Cái từ “veterinarian” (bác sĩ thú y) mà mình thường dùng để nói về người chăm sóc sức khỏe động vật thực ra bắt nguồn từ chữ “veheri” trong tiếng Latin, có nghĩa là “kéo”, “lôi”. Ban đầu người ta dùng từ này để chỉ những người chăm sóc mấy con vật kéo xe, kéo cày, thường là trâu hay ngựa, thời La Mã cổ đại (“History of Veterinary Medicine,” Guthrie, 1).
Do người ta hay liên hệ thú y với đế chế La Mã nên các bài viết về lịch sử ngành này thường bắt đầu bằng mấy ông bác sĩ nổi tiếng thời La Mã như Galen (129-216 Công Nguyên) hoặc “cha đẻ ngành y” Hy Lạp Hippocrates (460 – 379 trước Công Nguyên), hoặc nhà văn Vegetius (thế kỷ 4 – 5). Nhưng thật ra, y học cho động vật đã hình thành từ lâu lắm rồi, trước cả mấy ông này.
Cũng như không ai biết chính xác con người bắt đầu thuần hoá động vật, nuôi chó từ khi nào, thì chúng ta cũng chịu thua câu hỏi thú y ra đời khi nào. Có thể đoán rằng một số hình thức thú y sơ khai đã xuất hiện không lâu sau khi con người thuần hoá động vật, tức là tầm 12,000 đến 10,000 năm trước Công Nguyên, hoặc thậm chí sớm hơn nữa nếu ta tính đến mấy chú cún cưng.
Điều mà ta có thể làm là vẽ lại quá trình thú y phát triển qua các nền văn minh cổ đại như Trung Hoa, vùng Lưỡng Hà, Ai Cập và Ấn Độ, lâu trước khi Hy Lạp và La Mã mang ngành nghề này phát triển khắp châu Âu.
Hầu như chắc chắn rằng các thầy thuốc ở châu Á đã hành nghề thú y từ trước khi có văn tự để ghi chép, tuy nhiên sử sách vẫn phần nào cho thấy mấy ông Hy Lạp, La Mã thường được xem là “cha đẻ ngành thú y” thực ra chỉ góp sức phát triển thêm thôi.
Do không biết đến những đóng góp trước thời Hy Lạp, La Mã, mấy học giả thời kỳ Khai Sáng vào thế kỷ 18 đã viết về lịch sử thú y bắt đầu từ mấy nền văn minh đó. Nghiên cứu sau này đã chứng minh rằng những cây viết như Hippocrates và Vegetius góp phần phát triển chứ không hẳn là người đặt nền móng đâu.
Nguồn gốc thú y: Trung Quốc cổ đại
Mặc dù không thể biết chính xác ngành thú y ra đời ở đâu, nhưng bằng chứng ghi chép sớm nhất có thể được truy ngược về Trung Quốc cổ đại. Một trong những thần thoại nổi tiếng nhất kể về Phục Hy (còn được gọi là Phúc Hy) và em gái, đồng thời cũng là vợ ông, Nữ Oa. Họ là những người sáng tạo ra loài người và ban tặng nền văn minh cho nhân loại. Phục Hy được gọi là “người thuần hóa bò” nhờ đã thuần hóa nhiều loài động vật, đây là một dấu mốc quan trọng của nền văn minh Trung Hoa đã được thiết lập từ lâu trước thời điểm ngôi làng Bán Pha phát triển mạnh mẽ trong khoảng từ 4500 – 3750 TCN.
Phục Hy – Cha đẻ ngành Thú y
Theo truyền thuyết cổ (được ghi lại trong tác phẩm Sơn Hải Kinh, khoảng năm 2600 TCN, nhưng được cho là đã tồn tại trong truyền miệng từ lâu trước đó), Nữ Oa ban đầu nhào nặn từng người bằng tay nhưng thấy quá vất vả do số lượng người dường như vô tận. Vì thế, bà tạo ra hôn nhân như một cách thức để con người tự sinh sản. Tuy nhiên, sau đó, bà nhận ra rằng con người không thể tự mình tồn tại vì họ không biết cách chăm sóc, may mặc hay kiếm ăn. Lúc này, Phục Hy dạy con người đánh cá, săn bắn, viết lách, trồng trọt và thu hoạch mùa màng, dự đoán tương lai thông qua bói toán, và cuối cùng là thuần hóa động vật hoang dã để họ không phải dành quá nhiều thời gian cho việc săn bắt.
