Tác giả bài gốc: Michael Kimmage
Đăng trên: Foreign Affairs
Trong hai thập niên sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, chủ nghĩa toàn cầu dường như lấn át chủ nghĩa dân tộc. Cùng lúc, các mạng lưới và hệ thống ngày càng phức tạp – từ thể chế, tài chính đến công nghệ – dần làm lu mờ vai trò của cá nhân trong chính trường.
Thế nhưng, từ đầu thập niên 2010, một sự chuyển dịch sâu sắc đã xuất hiện. Bằng cách nắm bắt các công cụ của thế kỷ XXI, một loạt nhân vật lãnh đạo có sức thu hút mạnh mẽ đã hồi sinh những mô hình chính trị của thế kỷ trước: nhà lãnh đạo mạnh, quốc gia vĩ đại, nền văn minh tự hào.
Các lãnh đạo quyền lực
Sự chuyển dịch này có thể bắt đầu từ Nga. Năm 2012, Vladimir Putin chấm dứt thí nghiệm ngắn khi ông rời ghế tổng thống để làm thủ tướng bốn năm, trong lúc một đồng minh thân cận ngồi vào ghế tổng thống nhưng chịu sự chi phối của ông. Putin trở lại vị trí lãnh đạo tối cao và củng cố quyền lực, đàn áp mọi lực lượng đối lập và dốc sức xây dựng “thế giới Nga,” phục hồi vị thế siêu cường đã biến mất sau sự sụp đổ của Liên Xô, đồng thời quyết liệt kháng lại tầm ảnh hưởng của Hoa Kỳ và các đồng minh.
Hai năm sau, Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo cao nhất ở Trung Quốc. Dù có những mục tiêu tương tự Putin, quy mô và tiềm lực của Trung Quốc lớn hơn rất nhiều. Năm 2014, Narendra Modi – người mang tham vọng to lớn cho Ấn Độ – hoàn thành quá trình thăng tiến dài hơi để trở thành thủ tướng và xác lập chủ nghĩa dân tộc Hindu là ý thức hệ trung tâm. Cùng năm, Recep Tayyip Erdogan, sau hơn một thập niên làm thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, bước lên ghế tổng thống. Trong thời gian ngắn, Erdogan biến Thổ Nhĩ Kỳ từ một nền dân chủ có nhiều phe phái thành cơ chế tập quyền do một người nắm giữ.
Có lẽ khoảnh khắc quan trọng nhất của sự chuyển biến này diễn ra năm 2016, khi Donald Trump thắng cử tổng thống Hoa Kỳ. Với khẩu hiệu “Làm nước Mỹ vĩ đại trở lại” (Make America Great Again) và “Nước Mỹ trên hết” (America First), Trump gói gọn tinh thần dân túy, dân tộc chủ nghĩa, chống toàn cầu hóa – thứ đã âm ỉ ngay cả khi trật tự quốc tế tự do do Mỹ đứng đầu liên tục được củng cố. Trump không chỉ dựa vào trào lưu toàn cầu này, mà tầm nhìn của ông về vai trò của Mỹ còn xuất phát từ những nguồn cội riêng, đặc biệt là chủ nghĩa chống cộng cánh hữu thập niên 1950.
Trong một thời gian, thất bại của Trump trước Joe Biden năm 2020 dường như báo hiệu sự “phục hồi” cho lập trường hậu Chiến tranh Lạnh của Hoa Kỳ: sẵn sàng củng cố trật tự tự do và đẩy lùi làn sóng dân túy. Nhưng với sự trở lại ngoạn mục của Trump, giờ đây có vẻ Biden mới chính là “dấu ngoặc” tạm thời. Trump cùng những nhân vật tôn sùng vinh quang dân tộc đang định hình nghị trình toàn cầu, xem nhẹ các cấu trúc dựa trên luật lệ, liên minh, hay diễn đàn đa quốc gia. Thay vào đó, họ đề cao vinh quang (đã từng và sẽ trở lại) của đất nước, tin rằng mình nắm giữ một sứ mệnh gần như “huyền bí” để cai trị. Mặc dù chương trình hành động của họ có thể hàm chứa thay đổi sâu rộng, chiến lược chính trị vẫn dựa trên các khuynh hướng bảo thủ, đánh thẳng vào mong muốn về truyền thống và cảm giác thuộc về của những cộng đồng đang bất mãn với giới tinh hoa tự do, đô thị và toàn cầu.
