng diện tích của toàn bộ quần đảo Svalbard là 62.700 km vuông. Longyearbyen – trung tâm hành chính của Svalbard – là khu định cư thường trú ở cực Bắc của thế giới. Thị trấn này được đặt theo tên của John Munro Longyear (1850-1922), người mà Công ty Than Bắc Cực do ông sáng lập đã bắt đầu hoạt động khai thác than và khảo sát ở Svalbard vào năm 1906.

Nhà leo núi và thám hiểm người Anh, Sir Martin Conway (1856-1937), trong đoàn thám hiểm tới Svalbard năm 1896, đã gọi quần đảo này là “vùng đất vô chủ” hay terra nullius. Sở dĩ có tên gọi như vậy vì trước đó đã có một số quốc gia khai thác, săn bắn và thám hiểm tại đây kể từ khi Svalbard được chính thức phát hiện vào năm 1596. Dù là đất chung quốc tế, quần đảo này vẫn chưa thuộc về bất kỳ một quốc gia cụ thể nào cho đến khi chủ quyền của Na Uy được công nhận chính thức bởi Hiệp ước Versailles vào cuối Thế chiến thứ Nhất (1914-1918).

Vào ngày 9 tháng 2 năm 1920, Hiệp ước Spitsbergen được ký kết tại Paris. Hiệp ước chính thức có hiệu lực từ ngày 14 tháng 8 năm 1925, đưa Svalbard nằm dưới sự quản lý và quy định pháp luật của Na Uy.

Mặc dù vậy, việc ai là người đầu tiên khám phá ra Svalbard và những cuộc thám hiểm ban đầu tại đây vẫn còn gây tranh cãi. Vì thiếu các nguồn sử liệu và những bằng chứng không rõ ràng, có khá nhiều tuyên bố đối lập về quyền khám phá quần đảo, trong đó có cả tuyên bố đến từ Na Uy.

Svalbard: Những giả thuyết về nguồn gốc

Người ta thường công nhận người Hà Lan là những người đầu tiên khám phá ra Svalbard vào năm 1596. Nhưng bên cạnh góc nhìn phương Tây này, còn có những tuyên bố khác về việc ai đã tìm ra vùng đất này trước tiên – chẳng hạn như người Nga, người Norse, hay thậm chí là các cư dân từ thời kỳ Đồ Đá, khoảng năm 3000 TCN. Dưới đây là bốn giả thuyết phổ biến:

Thời kỳ Đồ Đá

Vào những năm 1970, hai nhà khảo cổ học người Scandinavia đã đưa ra giả thuyết cho rằng những người săn bắn thời kỳ Đồ Đá có thể đã từng định cư trên Spitsbergen (hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo Svalbard). Họ tìm thấy các hiện vật bằng đá lửa tại một khu vực săn cá voi của người Nga ở Russekeila, có niên đại từ thế kỷ 18. Sau đây là nhận định của hai nhà khảo cổ:

“Từ lâu nay, các nhà khảo cổ học luôn tin rằng hoàn toàn có khả năng tìm thấy dấu vết từ thời kỳ Đồ Đá trên quần đảo Spitsbergen. Ở Đông Bắc Greenland, con người đã sống rất lâu trong điều kiện khắc nghiệt hơn nhiều. Nếu loài người thời đó chưa từng theo chân tuần lộc đến Franz Josefs Land (vùng đất thuộc Nga ở Bắc Băng Dương) và Svalbard thì đây sẽ là nơi duy nhất trên thế giới mà điều đó chưa xảy ra.” (trích dẫn trong Bjerck, 97)

Các cuộc khảo sát thực tế đã xác định mười địa điểm có đá lửa, có niên đại từ khoảng 4500 – 2500 năm trước. Tuy nhiên, các nhà khảo cổ học còn tranh cãi liệu những hiện vật này có phải do con người tạo ra hay chỉ là đá vỡ tự nhiên. Một phân tích vào năm 1997 kết luận rằng chúng không phải là đồ tạo tác từ thời kỳ Đồ Đá.

Dù các bằng chứng khảo cổ học khá rời rạc, giả thuyết về sự định cư thời Đồ Đá phần lớn đã bị bác bỏ. Mặc dù vậy, vẫn có khả năng con người thời tiền sử đã từng hiện diện trên Svalbard, bởi điều kiện khí hậu khi đó có phần ôn hòa hơn so với ngày nay. Người Inuit ở Greenland, vốn là những nhà thám hiểm và lập bản đồ đầu tiên ở Bắc Cực, có thể đã biết về sự tồn tại của các hòn đảo phía trên.

