Hiện nay ta biết được tên của khoảng 2000 vị thần trong tín ngưỡng của người Ai Cập cổ đại. Thật khó tưởng tượng làm sao một nền văn hóa có thể thờ phụng nhiều thần linh đến thế! Vấn đề ở chỗ văn hóa và tôn giáo Ai Cập cổ đại không thống nhất, vì mỗi vùng miền đều có thần linh và tín ngưỡng riêng.
Sau khi Ai Cập thống nhất thành một vương quốc, các pharaoh luôn tìm cách kết nối tập hợp chằng chịt các vị thần này. Thế nên, các quyết định liên quan đến tôn giáo thường thiên về chính trị hơn là thần học. Vị thần tối cao sẽ phụ thuộc vào thành phố nào đang nắm quyền lực chính trị vào thời điểm đó. Trong bài viết này ta sẽ tìm hiểu một chút về sự phát triển tín ngưỡng Ai Cập từ thời tiền sử cho đến thời kỳ Thiên chúa giáo!
Tín ngưỡng Ai Cập thời kỳ Sơ Triều và Tiền Triều Đại
Tôn giáo ở Ai Cập thời tiền sử mang tính chất vật linh. Những hiện tượng tự nhiên quan trọng ảnh hưởng đến cuộc sống của người Ai Cập được siên nhiên hóa dưới dạng các vị thần và được thờ cúng qua hình tượng các vật tổ (những vật linh thiêng). Để cầu xin sự ưu ái của các vị thần này nhằm hướng tới thịnh vượng hay để được bảo vệ, các ngôi đền đã được xây dựng khắp cả nước. Các thầy tế lễ được giao nhiệm vụ đáp ứng nhu cầu của các vị thần. Hàng trăm vị thần đã xuất hiện trên khắp Ai Cập trong giai đoạn này.
Hapi là thần cai quản sông Nile, đem lại sự phì nhiêu và sung túc hàng năm. Trung tâm thờ cúng chính nằm ở Đảo Voi (Elephantine Island), gần Aswan. Là một vị thần quan trọng đại diện cho sự sinh sôi, việc thờ thần Hapi phổ biến khắp cả nước. Đôi khi thần còn được gọi là cha của các vị thần và có mối liên hệ với sự sáng thế.
Cá sấu sông Nile cũng được linh thiêng hóa qua thần Sobek. Người ta cầu khẩn thần để được che chở trước những hiểm họa của sông Nile. Thời Cổ Vương Quốc, Sobek được thờ cúng chủ yếu ở Fayum, một khu vực cách Cairo khoảng 100 km về phía tây nam. Thần Sobek ngày càng phổ biến theo thời gian. Vào thế kỷ thứ 4 TCN, dân Ai Cập dựng cho thần một ngôi đền lớn còn tồn tại cho đến ngày nay tại Kom Ombo gần Aswan.
Khoảng năm 3150 TCN, Thượng và Hạ Ai Cập nhất thống dưới sự cai trị triều đại mới, với người đứng đầu là các Pharaoh. Sự kiện này cũng làm thay đổi tôn giáo. Quyền lực của Pharaoh được củng cố bằng cách coi Pharaoh là trung gian quan trọng giữa thế giới người phàm và các vị thần. Khái niệm này biến các Pharaoh thành bán thần, do họ có mối liên hệ mật thiết với thần linh.
Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên và người chết cũng trở nên quan trọng hơn vì các Pharaoh chứng minh vị trí của họ thông qua huyết thống.
Một trong những kinh đô đầu tiên của Ai Cập thống nhất là Thinis. Đây được cho là nơi an nghỉ của Anhur, một chiến binh được phong thần chiến tranh sau khi chết. Tên của thần có nghĩa là “người chống đỡ bầu trời” hoặc “người bao vây” và thần cũng có liên hệ với mặt trời. Thần Anhur được coi là người bảo vệ Pharaoh và Ai Cập.