Va chạm văn minh
Ở một khía cạnh nào đó, những nhà lãnh đạo này và tầm nhìn của họ gợi nhớ đến “cuộc đụng độ giữa các nền văn minh” (the clash of civilizations) mà nhà khoa học chính trị Samuel Huntington đã hình dung từ đầu thập niên 1990. Song thay vì rập khuôn nghiêm ngặt như dự báo của Huntington, mô hình này thường mang tính biểu diễn và uyển chuyển hơn là cứng nhắc. Đây là “cuộc đụng độ văn minh phiên bản nhẹ” (lite), trong đó ngôn từ và phong cách lãnh đạo cho phép tái định hình cạnh tranh kinh tế – địa chính trị thành cuộc đối đầu giữa những “quốc gia – nền văn minh” mang dáng dấp tôn giáo hoặc bản sắc riêng.
Trong bối cảnh này, các nhà lãnh đạo tận dụng hùng biện “văn minh” mà không buộc phải tuân theo kịch bản gốc hay những ranh giới đơn giản của Huntington. (Thực tế, nước Nga Chính thống giáo lại đang đối đầu với Ukraine cũng Chính thống giáo, chứ không phải với Thổ Nhĩ Kỳ Hồi giáo.) Tại đại hội đảng Cộng hòa Mỹ năm 2020, Trump được giới thiệu là “vệ sĩ của nền văn minh phương Tây.” Giới lãnh đạo ở Điện Kremlin thì phát triển khái niệm “Nga là một quốc gia – nền văn minh” (civilization-state), coi đó như cơ sở để biện minh cho nỗ lực kiểm soát Belarus và khuất phục Ukraine. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Vì Dân chủ 2024, Modi gọi dân chủ là “huyết mạch của nền văn minh Ấn Độ.” Trong một bài phát biểu năm 2020, Erdogan khẳng định “nền văn minh của chúng ta là nền văn minh chinh phục.” Ở Trung Quốc, Tập Cận Bình trong bài diễn văn năm 2023 trước Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản đã ca ngợi dự án nghiên cứu về cội nguồn nền văn minh Trung Hoa, xem đây là “nền văn minh vĩ đại duy nhất, không bị gián đoạn và tiếp tục tồn tại đến ngày nay dưới hình thái quốc gia.”
Trong những năm tới, trật tự thế giới mà các nhà lãnh đạo này tạo dựng phụ thuộc rất lớn vào nhiệm kỳ thứ hai của Trump. Rốt cuộc, chính trật tự do Mỹ dẫn dắt hậu Chiến tranh Lạnh đã khuyến khích việc xây dựng những cấu trúc “siêu quốc gia.” Giờ đây, khi Hoa Kỳ cũng tham gia “vũ điệu” của các quốc gia thế kỷ XXI, tiếng trống sẽ thường do Washington gióng lên. Nếu Trump nắm quyền, “lẽ thường” ở Ankara, Bắc Kinh, Moskva, New Delhi và Washington (cùng nhiều thủ đô khác) sẽ coi rằng không tồn tại một hệ thống chung hay bộ quy tắc được công nhận rộng rãi. Trong bối cảnh địa chính trị này, khái niệm “phương Tây” vốn đã mong manh, sẽ lại lùi sâu hơn vào hậu trường – đồng nghĩa tầm quan trọng của châu Âu cũng giảm. Trước đây, châu Âu được Mỹ coi là đối tác trong “thế giới phương Tây” hậu Chiến tranh Lạnh. Nay, đứng trước thực trạng trật tự đang tan vỡ và trong khi Mỹ không còn mặn mà dẫn dắt, châu Âu – một liên minh lỏng lẻo, không có quân đội chung và ít nguồn lực cứng – lại đang trải qua giai đoạn khủng hoảng lãnh đạo.