Giả thuyết người Norse (Viking)

Tên gọi ‘Svalbard’ được đề cập trong cuộn Islandske Annaler (Icelandic Annals – Biên niên sử Iceland) vào thế kỷ 14, ghi lại rằng Svalbard được khám phá vào năm 1194 bởi các thủy thủ Norse. Trong Landnámabók (Sách Định Cư, được biên soạn vào đầu thế kỷ 12), có một hướng dẫn đi biển: “từ Langanes ở phía bắc Iceland, mất bốn doegr đường biển để đến Svalbard ở phía bắc của Hafsbotn” (trích dẫn trong Rudmose Brown, 312).

Vị trí của ‘Svalbard’ này gây nhiều tranh cãi. Hafsbotn là vùng biển phía bắc Na Uy và đông bắc Greenland. Spitsbergen chỉ cách Langanes 1351 km, vì vậy ‘Svalbard’ trong ghi chép hoàn toàn có thể ám chỉ bờ biển phía tây của Spitsbergen, đảo Jan Mayen, hoặc thậm chí là bờ biển phía đông của Greenland. Trong tiếng Iceland cổ, ‘doegr’ có thể dùng để chỉ khoảng thời gian mười hai hoặc 24 giờ. Nếu sử dụng định nghĩa mười hai giờ, Jan Mayen có khả năng cao nhất là ‘Svalbard’ được nhắc đến trong cuộn biên niên sử.

Nhà sử học người Na Uy Gustav Storm (1845-1903) là người đầu tiên cho rằng “Svalbard được tìm thấy” được ghi lại trong biên niên sử năm 1194 là bằng chứng về những chuyến thăm đầu tiên của người Bắc Âu đến quần đảo này. Lúc đó, người Na Uy đang rất tự hào về đất nước mình và đề nghị này đã nhanh chóng phổ biến, góp phần tách Na Uy độc lập khỏi Thụy Điển vào năm 1905.

Không có cuộc thám hiểm hay khảo sát nào về vùng đất được gọi là “Svalbard”, và cũng không có thêm nguồn thông tin nào được viết lại. Tuy nhiên, người Bắc Âu là những nhà hàng hải gan dạ, đã khám phá ra Greenland vào năm 986 và Iceland vào năm 870, vì vậy rất có thể những người Viking Na Uy thực sự đã đặt chân lên Svalbard như một vùng đất mới.

Giả thuyết về người Nga (Pomor)

Vào cuối những năm 1800, cũng có giả thuyết cho rằng người Nga mới là người phát hiện ra Svalbard. Năm 1901, một bức thư hoàng gia Đan Mạch từ năm 1576 được dịch ra, ám chỉ những người Pomor thường xuyên đi thuyền đến Grumant, tên tiếng Nga của Spitsbergen. Người Pomor là cư dân bản địa của vùng Pomomerie (khu vực Arkhangelskaya Oblast ở phía đông bắc nước Nga, nằm về phía nam Biển Trắng), chuyên về đi biển. Họ sống dọc theo bờ Biển Trắng và đã săn bắn ở quần đảo Novaya Zemlya vào đầu thế kỷ 16 và có thể từ sớm hơn.

Người ta biết rằng dân Pomor của Nga đã đến Spitsbergen trong khoảng thời gian từ năm 1715 đến năm 1850 để săn gấu Bắc Cực, tuần lộc, cáo, hải mã và hải cẩu, thường trú đông tại các trạm săn bắn. Các nhà khảo cổ học Nga đã tìm thấy ít nhất sáu địa điểm khảo cổ trên Spitsbergen, có một nơi có niên đại từ năm 1545. Tuy nhiên, cũng như tuyên bố của người Bắc Âu, bằng chứng khảo cổ học vẫn chưa thuyết phục lắm. Các nhà sử học phương Tây phản đối lập luận về việc người Nga phát hiện ra quần đảo này vì không có tài liệu nào về săn bắt cá voi đề cập đến người Pomor, cũng không có khu định cư Pomor nào được đánh dấu trên bất kỳ bản đồ nào trước năm 1596.