Kim Tự Tháp và Thần Mặt Trời Ra thời Cổ Vương Quốc
Thời kỳ Cổ Vương quốc (2686-2181 TCN) đánh dấu kỷ nguyên xây dựng của những kim tự tháp đồ sộ, minh chứng cho tầm quan trọng của Pharaoh và tín ngưỡng thờ cúng người chết trong tôn giáo Ai Cập cổ đại. Các kim tự tháp được xem như đài tưởng niệm và đền thờ, đảm bảo cho Pharaoh bước sang thế giới bên kia một cách suôn sẻ.
Kim tự tháp cũng gắn liền với tín ngưỡng thờ thần mặt trời Ra (hoặc Re). Trung tâm thờ phụng Ra ban đầu nằm ở Heliopolis, khá gần với khu vực đặt các kim tự tháp. Đến thế kỷ 25 TCN, Ra đã vươn lên trở thành vị thần quan trọng nhất của Ai Cập.
Thần Ra xuất hiện dưới nhiều hình dạng. Hình ảnh phổ biến nhất của Ra là người đàn ông đầu chim ưng đội chiếc đĩa mặt trời, sau này được gọi là Ra-Horakhty. Tuy nhiên, Ra cũng hiện thân thành người với tên gọi Atum-Ra hoặc bọ hung đẩy mặt trời ngang qua bầu trời với tên Kephri.
Ra được xem như Đấng sáng tạo và vua của các vị thần. Ban ngày, Ra cai trị bầu trời và trái đất, vì thế ngài luôn gắn liền với Pharaoh. Ban đêm, Ra chở mặt trời trên thái dương thuyền, băng địa phủ, chiến đấu với mãng xà Apophis. Ra luôn đánh bại ác quỷ để mọc lên vào ngày hôm sau.
Hình dáng kim tự tháp tượng trưng cho những tia nắng mặt trời chiếu xuống Trái Đất. Việc các kim tự tháp được xây theo hướng đông-tây cũng nhằm thể hiện chu kỳ quan trọng của mặt trời mọc và lặn.
Những chữ khắc bên trong kim tự tháp cho thấy sau khi mất, Pharaoh sẽ hòa làm một với thần Ra và cùng ngài thực hiện hành trình xuyên thế giới ngầm mỗi đêm.
Thời Trung Vương Quốc: Thần Ra và Chín Vị Thần Vĩ Đại thành Heliopolis
Ra không phải là vị thần duy nhất sở hữu trung tâm thờ cúng ở Heliopolis. Trong suốt thời Trung Vương quốc (2055-1650 TCN), còn có Chín Vị Thần Vĩ Đại (Ennead) được thờ kính tại thành Heliopolis.
Ra là một trong nhóm thần này, hiện thân dưới dạng thần Atum. Ông là vị thần sáng tạo tự sinh ra từ Nun, vùng nước nguyên thủy của vũ trụ. Atum tạo nên Shu và Tefnut, hai vị thần tượng trưng cho không khí và độ ẩm, thông qua quá trình “tự sinh sản”. Shu và Tefnut tiếp tục sinh ra Geb, mặt đất, và Nut, bầu trời đêm.
Geb và Nut có với nhau bốn người con: Osiris, Isis, Seth, và Nephthys. Trong khi Osiris và Isis đại diện cho sự trù phú, kỷ luật và cai quản trần thế, thì Seth và Nephthys lại đại diện cho sự hỗn loạn – yếu tố cần thiết cho cân bằng vạn vật.
Truyền thuyết kể lại rằng Seth ghen tị với anh trai Osiris và sát hại ông. Seth chặt xác Osiris thành từng mảnh, rải khắp Ai Cập rồi chiếm lấy ngai vàng. Nhờ có sự giúp đỡ của em gái Nephthys, Isis đã tập hợp đủ các mảnh cơ thể, hồi sinh Osiris và thụ thai từ ông.
Nhưng Osiris không hoàn toàn sống lại. Anh chỉ tồn tại ở một dạng nửa sống nửa chết, nên thường được miêu tả với làn da màu xanh. Bởi vậy, Isis và Nephthys đã sử dụng ma thuật quyền năng để tạo ra thế giới dưới lòng đất – Duat – cho Osiris cai trị. Đây chính là huyền thoại về sự khai sinh thế giới ngầm, làm thay đổi hoàn toàn quan niệm về kiếp sau trong văn hóa Ai Cập.
