Mình rất mê bộ này và đã đọc 4 tập đầu bản tiếng Anh.
Khi mới hay tin bộ sách được dịch ra tiếng Việt mình rất háo hức, và mua ngay 3 tập đầu là Di Sản Phương Đông, Văn Minh Hy Lạp, Văn Minh La Mã. Và điều mình quan tâm nhất là chất lượng bản dịch.
Tập Di Sản Phương Đông của dịch giả Huỳnh Ngọc Chiến dịch khá tốt.
Nhưng hai tập còn lại dịch rất kém. Ở đây mình xin lấy tập về Văn Minh La Mã làm ví dụ.
Về chất lượng dịch thuật
Bộ sách này của Will Durant thành công một phần vì văn tài của tác giả. Will Durant viết văn rất mượt, nhẹ nhàng, súc tích, và giọng văn bình thản, diễn đạt những ý tưởng phức tạp một cách tài tình. Có thể nói tính văn chương của bản gốc rất cao.
Trong khi đó bản dịch tiếng Việt vừa hành văn rườm rà, lủng củng, một thứ tiếng Việt rất khiên cưỡng va vấp váp.
So với bản gốc thì tính văn chương kém xa một trời một vực.
Mình hoạt động trong lĩnh vực dịch thuật nhiều năm nay, nên khi đọc bản dịch tập về La Mã mình rất hoài nghi, nên đã kiểm tra thử một vài đoạn văn. Kết quả cho thấy, dường như dịch giả đã lạm dụng Google dịch. Copy một đoạn văn bản gốc tiếng Anh bỏ vào Google dịch, rồi đối chiếu bản dịch này, mình thấy nội dung trùng khớp đến 70%. Người dịch chỉ sửa lại từ ngữ, còn cấu trúc câu gần như y chang Google dịch.
Mình không dám kết luận gì cả, chỉ là nhận thấy như vậy.
Về nội dung
Bỏ qua phần văn chương thì nội dung bản dịch cũng có nhiều vấn đề, nhất là những chương viết về Ki-tô giáo, có cảm giác dịch giả thiếu kiến thức lịch sử và phụng vụ của tôn giáo này, nên nhiều thuật ngữ bị sai, và trích dẫn Kinh Thánh không ổn.
Chẳng hạn như trong Quyển 3 – Đế Quốc La Mã và Sơ Kỳ Thiên Chúa Giáo, trang 227, Will Durant trích dẫn một đoạn Kinh Thánh dài trong Tin Mừng Mát-thêu, Chương 23, Chúa Giêsu phê bình giới Pha-ri-sêu. Điểm đáng nói là dịch giả thay vì nên trích Kinh Thánh từ những bản dịch tiếng Việt đã quy chuẩn của Tin Lành, hoặc của Công Giáo, thì lại tự mình dịch, và dịch rất ẩu.
Có thể chính dịch giả không hề biết đây là trính dẫn Thánh kinh.
Dịch giả dường như cũng không biết các vị thánh lớn của Ki-tô giáo được đề cập tới trong bản gốc, cho nên giữ nguyên tên tiếng Anh của các vị này, thay vì sử dụng cách gọi đã quen thuộc của cộng đồng Ki-tô giáo người Việt.
Chẳng hạn:
- Thánh Gioan, hoặc Giăng theo cách gọi của Tin Lành, dịch giả giữ nguyên tên John tiếng Anh, mà còn không có chữ “thánh”.
- Thánh Phao-lô, hay Sao-lơ, thì viết là Paul.
- Thánh Phê-rô, hay Phi-e-rơ, thì viết là Peter.
Đáng buồn hơn, Thánh Gio-an Tẩy Giả, hay Gio-an Tiền Hô, thì dịch là John Kẻ Rửa Tội!
Dường như dịch giả không hề tra cứu trước khi hạ bút dịch những danh từ tôn giáo. Trong khi những danh từ, hay cách gọi, trong tôn giáo rất quan trọng.
Nói chung là mình thất vọng lắm! Chỉ có cụ Nguyễn Hiến Lê với ba bản dịch về Văn Minh Trung Hoa, Ấn Độ và Ả Rập là có thể sánh với cụ Will Durant, cả về tri thức và văn tài.