Chính quyền Trump có khả năng thành công trong một trật tự quốc tế được điều chỉnh lại – thực ra quá trình điều chỉnh đã diễn ra nhiều năm. Tuy nhiên, để Hoa Kỳ thực sự thịnh vượng, Washington phải ý thức rõ nguy cơ khi có quá nhiều đường nứt về quốc gia, dân tộc giao cắt nhau, và tìm cách hóa giải những rủi ro đó bằng sự kiên nhẫn cùng nỗ lực ngoại giao linh hoạt. Trump và đội ngũ của ông cần coi quản lý xung đột là điều kiện tiên quyết cho sự vĩ đại của nước Mỹ, chứ không phải rào cản.
Căn nguyên của “Chủ nghĩa Trump”
Nhiều nhà phân tích thường quy nguồn gốc chính sách đối ngoại của Trump về giai đoạn giữa hai cuộc Thế chiến (interwar). Khi phong trào “Nước Mỹ trên hết” (America First) nguyên bản phát triển vào thập niên 1930, Hoa Kỳ chỉ có quân đội ở mức độ khiêm tốn và chưa là siêu cường. America Firsters thời đó mong muốn giữ nguyên hiện trạng ấy, chủ trương tránh xa xung đột. Ngược lại, Trump lại trân trọng quy chế siêu cường của Mỹ, điều ông nhấn mạnh nhiều lần trong bài diễn văn nhậm chức thứ hai. Ông chắc chắn sẽ tăng chi tiêu quân sự và, qua việc hăm dọa “thôn tính” Greenland hay đòi lại Kênh đào Panama, Trump đã cho thấy ông không ngại xung đột. Trump muốn thu hẹp các cam kết của Mỹ với những thể chế quốc tế, thu gọn tầm vóc của liên minh, nhưng hoàn toàn không chủ trương rút lui khỏi vũ đài thế giới.
Nguồn cội đích thực của chính sách đối ngoại của Trump nằm ở thập niên 1950, khi chủ nghĩa chống cộng dâng cao. Dù vậy, Trump không tiếp nối dòng chống cộng “tự do” (liberal anticommunism) mà các Tổng thống Harry Truman, Dwight Eisenhower, John F. Kennedy thúc đẩy – vốn nhấn mạnh cổ vũ dân chủ, kỹ trị và chủ nghĩa quốc tế mạnh mẽ trước mối đe dọa Xô viết. Tư tưởng của Trump xuất phát từ phong trào chống cộng cánh hữu thời đó: họ xem phương Tây đang bị đe dọa bởi kẻ thù bên ngoài, huy động những yếu tố tôn giáo và nghi ngờ chủ nghĩa tự do Mỹ là quá mềm yếu, siêu quốc gia và thế tục, không thể bảo vệ đất nước.
Di sản chính trị ấy hiện diện qua “ba cuốn sách.” Đầu tiên là “Witness” (Nhân chứng) của Whittaker Chambers, một nhà báo Mỹ từng là đảng viên Cộng sản và gián điệp Liên Xô rồi quay lưng, trở thành người bảo thủ. Xuất bản năm 1952, Witness là bản tuyên ngôn tố cáo giới tự do Mỹ “đồng hành” với cộng sản và làm bạo lực Liên Xô thêm đắc thế. Tương tự là James Burnham – nhà tư tưởng chính sách đối ngoại bảo thủ thời hậu chiến. Trong cuốn “Suicide of the West” (1964), ông chỉ trích giới tinh hoa chính sách đối ngoại Mỹ vì thói hợm hĩnh, “không trung thành” và coi “các nguyên tắc quốc tế, phổ quát quan trọng hơn là cục bộ hay dân tộc.” Burnham kêu gọi một chính sách dựa trên “gia đình, cộng đồng, Giáo hội, đất nước, và xa hơn nữa là nền văn minh – không phải nền văn minh chung chung, mà là nền văn minh mang tính lịch sử cụ thể của chính chúng ta.”
