Tác giả bài gốc: David French
Tổng thống Trump đang gây ra những tổn hại cho nước Mỹ mà có thể phải mất cả một thế hệ hoặc lâu hơn mới khắc phục được. Kỳ bầu cử tiếp theo cũng không thể sửa chữa những gì ông Trump đang phá hỏng. Và kỳ bầu cử kế tiếp sau đó cũng vậy.
Để hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của thiệt hại mà ông Trump đã gây ra trong tháng rưỡi đầu tiên của nhiệm kỳ này, có thể so sánh với thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Đảng Cộng hòa và Đảng Dân chủ thường có sự khác biệt lớn trong cách tiếp cận Liên Xô — có khi rất gay gắt. Chẳng hạn, hai đảng có thể bất đồng về mức chi tiêu quân sự, về việc kiểm soát vũ khí hạt nhân, hay về những can thiệp quân sự của Mỹ chống lại các đồng minh và lực lượng ủy nhiệm của Liên Xô.
Những mâu thuẫn sâu sắc về chiến tranh Việt Nam đã chi phối chính trường Mỹ suốt hơn một thập kỷ, cả trong lẫn ngoài hai đảng. Thời chính quyền Reagan, các cuộc tranh cãi dữ dội nổ ra xoay quanh tên lửa đạn đạo liên lục địa MX cũng như việc triển khai tên lửa tầm trung ở châu Âu.
Những khác biệt ấy rất quan trọng, nhưng vẫn không quan trọng bằng những điểm đồng thuận lớn. Cả hai đảng đều cam kết ủng hộ NATO. Cả hai đều xem Liên Xô là mối đe dọa an ninh quốc gia nghiêm trọng. Suốt nhiều thập kỷ, cả hai đảng về cơ bản đều duy trì chiến lược “ngăn chặn” (containment) nhằm kìm hãm sự bành trướng của chế độ độc tài Liên Xô.
Chưa từng có thời điểm nào người dân Mỹ đi bỏ phiếu và phải chọn giữa một ứng cử viên cam kết với NATO và một ứng cử viên ủng hộ Liên Xô cùng Khối Warszawa. Ý tưởng ấy thậm chí nghe phi lý. Các cuộc bầu cử có thể định hình lại chiến lược an ninh quốc gia, nhưng không thay đổi các liên minh cốt lõi của chúng ta, cũng không thay đổi căn tính nền tảng của nước Mỹ.
Cho đến bây giờ.
Hãy nhìn những gì xảy ra trong Phòng Bầu dục (Oval Office) hôm thứ Sáu vừa qua. Tổng thống Trump và Phó Tổng thống JD Vance đã “đánh úp” Tổng thống Volodymyr Zelensky của Ukraine ngay trên sóng truyền hình trực tiếp. Ông Vance buộc tội Zelensky là “thiếu tôn trọng”, và ông Trump tấn công thẳng thừng:
“Ông đang đánh cược tính mạng của hàng triệu người. Ông đang đánh cược Thế chiến thứ Ba. Ông đang đánh cược Thế chiến thứ Ba và những gì ông làm là vô cùng thiếu tôn trọng đất nước — đất nước này — nơi đã ủng hộ ông còn hơn rất nhiều người nghĩ rằng họ nên.”
Đòn tấn công của Trump nhắm vào Zelensky chỉ là phát súng mới nhất trong chuỗi hành động nhắm vào các đồng minh của chúng ta. Quay lại Nhà Trắng, Trump đã dạy cho những đối tác chiến lược quan trọng nhất của Mỹ một bài học mà họ sẽ không quên sớm: nước Mỹ có thể — và sẽ — quay lưng. Rằng cử tri Mỹ hoàn toàn có thể chọn một nhà lãnh đạo sẵn sàng từ bỏ các liên minh truyền thống, thậm chí ủng hộ một trong những chế độ nguy hiểm và áp bức nhất thế giới.
