Vào thế kỷ 18, ba tỉnh Baltic là Estland, Livland và Kurland (tương ứng với Estonia và Latvia ngày nay) đã được sáp nhập vào Đế quốc Nga. Tuy nhiên, khu vực này vẫn duy trì các đặc điểm riêng biệt về luật lệ địa phương, tầng lớp tinh hoa nói tiếng Đức, nông dân nói tiếng Estonia và Latvia, tín ngưỡng chủ yếu là Lutheran và hình thức kinh tế nông trang.
Trong thế kỷ 19, “Vấn đề Baltic” (cách quản lý đế quốc đối với các dân tộc không phải người Nga) đã gây tranh luận sôi nổi về cách hợp thức hóa quyền cai trị của Nga cũng như mối quan hệ giữa Đế quốc và ý thức về một nền văn hóa dân tộc Nga riêng biệt.
Mục đích chính trị đằng sau các bản đồ
Năm 1873, Alexander Fedorovich Rittikh, một trong những nhà bản đồ học xuất sắc nhất của Đế quốc Nga, đã xuất bản hai tấm bản đồ về các tỉnh Baltic, miêu tả sự đa dạng về sắc tộc và tôn giáo của khu vực. Tuy mang dáng vẻ khoa học, những bản đồ này thực chất là một nỗ lực có chủ đích nhằm dùng bản đồ học để biện minh cho sự cai trị của Đế quốc Nga tại vùng Baltic.
Rittikh vốn xuất thân từ Riga, đã từ bỏ gốc gác Baltic để đồng hóa vào văn hóa Nga. Ông là người ủng hộ mạnh mẽ Panslavism. Việc xuất bản các bản đồ được tài trợ bởi Hội Địa lý Hoàng gia Nga, một tổ chức thành lập năm 1845 ở St Petersburg, theo mô hình của các hội địa lý ở Paris, Berlin và London. Trong bối cảnh Cuộc nổi dậy Ba Lan-Litva (1863–64) và sự ra đời của Đế quốc Đức (1871), chính quyền Nga lo ngại về lòng trung thành của các sắc tộc không phải người Nga dọc biên giới phía tây, nên tri thức dân tộc học trở thành tài nguyên quan trọng để thu thập thông tin và củng cố tính chính danh cho sự cai trị của Đế quốc.
Phản ứng và tranh cãi
Các thành viên trong Hội Địa lý đánh giá cao những bản đồ của Rittikh, nhưng dư luận tại các tỉnh Baltic lại lên án dữ dội. Báo chí Đức ở vùng Baltic chỉ trích ông là một người theo chủ nghĩa đế quốc và kẻ cổ xúy chủ nghĩa dân tộc Nga. Những phê bình xoáy sâu vào phương pháp nghiên cứu hời hợt và cách diễn giải thiên vị số liệu thống kê của Rittikh. Ông giảm nhẹ tầm quan trọng của người Đức và cộng đồng Lutheran, trong khi thổi phồng vai trò của người Nga và Chính thống giáo tại Baltic. Trong phần văn bản đi kèm bản đồ, Rittikh lập luận rằng người Estonia và Latvia có quan hệ lịch sử và văn hóa gần gũi với người Nga, trong khi người Đức bị ông xem là kẻ xâm lược ngoại lai từ thế kỷ 12.
Tầm ảnh hưởng lâu dài
Những kết luận giản lược của Rittikh về lòng trung thành chính trị của các cộng đồng dựa trên ngôn ngữ và tôn giáo vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến cách nhìn nhận về khu vực Baltic ngày nay, đặc biệt là các thành phố vùng biên với đa số người Nga như Narva ở Estonia hay Daugavpils ở Latvia. Sự chính trị hóa ngôn ngữ và quan điểm về mối quan hệ mật thiết giữa người Baltic và “vòng ảnh hưởng” của Nga cũng phản ánh trong diễn ngôn của Điện Kremlin khi đề cập các nước này là “vùng gần kề” (near abroad).
Đáng chú ý, Rittikh còn là người đầu tiên gọi các tỉnh Baltic là “pribaltiskii krai” (tức “vùng biên giới ven Biển Baltic”), gán cho vùng Baltic vị thế một phần tự nhiên của nhà nước Nga. Thuật ngữ “pribaltika” vẫn được sử dụng rộng rãi trong tiếng Nga để chỉ ba nước Baltic, mang hàm ý tương tự việc gọi Ukraine là “na Ukraine” nhằm giảm giá trị ý nghĩa chính trị lãnh thổ. Những khác biệt nhỏ trong cách gọi tên địa lý như vậy có ảnh hưởng sâu sắc trong việc định hình tưởng tượng lãnh thổ và khẳng định chủ quyền chính trị.
Bài Liên Quan
Những quan điểm bản địa cạnh tranh
Dù các bản đồ của Rittikh đã gây ảnh hưởng lớn đến cách hiểu về vùng Baltic, người Estonia và Latvia cuối thế kỷ 19 cũng tự phát triển bản đồ để phản bác quan điểm đế quốc. Một ví dụ tiêu biểu là Matīss Siliņš, một giáo viên và nhà xuất bản lịch ở Riga. Từ thập niên 1890, ông thường xuyên ấn hành các bản đồ tiếng Latvia dành cho đại chúng. Dù chưa kêu gọi độc lập cho Latvia, các bản đồ này đã củng cố nhận thức về lãnh thổ Latvia riêng biệt trong Đế quốc Nga.
Đây là bước chuyển biến lớn khi người Baltic bắt đầu thể hiện bản sắc dân tộc, thay vì chỉ bị nhìn nhận qua lăng kính Nga hoặc Đức. Những tấm bản đồ ấy cũng cho thấy bản đồ học dân tộc không chỉ là công cụ chính danh hóa của đế quốc mà còn có thể làm nổi bật yêu sách chính trị về quyền tự quyết của người Estonia và Latvia đầu thế kỷ 20.