Pat Buchanan, nhà báo trẻ chịu ảnh hưởng từ Burnham, ủng hộ Barry Goldwater trong cuộc bầu cử năm 1964, từng làm trợ lý cho Tổng thống Richard Nixon, và năm 1992 thách thức nội bộ đảng Cộng hòa với Tổng thống đương nhiệm George H. W. Bush. Chính Buchanan là người tiên đoán rõ nhất về thời đại Trump. Trong cuốn sách “The Death of the West” (Cái chết của phương Tây) xuất bản năm 2002, ông quan sát rằng “người da trắng nghèo đang chuyển sang cánh hữu” và khẳng định “kẻ tư bản toàn cầu và người bảo thủ đích thực như Cain và Abel.” Dù tiêu đề báo tử cho phương Tây, Buchanan lại có chút hy vọng, tin rằng chủ nghĩa toàn cầu (globalism) sẽ đến ngày tan rã: “Bởi nó là dự án của giới tinh hoa, mà những kiến trúc sư thì vô danh và chẳng được yêu mến, nên chủ nghĩa toàn cầu sẽ vỡ tan trước rạn san hô lớn của lòng yêu nước.”
Trump tiếp nhận truyền thống bảo thủ tích tụ vài thập niên này không qua việc đọc hay nghiên cứu sâu, mà qua bản năng và những ứng biến trên đường tranh cử. Giống Chambers, Burnham và Buchanan – những kẻ ngoại đạo nhưng say mê quyền lực – Trump thích sự phá cách, muốn xáo tung trật tự và ghét giới tinh hoa tự do lẫn chuyên gia chính sách. Mặc dù có vẻ ít liên quan đến phong trào chính trị mang đậm màu sắc Cơ Đốc giáo và tinh thần thượng lưu, Trump đã khôn khéo tự khắc họa không phải là người đại diện tinh hoa cho các giá trị văn minh phương Tây, mà là kẻ bảo vệ rắn rỏi nhất chống lại kẻ thù bên ngoài lẫn nội tại.
Trật tự mới
Sự nghi ngại của Trump đối với chủ nghĩa quốc tế “phổ quát” đặt ông cùng chung hướng với Putin, Tập, Modi và Erdogan. Cả năm nhà lãnh đạo đều chấp nhận một “giới hạn” nhất định trong chính sách đối ngoại, nhưng cũng không chịu ngồi yên. Họ luôn thúc đẩy thay đổi, song vẫn giữ những giới hạn do chính họ vạch ra. Putin không mưu toan “Nga hóa” Trung Đông. Tập không cố tái tạo châu Phi, Mỹ Latinh hay Trung Đông theo hình mẫu Trung Quốc. Modi cũng không tìm cách “xuất khẩu” bản sao Ấn Độ. Erdogan không đòi hỏi Iran hay khối Ả Rập phải trở nên “Thổ Nhĩ Kỳ” hơn. Trump cũng chẳng quan tâm đến “Mỹ hóa” thế giới. Tinh thần “xuất chúng” (exceptionalism) của ông khiến Mỹ tách biệt với cái bên ngoài vốn bị xem là phi Mỹ.