Dù Đảng Dân chủ có thắng lớn trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2026 và đánh bại ứng viên Cộng hòa năm 2028, bài học đó vẫn còn nguyên giá trị. Các đồng minh của chúng ta sẽ hiểu rằng liên minh với Mỹ chỉ vững đến kỳ bầu cử tổng thống kế tiếp — và mọi lời hứa chỉ có thể giữ được (cao lắm) trong một nhiệm kỳ.
Rất khó, nếu không muốn nói là không thể, để xây dựng một chiến lược phòng thủ bền vững trong bối cảnh ấy. Cũng không thể duy trì các chính sách thương mại ổn định. Và không thể thực hiện bất cứ hình thức ngoại giao lâu dài nào. Nếu mọi thỏa thuận đều có thể bị hủy ngay khi chính quyền mới lên nắm quyền, thì liệu có cường quốc nào đủ tỉnh táo mà vẫn tin vào lời cam kết của Mỹ — hoặc tin vào chính nước Mỹ?
Ngay lúc Trump “quay lưng” với Ukraine, chính quyền của ông cũng hủy bỏ hàng ngàn hợp đồng tài trợ các chương trình phòng chống sốt rét, tiêm vắc-xin bại liệt, chữa trị lao, giám sát Ebola và duy trì bệnh viện trong các trại tị nạn. Nếu những quyết định cắt giảm này vẫn được giữ nguyên, thì nước Mỹ sẽ gần như phá bỏ toàn bộ mạng lưới nhân đạo quy mô lớn đã cứu sống hàng triệu người.
Nguyên tắc tương tự cũng áp dụng ở trong nước. Các đợt sa thải hàng loạt trong chính phủ liên bang, những lệnh ân xá bừa bãi cho các đồng minh chính trị, cùng nỗ lực đóng cửa các cơ quan được thành lập theo luật liên bang của Trump, khiến cho chính sách đối nội cũng trở nên bấp bênh không kém đối ngoại.
Một quốc gia không thể phục vụ hiệu quả người dân nếu cứ phá bỏ rồi xây lại bộ máy công chức sau mỗi bốn năm. Cũng không thể đóng rồi mở lại các cơ quan chính phủ chỉ mỗi lần bầu cử.
Đã có vô số phân tích (kể cả của tôi) nêu rõ việc Trump đang cố gắng tiến hành thứ mà thực chất là một cuộc “cách mạng hiến pháp”. Giờ đây, ngày 6/1 (sự kiện bạo loạn ở Điện Capitol năm 2021) đã cho thấy rõ ý chí nắm quyền bằng mọi giá của Trump và sự khinh thường tuyệt đối của ông với luật pháp. Ông đang cố làm đảo lộn cơ cấu chính phủ Mỹ nhằm đưa tổng thống trở thành đỉnh cao quyền lực tuyệt đối.
Khi chúng ta nếm trải hậu quả từ những hành động của Trump, ta càng hiểu vì sao các nhà lập quốc (Founding Fathers) không muốn tổng thống có quyền lực vô hạn. Lần nữa, chúng ta được nhắc rằng họ sở hữu tầm nhìn sâu sắc về hiểm họa khi cai trị một quốc gia rộng lớn, nhiều chia rẽ chỉ bằng các sắc lệnh hành pháp.
Để nắm rõ ý định của các nhà lập quốc, tôi khuyên nên nghe buổi phỏng vấn ngày 5/2 của đồng nghiệp tôi, Ezra Klein, với Yuval Levin, một học giả tại Viện Doanh nghiệp Mỹ (AEI). Levin nói: “Tổng thống được bầu, nhưng người lập quốc không hình dung tổng thống là một nhân vật đại diện (representative) cho toàn dân. Chức vụ ấy chỉ là một cá nhân trong một đất nước rộng lớn. Một người duy nhất không thể đại diện cho cả quốc gia. Việc đại diện phải do một thiết chế tập thể như Quốc hội đảm nhiệm.”
Levin giải thích tiếp: “Lô-gic của Hiến pháp Mỹ là chỉ có sự chiếm đa số mới là hợp thức, nhưng đa số cũng rất nguy hiểm cho thiểu số. Điều đó nghĩa là chúng ta muốn một hệ thống buộc đa số phải mở rộng và trở nên toàn diện hơn trước khi được trao quyền.”
