Kể từ thời đại của Alexander Đại đế (336-323 TCN), người Macedonia đã thống trị khu vực Đông Địa Trung Hải. Đội hình phalanx (phương trận) bộ binh hạng nặng của họ đã đánh bại các thành bang Hy Lạp và sau đó là cả Đế quốc Ba Tư. Về phía tây, các quân đoàn La Mã đã chinh phục Ý và áp đảo Carthage (đế chế ở Bắc Phi). Vào đầu thế kỷ thứ hai trước Công nguyên, một loạt cuộc chiến tranh đã đưa hai lực lượng hùng mạnh này đọ sức với nhau. Sau gần hai thập kỷ giao tranh không phân thắng bại, cuộc đụng độ quyết định đầu tiên diễn ra vào đầu mùa hè năm 197 TCN tại Cynoscephalae.
Trước trận Cynoscephalae: Chiến tranh Macedonia lần thứ nhất
Chiến tranh Macedonia lần thứ nhất (215-205 TCN) chỉ như một phần phụ trong cuộc chiến giữa Hannibal xứ Carthage và người La Mã. Philip V (221-179 TCN) khi đó đã trị vì Macedonia với tư cách một vị vua trẻ trong sáu năm. Cho đến nay, ông đã cố giữ vững ảnh hưởng của triều đại mình đối với Hy Lạp nhưng lo ngại về sự hiện diện mới nổi của La Mã ở bờ biển phía đông Adriatic và biên giới phía tây của Macedonia. Khi Hannibal đánh bại các đội quân La Mã ở Ý, Philip đã tìm kiếm một liên minh với Carthage. Đáp lại, La Mã tuyên chiến với Macedonia.
Cả hai bên tham chiến với tham vọng khá hạn chế. Người La Mã chật vật giành sự sống còn ở Ý, không đủ nguồn lực nên chỉ muốn ngăn chặn bất kỳ sự trợ giúp nào đến được tay Hannibal. Philip có vẻ không có tham vọng ở Ý mà thay vào đó chỉ muốn loại bỏ ảnh hưởng của La Mã trên biên giới của mình. Diễn biến của cuộc chiến mười năm này phần nào phản ánh những tham vọng hạn chế đó. Philip đạt được một số thành quả ở phía bắc nhưng không thể đẩy lùi được người La Mã. Về phần mình, La Mã chủ yếu đóng góp bằng hải quân của họ, phần lớn giao tranh do quân các đồng minh Hy Lạp thực hiện. Điều này đủ hiệu quả để đạt được mục tiêu của La Mã – ngăn Philip hỗ trợ Hannibal ở Ý.
Cuộc chiến đầu tiên này là một cuộc xung đột kiểu phòng thủ đối với người La Mã. Một cường quốc đã liên minh với kẻ thù nguy hiểm nhất của họ, và họ buộc phải hành động để hạn chế thiệt hại, tuy nhiên, cuộc chiến này đã khiến La Mã can dự sâu hơn vào các vấn đề của Hy Lạp và khu vực biển Aegean.
Chiến tranh Macedonia lần thứ hai
Chiến tranh Macedonia lần thứ hai (200-197 TCN) là một cuộc xung đột ngắn và mang tính quyết định. Đây là màn đối đầu trực tiếp giữa quân đội La Mã và Macedonia với đầy đủ lực lượng. Nguồn gốc của nó nằm ở những tranh chấp không cần phải kéo theo sự can dự trực tiếp của người La Mã.
Các chiến dịch của Philip ở phía đông Macedonia, các khu vực Thrace và Tiểu Á (tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) đã khiến ông xung đột với Vương quốc Pergamon (một đồng minh của La Mã) và đảo Rhodes. Một sự cố được cho là báng bổ tôn giáo ở Eleusis đã mở rộng xung đột đến cả Athens và khiến người Macedon quyết định đột kích thành phố này. Rhodes, Pergamon, và Athens cầu cứu người La Mã. Bất chấp một số dè dặt từ dân chúng đã mệt mỏi vì chiến tranh, Viện nguyên lão La Mã, nơi tập trung giới quý tộc, đã kêu gọi chiến tranh. Và thế là, cuộc chiến thứ hai của La Mã chống lại Philip và người Macedonia bắt đầu. Người La Mã cho rằng đây là để bảo vệ đồng minh của họ, nhưng các nhà lãnh đạo La Mã thật ra rất háo hức khi thời cơ xảy đến.