Dù cùng là xét lại (revisionist) nhưng họ không mưu cầu xây dựng một trật tự toàn cầu hợp nhất. Với Tập, lịch sử và sức mạnh Trung Quốc – chứ không phải Hiến chương Liên Hợp Quốc hay ý muốn của Washington – mới là thứ quyết định vị thế Đài Loan, vì Trung Quốc “là những gì” ông ta tuyên bố. Ấn Độ không nằm cạnh điểm nóng toàn cầu như Đài Loan, nhưng vẫn đang tranh cãi dai dẳng về biên giới với Trung Quốc và Pakistan từ ngày giành độc lập (1947). Ấn Độ kết thúc ở đâu thì Modi định đoạt ở đó.
Erdogan thể hiện chủ nghĩa xét lại theo đúng nghĩa đen. Để mang lợi thế cho đồng minh Azerbaijan, Thổ Nhĩ Kỳ đã hỗ trợ quân sự giúp Azerbaijan trục xuất người Armenia khỏi vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorno-Karabakh – không phải bằng đàm phán mà bằng vũ lực. Tư cách thành viên NATO – đồng nghĩa cam kết dân chủ và tôn trọng biên giới – không ngăn Erdogan hành động. Thổ Nhĩ Kỳ cũng cắm chân quân sự ở Syria. Họ không hẳn khôi phục Đế chế Ottoman, nhưng những chiến dịch ở Kavkaz và Trung Đông gợi tiếng vang lịch sử khiến Erdogan lẫn nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ tự hào: họ sẽ hiện diện ở những nơi Erdogan cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ nên có mặt.
Trong làn sóng xét lại này, cuộc chiến của Nga với Ukraine là câu chuyện trung tâm. Nhân danh sự “vĩ đại” của nước Nga và cai trị một quốc gia mà với ông “chưa thấy điểm kết,” Putin liên tục diễn giải lịch sử. Ngoại trưởng Sergey Lavrov từng đùa rằng cố vấn thân cận nhất của Putin là “Ivan Bạo chúa, Pyotr Đại đế và Ekaterina Đại đế.” Thực ra, điều Putin quan tâm là tương lai: cuộc xâm lược Ukraine năm 2022 giống bước ngoặt địa chính trị như năm 1914, 1939 hay 1989. Ông muốn phân chia hoặc thuộc địa hóa Ukraine, mở ra tiền lệ khuyến khích các cuộc chiến tương tự và có thể lôi kéo các nước khác (như Trung Quốc) tham vọng phiêu lưu quân sự. Putin đang viết lại luật chơi, và mặc dù chiến dịch quân sự diễn biến tệ hại, nước Nga cũng chẳng bị cô lập hoàn toàn. Putin bình thường hóa ý nghĩ về một cuộc chiến quy mô lớn để chinh phục lãnh thổ ngay ở châu Âu – nơi vốn được xem như hình mẫu trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Tuy vậy, cuộc chiến Ukraine không khiến ngoại giao đa phương chấm dứt. Thậm chí có nơi nó được thúc đẩy mạnh mẽ hơn. Ví dụ, nhóm BRICS (bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Nga, Brazil, Nam Phi và mới mở rộng thêm một số nước phi phương Tây khác) đã lớn mạnh hơn. Ở phía đối lập, nhóm ủng hộ Ukraine cũng vượt khỏi khuôn khổ Đại Tây Dương, gồm cả Úc, Nhật Bản, New Zealand, Singapore và Hàn Quốc. Chủ nghĩa đa phương vẫn tồn tại, chỉ không còn bao phủ tất cả.
Xung đột linh hoạt
Trong thế trận địa chính trị “vạn hoa” này, các mối quan hệ biến chuyển phức tạp và linh hoạt. Putin và Tập xây dựng quan hệ đối tác nhưng chưa đến mức liên minh. Tập không có lý do để gây hiềm khích toàn diện như Nga đang làm với phương Tây. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ dù đối đầu nhưng biết cách tránh đụng độ trực tiếp tại Trung Đông hay Kavkaz. Ấn Độ vẫn luôn canh chừng Trung Quốc. Còn nhiều nhà phân tích ví Trung Quốc, Iran, Triều Tiên, Nga là một “trục” (axis), song họ là bốn quốc gia khác biệt lớn về lợi ích và thế giới quan.