Thuyết Barentsz

Việc Willem Barentsz (1550-1597) người Hà Lan phát hiện Svalbard năm 1596 là sự kiện được chấp nhận rộng rãi trong lịch sử. Tuy nhiên, vẫn còn đó câu hỏi gây tranh cãi: liệu đã có người sinh sống trên Svalbard trước khi người Hà Lan đến hay chưa?

Willem Barentsz: Nhà thám hiểm dũng cảm

Willem Barentsz (khoảng năm 1550 – 1597) là một nhà thám hiểm và lập bản đồ người Hà Lan. Ông sinh ra ở Terschelling, một hòn đảo ở miền bắc Hà Lan. Barentsz đã có ba cuộc hành trình khó khăn để tìm kiếm một tuyến hàng hải phía Bắc dẫn tới châu Á. Vào khoảng thế kỷ 16 và 17, người Hà Lan khá bận rộn với các hoạt động thương mại vùng Bắc Cực và Bắc Nga, chủ yếu là săn cá voi, đánh bắt cá tuyết và tất nhiên là các chuyến thám hiểm rồi.

Từ năm 1584 đến 1668, nhiều quốc gia đã cố gắng tìm một lối đi mới ở Đông Bắc, chạy vòng trên Na Uy để tàu buôn có thể tới được Cathay (Trung Quốc) và Quần đảo gia vị (Moluccas) nhanh hơn. Đây là một phần trong kế hoạch bành trướng toàn cầu của người Hà Lan. Đúng lúc đó thì đối thủ lớn nhất của họ – người Anh đã lập nên Công ty Thương Nhân Phiêu Lưu London vào năm 1555. Công ty này, hay được gọi là Công ty Muscovy, cũng cử nhà thám hiểm Bắc Cực Stephen Borough đi tìm tuyến đường phía Đông Bắc vào năm 1556. Ông đã khám phá ra Eo biển Kara giữa Novaya Zemlya và Đảo Vaygach, nhưng eo biển bị đóng băng buộc ông phải quay trở lại Anh.

Các cuộc thám hiểm của Barents

Chuyến thám hiểm đầu tiên của Barents vào năm 1594, được tài trợ bởi một nhóm thương gia Amsterdam. Ông đã đến Novaya Zemlya, khám phá ra Quần đảo Orange và lập bản đồ quần đảo trước khi gặp băng trôi và phải quay trở lại. Chuyến thám hiểm thứ hai của ông vào năm 1595, được tài trợ bởi chính phủ Hà Lan, cũng chẳng đi được xa hơn Biển Kara và phải về nhà sau khi hai thủy thủ đoàn bị gấu Bắc Cực tấn công và giết chết.

Hai cuộc thám hiểm đầu tiên này bị đánh giá là thất bại. Chuyến đi thứ ba và cũng là cuối cùng của Barents được tài trợ bởi thành phố Amsterdam. Hai con tàu dưới sự chỉ huy của Barents lên đường vào tháng 5 năm 1596. Jacob van Heemskerk (1567-1607) và Jan Cornelisz Rijp (mất 1613) là thuyền trưởng của hai con tàu, Barents đóng vai trò là người hoa tiêu trên chiếc De Witte Swaen (Thiên nga trắng). Sau khi phát hiện ra Đảo Gấu (hòn đảo cực nam của quần đảo Svalbard), Spitsbergen cũng được tìm thấy vào ngày 17 tháng 6 năm 1596. Barents được coi là người đã khám phá ra Svalbard, và vùng biển Barents dọc theo bờ biển phía bắc của Na Uy và Nga được đặt theo tên của ông. Người ta đã lập bản đồ góc tây bắc của Spitsbergen, đồng thời dựng huy hiệu quốc gia Hà Lan ở đó trước khi hai con tàu lại căng buồm đến Đảo Gấu.

Barents và Rijp có ý kiến mâu thuẫn về hướng đi của con tàu. Rijp muốn khám phá Spitsbergen, trong khi Barents và Heemskerk muốn băng qua Biển Barents đến Novaya Zemlya để vẽ bản đồ bờ biển phía bắc của nó. Cuối cùng thì họ phải tách ra, Barents đi thuyền đến Novaya Zemlya với mong muốn đến được Eo biển Vaygach. Tuy nhiên, vào tháng 8 năm 1596, con tàu White Swan bị mắc kẹt trong băng khiến Barents và thủy thủ đoàn buộc phải trú đông ở đó.

