Blog Lịch Sử

Ngủ chung giường: Một tập tục cổ xưa của nhân loại

Từ xa xưa, con người thường ngủ chung giường với nhau. Việc ngủ riêng như ngày nay là một điều kỳ quặc

tap tuc ngu chung giuong

Từ xa xưa, con người thường ngủ chung giường với nhau. Việc ngủ riêng như ngày nay là một điều kỳ quặc

Kim Lưu dịch từ BBC Futures


Năm 1187, hoàng tử nằm xuống chiếc giường lớn bằng gỗ sồi, cùng một người bạn mới. Chàng chính là vua Richard Tim Sư Tử sau này, một chiến binh tóc vàng gan dạ, nổi tiếng với tài chỉ huy trận mạc và tinh thần thượng võ.

Lúc này chàng vừa có một người bạn mới, vốn là một cựu thù – vua Philip II, cai trị nước Pháp từ 1180 đến 1223.

Ban đầu, hai người chỉ thuần túy liên minh quân sự. Nhưng qua thời gian ngồi cùng bàn, ăn cùng mâm với nhau, họ trở thành tri kỷ. Vì tình bằng hữu, và vì lợi ích vương quốc, đôi bên đồng ý một hiệp ước hòa bình – rồi hai người đi ngủ, cùng nhau trên một chiếc giường.

Việc hai người đàn ông qua đêm với nhau có thể là chuyện tế nhị trong xã hội ngày nay, nhưng vào thời ấy là chuyện hoàn toàn bình thường.

Rất lâu trước khi ý tưởng ngủ riêng trở nên phổ biến, việc hai hoàng thân qua đêm với nhau là dấu chỉ của sự tin tưởng và tình bằng hữu.

Đây chính là một tập tục người ta đã lãng quên từ lâu: ngủ chung giường!

Trong hàng ngàn năm, việc ngủ chung với bạn bè, đồng nghiệp hay người thân, thậm chí người lạ, thậm chí là những kẻ tha hương cầu thực, là chuyện rất đỗi bình thường. Nếu may mắn thì những vị khách lạ này ngủ bình thường, còn tệ thì họ có thể kéo gỗ, thậm chí khỏa thân khi ngủ.

“Ngủ chung” là giải pháp đơn giản cho thực tế thiếu giường, một thứ đồ gia dụng xa xỉ thời xưa. Nhưng ngay cả giới giàu có cũng tìm bạn ngủ chung để tâm sự đêm khuya, ủ ấm, và cho cảm giác an toàn.

Vậy một đêm chung giường như thế trôi qua thế nào? Và tại sao tập tục này lại biến mất.

Một tập tục có từ thời tiền sử

Năm 2011, một nhóm nhà khảo cổ tìm thấy trong một hàng động ở Nam Phi tàn tích một thảm trải giường bằng lá có từ thời Đồ Đá, khoảng 77,000 năm trước. Có lẽ là nơi cả một gia đình ngủ chung.

Tuy không có bằng chứng cụ thể, nhưng tập tục ngủ chung này chắc chắn đã rất cổ xưa và xuyên suất qua các thời đại lịch sử. Có thể nói, việc ngủ riêng ngày nay mới thực sự kỳ quặc.

Tư liệu thời cận đại về tập tục này rất nhiều, khoảng năm 1500 – 1800. Đây cũng là quãng thời gian mà việc chia sẻ giường chiếu đặc biệt phổ biến. Roger Ekirch, giáo sư sử học tại đại học Virginia Tech (Mỹ), tác giả cuốn At Day’s Close: A History of Nightime, chia sẻ như sau:

“Ngoại trừ giới quý tộc hay tầng lớp trọc phú, không có bạn ngủ cùng là một điều hết sức kỳ quặc.”

Gia cảnh giới bình dân thường eo hẹp, nên chiếc giường là một bảo vật trong nhà. Ngay cả giới giàu sang khi đi đây đi đó họ cũng phải qua đêm theo kiểu ngủ chung như vậy trong những quán trọ hay nhà dân bên đường.

Năm 1590, một thị trấn nhỏ tên là Hertfordshrine rất nổi tiếng vì có chiếc chiếc giường khổng lồ, gọi là Great Bed of Ware, do quán trọ White Hart sở hữu. Chiếc bảo sàng này cao 2.7m, rộng 3.3m, và dài 3.4m, khảm tranh sơn thủy cầu kỳ, rèm che trướng rủ như sân khấu. Nó dùng để tiếp khách trọ. Chuyện kể từng có 26 gã sát thủ cùng các bà vợ của chúng qua đêm cùng nhau trên chiếc giường này, tổng cộng 52 người.