Quan hệ đối ngoại của các nước này nhấn mạnh tính độc nhất, tôn vinh vai trò lãnh đạo cá nhân duy trì lợi ích quốc gia. Điều này cản trở họ hình thành liên minh bền vững. Một liên minh đòi hỏi sự phối hợp cao, trong khi mỗi nước lại vận hành theo lợi ích riêng, phong cách cá nhân, và ranh giới luôn “mềm”. Không gì trắng đen rõ ràng, không gì bất di bất dịch.
Chính bối cảnh đó lại rất hợp với Trump. Ông không vướng bận quá nhiều vào biên giới tôn giáo hay văn hóa. Trump thường đặt con người lên trên thể chế, mối quan hệ cá nhân lên trên liên minh chính thức. Dù Đức là đồng minh NATO của Mỹ và Nga là đối thủ, Trump lại mâu thuẫn với Thủ tướng Angela Merkel trong nhiệm kỳ đầu nhưng tỏ ra tôn trọng Putin. Những nước Trump “vật lộn” nhất lại thường nằm trong thế giới phương Tây. Nếu nhà khoa học chính trị Huntington còn sống, có lẽ ông sẽ rất ngạc nhiên trước tình cảnh này.
Kịch bản chiến tranh
Trong nhiệm kỳ đầu của Trump, sân khấu quốc tế tương đối yên ả. Không có cuộc chiến lớn. Nga dường như bị kiềm tỏa ở Ukraine. Trung Đông cũng bước vào giai đoạn ổn định hơn, một phần nhờ Hiệp định Abraham do chính quyền Trump thúc đẩy. Trung Quốc bị răn đe ở Đài Loan và chưa có hành động xâm lược. Thực tế, Trump vẫn hành xử tương đối giống một tổng thống Cộng hòa điển hình: gia tăng cam kết phòng thủ châu Âu, kết nạp thêm hai quốc gia vào NATO, giữ giọng điệu cứng rắn với Trung Quốc và tìm cách giành lợi thế ở Trung Đông.
Nhưng nay, châu Âu đang bùng cháy chiến tranh quy mô lớn, Trung Đông rơi vào hỗn loạn, và trật tự cũ dường như tan tành. Sự xói mòn nguyên tắc và biên giới, cạnh tranh “chủ nghĩa vĩ đại” của những nhà lãnh đạo thất thường, cùng giao tiếp “chớp nhoáng” trên mạng xã hội có thể đẩy thế giới đến thảm họa. Nguy cơ bùng nổ thảm kịch lớn nhất có lẽ vẫn ở Ukraine, nơi tiềm năng chiến tranh thế giới và hạt nhân cao nhất.
Dù trong trật tự dựa trên luật lệ, tính bất khả xâm phạm của biên giới không phải lúc nào cũng tuyệt đối – đặc biệt là biên giới quanh Nga. Nhưng châu Âu và Mỹ vẫn đề cao nguyên tắc chủ quyền lãnh thổ sau khi Chiến tranh Lạnh khép lại. Họ viện trợ khổng lồ cho Ukraine vì tin rằng nếu để biên giới bị xâm phạm bằng vũ lực, châu Âu – vốn chất đầy hằn thù lịch sử biên giới – có thể rơi vào vòng xoáy xung đột không lối thoát. Trong nhiệm kỳ đầu, Trump cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của biên cương, dự định xây “bức tường lớn, đẹp” với Mexico. Nhưng khi đối diện cuộc chiến lớn ở châu Âu, rõ ràng quan điểm về “bất khả xâm phạm” của Trump chủ yếu tập trung vào đường biên nước Mỹ.
