Blog Lịch Sử

Lược sử hoa hồng – Đóa hoa xuyên thời gian

Hình thành từ xa xưa và được biết tới từ thời cổ đại, hoa hồng không chỉ tiến hóa về mặt sinh học, mà còn mang ý nghĩa lịch sử

Kim Lưu
tổng hợp và biên dịch từ World History
luoc su hoa hong

Những bông hồng xinh đẹp tô điểm cho khu vườn của chúng ta ngày nay chính là hậu duệ của loài hoa dại giống-hồng từng sinh trưởng ở Bắc Bán Cầu từ 33 đến 23 triệu năm trước. Dấu vết của chúng còn in lại trong hóa thạch thời kỳ Oligocen ở Châu Âu, Châu Á và phía tây Bắc Mỹ.

Thời tiết ngày đó khá ôn hòa với nguồn côn trùng phong phú – môi trường lý tưởng cho sự phát triển của hoa hồng. Những hóa thạch cho thấy hoa-dại-giống-hồng có những nét đặc trưng rất dễ nhận ra: hoa năm cánh, lá hình bầu dục với viền răng cưa, và quả có màu sặc sỡ.

Hoa hồng trong huyền thoại Hy Lạp

Theo thần thoại Hy Lạp, Chloris, nữ thần của các loài hoa, đã tạo ra hoa hồng bằng cách thổi sự sống vào một tiên nữ rừng đã qua đời. Dionysus, vị thần của rượu và thực vật, đã ban cho nó một mùi hương tuyệt vời. Còn Aphrodite, nữ thần sắc đẹp và tình yêu, đã đặt tên cho nó bằng cách sắp xếp lại các chữ cái của Eros, con trai của bà, vị thần của tình yêu và ham muốn. Về sau, Eros đã tặng một bông hồng cho Harpocrates, vị thần của sự im lặng, như của hối lộ để đảm bảo rằng ông sẽ giữ kín những điều không tốt đẹp về các vị thần. Do đó, hoa hồng trở thành biểu tượng của sự bí mật, im lặng, và tình yêu. Câu chuyện này sau đó được người La Mã tiếp nối, thay thế các nhân vật chính bằng các vị thần của họ: Flora, Venus, Cupid và Bacchus, mặc dù Harpocrates vẫn giữ tên tiếng Hy Lạp.

Ý nghĩa biểu tượng

Hoa hồng gắn liền với sự kín đáo, im lặng nên hình ảnh của loài hoa này được dùng như một lời nhắc nhở trực quan. Những bông hồng được chạm khắc trên trần nhà và tường của các phòng họp quốc hội, tòa án, và phòng xưng tội của người Công giáo, nhằm nhấn mạnh rằng tất cả các cuộc trò chuyện phải được giữ kín. Từ thời Trung cổ, người ta hay treo một bông hồng trên trần nhà của phòng họp chính phủ để đảm bảo tính bảo mật của các cuộc họp. Do đó, cụm từ “sub rosa” (có nghĩa là “dưới hoa hồng”) đã trở thành một thuật ngữ mang tính luật pháp và vẫn còn được sử dụng để ẩn ý về một điều gì đó cần được giữ bí mật.

Những phát hiện ban đầu

Loài hoa hồng đầu tiên được mô tả chính thức trong giới khoa học đến từ khu hóa thạch Florissant Beds ở Teller County, Colorado, Mỹ. Năm 1883, nhà cổ thực vật học Charles Leo Lesquereux đã viết một bài báo khoa học có tựa đề “Đóng góp cho hệ thực vật hóa thạch của các vùng lãnh thổ phía Tây”. Trong bài báo này, ông đã mô tả và đặt tên cho loài hoa hồng Rosa hilliae, một mẫu vật đơn giản giống như hoa hồng mà ông đã nhận được trong số các mẫu vật do Khảo sát Địa chất Hoa Kỳ (Hayden) và Đoàn thám hiểm Khoa học Princeton năm 1877 thu thập.