“Ngủ chung giường” thời ấy chưa có hàm ý tình dục như ngày nay. Thời trung cổ, người ta hay vẽ minh họa Ba Vua trong thánh kinh ngủ cùng nhau – có khi trần truồng, thậm chí cương cứng – nhưng các chuyên gia cho biết thật ngớ ngẩn nếu cho rằng hình ảnh ấy nói về chuyện xác thịt.

Việc ngủ chung hấp dẫn tới mức vượt qua các rào cản giai cấp. Nhiều sử liệu nói về việc người ta qua đêm với bề trên hoặc thuộc hạ của mình – như ông chủ với đầy tớ, người làm công, hay các hoàng thân với thần dân của mình. Năm 1784, nhật ký của một linh mục kể có một vị khách lạ muốn được ngủ cùng với đầy tớ của ông. Có lẽ chỉ khi ngủ chung giường với nhau thì bất bình đẳng xã hội mới tạm bị xóa nhòa qua việc tranh giành chăn gối hay chịu đựng âm thanh cơ thể đối phương hàng giờ.

Để ngủ ngon

Samuel Pepys, một nhân vật sống thế kỷ thứ 17, có để lại nhật ký viết xuyên suốt mỗi ngày trong chín năm từ năm 1660. Nhật ký này được ông bọc bìa cứng cẩn thận để truyền lại cho hậu thế, hiện đang được bảo quản tại thư viện Cambridge, Anh.

Ngoài những chuyện vụn vặt hàng ngày, và những mô tả dâm dục về phụ nữ, cuốn nhật ký này kể chi tiết về việc tác giả thường xuyên ngủ chung giường với bạn bè, đồng nghiệp, và những người hoàn toàn xa lạ. Qua đó, ta hiểu đại khái về những cái hay và cái dở khi ngủ chung giường như vậy.

Một lần ở Portsmouth, Pepys qua đêm với một bác sĩ làm việc tại Viện Hoàng Gia London. Ngoài việc “tán phét”, Pepys kể ông bác sĩ đặc biệt hấp dẫn muỗi bọ, còn anh ta thì không. (Có thứ gì đó trong máu anh ta khiến muỗi bọ tránh xa, có lẽ vì thế mà sau anh ta không bị dịch hạch.)

Chung chăn kề gối, những người bạn qua đêm thế này nếu hợp nhau có thể tán gẫu tới sáng. Thậm chí khi thức dậy còn kể nhau nghe về những giấc mơ đêm qua.

Trò chuyện canh khuya như vậy giúp đôi bên cảm thấy gắn kết, và có thể kể nhau nghe những bí mật.

Có cô nàng tên Sarah Hirst, một thiếu nữ, con gái một thợ may, có rất nhiều bạn chung giường mà nàng yêu mến. Khi một trong số họ qua đời, nàng còn làm thơ phúng điếu.

Nữ hoàng Elizabeth I, rất giàu có và không thiếu giường, chưa bao giờ ngủ một mình trong suốt 44 năm cai trị. Mỗi đêm bà sẽ ngủ với một cận thần để trút bầu tâm sự về gánh nặng quân vương và kể lể chuyện trong ngày. Bạn ngủ chung cũng giúp bảo vệ nữ hoàng.

Sử gia Anna Whitelock giải thích trong cuốn sách The Queen’ Bed: An Intimate History of Elizabeth’s Court, việc nam giới xâm phạm không phải là không có – như khi nữ hoàng còn trẻ, dượng kế của nàng đã nhào vào giường và vỗ mông nàng. Những tai nạn kiểu này đặc biệt nguy hiểm, vì nàng cần phải bảo vệ trinh tiết.

Vấn đề xã giao

Vì ngủ chung giường là điều phố biến trong xã hội, nên cũng có những quy tắc xã giao cho nó. Bạn chung giường không nên giành nói quá nhiều khiến đối phương sốt ruột.

Tuy thế, không phải ai cũng làm được.

Đêm 09/09/1776, Benjamin Franklin và John Adams, hai khai quốc công thần của Mỹ, tranh cãi nảy lửa khi ngủ chung, trong một quán trọ tại New Brunswick. Mọi thứ bắt đầu khi Adams đi đóng cửa sổ.

“Này, đừng đóng cửa sổ.” Franklin nói, “ngộp chết.” Nhưng tôi sợ gió máy. Adams thuật lại trong nhật ký. Franklin bắt đầu dông dài giải thích lý thuyết mới của ông về cảm lạnh. Người ta nhiễm lạnh không phải vì gió, mà vì không khí trong phòng không được lưu thông. Adams thấy ý tưởng thật nực cười, nên ông đi ngủ.

Rate this post

ĐỌC THÊM

Kim Lưu
Chào mọi người, mình là Kim Lưu, người lập Blog Lịch Sử này. Hy vọng blog cung cấp cho các bạn nhiều kiến thức hữu ích và thú vị.