Về phía Trung Quốc, Ấn Độ, cùng Brazil, Philippines và nhiều cường quốc khu vực khác, họ vẫn duy trì quan hệ với Nga, ít nhất là không tham gia cấm vận, bởi Ukraine không quá quan trọng so với tầm giá trị của một nước Nga ổn định để có năng lượng và vũ khí. Thế nhưng, việc chấp nhận chủ nghĩa xét lại của Nga có thể kéo theo bất ổn nghiêm trọng. Nếu Ukraine bị chia cắt hay thất bại, những nước láng giềng như Estonia, Latvia, Litva, Ba Lan (đều là thành viên NATO) sẽ run sợ trước viễn cảnh Nga tràn sang. Khi ấy, có thể họ sẽ quyết định tham chiến để ngăn chặn. Nga đáp trả bằng cách mở rộng chiến sự sang lãnh thổ NATO. Nếu phương Tây tìm cách “dàn xếp” với Moskva và để Ukraine chịu thiệt, Ba Lan và các nước Baltic có khả năng cảm thấy bị phản bội, liều lĩnh dấn thân vào xung đột. Pháp, Đức, Anh cũng khó ở yên bên lề.
Nếu chiến tranh lan rộng, kết quả sẽ ảnh hưởng lớn đến uy tín của Trump và Putin. Lòng kiêu hãnh đóng vai trò then chốt. Putin không thể thua trước Ukraine, Trump cũng không thể “để mất châu Âu.” Đánh mất vai trò quân sự và lợi ích kinh tế ở châu Âu là nỗi sỉ nhục cho bất kỳ tổng thống Mỹ nào. Áp lực tâm lý để leo thang xung đột sẽ rất lớn, trong một môi trường mang tính cá nhân cao và chịu tác động bởi các kênh ngoại giao kỹ thuật số thiếu kỷ luật. Kịch bản này có thể còn lan sang xung đột Trung – Ấn, hoặc Nga – Thổ.
Triển vọng hòa bình
Cũng cần nhìn sang một kịch bản khả quan: nhiệm kỳ hai của Trump có thể làm dịu một số căng thẳng. Bằng cách duy trì quan hệ ổn định với Bắc Kinh và Moskva, vận dụng linh hoạt ngoại giao và có chút “may mắn chiến lược,” thế giới có thể không giải quyết triệt để các bất đồng nhưng có thể đạt một trạng thái bớt xung đột hơn. Không phải chấm dứt hoàn toàn chiến tranh ở Ukraine, mà giảm cường độ. Không giải quyết dứt điểm vấn đề Đài Loan, nhưng đặt ra “lan can” để phòng ngừa bùng phát xung đột ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Không giải pháp triệt để cho xung đột Israel – Palestine, nhưng có thể tiến đến hòa hoãn với một Iran suy yếu, cũng như giúp tái lập chính quyền ổn định ở Syria. Trump không hẳn trở thành “người kiến tạo hòa bình” mẫu mực, nhưng ông có thể định hình một thế giới ít bạo lực hơn.
Dưới thời Joe Biden, và trước đó là Obama, George W. Bush, Moskva và Bắc Kinh luôn đối mặt áp lực hệ thống từ Washington. Nga và Trung Quốc chọn ở ngoài trật tự quốc tế tự do, một phần do họ không phải nước dân chủ, một phần do chính sách Mỹ có xu hướng ủng hộ “dân chủ hóa.” Tất nhiên, các lãnh đạo Nga – Trung có khuynh hướng phóng đại đe dọa “thay đổi chế độ” từ Mỹ, nhưng họ không sai khi nhận ra giới tinh hoa Washington luôn thích mô hình chính trị cởi mở hơn.