Ông đặt tên loài hoa này là Rosa hilliae để vinh danh nhà cổ sinh vật học nghiệp dư Charlotte Hill, người đầu tiên khiến giới khoa học chú ý tới khu hóa thạch Florissant Beds. Bà sống với gia đình trong một trang trại có tên Petrified Stump Ranch, cách thị trấn Florissant khoảng 3 km (2 dặm) về phía nam. Charlotte bắt đầu thu thập hóa thạch thực vật và côn trùng mà bà tìm thấy khi đào đất quanh khu đất của gia đình. Niềm đam mê với hóa thạch ngày càng lớn, bà xây hẳn một bảo tàng nhỏ và tiếp đón nhiều nhà địa chất và cổ sinh vật học nổi tiếng, chia sẻ cho họ các bộ sưu tập của mình.

Sự tiến hóa của loài hoa hồng

Ngày nay, chi Hoa hồng (Rosa) bao gồm khoảng 150 loài cây bụi lâu năm, mọc thẳng, dạng leo, hoặc có cành dài với hàng nghìn giống khác nhau. Nguồn gốc đều phát xuất từ một số lượng rất nhỏ các giống hồng ban đầu ở châu Á, được lai tạo qua nhiều thế kỷ với hoa hồng bản địa châu Âu và châu Mỹ.

Hoa hồng được chia thành ba loại:

  • Giống hồng dại: Kiểu ‘hoa hồng dại’ quen thuộc.
  • Hồng cổ đại: Được lai tạo trước năm 1867.
  • Hồng hiện đại

Những giống hồng dại đầu tiên chỉ có năm cánh đơn, có thể thấy trên các loài hoa như Rosa hilliae. Đây là những giống hồng tạo nên bộ gen cơ bản cho hoa hồng ngày nay. Chúng bao gồm hồng tầm xuân (Rosa canina), thường được trồng làm hàng rào; hồng Scotland (Rosa pimpinellifolia) với bụi cây rắn rỏi, phát triển tốt ở những nơi thoáng mát hoặc ven biển; hồng Pháp (Rosa gallica) đến từ vùng Nam Âu ấm áp; hồng Carolina từ miền đông Hoa Kỳ và hồng Blanda gai khỏe, ưa thích những thảo nguyên châu Mỹ.

Lịch sử thuần hóa hoa hồng

Quá trình thuần hóa hoa hồng dại để biến chúng thành loài hoa đa dạng trong vườn bắt đầu từ rất lâu rồi. Những bông hồng đầu tiên được trồng có thể có niên đại hơn 3.000 năm trước Công nguyên ở Trung Quốc, được dùng để làm nước hoa hồng, tinh dầu, làm thuốc hoặc rắc trong các dịp lễ hội. Nhà triết học Khổng Tử cũng ghi nhận rằng hoa hồng đã được trồng trong vườn của Hoàng cung vào năm 500 trước Công nguyên và thư viện của hoàng đế Trung Quốc chứa rất nhiều sách về chủ đề này. Trung Quốc từng là quê hương duy nhất của hoa hồng vàng, từ đó mới phát triển tất cả giống hồng vàng ngày nay vì ở châu Âu không có hoa hồng dại nào lại có màu đó.

Người Ai Cập cổ đại tắm trong nước hoa hồng và rải cánh hoa hồng để làm thơm phòng của họ. Người La Mã trồng rất nhiều hoa hồng trong các khu vườn công cộng rộng lớn. Trong khi đó, hồng Alba (Rosa alba) lại thường được tìm thấy trong các khu vườn của các nhà quý tộc và tu sĩ ở châu Âu thời Trung cổ, được cho là do người La Mã mang tới. Mỗi tu viện thời Trung cổ đều có tu sĩ thực vật, chuyên trồng hoa hồng cùng với các loại thảo mộc khác để sử dụng trong nghi lễ tôn giáo.

Hồng Damask (Rosa damascena) với những bông hoa kép xòe rộng và hương thơm ngát cũng được người làm vườn thời Trung cổ yêu thích. Đúng như cái tên “từ Damascus” của nó, loài hồng này được cho là do các thương gia mang về châu Âu từ Syria vào thế kỷ 12 hoặc từ các cuộc Thập tự chinh vào thế kỷ 13, cùng với hồng dược liệu (Rosa officinalis).