Sau khi dạy cách thuần hóa động vật, tương truyền Phục Hy cũng hướng dẫn con người cách chăm sóc chúng. Những ví dụ sớm nhất về y học thú y ở Trung Quốc liên quan đến việc chăm sóc gia súc và ngựa. Các bác sĩ được gọi là “thầy cúng ngựa” đã sử dụng châm cứu để điều trị thành công cho những con ngựa bị què hoặc đau bụng vào khoảng năm 3000 TCN. Thú y tiếp tục phát triển từ mốc này để bao gồm các động vật khác, đồng thời sử dụng thêm thảo dược, bùa chú và nhiều phương pháp khác nhau trong điều trị bệnh tật và thương tích.
Chăm sóc Thú y vùng Lưỡng Hà
Từ năm 3000 trước Công Nguyên, nghề bác sĩ thú y đã khá phổ biến ở Lưỡng Hà và gắn kết trực tiếp với các vị thần. Nữ thần của sức khỏe và chữa bệnh là Gula (còn có tên Ninkarrak và Ninisinna), người luôn xuất hiện cùng với những chú chó – biểu tượng của sự bảo vệ và chữa lành. Gula khởi xướng nền y học cổ đại cùng với chồng mình là Pabilsag, các con trai Damu và Ninazu, cùng con gái Gunurra. Trong các người con, người ảnh hưởng mạnh mẽ nhất chính là Ninazu – vị thần gắn liền với rắn (biểu tượng của sự biến đổi), chữa bệnh và thế giới bên kia. Biểu tượng của Ninazu là cây quyền trượng với hình ảnh hai con rắn quấn vào nhau, về sau ta hay bắt gặp hình ảnh này qua Hippocrates và ngày nay nó đã trở thành biểu tượng của ngành y.
Có hai loại hình y sĩ chính ở Lưỡng Hà: Asu (bác sĩ thực hành chữa bệnh thông qua quan sát và các phương pháp vật lý) và Asipu (những người chữa bệnh thông qua bùa phép, cầu nguyện và thảo dược). Cả hai loại y sĩ này đều có thể làm bác sĩ thú y. Ở thời kỳ này, người ta không phân biệt ranh giới giữa chữa bệnh bằng phương thức tự nhiên hay siêu nhiên, cả hai cách thức đều có thể kết hợp để chữa bệnh.
Bác sĩ thú y đầu tiên được ghi danh
Vị bác sĩ thú y đầu tiên được lịch sử ghi nhận tên là Urlugaledinna, một người Sumer sống dưới thời vua Ur-Ningirsu (trị vì 2121-2118 TCN), vua của thành Lagash. Tiến sĩ Saadi F. Al-Samarrai có viết:
[Urlugaledinna] đặc biệt chú trọng đến một dụng cụ có hai tay cầm kim loại gắn với hai sợi dây xoắn cùng hai trục hoặc tấm kim loại uốn cong lên trên, tạo thành một dạng kẹp sản khoa sử dụng cho những ca sinh khó. Nó cũng chứng minh rằng người Sumer đã sử dụng các dụng cụ phẫu thuật để rạch các ổ áp xe hay các tiểu phẫu khác cũng như dùng kim chỉ để khâu vết thương.
