Lịch Sử Việt Nam

Lý Nam Đế dựng nước Vạn Xuân

Nước Vạn Xuân là chính thể độc lập đầu tiên của người Việt sau 1000 năm Bắc Thuộc. Tuy nó ngắn ngủi nhưng đã mở ra thời kỳ mới

ly nam de dung nuoc van xuan
1 view

Năm Kỷ Mùi (479) bên Trung Quốc nhà Tống mất ngôi, nhà Tề lên thay rồi 22 năm sau Tề bị Lương đánh đổ. Bọn quan cai trị Tàu cũng quen thói như những bọn trước là nhân cuộc biến loạn bên chính quốc mà tranh quyền lợi ở các biên cương và mưu sự độc lập lối địa phương tự trị.

Bấy giờ Thứ Sử Tiêu Tư cai trị đất Giao Châu cũng đi theo vết xe đổ của bọn Tô Định, Lục Dận, Lữ Đại: nhân dân Giao Châu thấy ngột ngạt vì cái không khí nội biến, ngoại xâm (vì sự quấy phá của Lâm Ấp) liền chụp cơ hội chính quyền của bọn thống trị nghiêng ngửa liền hưởng ứng theo tiếng gọi của ông Lý Bôn (còn tên khác là Lý Bí) người huyện Thái Bình thuộc Phong Chuy, tức là Sơn Tây ngày nay, ông vốn cội rễ là người Tàu.

Tổ tiên ông chạy loạn dưới đời Tây Hán qua Giao Châu đến ông là 7 đời nên có tính tình hoàn toàn như người bản địa. Ông có đủ tài văn võ, đã có thời làm quan với nhà Lương, sau bất đắc chí liền cùng nghĩa sĩ bốn phương họp nhau đánh đuổi Tiêu Tư. Việc khởi nghĩa nhằm năm Tân Dậu (54) tức năm Đại Đồng thứ 7 đời Lương Vũ Đế.

Bấy giờ ông coi quận Cửu Đức, liên kết được vài châu, các hào kiệt đều hưởng ứng. Tại Chu Diên có tù trưởng Triệu Túc đem quân theo trước nhứt.

Tháng chạp năm Nhâm Tuất (542) nhà Lương sai Lư Tử Hùng là Thứ Sử châu Tân và Tôn Quýnh Thứ Sử châu Giao sang đánh. Bọn này dùng dằng không muốn tiến quân. Tiêu Tư làm sớ về triều Lương vu tấu bọn Hùng, Quýnh giao thông với người ngoài cõi, nên hai người này bị tử tội.

Tranh chân dung Lý Nam Đế vẽ thời nhà Lý
Tranh chân dung Lý Nam Đế vẽ thời nhà Lý

Lúc này Lý Bôn đã chiếm thành Long Biên được 3 năm (năm Quý Hợi 543). Tháng 4 năm ấy vua Lâm Ấp là Luật Đà La Bát Na (Rudravarman I) vào cướp phá quận Nhật Nam (quận Nhật Nam còn được nhà Lương gọi là Đức Châu) Lý Bôn sai Phạm Tu đem quân đi đánh dẹp, Phạm Tu thắng trận ở Cửu Đức. Vua Lâm Ấp bỏ chạy.

Năm Giáp Tí (544) Lý Bôn tự xưng là Nam Việt Đế lấy niên hiệu là Thiên Đức, ngang với nhà Lương là năm thứ 10 hiệu Đại Đồng, và lấy quốc hiệu là Vạn Xuân sau khi đuổi hẳn được Tiêu Tư. Ông thiết lập triều đình, cho Triệu Túc làm thái phó, Tinh Thiều làm tướng văn, Phạm Tu làm tướng võ.

Cũng năm ấy, nhà Lương phái Tả Vệ tướng quân là Lan Khâm sang đánh Nam Việt Đế, Lan Khâm mới vượt khỏi Ngũ Lĩnh đã bị bệnh và chết. (Đại Việt Sử Ký quyển 5 tờ 2 a b).

Tháng 6 n ăm Ất Sửu (545) là năm thứ hai hiệu Thiên Đức, nhà Lương cử Dương Siêu (Việt Nam Sử Lược chép là Dương Phiêu) làm Thứ Sử Giao Châu, Trần Bá Tiêu (sau là cao tổ nhà Trần bên Tàu) làm Tư Mã và hạ lệnh cho Thái Sử Châu Định là Tiêu Bột hợp quân với Dương Siêu cùng đánh.

Ông Lý Bôn đem ba vạn quân chống nhau với quân Lương ở Chu Diên bị thua, chạy tới sông Tô Lịch lại bại trận lớn hơn nữa, sau phải rút về Gia Ninh (phủ Yên Lãng, tỉnh Phúc Yên). Tháng giêng năm Bính Dần (546) quân Lương vây hãm thành và chiếm được vào ngày 25-2-546. Lý Nam Đế chạy thoát được về vùng Tân Xương (tỉnh Sơn Tây). Đến tháng 8, Lý Nam Đế đem hai vạn quân ra đóng ở hồ Điền Triệt (nay là huyện Lập Thạch tỉnh Vĩnh Yên) chế tạo thuyền bè định phản công. Tại đây quân Trần Bá Tiên lại thắng trận lớn nữa vì Lý Nam Đế không kịp phòng bị. Ngài lại rút về Tân Xương (có chỗ chép là Tân Hưng) để chấn chỉnh lại quân đội sau giao lại binh quyền cho Tả Tướng quân Triệu Quang Phục (Đại Việt Sử Ký, quyển 5 tờ 3 và Toàn Thư quyển 4 tờ 16 b 17 a).