Khi Trump trở lại, áp lực về thể chế chính trị sẽ giảm. Ông không mảy may bận tâm nước khác là độc tài hay dân chủ, chỉ muốn né tránh việc “thay đổi chế độ.” Dù vẫn còn nhiều căng thẳng, không khí chung sẽ bớt ngột ngạt, tạo cơ hội đối thoại. Giữa Nga – Mỹ – Trung có thể xuất hiện những lần nhượng bộ nhỏ, đối tác tạm thời trong một số vấn đề, giúp giảm nguy cơ xung đột ở các điểm nóng.
Nếu khéo léo, chính sách ngoại giao linh hoạt – quản lý mâu thuẫn dai dẳng và xung đột cục bộ – sẽ mang lại lợi ích to lớn. Trump là tổng thống “ít Wilson” nhất kể từ chính Woodrow Wilson, ý nói ông rất ít tin tưởng vào các thiết chế toàn cầu như Liên Hợp Quốc hay OSCE. Ngược lại, tư duy “công ty khởi nghiệp” (start-up) có thể giúp ông phản ứng nhanh với biến động bất ngờ.
Với Ukraine, một giải pháp “hòa bình gấp rút” để đổi lấy sự nhìn nhận chủ quyền hạn chế có thể chỉ mang vỏ bọc ổn định, nhưng dễ dẫn đến chiến tranh tiếp diễn. Tốt hơn hết, Mỹ cần giúp Ukraine xác lập “luật chơi” với Nga, qua đó dần thu gọn xung đột. Song song, Washington có thể tách bạch những bất đồng với Moskva – như từng làm suốt Chiến tranh Lạnh – để cùng hợp tác về kiểm soát hạt nhân, chống phổ biến vũ khí, biến đổi khí hậu, đại dịch, chống khủng bố, hay hợp tác ở Bắc Cực, không gian vũ trụ. Điều này phục vụ lợi ích quan trọng của Mỹ (và cũng là ưu tiên của Trump): ngăn chặn chiến tranh hạt nhân Nga – Mỹ.
Quan trọng hơn, thành công ngoại giao cũng đòi hỏi sự sẵn sàng đón nhận cơ hội. Việc các nước Đông Âu giành độc lập năm 1989 là ví dụ. Sự sụp đổ của bức tường Berlin và Liên Xô diễn ra bất ngờ, không phải do chiến lược Mỹ “tính toán.” Chính quyền George H. W. Bush khi đó đã phản ứng khéo léo, không kích động Liên Xô nhưng cũng không để tuột mất cơ hội thống nhất nước Đức trong NATO. Nhiệm kỳ hai của Trump cũng nên chuẩn bị cho những bất ngờ tương tự: đừng sa lầy vào các cấu trúc cứng nhắc, mà hành động mau lẹ, dứt khoát khi vận may đến.
Để làm được điều này, Mỹ có hai tài sản quan trọng. Thứ nhất, mạng lưới liên minh giúp gia tăng đáng kể sức mạnh và khả năng xoay sở của Washington. Thứ hai, sức mạnh kinh tế với các công cụ như thị trường, tài nguyên, khả năng thu hút đầu tư, và tầm chi phối của hệ thống tài chính – ngân hàng. Tất nhiên, chính sách bảo hộ hoặc ép buộc kinh tế vẫn có thể được triển khai, nhưng cần đặt trong tầm nhìn “tích cực” hơn, nơi Mỹ tiếp tục là trung tâm thịnh vượng và luôn ưu tiên các đồng minh, đối tác lâu năm.
Thế giới hôm nay không còn phù hợp những khái niệm cũ như đơn cực, lưỡng cực hay đa cực. Song ngay cả khi thiếu một cấu trúc bền vững, Mỹ vẫn có thể tận dụng quyền lực, liên minh và lợi thế kinh tế để giảm xung đột, tạo nền tảng hợp tác cho mọi quốc gia. Điều này phục vụ mong muốn của Trump: để lại một nước Mỹ hùng mạnh hơn vào cuối nhiệm kỳ so với lúc bắt đầu.