Tô Dịch Giản, tự là Thái Giản, người ở Đồng Sơn, châu Tử (tức vùng Tứ Xuyên ngày nay). Thuở nhỏ ông thông minh, hiếu học, phong thái nổi bật, tư duy sắc sảo. Năm Thái Bình Hưng Quốc thứ năm, lúc ngoài hai mươi tuổi1, ông thi đỗ tiến sĩ. Khi ấy Tống Thái Tông đang quan tâm đến Nho thuật, các thí sinh đều được gọi đến điện để khảo lại. Bài làm của Tô Dịch Giản dài hơn ba nghìn chữ, chỉ trong thời gian ngắn đã viết xong, dâng lên nhà vua. Vua xem qua, khen ngợi không ngớt, tuyển chọn ông đỗ đầu khoa. Ông được bổ nhiệm chức Tướng tác giám thừa. Năm Ung Hi thứ hai, cùng với Giả Hoàng Trung đồng chủ trì kỳ thi tiến sĩ. Khi còn nhỏ đi theo cha đến Hà Nam, Tô Dịch Giản từng được Giả Hoàng Trung – lúc bấy giờ đến nhận công vụ – dạy cách viết văn; đến nay hai người lại cùng làm quan.
Năm Thuần Hóa nguyên niên, ông đang chịu tang cha. Trong thời gian đó, Tô Dịch Giản hoàn thành và dâng lên hai quyển sách tiếp nối bộ Hàn Lâm Chí của Lý Triệu (đời Đường), Hoàng đế ban thơ khen ngợi. Có lần, Tô Dịch Giản trực ở trong cung, dùng nước để thử “nghi khí”2. Vua nghe tin, đến buổi chầu chiều liền lệnh ông mang tới thử. Tô Dịch Giản tâu: “Thần nghe nói mặt trời đến giữa đỉnh đầu tất sẽ xế, trăng tròn ắt khuyết, đồ đựng đầy ắt đổ, vạn vật thịnh rồi ắt suy. Mong bệ hạ giữ gìn sự vẹn toàn, duy trì thành quả, thận trọng đến phút cuối như buổi đầu, để củng cố cơ nghiệp lớn. Như thế thiên hạ mới thực sự được may mắn.” Gặp lúc triều đình cử hành nghi lễ tế Giao, ông được cử làm Lễ nghi sứ.
Trước đó, Hỗ Mông đề nghị tôn Tuyên Tổ làm phối thờ. Tô Dịch Giản dẫn chứng lệ đời Đường, xin cho Tuyên Tổ cùng phối thờ với Thái Tổ. Vua thuận theo. Khi giữ chức ở Ty Thẩm quan (审官院), ông tâu rằng những quan từ kinh triều3 mới bổ nhiệm, chưa từng kinh qua các chức ở châu huyện, thì không được đề bạt làm Tri châu hay Thông phán. Vua ra chiếu chấp thuận. Chuyển sang giữ chức ở Ty Thẩm hình (审刑院), không lâu sau lại nắm quyền tuyển bổ ở Lại bộ, rồi thăng làm Cấp sự trung, Tham tri chính sự. Đến năm Chí Đạo thứ hai, ông mất, hưởng dương ba mươi chín tuổi, được truy tặng Lễ bộ Thượng thư.
Bề ngoài Tô Dịch Giản tuy ôn hoà, ngay thẳng nhưng bên trong lại thâm trầm, kín đáo. Ông bắt đầu làm quan từ chức Tri chế cáo4 rồi vào Hàn Lâm Viện làm Học sĩ, lúc ấy tuổi chưa đến ba mươi. Ban đầu viết văn chưa thật trúng trọng tâm, nhưng khi nắm quyền soạn chiếu thư, ông hết sức khổ công rèn giũa. Làm việc ở Hàn Lâm suốt tám năm, Tống Thái Tông tuân thủ quy chế cũ, dự tính đợi khi ông có đủ danh vọng rồi mới cất nhắc vào vị trí cao. Thế nhưng Tô Dịch Giản vì cha mẹ đã già, nóng lòng muốn được trọng dụng, nên thường xuyên dâng sớ bàn về những thiếu sót trong chính sự đương thời, nhờ vậy mà được tham gia vào triều chính.
Người Thục tên Hà Quang Phùng, vốn là bạn thân của Tô Dịch Giản, trước làm huyện lệnh nhưng vì nhận hối lộ nên bị cách chức, lưu ngụ ở kinh sư. Gặp lúc Tô Dịch Giản trông coi việc thi cử, Hà Quang Phùng thay người khác dự thi để lấy tiền, Tô Dịch Giản giữa đám đông thí sinh phát hiện rồi loại ông ta ra. Từ đó Hà Quang Phùng làm sách phỉ báng, chỉ trích triều đình và châm chọc Tô Dịch Giản. Tô Dịch Giản được dâng quyển phỉ báng, tâu lên vua, bắt giam Quang Phùng, đến khi tra xong vụ án thì ông ta bị kết tội chém đầu thị chúng. Tô Dịch Giản rất buồn vì chuyện này vốn không phải ý muốn của mình. Mẹ ông, bà Sách thị, cũng vì việc giết đi người bạn của cha mà trách mắng ông gay gắt. Tô Dịch Giản khóc và nói: “Con không nghĩ lại đến nông nỗi này, đó là tội của con.” Sau khi được phong Tham tri chính sự, vua cho triệu bà Sách thị vào cung, hỏi: “Bà đã dạy con như thế nào mà khiến nó trở thành nhân tài bậc này?” Bà đáp: “Khi còn nhỏ thì lấy lễ nhượng mà rèn, khi lớn thì dạy bằng kinh thi, kinh thư.” Vua quay sang các quan hầu cận và nói: “Đích thực là một bà mẹ như Mạnh mẫu vậy.”
Chú thích
- Niên quá nhược quan (年逾弱冠): “nhược quan” chỉ độ tuổi 20 (theo quan niệm xưa của Trung Hoa).
- Nghi khí (欹器): một loại dụng cụ xưa, khi rót nước vào nếu quá đầy sẽ tự đổ, dùng để nhắc nhở về đạo lý giữ chừng mực.
- Kinh triều quan (京朝官): chỉ chức quan ở kinh đô, triều đình.
- Tri chế cáo (知制诰): chức quan chuyên soạn thảo chiếu lệnh và văn kiện cho triều đình.
*(Trích từ Tống sử – Tô Dịch Giản truyện)