Vào năm 200 Trước Công Nguyên, vua Philip V của Macedonia gây thiệt hại nặng tại vùng quê Athens, trong khi hải quân La Mã tấn công căn cứ quan trọng Chalcis trên đảo Euboea. Năm tiếp theo, La Mã và các đồng minh – Aetolia và Athamania – gây sức ép dọc biên giới Macedonia nhưng không tạo ra bước ngoặt nào.
Điểm mấu chốt của cuộc chiến bắt đầu khi Titus Quinctius Flamininus được La Mã bổ nhiệm làm tổng chỉ huy. Tài năng, tham vọng và tràn đầy năng lượng, Flamininus nhanh chóng vươn tới chức vụ cao nhất của La Mã – quan chấp chính – trước tuổi 30. Không lãng phí thời gian, ông lập tức lên đường tới chiến trường. Thành thạo tiếng Hy Lạp và tự nhận bản thân là người yêu văn hóa Hy Lạp, Flamininus nhanh chóng chiếm ưu thế và xua tan nỗi sợ hãi về quân La Mã vốn được coi là man rợ sau hàng loạt hành động tàn bạo của họ trong những năm gần đây. Chẳng bao lâu sau, đồng minh chủ chốt của Philip, Liên minh Achaea, tuyên bố đào ngũ khiến Macedonia gần như đơn độc.
Nỗ lực hòa bình đầu tiên vào năm 198 Trước Công Nguyên thất bại do Philip không chấp thuận điều kiện giảm thiểu ảnh hưởng của Macedonia do phía La Mã đưa ra. Flamininus đánh bại Philip bên sông Aous, gây thiệt hại nặng cho quân Macedonia và buộc nhà vua phải rút lui. Trong khi đó, quân La Mã và đồng minh tiếp tục gây sức ép lên các cứ điểm của Macedonia ở Peloponnese và Euboea. Vào đầu năm 197 Trước Công Nguyên, tình hình bất lợi cho Philip, nhưng ông vẫn chưa hoàn toàn thất bại. Một trận quyết chiến là điều không thể tránh khỏi.
Chiến dịch năm 197 TCN
Mùa xuân năm 197 Trước Công Nguyên, quân La Mã và Macedonia tiến về phía nhau. Lực lượng La Mã, tính cả quân đồng minh Hy Lạp, vào khoảng 30,000 người. Trong đó, có khoảng 18,000 lính lê dương La Mã dày dạn kinh nghiệm sau các cuộc Chiến tranh Punic, cùng với 20 chiến tượng.
Dự kiến, quân đội của Philip ít hơn một chút, vào khoảng 25,000 người. Có vẻ nguồn lực của vương quốc này đã bị cạn kiệt bởi những cuộc chiến tranh gần đây. Vì đợt tấn công này, Philip buộc phải gọi thêm cả thiếu niên và người trên 55 tuổi để bổ sung quân số. Quân đội Philip dẫn đầu có một lượng lớn tân binh thiếu kinh nghiệm.
Mùa hè năm ấy, hai đội quân dàn trận ở phía Nam Thessaly. Nhận thấy nguồn lực hạn chế của Philip, Flamininus tìm cách cắt đường tiếp tế tới căn cứ Demetrias của Macedonia nằm bên bờ biển. Sau một giao tranh nhỏ, Philip hướng về phía Tây để tìm nguồn cung cấp quanh thị trấn Scotussa. Flamininus bám theo để ngăn Philip tiếp tế. Hai đội quân cùng tiến về phía Tây với cùng một mục tiêu.
Dãy đồi phân cách khiến cả hai phe đều không biết về sự hiện diện của đối thủ. Cơn bão và lớp sương mù dày đặc càng làm tầm nhìn bị hạn chế. Khi quân do thám chạm trán nhau trong sương mù trên đồi Cynoscephalae (“Đầu chó”), không ai nghĩ rằng trận đại chiến quyết định giữa Phalanx Macedonia và Lê dương La Mã chuẩn bị diễn ra.
