Nội Chiến Trung Quốc được coi là một trong những giai đoạn lịch sử quan trọng nhất trong thế kỷ 20. Tuy Đảng Cộng Sản đã sát mép hủy diệt trong cuộc nội chiến này, nhưng họ đã lất ngược thế cờ giành chiến thắng, kết quả là sự ra đời nhà nước Trung Hoa cộng sản năm 1949.
Hàng triệu sinh mạng đã hy sinh trong giai đoạn này. Các thế lực đương thời như các lực lượng phiến quân bắc Trung Quốc, Đế Quốc Nhật, và Liên Bang Xô Viết đã cùng nhau tác động mãnh liệt đến tiến trình lịch sử Trung Quốc trong giai đoạn này.
Khởi Nguồn
Ngày 07/04/1927, Tưởng Giới Thạch và nhiều thành viên cấp cao khác họp nhau kết tội Đảng Cộng Sản đã có nhiều hoạt động gây xáo trộn xã hội và kinh tế, dù trước đó đôi bên đã có thời gian hợp tác suân sẻ. Mao Trạch Đông lên án Tưởng đã lạm quyền và coi rẻ Đảng Cộng Sản. Nhóm của Tưởng quyết định phải ngăn chặn ảnh hưởng của Cộng Sản nhằm đạt các mục tiêu cho phe Quốc Dân.
Năm ngày sau cuộc họp, tại Thượng Hải, hàng trăm người bị bắt bớ và hành quyết với cáo buộc là thành viên Cộng Sản Đảng. Rất nhanh chóng, cánh tả phe Quốc Dân trục xuất các đảng viên Cộng Sản khỏi chính quyền Vũ Hán. Ít lâu sau, mùa hè 1928, phe Quốc Dân triển khai chiến dịch “Bắc Phạt” càn quét các lực lượng phiến quân, thành tích là chiếm được Bắc Kinh.
Đáp trả vụ thảm sát Thượng Hải, ngày 01/08/1927, phe Cộng Sản phát động một cuộc nổi dậy tại thành phố Nam Xương chống lại chính quyền Vũ Hán, một địa phương vốn có thiện cảm với những người Cộng Sản. Xung đột này khiến chính quyền Vũ Hán và Tưởng bắt tay nhau đàn áp phe Cộng Sản. Giai đoạn này đánh dấu sự hình thành “Hồng Quân” của Mao, một lực lượng bao gồm nông dân vũ trang và giới cựu quân nhân theo chủ nghĩa dân tộc.
Tuy phe Quốc Dân dồn hết sức đánh dẹp, nhưng các lực lượng Cộng Sản vẫn giành được quyền kiểm soát nhiều khu vực quan trọng miền nam Trung Hoa sau khi tấn công các thành phố lớn như Trường Sa, Sán Đầu và Quảng Châu. Tháng Chín, lãnh đạo chính quyền Vũ Hán, Uông Tinh Vệ, bị trục xuất.
Tại thời điểm này Trung Quốc có tới ba thủ phủ cùng tồn tại: thủ đô Bắc Kinh trên danh nghĩa, Nam Kinh nơi phe Quốc Dân đóng đô, và Vũ Hán trong tay phe Cộng Sản. Thế đối đầu này gây ra một cuộc chiến kéo dài giữa các phe, được gọi là Nội Chiến Mười Năm.
Nội Chiến và Vạn Lý Trường Chinh thời kỳ đầu
Chiến Tranh Trung Nguyên là cuộc đụng độ lớn đầu tiên của cuộc nội chiến, trong đó Tưởng đối đầu với một liên minh các phiến quân từng hợp tác với ông. Diêm Tích Sơn, Phùng Ngọc Tường và Lý Tông Nhân là những quân phiệt vốn bị chính quyền Vũ Hán phủ nhận tính hợp pháp. Tuy cuộc đụng độ chỉ xảy ra trong thời gian ngắn từ đầu năm 1929 đến hết 1930, nhưng đây là trận chiến lớn nhất thời kỳ quân phiệt, đánh dấu sự chấm dứt giai đoạn này. Hồ sơ của phe Quốc Dân khẳng định đã tiêu diệt tới 15 vạn kẻ địch vào thời điểm Tưởng tuyên bố chiến thắng.
Sau khi đánh bại liên minh các phiến quân, Tưởng ngay lập tức chuyển mũi tấn công sang chính quyền Xô Viết của Mao Trạch Đông. Ông huy động bốn chiến dịch bao vây lớn tấn công phe Cộng Sản nhưng thất bại, do quân của Tưởng không thế thiết lập căn cứ tại các vùng quê.