Gerrit de Veer (khoảng 1570 đến khoảng 1598) là một sĩ quan trong chuyến đi thứ hai và thứ ba của Barents. Ông đã ghi lại toàn bộ chuyến thám hiểm và kể về khoảnh khắc con tàu bị băng vùi dập:

Con tàu và mọi thứ trên đó bắt đầu vỡ vụn, như thể muốn nổ tung thành 100 mảnh nhỏ. Cảnh tượng đó thật đáng sợ, khiến tất cả chúng tôi dựng hết cả tóc gáy. (trích dẫn trong Conway, 15).

Thủy thủ đoàn đã dùng gỗ từ con tàu để xây một túp lều để sống sót qua điều kiện vô cùng khắc nghiệt. Lạnh đến mức các anh phải ngủ với những viên đại bác đã được nung nóng đặt bên dưới mấy cái chăn. Nơi trú ẩn này được đặt tên là Het Behouden Huys (“ngôi nhà an toàn”). Barents và thủy thủ đoàn của ông đã sống ở đó cho đến tháng 6 năm 1597. Họ phải vật lộn với gấu Bắc Cực và bệnh scooby, căn bệnh đã cướp đi sinh mạng của nhiều người, bao gồm cả vị thuyền trưởng William Barents qua đời vào ngày 20 tháng 6 năm 1597.

Sau chuyến đi cuối cùng của Barents, người Hà Lan đã ngừng những nỗ lực khám phá Đông Bắc Passage. Mãi cho đến năm 1878-1879, nhà thám hiểm người Phần Lan-Thụy Điển Adolf Erik Nordenskiöld (1832-1901) mới thành công đi thuyền vượt qua con đường này trên chiếc Vega.

Đọc thêm:

Nghành công nghiệp săn cá voi bùng nổ

Điều khá thú vị là Barents dường như không chú ý mấy tới các nguồn tài nguyên trên đảo Svalbard, ví dụ như dầu mỏ và lông thú. Phải đến tận tháng 5 năm 1607, nhà hàng hải người Anh – Henry Hudson (mất năm 1611) – trên con thuyền Hopewell của mình mới phát hiện ra cá voi, hải mã và hải cẩu ở khu vực biển xung quanh đảo Spitsbergen. Lúc đó Hudson không biết Barents đã đặt chân đến Svalbard trước, mà có khi ông ấy còn phát hiện đảo Jan Mayen và gọi nó là Hudson’s Tutches (Touches) nữa.

Chính vì sự nhầm lẫn này mà phía Công ty Muscovy của Anh nảy ra ý tưởng chiếm đảo Spitsbergen cho vua James I của Anh (cai trị từ 1603-1625) vào năm 1614. Cái cớ họ dựa vào còn sai nữa cơ, họ bảo rằng nhà thám hiểm người Anh, Hugh Willoughby (mất năm 1554), là người tìm ra quần đảo Svalbard vào năm 1553, trong một lần thử tìm đường biển phía Đông Bắc nối Châu u và vùng Viễn Đông.

Đến năm 1612, người Hà Lan bắt đầu kéo nhau lên Bắc Cực để săn cá voi, rồi xây khu định cư Smeerenburg vào năm 1619. Người Hà Lan thành lập cả một liên minh săn cá voi tên là Noordsche Compagnie hồi 1614, cạnh tranh với công ty Muscovy của Anh – công ty nào cũng gửi tàu săn cá voi đến khu đảo Spitsbergen. Lúc đó dầu cá voi ở Châu u được dùng thắp đèn và làm xà phòng, còn xương cá voi dùng để làm đồ corset cho phụ nữ, dù, hay mấy cái váy phồng. Người Hà Lan chiếm ưu thế trong ngành săn cá voi nhờ mấy tay chuyên săn người xứ Basque lão luyện, họ chuyên nấu mỡ cá voi trong cái nồi đồng siêu bự ở các trạm dọc bờ biển.

Đỉnh điểm là cuối thế kỷ 17, có hơn 10,000 thợ săn cá voi ở Spitsbergen và tầm 200-300 tàu chuyên dụng luôn, đủ các nước luôn nhé, Pháp, Tây Ban Nha, vùng Hanseatic, với cả Đan Mạch nữa. Riêng người Hà Lan cũng đã làm thịt 1,255 con cá voi to tổ bố, cho ra tận 41,344 thùng mỡ cá voi luôn. Tới tầm năm 1750, do săn bắt loại cá voi Greenland nhiều quá nên chúng gần như tuyệt chủng, thế là mấy trạm săn cá voi đành bỏ hoang, trong đó có Smeerenburg.