Sự can thiệp liên tục của các nhà thực vật học và nhân giống cây trồng đã biến những giống hồng dại thành loài hoa tuyệt đẹp trong khu vườn ngày nay. Hoa hồng được trồng từ hạt giống không giữ được đặc điểm của cây bố mẹ, vì vậy cần phải giâm cành để duy trì một giống. Do đó, có thể nói rằng một bông hồng cổ điển hiện nay chính là sợi dây kết nối sống động với một đóa hồng từng nở trong khu vườn thời Trung cổ. Những giống hồng cổ thường không nở hoa lâu bằng hậu duệ được lai tạo của chúng, màu sắc của chúng cũng nhạt và ít bắt mắt hơn. Tuy nhiên, chúng cứng cáp và không yêu cầu sự chăm sóc tỉ mỉ như các giống lai hiện đại, hơn nữa lại vẫn tỏa ra hương thơm nồng nàn từ tổ tiên hoang dã của chúng.

Hoa hồng – Từ loài hoa trang trí đến biểu tượng giàu ý nghĩa

Ban đầu chỉ đơn giản là hoa trang trí, nhưng hoa hồng đã có ý nghĩa biểu tượng to lớn hơn khi chúng bắt đầu xuất hiện trên các huy hiệu của giới quý tộc. Vào thế kỷ 13, loài hoa hồng trắng Rosa Alba là biểu tượng của Eleanor xứ Provence, vợ của vua Henry III của Anh. Con trai bà, Bá tước xứ Lancaster tên Edmund, đã dùng bông hồng đỏ Rosa Gallica làm biểu tượng từ vợ ông, Blanche xứ Artois, sau khi họ kết hôn. Điều này đã đưa bông hồng đỏ thành dấu hiệu nhận biết của Nhà Lancaster (một nhánh của vương tộc Anh).

Hơn 200 năm sau, Công tước xứ York, Richard, chọn hoa hồng trắng làm huy hiệu của mình. Khi tranh chấp quyền thừa kế ngai vàng nước Anh nổ ra giữa hai nhánh Lancaster và York từ năm 1455 đến 1487, cuộc xung đột này được gọi là Cuộc chiến Hoa Hồng. Sau cuộc nội chiến, Henry Tudor thuộc nhà Lancaster lên ngôi vua Henry VII của nước Anh. Ông kết hôn với Elizabeth xứ York và hợp nhất hai biểu tượng hoa hồng trắng và đỏ để thành lập Nhà Tudor (vương triều Anh 1485–1603). Hoa hồng Tudor có hai lớp cánh này được chạm khắc hay vẽ trên rất nhiều công trình kiến trúc, đồ nội thất, hay tranh ảnh thời đại này, tượng trưng cho một đất nước thống nhất.

Quốc hoa của Mỹ

Vào năm 1986, đóa hồng được bầu chọn chính thức là quốc hoa của Hoa Kỳ. Trong buổi lễ đặc biệt, Tổng thống Ronald Reagan đã ký thành luật nghị quyết chung của Thượng viện và Hạ viện bằng những lời lẽ như sau:

“Hơn bất kỳ loài hoa nào khác, chúng ta yêu quý hoa hồng như một biểu tượng của cuộc sống, tình yêu và sự tận tụy, về cái đẹp và sự vĩnh cửu … Chúng ta thấy điều này ở khắp mọi nơi. Nghiên cứu hóa thạch cho thấy hoa hồng đã tồn tại ở Hoa Kỳ qua nhiều thời đại. Chúng ta làm vườn và trồng hoa hồng. Tổng thống đầu tiên của chúng ta, George Washington, đã lai tạo hoa hồng, và một giống hoa hồng đặt tên theo mẹ ông vẫn còn được trồng cho đến ngày nay. Ngay cả Nhà Trắng cũng có một Vườn Hồng tuyệt đẹp. Hoa hồng được trồng ở khắp năm mươi tiểu bang trên đất nước ta. Chúng ta thấy chúng hiện diện trong nghệ thuật, âm nhạc và văn học. Chúng ta tô điểm cho lễ hội và những cuộc diễu hành bằng hoa hồng. Quan trọng hơn hết, chúng ta tặng hoa hồng cho những người chúng ta yêu thương, và dâng hoa để trang hoàng bàn thờ, cho các đền thờ công dân, và nơi an nghỉ cuối cùng của các bậc anh hùng.” (Tuyên bố 5574)