Đến năm 1934, với sự hẫu thuẫn của cánh tư vấn Nazi mới thuê về, quân Tưởng áp dụng chiến thuật bao vây “boong-ke”, chậm mà chắc. Tiến trình này đòi hỏi kiên nhẫn, và phương pháp chính là dựng các boong-ke cách căn cứ địch 8km để chặn các nguồn tiếp tế lương thực. Tháng 10/1934, các lực lượng của Mao chọc thủng tuyến boong-ke trong một cuộc rút lui chiến lược và quy mô, về sau được biết đến với tên gọi Vạn Lý Trường Chinh. Quân Cộng Sản vượt 12,500km ngược từ nam lên bắc.
Chu Ân Lai và Mao Trạch Đông chỉ huy cuộc tháo lui thần tốc, vượt 9000km (gấp ba lần chiều dài Việt Nam) chỉ trong 370 ngày.
Sau một cuộc cải tổ nhân sự vào tháng 11/1935 khi Hồng Quân trú tại bắc Thiểm Tây, Mao nắm ghế chủ tịch Quân ủy Trung ương, đánh dấu khởi đầu quyền lãnh đạo tối cao của ông trong Đảng.
Trong cuộc Trường Chinh, Hồng Quân chiếm tài vật và vũ khí từ các phiến quân, và củng cố hàng ngũ bằng cách chiêu mộ nông dân địa phương. Ban đầu có hơn 100,000 người tham gia cuộc Trường Chinh, đến cuối cùng chỉ còn khoảng 8000 người đến được đích cuối cùng Thiểm Tây. Chỉ huy quân đoàn Hồng Quân số 4, Trương Quốc Đào, dẫn quân đi theo hướng khác và toàn bộ bị lực lượng của Tưởng tiêu diệt. Trương là thành viên sáng lập đảng, nhưng với tổn thất vừa nêu đã tạo cơ hội cho Mao hạ bệ, nhờ đó Mao trở thành lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng Sản.
Năm 1936, một năm sau thành tích Trường Chinh, xảy ra sự biến Tây An. Kể từ năm 1931, quân Nhật không ngừng gây hấn với Trung Quốc. Nhật Bản đã tranh thủ chiếm vùng Đông Bắc Trung Quốc. Sau cuộc Trường Chinh, phe Cộng Sản tuyên bố sẽ điều quân tới đuổi Nhật ra khỏi Nhiệt Hà và Hồ Bắc. Nhưng chỉ huy quốc dân Diêm Tích Sơn đã ngăn cản nỗ lực này. Tuy thế, vẫn có tới 8000 nông dân yêu nước vùng Thiểm Tây đăng lính.
Giới lãnh đạo phe Quốc Dân ấn tượng, và một thỏa thuận ngừng bắn bí mật được Mao và Trương Học Lương đề nghị. Tưởng từ chối, và họ Trương nhanh chóng lên kế hoạch đảo chính. Tưởng bị phế truất tháng 12/1936, mở ra thời kỳ mới trong các mối quan hệ đối nội Trung Quốc. Phe Cộng Sản và Quốc Dân đình chiến, thiết lập mặt trận liên minh nhắm chung tay đối phó Nhật. Năm 1937, Nhật phát động xâm lược Trung Hoa toàn diện.
Cuộc tranh giành quyền lực giữa Quốc Dân Đảng và Đảng Cộng Sản
Cộng Sản và Quốc Dân tuy bằng mặt nhưng không bằng lòng. Phe Quốc Dân theo đuổi lối chiến tranh truyền thống, trong khi phe Cộng Sản chủ trương đánh du kích. Trong giai đoạn liên minh đôi bên không ngừng tranh giành chủ quyền lãnh thổ trên các vùng đất mà Đế quốc Nhật không chiếm đóng.
Tháng 12/1940, cảm thấy bị Quân Đoàn Thứ 4 – Phe Cộng Sản – khiêu khích, Tưởng lệnh cho lực lượng Cộng Sản phải rút khỏi Giang Tô và An Huy. Dưới áp lực lớn, phe Cộng Sản miễn cương tuân theo, nhưng dù thế họ bị quân Quốc Dân phục kích vào năm sau trên đường tháo lui, với hàng ngàn binh lính tử trận.
Sự kiện đáng buồn này chấm hết cho Mặt Trận Liên Minh Lần Hai giữa hai phe.
Quan ngại leo thang nội chiến giữa hai phe Quốc Dân và Cộng Sản khiến tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt phải cử đặc phái viên đến gặp Tưởng và Liên Bang Xô Viết, rồi gửi điện đàm cho Mao. Hai phe đồng ý rằng đánh nhau bây giờ chỉ có lợi cho Nhật, kẻ thù chung. Đôi bên đành miễn cưỡng bắt tay cho đến khi Nhật đầu hàng năm 1945. Tuy thế, hai phe không ngừng phát động những chiến dịch truyền thông chỉ trích lẫn nhau.