Con dấu hình trụ của Urlugaledinna – về cơ bản là một dạng chứng minh nhân dân – cho thấy hình ảnh cây kẹp cùng cây quyền trượng với rắn quấn của thần Ninazu. Ông gắn với hình ảnh bác sĩ thú y nhiều hơn chữa bệnh cho con người, tuy nhiên các ghi chép thời đó khá sơ sài nên không có nhiều thông tin cụ thể về phương pháp chữa trị của ông. Đây là một điều khá phổ biến trong các văn bản Lưỡng Hà do họ hay cho rằng người đọc cũng biết về chủ đề đang thảo luận. Nhà Đông phương học Samuel Noah Kramer nhấn mạnh:
Ở thời kỳ này cũng có các bác sĩ thú y được gọi là “bác sĩ bò” hoặc “bác sĩ lừa”; nhưng họ chỉ được nhắc đến trong các văn bản từ vựng và chưa có thêm thông tin chi tiết. (Người Sumer, 99)
Dù các bác sĩ thú y thời kỳ đầu này chữa trị ra sao, họ cũng đã định hình khá rõ nghề nghiệp của mình để đưa vào các bộ luật như bộ luật Eshnunna được viết vào khoảng năm 1930 TCN. Bộ luật Eshnunna đề cập đến bệnh dại, tác động của nó và đặt mức phạt cho chủ của một con chó dại đã cắn người. Bộ luật Hammurabi (khoảng năm 1754 TCN) công nhận bác sĩ thú y là một nhánh riêng biệt của nghề y và quy định mức phí họ phải được trả; chính thức xác lập nghề thú y trở thành một ngành nghề chính thống.
Thú y Ai Cập cổ đại và cuốn sách Kahun Papyri
Trước cả khi bộ luật Hammurabi được khắc tại Babylon, các bác sĩ thú y ở Ai Cập đã được công nhận về kỹ năng vượt trội của mình. Minh chứng là cuốn sách về khoa học thú y cổ đại còn tồn tại đến ngày nay, Kahun Papyri. Nội dung cuốn sách có niên đại từ thời Trung Vương quốc Ai Cập (2040-1782 TCN), cụ thể hơn là vào triều đại của Amenemhat III (khoảng 1860 – khoảng 1814 TCN). Kahun Papyri ghi chép về nhiều chủ đề đa dạng, từ các lễ hội, cách chữa trị phụ khoa cho đến hướng dẫn thực hành thú y và chẩn đoán bệnh.
Nền văn minh coi trọng động vật
Không có gì đáng ngạc nhiên khi khoa học thú y phát triển rực rỡ ở Ai Cập cổ đại, một nền văn hóa đề cao muôn loài động vật. Mặc dù Ai Cập được biết đến nhiều nhất với sự tôn kính dành cho mèo, tất cả sinh vật đều được coi là linh thiêng. Thực đơn hằng ngày của họ gần như hoàn toàn là chay, và động vật được tôn vinh thông qua sự gắn kết với các vị thần.
Nhà nghiên cứu Conni Lord lưu ý rằng, “như một xã hội nông nghiệp, con người và động vật ở Ai Cập cổ đại thường xuyên chia sẻ cùng một không gian, đôi khi còn gây hại cho nhau” (141). Sự tiếp xúc gần gũi này đương nhiên dẫn đến việc con người phải tìm cách giải quyết các căn bệnh trên động vật. Bản năng sinh tồn đã thôi thúc họ, nhưng người Ai Cập hành động sớm hơn và chủ động hơn nhiều nhờ sự tôn trọng to lớn của họ đối với động vật. Trên thực tế, một số học giả đã lập luận rằng việc hành nghề thú y ở Ai Cập thuộc hàng sớm nhất trên thế giới, có niên đại ít nhất từ thời Cổ Vương quốc (khoảng 2613-2181 TCN), nếu không phải sớm hơn. Lord nhận xét:
Động vật, giống như con người, sẽ có tỷ lệ mắc bệnh ký sinh trùng cao. Ánh nắng gay gắt của Ai Cập và những trận bão cát thường xuyên chắc chắn dẫn đến tỷ lệ mắc bệnh về mắt ở cả người và động vật. Điều kiện môi trường của Ai Cập cổ đại hẳn đã tạo điều kiện phức tạp cho việc phát sinh các loại bệnh, ở cả người và động vật.