Bộ sưu tập quốc gia

Trong khoảng thế kỷ 15 và 16, những người trồng hoa bắt đầu lai tạo và thay đổi các giống hoa như R. damascena (Hoa hồng Damascus) và một họ hàng Trung Đông khác, Rosa centifolia (Hoa hồng Bắp cải). Người Hà Lan là những nhà tiên phong trong công cuộc lai tạo này, và nghiên cứu hiện đại đã chỉ ra rằng ít nhất bốn loài hoa hồng dại có thể được tìm thấy trong nguồn gen của loài R. centifolia. Chúng ta có thể chiêm ngưỡng những thành quả của việc lai tạo hoa hồng ở Hà Lan vào thế kỷ 16 và 17 qua các bức tranh của các bậc thầy cổ điển Hà Lan, với những hình ảnh đặc trưng của loài R.centifolia với những bông hồng to tròn và có hình dạng như bắp cải với mặt cánh hoa dường như đã bị cắt ngang phẳng lỳ bởi một con dao.

Thời kỳ hoàng kim của hoa hồng phải vào đầu thế kỷ 19, được thúc đẩy phần lớn bởi Joséphine de Beauharnais, vợ của hoàng đế Napoleon Bonaparte. Khi mua tòa dinh thự Château de Malmaison ở ngoại ô Paris, Joséphine cho trồng trong vườn tất cả các giống hoa hồng nổi tiếng thời bấy giờ từ khắp nơi ở Châu Âu. Vào thời điểm đó, Châu Âu đang chìm trong Chiến tranh Napoleon và giai đoạn Phong tỏa Lục địa, thế nhưng người ta nói rằng bà Joséphine đã có những sự sắp xếp đặc biệt để các chuyến hàng hoa hồng từ Anh có thể vượt qua sự phong tỏa trên eo biển Manche mà không bị cản trở.

Khi bộ sưu tập phát triển, Joséphine đã ủy thác cho họa sĩ Pierre-Joseph Redouté ghi lại những bông hồng trong bộ sưu tập của mình. Tác phẩm đã xuất bản của ông, Les Roses (1817-24), hiện đã trở thành xuất phát điểm cho nhiều nghiên cứu khoa học hiện đại về hoa hồng vườn. Bộ sưu tập của Joséphine góp phần khơi dậy niềm đam mê với hoa hồng ở Pháp, và đã tạo thành một sự bùng nổ trong việc lai tạo giống hồng mới. Trên thực tế, gần như tất cả các giống hồng cổ mà chúng ta trồng ngày nay đều được lai tạo ở Pháp.

Jacques-Louis Descemet là một trong bốn đại thụ trong giới trồng hồng của Pháp ở thành phố Paris vào thời của Joséphine. Ông đã giúp phổ biến một giống hoa đã được nhập khẩu vào Pháp từ các nhà lai tạo hoa hồng Hà Lan, nhưng sau đó được gọi là Rosa gallica (Hồng Pháp) và về sau lại được gửi từ Pháp sang Anh. Nguồn gốc của R. Gallica không rõ ràng, nhưng nó đã được biết đến như một loài riêng của người Ba Tư vào thế kỷ 12, và người Hà Lan đã trồng loài này ở một mức độ nào đó 400 năm sau đó, mặc dù sở thích chính của họ là R. Centifolia.

Đọc thêm:

Các loài hồng lai tạo

Vào khoảng năm 1790, người Châu Âu được tiếp cận với giống hoa hồng Trung Quốc có khả năng nở hoa lặp lại. Điều này đã tạo ra bước đột phá lớn cho các nhà lai tạo hoa hồng bởi trước đây các giống hồng đa phần chỉ nở rộ nhất một lần duy nhất. Giống hồng mới này không chỉ nở một lần mà còn tái xuất liên tục trong suốt mùa phát triển.

Bước tiến lớn tiếp theo trong sự phát triển của hoa hồng đến khi các nhà lai tạo thực hiện phép lai giữa giống hồng cổ Trung Quốc (Rosa chinensis) và giống hồng châu Âu Rosa gigantea. Kết quả cho ra đời một loại hoa hồng có mùi hương phảng phất như một tách trà Trung Hoa – và cái tên “Hoa Hồng Trà” cũng vì thế mà ra đời.