Chiến Tranh Trung – Nhật Lần Hai là một lợi thế khổng lồ của phe Cộng Sản. Người Nhật vốn luôn cho rằng Quốc Dân đảng mới là chính thể cầm quyền ở Trung Quốc, vậy nên họ phát động cuộc tấn công lớn cuối cùng nhắm đánh quân của Tưởng vào năm 1944, khiến quân Tưởng thiệt hại nặng nề, suy yếu trước quân của Mao. Ngoài ra, với lối đánh du kích, quân ộng Sản tổn thất rất ít, đến cuối cuộc chiến lực lượng của họ đã lên tới 1.3 triệu quân.
Tuy hai bên vẫn tham gia những cuộc hòa đàm, nhưng xung đột vẫn tiếp diễn, mặc dù họ tránh những trận đánh lớn. Yếu tố quan trọng khiến Nhật đầu hàng là do khoảng trống quyền lực khi 70 vạn quân giương cờ trắng tại khu vực Mãn Châu do Nhật nắm giữ trước đó.
Trong tháng cuối cùng Thế Chiến II, lực lượng Liên Xô phát động tấn công tổng lực dọc theo biên giới Trung Quốc -Mông Cổ, tận dung ngay tình thế khủng hoảng của quân Nhật. Quân Liên Xô tháo dỡ hầu hết các khu công nghiệp Mãn Châu chở về mẫu quốc vốn đang hoang tàn sau chiến tranh.
Joseph Stalin chỉ thị quân Cộng Sản của Mao sẽ hưởng hầu hết khí tài chiếm được khi Nhật đầu hàng. Cuối năm 1945, sau một cuộc tấn công lớn đánh vào Sơn Đông, tiếp giáp các khu vực Mỹ đang nắm giữ, hầu hết lãnh thổ vùng này đã rơi vào tầm kiểm soát của phe Cộng Sản.
Tháng Sáu, nội chiến diện rộng bùng nổ ở Trung Quốc, kéo dài trong ba năm.
Nội chiến Trung Quốc tái diễn
Dù phe Quốc Dân thiệt hại nặng trong cuộc đối đầu với Nhật, và phe Cộng Sản nhận được hậu thuẫn lớn từ phía Liên Xô, nhưng Mao Trạch Đông vẫn ý thức yếu điểm về nhân lực và vật lực khi so với quân của Tưởng. Trước tình hình này, quân Cộng Sản áp dụng chiến thuật “tấn công thụ động” trong giai đoạn đầu nội chiến. Quân đội của Mao sẽ tránh những địa điểm mạnh của quân Tưởng, và rút lui chiến lược khỏi các lãnh thổ khó giữ.
Chiến thuật này hiệu quả, sau một năm, lực lượng hai phe đã khá cân bằng. Quân Quốc Dân chết hơn 1.12 triệ, trong khi quân Cộng Sản lớn mạnh đến con số 2 triệu.
Năm 1948, phe Cộng Sản chiếm hai thành phố Thẩm Dương và Trường Xuân. Cuộc vây hãm Thẩm Dương buộc Quân Đoàn 1 Quốc Dân Đảng, đơn vị thiện chiến của Tưởng, phải đầu hàng tại đây đánh dấu bước ngoặt của cuộc nội chiến. Lượng khí tài khổng lồ với xe tăng, trọng pháo chiếm giữ đã giúp quân Cộng Sản đẩy lùi quân Quốc Dân về phía nam.
Mao không bỏ lỡ cơ hội, bất chấp lời khuyên của Stalin, cho quân vượt sông Dương Tử, mở nhiều chiến dịch quy mô, gây thiệt hại đâu đó khoảng 1.5 triệu lính cho phe Tưởng.
Ngày 01/10/1949, tại Bắc Kinh, Mao tuyên bố thành lập nước Cộng hòa Nhân Dân Trung Hoa. Đến lúc này, quân Quốc Dân đã bị dạt về phía nam tới Hàng Châu. Trong khi Mao đang đọc tuyên ngôn thì Tưởng Giới Thạch cùng 2 triệu binh lính rút ra đảo Đài Loan.
Nội chiến Trung Quốc đến đây coi như chấm dứt với phần thắng thuộc về phe Cộng Sản dưới sự lãnh đạo của Mao Trạch Đông, định hình con đường tương lai cho đất nước Trung Quốc.
Phe Quốc Dân sau khi rút ra đảo Đài Loan đã biến nơi đây thành một quốc đảo, tuyên bố độc lập với Trung Quốc lục địa. Căng thẳng giữa đôi bên vẫn còn tiếp diễn tới ngày nay.