Trong các văn tự khắc trong kim tự tháp, chỉ có các Pharaoh mới được hưởng cuộc sống vĩnh hằng. Nhưng đến thời Trung Vương quốc, cánh cửa tới kiếp sau được mở rộng cho tất cả. Lúc này, thần thoại về việc cân trái tim người chết với chiếc lông vũ của Maat – nữ thần đại diện cho sự thật – xuất hiện.
Isis đã hạ sinh Horus, vị thần đầu chim ưng. Horus đòi lại ngôi báu từ tay Seth, khôi phục lại trật tự tự nhiên cho thế giới.
Chín vị thần này dần nắm giữ vị trí quan trọng về mặt chính trị. Pharaoh được xem như hiện thân của Horus khi còn sống, và Osiris khi qua đời. Vợ và mẹ của Pharaoh cũng có mối liên hệ mật thiết với Isis.
Các trung tâm quyền lực tôn giáo cạnh tranh nhau
Memphis
Dù hệ thống chín vị thần Ennead ở thành phố Heliopolis cực kỳ quan trọng (như thấy trong các bản kinh và hình tượng từ thời Trung Vương quốc trở đi), không phải lúc nào họ cũng được coi là các vị thần quyền lực nhất đâu nhé.
Thành phố Memphis cũng là một trung tâm tôn giáo và chính trị siêu quan trọng trong lịch sử Ai Cập, nên các vị thần của họ cũng thường được tôn sùng lắm đấy.
Nhân vật chính ở Memphis là thần Ptah, vị thần bảo hộ thợ thủ công, thợ rèn, thợ kim hoàn và kiến trúc sư. Giống như thần Osiris, Ptah cũng được miêu tả như một xác ướp. Tín ngưỡng Ptah có liên hệ rất chặt chẽ với nghi lễ thờ bò Apis, được coi như một hiện thân của thần Ptah luôn.
Ptah được coi là vị thần tự tạo nên mình, rồi dùng ý nghĩ và lời nói để tạo ra cả thế giới. Mấy lúc các thầy tu ở Memphis muốn “nâng bi” thần của họ lên trên thần ở Heliopolis, họ sẽ bảo rằng thần Atum được sinh ra từ lời nói của thần Ptah đó!
Thần Ptah thường được thờ cùng với hai vị thần Sekhmet và Nefertem để tạo thành nhóm ba thần quyền năng. Sekhmet là nữ thần sư tử mang sức mạnh hủy diệt, nhưng cũng có vai trò bảo vệ, và là vợ của thần Ptah. Nefertem là con trai của họ, được đại diện bằng hình ảnh hoa sen, gắn liền với chữa bệnh và cái đẹp.
Thành phố Thebes
Thebes, gần thành phố Luxor ngày nay, cũng là một trung tâm chính trị cực kỳ quan trọng. Thần Amun, hay Amon, được tôn làm vị thần chính ở đây. Amun-Ra là vị thần mặt trời, tạo thành nhóm ba vị thần nổi tiếng của Thebes cùng với vợ Mut (nữ thần mẹ) và con trai Khonsu (thần mặt trăng để cân bằng với Amun là thần mặt trời).
Amun là vị thần được tôn thờ nhiều nhất trong thời kỳ Tân Vương quốc (1550-1070 TCN). Các thầy tu thờ thần Amun cực giàu có và có sức ảnh hưởng vô cùng lớn trong xã hội Ai Cập cổ đại. Đền Karnak siêu nổi tiếng, được xây dựng dưới thời các Pharaoh Ramesses (1292-1077 TCN) được dành riêng để thờ Amun, Mut và Khonsu luôn.
Thung lũng các vị vua là nơi chôn cất của các quý tộc thành phố Thebes. Phong cách xây lăng mộ ở đây chịu ảnh hưởng siêu nặng của tôn giáo Thebes đấy nhé.