Vài năm sau đó, hoa hồng damask lại được lai với một số loài hoa hồng hoang dã có khả năng nở hoa tự do trong nhiều năm để tạo ra giống hồng lai liên tục (Hybrid Perpetuals). Chương cuối cùng trong câu chuyện này được viết vào giữa thế kỷ 19 khi hồng trà được lai với hồng lai liên tục, và giống hồng lai trà (Hybrid Tea) chính thức ra đời. Khả năng ra hoa to, lâu tàn và tràn đầy sức sống đã giúp Hồng Trà trở thành một trong những giống hồng được ưa chuộng nhất trên thế giới.

Giống hồng Bourbon

Giống hồng Bourbon xuất phát từ quá trình thụ phấn tự nhiên giữa giống R. Chinensis và hoa hồng damask trên đảo Ile Bourbon, ngày nay được biết đến với tên gọi Đảo Reunion, gần Mauritius. Vào thời điểm kênh đào Suez chưa được xây dựng, hòn đảo này là nơi dừng chân quen thuộc để tàu thuyền Pháp tiếp tế. Đầu thế kỷ 19, một cây giống của giống hoa hồng lai đã được đưa từ đây đến Paris và tiếp tục được lai với giống R.gallica. Kết quả của phép lai này là giống hồng Bourbon với khả năng nở hoa trong thời gian dài và hương thơm nồng nàn rất được người trồng hoa yêu thích cho tới tận ngày nay.

Noisette – Giống hồng lai đầu tiên của Mỹ

Nhóm hoa hồng lai đầu tiên được nhân giống ở Mỹ mang tên “Noisette” và chúng xuất hiện lần đầu tiên vào những năm 1800 tại Nam Carolina. Ban đầu một người làm vườn Pháp tên là Louis Noisette đã gửi giống hồng Trung Quốc “Old Blush” cho anh trai Philippe, lúc đó đang sống tại Mỹ. Philippe đã đưa cây Hoa Hồng này cho người hàng xóm John Champneys, người đã lai nó với giống hoa hồng Musk Rose leo (Rosa Moschata). Thành quả của quá trình lai tạo này là giống hoa mang tên “Champneys ‘Pink Climber”. Hạt giống từ cây này tiếp tục được gửi ngược về Pháp và sau đó đã được phát triển thành giống hồng leo mới có tên Noisette Carnée. Sau đó còn vô số giống hồng lai khác ra đời khi người ta kết hợp Noisette với giống Hồng Trà.

Hoa hồng hiện đại

Hoa hồng ngày nay bắt nguồn từ giống hồng trà lai (hybrid tea), sau đó được bổ sung thêm bởi hồng chùm (floribundas) và hồng đại đóa (grandifloras). Hồng chùm được lai tạo vào cuối thế kỷ 19 bởi công ty Poulsen của Hà Lan, vẫn còn hoạt động cho đến tận ngày nay. Các nhà lai tạo giống của họ đã kết hợp giữa giống hồng lùn Trung Quốc với các giống hồng trà lai nhỏ để tạo ra những bụi hoa nhỏ gọn, nở thành chùm với nhiều bông hoa kép nhỏ nhắn.

Hồng đại đóa ra đời vào những năm 1950, là sự giao thoa giữa hồng trà lai và hồng chùm. Những bụi hồng này cao, khỏe mạnh, có hoa nở đầy đặn. Đây chính là giống hồng làm vườn phổ biến nhất hiện nay. Tuy nhiên, chúng không có mùi hương đậm đà như các giống hồng Cổ điển. Điểm thu hút của chúng là dáng vẻ đồng đều và màu sắc cực kỳ rực rỡ đa dạng, thích hợp để tạo nên những không gian vườn rộng đầy ấn tượng.

Ngày nay, năm nào cũng có những giống hồng mới ra đời từ nhiều nhà lai tạo trên khắp thế giới – hành trình tìm kiếm giống hồng hoàn hảo vẫn đang tiếp diễn. Cùng lúc đó, những giống hồng dại đóng vai trò gìn giữ nguồn gen nguyên thủy, còn những giống hồng Cổ điển tiếp tục chiếm được lòng yêu mến của người chơi hoa nhờ dáng vẻ tự nhiên và hương thơm nồng nàn. Lịch sử của hoa hồng vẫn đang không ngừng được viết nên.

5/5 - (2 votes)
Kim Lưu
Chào mọi người, mình là Kim Lưu, người lập Blog Lịch Sử này. Hy vọng blog cung cấp cho các bạn nhiều kiến thức hữu ích và thú vị.