Phalanx giao chiến quân đoàn La Mã
Trong suốt 150 năm, đội hình phalanx của người Macedonia đã nghiền nát mọi thứ cản đường họ. Philip II đã tạo ra một đội quân mà con trai ông, Alexander Đại đế, đã sử dụng để chinh phục Đế quốc Ba Tư. Cốt lõi của nó là đội hình phalanx – một khối quân đội dày đặc, mỗi người lính cầm cây giáo dài khoảng 5,5 mét được gọi là sarissa. 5 cây giáo chĩa thẳng từ hàng đầu tiên tạo nên một bức tường thương di động đáng sợ với kẻ thù. Được tập hợp thành các đội hình dày đến 16 hàng, bức tường giáo này gần như là không thể xâm nhập và không thể ngăn cản một khi nó bắt đầu di chuyển. Lực lượng này cực kỳ mạnh mẽ khi ở đội hình, nhưng từng binh sĩ đơn lẻ (phalangite) thì lại yếu ớt. Độ dài của cây sarissa khiến họ chỉ có thể mang một chiếc khiên nhỏ cùng một thanh kiếm hoặc dao găm. Nếu đội hình của họ bị phá vỡ, họ trở nên cực kỳ dễ bị tổn thương. Do đó, đội hình phalanx cần được triển khai trên địa hình bằng phẳng thích hợp.
Quân đoàn La Mã với khoảng 4.500-5.000 người được tổ chức chặt chẽ và chia thành nhiều tiểu đội khác nhau thay vì triển khai thành một khối thống nhất. Họ thường bước vào trận chiến với ba hàng được tổ chức theo kinh nghiệm của từng hàng. Mỗi người lính La Mã được trang bị vũ khí và áo giáp nặng với một chiếc khiên lớn, giáo phóng, và một thanh kiếm ngắn để đâm. Trái ngược với phalangite, một quân đoàn La Mã có thể tự vệ và sẽ không sợ hãi khi bị chia thành các nhóm nhỏ hơn.
Hai đội quân chạm trán nhau trong sương mù ở Cynoscephalae cuối cùng sẽ mang đến cuộc đối đầu trực tiếp của hai hệ thống chiến thuật rất khác biệt này.
Trận Cynoscephalae
Mặc dù đã được dự đoán từ lâu, thế nhưng trận chiến khốc liệt này vẫn khiến cả hai bên bất ngờ. Cuộc chạm trán ban đầu giữa lực lượng do thám trên các ngọn đồi đã nhanh chóng thu hút thêm nhiều đơn vị tham chiến, tạo nên một cuộc giao tranh đáng kể. Khi đến đỉnh đồi, Philip phải đối mặt với một vấn đề nan giải.
Đồi Cynoscephalae, được mô tả vào thời điểm đó là “gồ ghề, hiểm trở và có độ cao đáng kể” (Polybius 18.22), hoàn toàn không phải nơi bằng phẳng lý tưởng cho đội hình Phalanx. Bản thân quân đội của Philip cũng chưa vào vị trí. Do không lường trước được một trận chiến, một phần lực lượng của ông đã được cử đi tìm kiếm nguồn cung cấp. Vị vua đang tập hợp một lực lượng hùng hậu xung quanh mình, nhưng cánh trái thì vẫn trong quá trình hành quân. Tuy nhiên, nếu Philip không làm gì, ông có nguy cơ mất đi các lực lượng đang giao chiến, điều này sẽ làm suy yếu đội quân vốn đã có quy mô nhỏ hơn.
Trải qua nhiều thời điểm quyết định trong sự nghiệp của mình, cuối cùng Philip vẫn lựa chọn hành động ngay lập tức. Ông ra lệnh cho đội hình Phalanx triển khai và nhân đôi quân số từ 16 hàng lên 32 hàng, tạo thành một lực lượng tấn công mạnh mẽ và được bố trí chặt chẽ. Cánh trái Macedonia dưới sự chỉ huy của Nicanor được lệnh hành quân nhanh nhất có thể. Flamininus đưa lực lượng chính của mình vào vị trí chuẩn bị cho cuộc tấn công.
Hai cánh phải của chiến trường đều lao vào giao chiến quyết liệt. Với ưu thế giáo dài Sarissa hạ xuống và đổ dốc, quân Macedonia bắt đầu đẩy lùi cánh trái của La Mã. Nhìn thấy lực lượng rút lui, Flamininus phản ứng kịp thời bằng cách chuyển sang phía bên kia của chiến trường. Cánh phải của La Mã, do 20 thớt voi chiến tiên phong, tập kích cánh trái Macedonia còn đang lóng ngóng. Trên các ngọn đồi, đội hình Phalanx không thể triển khai chính xác, và toàn bộ cánh trái của Macedonia đã bị đánh bại.