Thời kỳ Amarna
Thời kỳ Amarna nổi tiếng, hay cũng được nhắc đến với cái tên khác là dị giáo (1353-1336 TCN) xảy ra trong giai đoạn Tân Vương quốc (1550-1070 TCN). Đây là giai đoạn được xem như cuộc thử nghiệm chế độ độc thần.
Pharaoh Amenhotep IV quyết định tách rời khỏi các giáo phái lớn cũng như giới tăng lữ quyền lực thời bấy giờ. Ông dồn toàn bộ sự sùng bái tôn giáo của mình vào Aten – vị thần Mặt Trời. Mặc dù Aten đã được tôn thờ từ trước, vị thần này chỉ được xem như một phần của thần Ra mà thôi.
Vị Pharaoh thậm chí còn đổi tên thành Akhenaten để bày tỏ lòng thành với Aten. Ông cho xây hẳn một kinh đô tôn giáo mới, Armana, để thờ phụng vị thần này. Đây là quyết định chính trị đầy ẩn ý khi Akhenaten quyết định chuyển cả hoàng gia và triều đình đến đây, tách họ khỏi tầm ảnh hưởng của tăng lữ thần Amun quyền lực. Dường như là nước đi có chủ đích, nhà vua theo đuổi các mối quan hệ ngoại giao quốc tế khác mà không có sự hậu thuẫn thông thường từ phía tăng lữ.
Đây là một giai đoạn cực kỳ khác lạ. Phong cách nghệ thuật thay đổi, hoàng gia không còn được khắc hoạ một cách lý tưởng, mà trở nên tự nhiên chân thực. Gia đình hoàng tộc được phác họa một cách gần gũi hơn, làm những công việc hàng ngày như câu cá, làm ruộng thay vì hình tượng tham chiến hoặc giao thiệp với các vị thần.
Trong khi giới tăng lữ lo sốt vó về sự suy giảm quyền lực, tôn giáo Aten mới trở thành mối đe dọa nghiêm trọng khi Akhenaten ban lệnh cấm thờ phụng các vị thần khác lẫn việc sử dụng hình tượng thần linh.
Vị vua kế vị Akhenaten, Pharaoh Tutankhamun còn nhỏ tuổi, đã nhanh chóng khôi phục các nghi lễ truyền thống, rất có thể là dưới sự chi phối của các cố vấn. Ay, đại thần của ngài, và sau đó là tướng Horemheb, thay phiên nhau nắm quyền ngay sau đó.
Thời kỳ Ptolemy: Hòa nhập các thần Hy Lạp và Ai Cập
Năm 332 trước Công Nguyên, Alexander Đại Đế thẳng tiến đánh chiếm Ai Cập. Sau khi Alexander mất, một vị tướng dưới trướng ông là Ptolemy tự xưng làm Pharaoh mới. Đây chính là khởi đầu của thời kỳ Ptolemy, khi mà những tư tưởng tôn giáo Hy Lạp tràn vào xứ sở này.
Ptolemy tạo ra một thứ tôn giáo tổng hợp mới, mà ông ta nhắm đến để thu hút sự ủng hộ từ cả người Macedonia theo ông lẫn dân bản xứ Ai Cập. Vị thần Serapis, kết hợp các yếu tố của Ptah, Osiris bên Ai Cập với Zeus, Hades, Asclepios, Dionysus, và Helios của Hy Lạp, trở thành trung tâm của tôn giáo này. Serapis gắn liền với sức sinh sản, mặt trời, tang lễ, và y học.
Việc biến vị thần mới này thành tâm điểm tôn giáo rất quan trọng trong việc chuyển giao quyền lực. Nó làm dịch chuyển sự chú ý của dân chúng từ Memphis đến kinh đô Alexandria mới xây của Ptolemy. Tuy nhiên, Ptolemy cũng khéo léo giữ sự tôn trọng với các giáo sĩ quyền lực để tránh gây hiềm khích với giới tinh hoa Ai Cập.