T ừ năm 547 miền đồng bằng Bắc Việt và Bắc Trung Việt lại lệ thuộc về Tàu. Anh Lý Nam Đế là Lý Thiên Bảo cố đánh được Đức Châu (Nghệ An, Hà Tĩnh ngày nay) nhưng không bao lâu lại bại trận tại Ái Châu, phải đào tẩu.

Triệu Việt Vương 

Triệu Quang Phục là con Thái Phó Triệu Túc: hai cha con ông theo Lý Nam Đế đã lâu, vừa là tướng có tài, vừa là người trung thần nên được lãnh sứ mạng đó; thấy quân Tàu còn mạnh, Triệu rút quân về Dạ Trạch là nơi đồng lầy, chung quanh sẵn rừng núi (thuộc tỉnh Hưng Yên bây giờ). Ông thiết lập doanh trại ở bên trong rất là bí mật, hiểm trở rồi cứ đêm tối dùng thuyền độc mộc đem thủy quân ra đánh cướp được lương thực về nuôi quân đội. Lối du kích chiến này ông là người thực hành đầu tiên đã mang lại nhiều thắng lợi, nên Trần Bá Tiên mặc dầu binh hùng tướng mạnh đánh mãi không xong. Năm Mậu Thìn (548) Lý Nam Đế mất. Năm sau Triệu lên thay xưng là Việt Vương, nhưng lương thực hao mòn dần. Tình thế giữa đôi bên vẫn nhùng nhằng, chẳng ngã ngũ bề nào thì nhờ dịp bên Trung Quốc có loạn Hầu Cảnh, Trần Bá Tiên phải triệu về để tùy tướng là Dương Sản ở lại trông nom việc quân. Triệu thừa dịp tấn công quân Tàu rồi lấy lại thành Long Biên.

Về phía quân Tàu được yên thì Triệu Việt Vương lại phải đối phó với Lý Phật Tử. Nguyên Lý phật Tử là người họ của Lý Thiên Bảo, Thiên Bảo là anh họ của Lý Bôn khi ông Lý Bôn thất thế thì cả bọn chạy vào quận Cửu Chân rồi bị quân Lương đuổi phải bôn tẩu qua xứ Lào, đến đóng ở Dạ Lăng xưng là Đào Lăng Vương lấy quốc hiệu là Dạ Lăng. Lý Thiên Bảo mất (năm thứ 7 đời Triệu Việt Vương) không con nên giao binh quyền lại cho Lý Phật Tử. Năm Đinh Sửu (557) Lý Phật Tử đem quân về tranh giành địa vị với Triệu Việt Vương nhưng đánh mấy trận đều không có kết quả liền xin Việt Vương chia đất giảng hòa. Việt Vương nghĩ tình cố chủ và thương hại trăm họ bấy lâu đau khổ vì chiến tranh ưng lời đề nghị của Lý Phật Tử. Địa giới của Việt Vương kể từ Long Biên ra bãi Quần Thần làng Thượng Cát, huyện Từ Liêm. Còn Lý Phật Tử đóng tại Ô Diên (tức làng Đại Mỗ huyện Từ Liêm trở về xuôi). Triệu Việt Vương còn gả con gái là Cảo Nương cho Phật Tử để mưu cuộc hòa hiếu lâu dài, không ngờ Phật Tử vẫn giữ manh tâm trước.

Năm Tân Mão (521) Phật Tử xuất quân đánh bất thình lình vào Long Biên. Triệu Việt Vương xuất kỳ bất ý phải chạy đến sông Đại Nha (huyện Đại An, tỉnh Nam Định) thì nhảy xuống tự vẫn.

Hậu Lý Nam Đế (571-602) 

H ạ được Triệu Việt Vương, Lý Phật Tử xưng Đế Hiệu (tức là Hậu Lý Nam Đế) cắt Lý Đại Quyền giữ thành Long Biên, Lý Phổ Đĩnh giữ Ô Diên, kinh đô dời về Phong Châu (thuộc huyện Bạch Hạc, tỉnh Vĩnh Yên). Chính quyền như vậy đã được thống nhất, công cuộc của ông không thành tựu lâu dài vì chính sự bên Trung Quốc lại được ổn định. Nhà Tùy đánh đổ được nhà Lương thâu gồm được cả Nam Bắc, đến năm Nhâm Tuất (602) phái Lưu Phương đem 27 doanh sang đánh Hậu Lý Nam Đế. Xét không kháng cự nổi quân nhà Tùy, Lý Phật Tử chịu nghe lời dụ và kéo cờ hàng. Giao Châu lại lệ thuộc về Trung Quốc thêm một giai đoạn nữa (giai đoạn này kéo dài 336 năm).

5/5 - (2 votes)
Sử Gia Phạm Văn Sơn
Phạm Văn Sơn (1915 - 1978) là sử gia Miền Nam Việt Nam. Trong vai trò nhà viết sử, ông có những bộ sách giá trị như bộ Việt Sử Tân Biên gồm 6 quyền, Việt Sử Toàn Thư, hay Quân Sử. Blog Lịch Sử tổng hợp những bài viết trích từ các tác phẩm của ông làm nguồn tài liệu tham khảo cho quý độc giả.

BÀI LIÊN QUAN