Bệnh ngủ và những ghi chép y khoa
Một trong những căn bệnh nguy hiểm bấy giờ là bệnh Trypanosomiasis châu Phi, và đặc biệt là bệnh nagana lây lan ở động vật do ruồi tsetse cắn. Loài ruồi bị nhiễm bệnh sau khi cắn động vật có thể lây truyền bệnh sang người. Nạn nhân sẽ mắc phải “bệnh ngủ”, và cuối cùng dẫn đến tử vong nếu không được điều trị.
Cuốn sách Kahun Papyrus đặc biệt đề cập đến nagana (được gọi là ushau trong văn bản), đưa ra các biện pháp khắc phục và nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rửa tay trước, trong và sau khi điều trị cho động vật bị nhiễm bệnh. Mặc dù nội dung cuốn sách chủ yếu về việc điều trị gia súc, các loài chim, chó và cá (được nuôi như thú cưng) cũng được đề cập.
Đọc thêm:
Lịch Sử Thú Y Ấn Độ
Hiện vẫn còn là một điều chưa chắc chắn rằng liệu nền thú y của Ai Cập có du nhập vào Ấn Độ hay đã được phát triển độc lập tại đây. Thế nhưng, vào thời kỳ Vệ Đà (khoảng 1500-500 TCN), bác sĩ thú y đã là một nghề ổn định và được tôn trọng tại Ấn Độ. Theo học giả R. Somvanshi:
“Người ta tin rằng các tu sĩ, những người vốn có trách nhiệm chăm sóc gia súc, là những bác sĩ thú y đầu tiên. Nhiều câu thánh ca Vệ Đà chỉ ra công dụng y học của các loại thảo mộc và có khả năng là những tu sĩ này cũng sử dụng kiến thức y học ấy để giữ gia súc khỏe mạnh.” (3)
Bác Sĩ Vĩ Đại Sushruta
Bác sĩ đại tài Sushruta (khoảng thế kỷ 7 hoặc 6 TCN), được biết đến với tên gọi “Cha Đẻ Y Học Ấn Độ” và “Cha Đẻ Phẫu Thuật Tạo Hình”, đã phát triển nhiều kỹ thuật y học được dùng cho cả người lẫn động vật. Tác phẩm Sushruta Samhita (Bản Tóm Tắt của Sushruta) được xem như văn bản lâu đời nhất trên thế giới về phẫu thuật tạo hình, một kinh điển trong Y học Ayurveda, và là nền tảng cho thú y ở Ấn Độ. Somvanshi có viết:
“Động vật được chăm sóc sức khỏe rất tốt tại Ấn Độ xưa. Các thầy thuốc chữa bệnh cho người cũng đồng thời được đào tạo chăm sóc động vật. Các luận thuyết y học Ấn Độ như Charaka Samhita, Sushruta Samhita, và Harita Samhita có chứa các chương hoặc chỉ dẫn về cách chữa trị cho cả thú khỏe lẫn thú bệnh. Tuy vậy, cũng vẫn có những lương y chỉ chuyên về thú, hoặc thậm chí chỉ một loại thú nhất định. Nổi bật nhất trong số đó là Shalihotra, bác sĩ thú y đầu tiên trên thế giới và là cha đẻ của ngành thú y Ấn Độ.” (5)
Shalihotra: Cha Đẻ Ngành Thú Y Ấn Độ
Shalihotra (khoảng thế kỷ 3 TCN) là một lương y dành cả đời mình để chăm sóc động vật. Tác phẩm của ông, Shalihotra Samhita, bàn về thú y, dựa trên những nghiên cứu trước đó của Sushruta về giải phẫu, sinh lý, và kỹ thuật phẫu thuật con người; những kiến thức này đã được Shalihotra điều chỉnh khi áp dụng cho các loài động vật. Vào triều đại của quốc vương Ashoka vĩ đại (trị vì khoảng 268 -232 TCN), bệnh xá thú y đầu tiên trên thế giới đã được xây tại Ấn Độ, với tầm nhìn hoạt động dựa trên các công trình nghiên cứu của Shalihotra.