Người Hà Lan không hề lên tiếng đòi Svalbard là của họ sau vụ Barents đặt chân đến đó, họ tôn trọng nguyên tắc “Biển Tự Do” ra đời năm 1609. Nguyên tắc này là của một ông luật sư kiêm triết gia Hugo de Groot (1583-1645), nói rằng biển cả rộng lớn là mở cho tất cả mọi người, thế nên mấy nước mới đua nhau đến Svalbard săn cá voi. Còn người Đan Mạch thì cũng tham, vua Christian IV của Đan Mạch (cai trị từ 1588-1648) bảo Svalbard vốn là một phần của Greenland cơ. Còn người Anh thì gọi Spitsbergen là Greenland luôn, ý muốn phủ nhận vụ khám phá của người Hà Lan và tóm gọn Svalbard vào năm 1614 cho vua James I – tất nhiên phía Hà Lan chẳng thèm quan tâm mấy!

Pomors – Những Thợ Săn đến từ Nga

Khi những con tàu săn cá voi dần từ bỏ Svalbard để tìm kiếm con mồi mới trên đại dương, trang sử tiếp theo của Svalbard lại được mở ra, lần này là bởi những người thợ săn gấu và thợ bắt hải cẩu. Năm 1697, người ta nhìn thấy những con tàu lodya của Nga với thủy thủ đoàn 24 người ở vùng biển Spitsbergen. Những con tàu này thuộc các tổ chức như Công ty Đánh bắt Biển Trắng, của các nhà thám hiểm tư nhân, thậm chí là của cả các tu viện nữa. Những thợ săn Pomor đến từ Mezen, Archangel, Kola, Kem, Onega và Rala bên Biển Trắng, chuyên săn bắt gấu Bắc Cực, tuần lộc, cáo, hải cẩu và hải mã.

Nhiệm vụ đầu tiên của thủy thủ đoàn Pomor là xây “isbuschka”, nơi hoạt động chính của họ. Rất nhiều trạm kiểu này, cùng với những cây thánh giá Chính thống giáo của Nga, đã được khai quật ở Svalbard tại Whales Point, Gotha Cove và Cape Lee. Người Pomor sẽ trú đông tại đây và chờ được thay thế bởi một nhóm thợ săn khác vào năm sau. Suốt đêm vùng cực kéo dài (từ tháng 10 đến tháng 2), những thợ săn Pomor phải vật lộn với việc giữ tinh thần tỉnh táo.

Có lẽ bạn đang thắc mắc các thợ săn này làm gì để giết thời gian suốt mùa đông? Bạn hình dung ra những người đàn ông xanh xao, hốc hác, với đôi mắt vô hồn ngồi lì trong một túp lều ẩm thấp chỉ được chiếu sáng bởi chiếc đèn dầu? Đó chính là hình ảnh của các thợ săn vùng Archangel ở Spitsbergen trong đêm đông dài tối tăm. Ai nấy đều buộc dây thành vô số nút thắt rồi lại cẩn thận tháo ra, cứ lặp đi lặp lại như thế trong suốt gần cả mùa đông.Thoạt nhìn, trông họ thật kỳ lạ, thậm chí buồn cười một cách đáng thương, nhưng đây là cách họ nghiêm túc giữ mình bận rộn. (như được dẫn lại bởi Conway, 241).

Khu định cư lớn Russekeila của người Pomor trở nên nổi tiếng nhờ cư dân đặc biệt: Ivan Starostin, người đã trải qua 39 mùa đông trên Svalbard này cho đến khi qua đời vào năm 1826. Mũi Starashchin được đặt theo tên của ông.

Vào những năm 1790, có đến 2.200 thợ săn Nga trên 270 con tàu tập trung tại Spitsbergen. Tuy nhiên, đến những năm 1820, nạn săn bắt quá mức – đặc biệt là loài hải mã – đã khiến số lượng con mồi giảm sút, khiến các công ty buôn bán của Nga không còn thấy hoạt động này có lãi. Nguồn sử liệu nhắc đến thợ săn Pomor lần cuối vào mùa săn đông 1851-1852. Người Pomor cũng gặp khó khăn trong việc cạnh tranh với người Na Uy, vốn có thể đến vùng săn bắn sớm hơn nhờ hành trình từ Biển Trắng tới Spitsbergen vốn ngắn hơn (chỉ 50 ngày).