Khi hệ thống vận hành đúng, thay đổi lớn là điều khó khăn. Thật không dễ để xây dựng được khối cử tri đông đảo như thời kỳ New Deal (Chính sách Kinh tế Mới) hay Great Society (Đại Xã Hội). Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa rằng một khi có thay đổi, thì đó là thay đổi bền vững — và đó là điều hết sức quan trọng. Bạn thử tưởng tượng nếu sự tồn tại của An sinh Xã hội (Social Security) hay Medicare lại phụ thuộc vào ý muốn nhất thời của một vị tổng thống?
Trên thực tế, như Levin nói, tổng thống chủ yếu tồn tại dưới vai trò một nhà quản lý. Ông phải điều hành các cơ quan mà Quốc hội thành lập. Ông phải thực thi các hiệp ước, liên minh được Thượng viện phê chuẩn. Ông không phải người có quyền quyết định những cơ quan hay liên minh đó có nên tồn tại hay không.
Nếu Trump thực thi thành công ý chí của mình, tình trạng hỗn loạn có thể khiến đảng Dân chủ có cơ hội thắng cử cao hơn, nhưng chỉ chiến thắng trong bầu cử thì không giải quyết được vấn đề, không chữa lành sự bất ổn hay giúp nước Mỹ hồi phục hoàn toàn.
Chính vì thế, những cuộc chiến pháp lý hiện nay trở nên vô cùng quan trọng. Tòa án Tối cao không thể buộc Trump ủng hộ Ukraine, cũng không nên làm như vậy, nhưng tòa có thể buộc chính quyền thực hiện đúng các hợp đồng của chính phủ. Tòa có thể bảo vệ công chức khỏi tình trạng sa thải bất hợp pháp. Tòa có thể bảo vệ các cơ quan do Quốc hội lập ra trước nguy cơ bị tổng thống giải thể. Nói cách khác, tòa có thể bảo vệ trật tự hiến pháp.
Tuy nhiên, ngay cả khi dùng cụm từ “trật tự hiến pháp,” tôi cũng lo rằng nó nghe quá sách vở, quá mơ hồ so với tình hình thực tiễn. Bằng cách thách thức trật tự hiến pháp, Trump đang thách thức sự ổn định của chính hệ thống Mỹ.
Tổn hại to lớn đã xảy ra. Cần bao nhiêu kỳ bầu cử tổng thống nữa để các đồng minh thân cận nhất của ta tin rằng ta là đối tác đáng tin cậy?
Với tư cách một người bảo thủ, tôi từ lâu đã tôn trọng khái niệm “hàng rào của Chesterton” (Chesterton’s fence), lấy theo tên G.K. Chesterton — một nhà văn, triết gia và nhà tranh luận Công giáo người Anh. Chesterton cho rằng, cách cải cách tốt nhất và thận trọng nhất là phải tìm hiểu lý do vì sao cái hàng rào kia lại chặn đường, chứ không chỉ phá nó đi.
Ông viết: “Kiểu nhà cải cách hiện đại thường bước phăm phăm đến và nói: ‘Tôi chẳng thấy có ích gì từ cái hàng rào này; hãy dỡ nó đi.’ Khi đó, một nhà cải cách thông minh hơn sẽ đáp: ‘Nếu ông không hiểu tại sao nó có ở đây, tôi tuyệt đối không cho phép ông dỡ nó. Hãy rời đi và suy nghĩ đi. Rồi khi ông quay lại và giải thích được lý do nó tồn tại, tôi mới có thể cân nhắc việc cho ông phá bỏ nó.’”
Chẳng có gì gọi là “bảo thủ” ở phong trào của Trump. Ông ta đang hân hoan ủi bay cái “hàng rào” ấy.
Khi Trump phá bỏ các thể chế, ông cũng phá bỏ lòng tin. Và một khi lòng tin đã sụp đổ, thì đó là thứ khó khôi phục nhất.