Hy Lạp và La Mã
Giống như nhiều nền văn minh khác, người Hy Lạp chắc chắn đã phát triển các kiến thức sơ khai về thú y ngay sau khi thuần hóa động vật. Tuy nhiên, một trong những phương pháp nghiên cứu sâu rộng nhất về chủ đề này lại đến từ Hippocrates, người nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiếp cận thực nghiệm để chẩn đoán và điều trị cho cả con người và động vật.
Hippocrates là bác sĩ Hy Lạp đầu tiên cho rằng bệnh tật là do các yếu tố môi trường, chế độ ăn, lối sống gây nên chứ không phải hình phạt từ các vị thần hay sự quấy nhiễu bởi linh hồn. Dĩ nhiên, ông không phải người đầu tiên trong lịch sử đưa ra tuyên bố này – những ý tưởng tương tự từng được đề xuất bởi Imhotep, một học giả đa ngành ở Ai Cập và sau này là Sushruta và Shalihotra ở Ấn Độ.
Hippocrates đặt chế độ ăn uống là một trong những khía cạnh quan trọng nhất để duy trì sức khỏe cho cả con người và động vật. Bên cạnh đó, ông cũng đề cao các yếu tố như tập thể dục thường xuyên, tắm nắng, mát-xa, thư giãn, cải thiện tâm trạng, liệu pháp hương thơm và tắm rửa liên tục. Mặc dù các nghiên cứu của ông tập trung nhiều vào sức khỏe con người, chúng cũng mở rộng sang lĩnh vực chăm sóc động vật nữa. Đến khoảng năm 130 TCN, một người đàn ông tên Metrodorus đến từ Lamia (Thessaly) đã nổi tiếng nhờ kỹ năng chữa bệnh cho động vật dựa trên nền tảng của Hippocrates. Ông đặc biệt am hiểu về ngựa và được kính trọng như một bác sĩ thú y.
Người La Mã và Y Khoa
Không còn nghi ngờ gì nữa, người La Mã đã kế thừa các phương pháp y khoa của Hy Lạp, nổi bật trong đó là Galen – người công nhận sự tương đồng trong sinh lý học của con người và các loài động vật. Ông có thể chữa bệnh xuất sắc là nhờ am hiểu về giải phẫu, mà kiến thức này là từ các hoạt động nghiên cứu trên động vật. Ông đặt ra giả thuyết chính xác là những thứ gây hại cho động vật cũng có khả năng gây hại cho con người, và ngược lại, thứ gì cải thiện sức khỏe cho loài này thì cũng có tác dụng tương tự ở loài kia.
Dù vậy, các nghiên cứu của Galen về động vật thường vẫn chưa nổi bật bằng thành tựu của nhà văn La Mã Publius Flavius Vegetius Renatus (hay đơn giản là Vegetius). Cuốn sách của ông tên Hướng Dẫn Thú Y (Digesta Artis Mulomedicinae) đã trở thành chuẩn mực tham khảo cho những ai làm về lĩnh vực này. Ta không biết gì nhiều về Vegetius ngoại trừ nội dung tác phẩm của ông, chủ yếu nghiên cứu các bệnh và cách chữa trị cho ngựa, trâu bò. Ông đã đọc các nghiên cứu của Hippocrates và cũng tán thành quan điểm căn bản trong cách tiếp cận thú y – cho rằng bệnh đến từ các nguyên nhân tự nhiên chứ không phải thần thánh hay các yếu tố siêu nhiên. Chính nhờ cuốn sách này mà nhiều người qua nhiều thế kỷ đã xem ông là “Cha đẻ của Thú Y” – công nhận tầm vóc và ảnh hưởng của công trình ấy đến sự phát triển của ngành khoa học này.
Thú y trong thời kỳ đen tối ở Châu Âu
Sau khi Đế chế Tây La Mã sụp đổ vào năm 476 sau Công nguyên cùng với sự trỗi dậy của Cơ đốc giáo, kiến thức y học thú y đã mai một. Tiến sĩ Earl Guthrie từng nhận xét:
Nhà thờ cấm mổ xẻ và khám nghiệm tử thi, đồng thời tịch thu và tiêu hủy nhiều tài liệu về y học thú y. Trong thời gian này, không có tài liệu mới nào được viết. Người Ả Rập ở Tây Ban Nha lúc này là những người duy nhất có hoạt động trong lĩnh vực này. Do tình yêu đối với ngựa và kỹ năng cưỡi ngựa tuyệt vời, họ đặc biệt quan tâm đến các bệnh về loài vật này.