Người Na Uy chiếm lĩnh thế thượng phong, với lần trú đông đầu tiên của họ vào năm 1795-1796, trong các lodya bỏ hoang của người Pomor. Họ thường săn bắn ở những khu vực phía đông còn ít được khám phá của Spitsbergen, và đã có một số phát hiện địa lý quan trọng. Elling Carlsen (1819-1900), một thợ săn hải cẩu và nhà thám hiểm nổi tiếng người Na Uy, đã đi vòng quanh toàn bộ quần đảo vào năm 1861 và khám phá ra Kong Karls Land – một nhóm đảo nằm trong quần đảo. Năm 1898, những người thợ săn Na Uy tình cờ bắt gặp hòn đảo mới ở giữa Svalbard và Franz Josef Land, và đặt tên cho nó là Đảo Victoria.

Gấu Bắc Cực, Than Đá, và Những Bóng Ma Xô Viết

Mặc dù gấu Bắc Cực được bảo vệ ở Svalbard từ năm 1973, giai đoạn lịch sử tiếp theo lại chứng kiến sự khai thác than đá ở đây, đặc biệt là vùng bờ biển phía Tây. Mỏ than ở Kings Bay được một nhà thám hiểm người Anh, Jonas Poole, phát hiện vào năm 1610, nhưng giá trị thật sự của nó chỉ bùng nổ khi một doanh nhân Mỹ, John Munroe Longyear, thành lập Công ty Than Bắc Cực ở Boston. Năm 1906, ông thành lập thành phố Long Year (Longyearbyen từ năm 1926) cho công nhân của mình (chủ yếu người Na Uy), đến năm 1912 công ty đã khai thác tận 40,000 tấn than rồi!

Thời đó Svalbard chưa có luật lệ rõ ràng về chủ quyền đất đai, nên từ 1898 đến 1920, hơn 100 vụ tranh chấp nổ ra. Người Thụy Điển tự lập ở Svea, còn người Nga chiếm Barentsburg và Pyramiden (đóng cửa năm 1988, giờ thành thị trấn ma mang đậm chất Xô Viết, khách du lịch ghé thăm được đấy!). Anh Quốc cũng góp vui với công ty của người Scotland và Công ty Thám hiểm Phương Bắc.

Càng nhiều than, càng nhiều người đến ở, định cư. Ngôi trường đầu tiên ở Longyearbyen được xây dựng bởi Giáo hội Na Uy và công ty nhà nước Store Norske Spitsbergen Kulkompani năm 1920. Svalbard còn có trạm radio từ năm 1911, thậm chí khách sạn (Hotellneset) lắp ghép cũng được dựng năm 1896 luôn!

Tháng 1 năm 1920, tại mỏ than của Mỹ (Mỏ Số 1) thảm họa xảy ra, 26 thợ mỏ thiệt mạng. Qua nhiều thập kỷ, do vấn đề an toàn và môi trường, các công ty đóng cửa dần. Ngay cả Store Norske cũng kết thúc hoạt động mỏ than cuối cùng tại Svalbard vào năm 2023 này.

Svalbard – Kho hạt giống tương lai

Svalbard là một vùng đất xa xôi nằm sâu trong Bắc Cực, nơi mà luật pháp Na Uy bắt buộc cư dân phải mang theo súng để bảo vệ bản thân khỏi những chú gấu Bắc Cực. Nơi đây cũng có những điều lệ độc đáo khác như không cho phép chôn cất hay nuôi mèo (để không ảnh hưởng đến lớp băng vĩnh cửu và đời sống chim chóc).

Nhưng tương lai của Svalbard có thể sẽ gắn liền với sứ mệnh cứu rỗi nhân loại. Kho Hạt giống Toàn cầu (hay còn được gọi là Kho Hạt giống Ngày Tận Thế) được xây dựng sâu bên trong một mỏ than cũ của Na Uy phía trên sân bay Longyearbyen vào năm 2008. Nơi đây lưu trữ hàng triệu mẫu hạt giống từ các bộ sưu tập cây trồng trên thế giới, phòng trường hợp xảy ra thảm họa toàn cầu.

5/5 - (2 votes)
Kim Lưu
Chào mọi người, mình là Kim Lưu, người lập Blog Lịch Sử này. Hy vọng blog cung cấp cho các bạn nhiều kiến thức hữu ích và thú vị.

BÀI LIÊN QUAN