Điều thú vị là nhiều phụ nữ của vương triều Ptolemy tự xây dựng hình ảnh dựa trên nữ thần Aphrodite nhưng trong trang phục Ai Cập. Trong đó, riêng Cleopatra IV nổi bật khi chọn hình tượng của nữ thần Isis. Đây có thể là một nước cờ để tách biệt bản thân khỏi người chị em Arsinoe vốn là đối thủ chính trị, đồng thời tạo tiếng vang với giới quý tộc bản địa.
Thời kỳ La Mã và kỷ nguyên Kitô giáo
Năm 31 trước Công Nguyên, Đế quốc La Mã thôn tính Ai Cập, tuy nhiên Alexandria vẫn đóng vai trò trung tâm chính trị với các vị đại diện của hoàng đế La Mã nắm quyền.
Tín ngưỡng bản địa vẫn được phép duy trì, các giáo phái thờ thần Serapis và Isis thậm chí còn lan rộng khắp La Mã. Đền thờ Isis còn xuất hiện tận nước Anh xa xôi.
Người Ai Cập vốn quen coi Pharaoh là hiện thân của các vị thần. Thế nên, hoàng đế La Mã dễ dàng “nắm bắt tâm lý”, thay thế vị trí đó, nhằm vỗ về giới chính trị của Rome.
Kitô giáo đã bén rễ tại Alexandria khi vẫn còn là tôn giáo “ngoài vòng pháp luật” đối với La Mã. Giáo đoàn Alexandria do thánh Mac-cô tông đồ thành lập vào năm 33 sau Công Nguyên, hoạt động liên tục bất chấp cuộc đàn áp tín đồ Kitô giáo trên toàn đế quốc.
Tôn giáo La Mã rất cởi mở và tiếp thu những vị thần địa phương từ các vùng đất bị chinh phục. Ví dụ, nhà văn La Mã Tacitus từng miêu tả Odin tương đương với Mercury, Thor là Hercules, và Tyr là Mars.
Nhưng Kitô giáo lại bị cấm ở La Mã vào thế kỷ thứ nhất, vì bác bỏ các vị thần khác và cấm thờ các “thần linh ngụy thần như Jupiter.
Việc tế bái thần Jupiter Optimus Maximus – vị thần chính của nhà nước La Mã – cũng như các hoàng đế La Mã là việc bắt buộc để duy trì mối quan hệ tốt đẹp với các vị thần và thể hiện lòng trung thành với đế chế.
Tóm lại, Kitô hữu bị đàn áp không phải vì tin vào Chúa, mà là vì từ chối dâng lễ cho các vị thần La Mã – một nghi thức xã hội và chính trị quan trọng thời đó.
Kitô giáo dần được chấp nhận, và Alexandria là nơi sản sinh ra nhiều nhà tư tưởng lớn của tôn giáo này như Clement xứ Alexandria và Origen. Khi La Mã chính thức cải sang Kitô giáo vào năm 313, Alexandria trở thành một trong những trung tâm hàng đầu.
Kết
Một điều chắc chắn về tôn giáo Ai Cập cổ đại là nó luôn thay đổi và thích nghi theo sự phát triển của con người và xã hội qua hàng thiên niên kỷ.
Nhiều người theo các tôn giáo đa thần hiện đại (neopagan) tin rằng tôn giáo Ai Cập cổ đại dựa trên một thuyết gọi là Neterism (chủ nghĩa Neter). Thuyết này cho rằng có một thế lực siêu nhiên tồn tại trong vũ trụ. Các vị thần chỉ là những ý niệm nhằm để con người có thể dễ dàng hơn trong việc thấu hiểu và kết nối với thế lực đó.
Vậy nên không có giới hạn về số lượng các vị thần, cũng không có “đúng hay sai” trong cách hiểu về các vị thần.
Chúng ta không chắc chắn rằng triết lý này đã tồn tại trong thế giới Ai Cập cổ đại hay chưa, nhưng chắc chắn rằng Neterism, hay Kemetism (Chủ nghĩa Kemet) hiện đại đã xuất hiện vào thế kỷ 20.