Sự thờ ơ đối với lĩnh vực thú y bắt nguồn từ quan niệm của nhà thờ Trung Cổ rằng động vật không có linh hồn bất tử và do đó không xứng đáng được chăm sóc y tế. Theo quan điểm của Nhà thờ, nếu mèo hoặc chó của một người chết đi thì cũng chẳng quan trọng gì, hệt như cái chết của một con ruồi hoặc bọ chét. Phải đến cuối thế kỷ 12 và đầu thế kỷ 13, người châu Âu mới bắt đầu quan tâm trở lại đến sức khỏe của động vật vì nó ảnh hưởng đến cuộc sống con người. Mặc dù vậy, mối quan tâm đó tập trung chính vào sức khỏe của ngựa và gia súc – ngựa phục vụ cho chiến tranh, vận tải; còn gia súc là nguồn thực phẩm và cho công việc đồng áng. Sức khỏe của động vật, chỉ vì chính bản thân chúng, mãi về sau mới trở thành mối bận tâm.
Thú y và Thời kỳ Khai sáng
Phải đến Thời kỳ Khai sáng (khoảng 1715-1789) thì thú y mới lại được quan tâm thực sự. Tuy nhiên, những người viết về chủ đề này không có kiến thức gì về những đóng góp của người Trung Quốc, Sumer, Ấn Độ, Ai Cập… và tin rằng các tác phẩm của người Hy Lạp và La Mã là những tài liệu sớm nhất trong lĩnh vực này. Ngược lại, các học giả tự nhiên cho rằng Hippocrates, Galen và Vegetius góp phần đặt nền tảng cho các trường thú y đầu tiên ở châu Âu.
Học viện thú y đầu tiên ở châu Âu được thành lập tại Pháp vào năm 1762 bởi bác sĩ phẫu thuật thú y Claude Bourgelat (sống 1712-1779) để đối phó tình trạng gia súc chết hàng loạt do bệnh dịch hạch. Các sinh viên tại trường của Bourgelat đã có những bước tiến ấn tượng trong nghiên cứu, chẩn đoán và điều trị, khiến vua Pháp Louis XV (trị vì 1715-1774) thành lập Trường Y khoa Hoàng gia vào năm 1765. Kể từ đó, các trường thú y cũng xuất hiện ở các nước châu Âu khác giai đoạn năm 1791. Mỹ muộn hơn một chút – trường thú y đầu tiên của quốc gia này là Veterinary College of Philadelphia được thành lập vào năm 1852.
Kết
Bourgelat đôi khi được gọi là “Cha đẻ của Y học Thú y” vì đã thành lập trường của mình. Ý tưởng này vẫn còn phổ biến cho đến hiện tại, tuy nhiên nó lại phớt lờ việc thành lập trường đại học thú y ở Ấn Độ dưới thời Ashoka và công trình của các bác sĩ Ai Cập – những người tạo ra kinh Kahun. Gần đây, người ta biết thêm đến bác sĩ người Mỹ nổi tiếng James Harlan Steele (sống 1913-2013), người đã nâng cao nhận thức của cộng đồng về việc chăm sóc động vật – một đóng góp đáng được ghi nhận.
Mặc dù những thành tựu của Tiến sĩ Steele trong lĩnh vực này rất đáng ngưỡng mộ, nhưng ông ấy – giống như các bác sĩ phương Tây khác được ca ngợi là “người đi đầu” trong ngành – không phải là người đầu tiên. Danh hiệu “Cha đẻ ngành Thú y” thật sự (hoặc có thể là “Mẹ đẻ”) có lẽ sẽ không bao giờ được biết đến, nhưng chắc chắn thú y có bề dày lịch sử lâu đời hơn chúng ta thường nghĩ.
Tổng hợp từ World History