Cho đến lúc này, trận đánh như được phân thành hai chiến dịch riêng biệt. Ở cánh phải, Philip đang giành chiến thắng. Ở cánh trái, Flamininus cũng đang chiếm ưu thế tương tự. Điều thay đổi cán cân của trận chiến mong manh này lại đến từ quyết định của một sĩ quan La Mã vô danh. Có vẻ như theo sáng kiến của riêng mình, một chỉ huy người La Mã đã dẫn 20 tiểu đoàn (các đơn vị nhỏ khoảng 120 người) tiến từ cánh phải của La Mã và tấn công đội quân của Philip. Sau khi đẩy lui cánh trái của Macedonia lên đồi, những người lính La Mã này giờ tấn công từ độ cao vào sườn và phía sau của đội hình Phalanx đang phòng thủ yếu ớt. Từ sát bờ vực chiến thắng, những người lính Phalanx giờ đây hầu như không có khả năng tự vệ, không thể xoay chuyển ngọn giáo Sarissa hoặc thay đổi đội hình. Quân La Mã tàn sát họ không thương tiếc.
Chứng kiến binh lính của mình bị tàn sát ngay trước mặt và cánh trái bị đánh bại, Philip tập hợp những người sống sót lại và chạy trốn khỏi chiến trường. Báo cáo cho thấy 5.000 người Macedonia bị bắt làm tù binh và khoảng 8.000 người bị giết. Người La Mã được cho là đã mất khoảng 700 người. Cuộc đụng độ được chờ đợi từ lâu giữa quân đoàn và đội hình Phalanx đã kết thúc với một chiến thắng quyết định cho người La Mã.
Sau trận chiến
Sử gia người Hy Lạp Polybius đã phân tích trận chiến để tìm hiểu tại sao nó kết thúc như vậy (Polybius 18.28). Rốt cuộc, đội hình Macedonian phalanx đã thống trị chiến trường suốt hơn một thế kỷ. Người Hy Lạp sốc khi chứng kiến họ thất bại trên trận địa, trong khi chính vị vua Philip dường như vẫn tin vào sức mạnh quân đội của mình cho đến tận ngày xung trận.
Polybius nhận ra điểm yếu của Macedonian phalanx nằm ở chỗ nó quá cứng nhắc – một chiến thuật mạnh mẽ nhưng chỉ có thể dùng trên những địa hình nhất định. Quân đội La Mã thì linh hoạt hơn nhiều. Thay vì một khối khổng lồ chỉ tiến được theo một hướng, các đơn vị của họ có thể tách ra, chuyển hướng và vượt chướng ngại vật. Mỗi quân đoàn La Mã có thể chiến đấu độc lập, còn quân lính Macedonian phalanx thì không. Như đã thấy trên chiến trường, sự linh hoạt này cho phép các sĩ quan La Mã tự nắm bắt thế chủ động. Không cần lệnh từ chỉ huy, một sĩ quan cấp thấp của La Mã đã làm nên chiến thắng. Ngược lại, cánh trái của quân đội Macedonia tan vỡ do thiếu chỉ đạo từ vua Philip.
Trận Cynoscephalae có thể được xem như là hệ quả của nhiều yếu tố ngẫu nhiên – thời tiết, địa hình, và quyết định của từng cá nhân đã mang lại chiến thắng cho La Mã. Nhưng như Polybius thừa nhận, chính sự khác biệt về chiến thuật giữa Macedonian phalanx và đội hình quân đoàn La Mã đã tạo tiền đề cho thắng thua. Điều này tiếp tục được minh chứng trong những thập kỷ tiếp theo khi các cuộc chiến với Macedonia vẫn chưa kết thúc.
Chiến tranh vẫn tiếp diễn, nhưng sau trận Cynoscephalae, Philip được đưa ra những điều khoản khá nhẹ nhàng. Người Macedonia bị giới hạn trong biên giới truyền thống và mất quyền kiểm soát vùng đất Hy Lạp, nhưng vương quốc Macedonia vẫn còn. Trong những năm còn lại, vua Philip dần khôi phục lại sức mạnh cho Macedonia một cách chậm rãi và khéo léo. Trong khi đó, tướng Flamininus củng cố hình ảnh của mình trong mắt người Hy Lạp bằng cách tuyên bố giải phóng họ khỏi ách thống trị của Macedonia. Mặc dù vậy, sự tự do này vẫn có giới hạn, và sẽ không lâu nữa trước khi quân đoàn La Mã lại tiến về Hy Lạp và Macedonia.