Sau khi thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949, Mao ưu tiên thiết lập mối quan hệ vững chắc với Joseph Stalin và Liên Xô. Mùa đông cùng năm, Mao có chuyến thăm cấp nhà nước để tham dự lễ kỷ niệm sinh nhật lần thứ 70 của Stalin. Trong chuyến thăm Moscow, hai bên đã thảo luận về một thỏa thuận xoay quanh đường sắt, căn cứ hải quân, viện trợ của Liên Xô, Cách mạng Trung Quốc và cách hai quốc gia có thể hợp tác trong tương lai. Hiệp ước này cho thấy sự sẵn sàng giúp đỡ Trung Quốc của Stalin, một yếu tố quan trọng trong thành công ban đầu của Mao.
Mao chịu ảnh hưởng sâu sắc từ nhà lãnh đạo và người sáng lập Liên Xô, Vladimir Lenin. Ông đồng ý với quan điểm của Lenin rằng cần có những cuộc phê bình quần chúng để kiểm soát bộ máy quan chức.
Trong nước, các chính sách đầu tiên của Mao nhắm vào sự bất bình đẳng về vật chất trên toàn quốc. Trong thời kỳ Cải cách ruộng đất, địa chủ và nông dân giàu có trở thành mục tiêu bị hành quyết; Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ ước tính một triệu người đã thiệt mạng trong cuộc cải cách này. Đồng thời, “Chiến dịch trấn áp phản cách mạng” nhắm vào những người bị gán mác “ký sinh trùng kinh tế”, phần lớn là thương gia và quan chức Quốc dân đảng. Thêm tám trăm nghìn người nữa đã bị giết sau cuộc cải cách này. Giai đoạn này cũng chứng kiến những chính sách mang tính tích cực hơn. Mao giải quyết cuộc khủng hoảng thuốc phiện ở Trung Quốc, và khoảng mười triệu người nghiện phải đi điều trị bắt buộc. Các trang trại trồng cây thuốc phiện cũng được thay thế bằng các loại cây trồng khác, do đó buộc hoạt động buôn bán thuốc phiện phải dạt về phía nam biên giới Trung Quốc.
Hai chiến dịch quyết liệt khác nhắm vào những người Mao coi là kẻ thù trong giai đoạn này là Chiến dịch Tam Phản (1951) và Chiến dịch Ngũ Phản (1952). Trong các “phiên đấu tố”, những người được coi là kẻ thù của cách mạng bị trừng phạt bằng lời nói và thể xác. Nhiều người bị đưa đi cải tạo lao động, nhưng những cá nhân bị coi là tội phạm tồi tệ nhất đã bị xử bắn. Hai chiến dịch này dẫn đến cái chết của hàng trăm nghìn người, phần lớn trong số họ đã tự sát. Ở Thượng Hải, việc người dân nhảy lầu tự tử diễn ra phổ biến đến mức người ta tránh đi bộ gần các tòa nhà cao tầng.
Trọng tâm phát triển công nghiệp của Mao thể hiện rõ trong “kế hoạch năm năm” đầu tiên của ông, nhằm phát triển ngành công nghiệp nặng, tương tự như quá trình công nghiệp hóa nhanh chóng của Stalin. Với sự trợ giúp của Liên Xô, các ngành công nghiệp sắt, thép, điện, than và nhiều ngành khác của Trung Quốc đã phát triển nhanh chóng.
Chính sách đáng chú ý cuối cùng của Mao trước Đại nhảy vọt năm 1958 là chiến dịch Trăm hoa đua nở năm 1956. Đây tiếp tục là một phong trào mà Mao nhắm vào và xử lý các kẻ thù chính trị của mình. Người dân được mời và khuyến khích công khai chỉ trích đảng và sự lãnh đạo của ông. Tuy nhiên, chỉ vài tháng sau, chính sách này bị đảo ngược, và tất cả những người đã lên tiếng phê phán – khoảng năm trăm nghìn – đều bị đàn áp trong “Phong trào chống cánh hữu”. Bác sĩ riêng của Mao vào thời điểm đó, Lý Chí Thỏa, cho rằng Mao đã rất ngạc nhiên trước số lượng người chỉ trích xuất hiện khi được trao cơ hội.
Những cuộc cải cách lớn cua Mao
Chắc hẳn hai trong số những chính sách khét tiếng và có ảnh hưởng bậc nhất triều đại Mao Trạch Đông là Đại Nhảy Vọt thảm khốc và cuộc Cách mạng Văn hóa Vô sản sau đó.
Đại Nhảy Vọt
Đại Nhảy Vọt là kế hoạch năm năm thứ hai của Mao, đặt mục tiêu đưa Trung Quốc từ một quốc gia nông nghiệp lên vị thế công nghiệp hóa. Kế hoạch bắt đầu từ đầu năm 1958, khi các tập thể nông nghiệp nhỏ bị nhanh chóng gộp lại thành các công xã nhân dân quy mô lớn hơn rất nhiều. Sản xuất lương thực tư nhân bị cấm, còn nông cụ và gia súc thì rơi vào quyền sở hữu tập thể.
Kế hoạch này là một thất bại khổng lồ. Mao và các quan chức ra lệnh áp dụng những kỹ thuật thiếu cơ sở khoa học và chưa được kiểm chứng trên khắp Trung Quốc. Sản lượng ngũ cốc sụt giảm mạnh, 15% vào năm 1959 rồi thêm 10% vào năm 1960. Tuy nhiên, yếu tố tai hại nhất của kế hoạch, điều trực tiếp dẫn đến nạn đói, chính là những lời dối trá được thêu dệt ở mọi cấp chỉ vì người ta quá sợ hãi.
Các quan chức địa phương thường xuyên “khai man” về số lượng mùa vụ. Vì tuyệt vọng muốn đạt chỉ tiêu, nhiều nông dân chẳng còn lại mấy lương thực để ăn. Tình hình càng bi đát hơn khi những con số mùa vụ giả mạo khiến chính phủ Trung Quốc tiếp tục xuất khẩu ngũ cốc bất chấp người dân chết đói. Các yếu tố này đã dẫn đến nạn đói thường được xem là tồi tệ nhất lịch sử loài người: Đại nạn đói ở Trung Quốc. Dự đoán về số người chết gây nhiều tranh cãi, từ 15 đến tận 50 triệu, nhưng không thể phủ nhận một điều: Đại Nhảy Vọt là một thất bại thê thảm.
Cách mạng Văn hóa
Kế đó là Cách mạng Văn hóa vào năm 1966. Đến tháng 5 năm này, Mao cảm thấy giới tinh hoa cầm quyền mà ông dày công lật đổ chỉ đơn giản bị thay thế bởi một nhóm nhỏ khác có nhiều quyền lực. Ông khao khát Trung Quốc bước vào trạng thái “cách mạng liên tục”, phục vụ tối đa mong muốn của đại đa số. Một số nhà sử học, chẳng hạn Frank Dikötter, cho rằng tình trạng hỗn loạn thời Cách mạng Văn hóa xảy ra có chủ ý. Mao muốn trả đũa những người từng thách thức kế hoạch Đại Nhảy Vọt của ông trong những năm trước đó.
Cuộc cách mạng nhắm mục tiêu vào di sản văn hóa và những người bị coi là phản cách mạng. Ước tính hàng trăm nghìn người đã bị bức hại và bỏ mạng vì phong trào này. Các nhân vật hàng đầu như Lưu Thiếu Kỳ, nguyên Chủ tịch Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa, đã chết trong giai đoạn này. Tệ hơn, nạn tự sát lại một lần nữa lan rộng, và về vấn đề này, phát ngôn của Mao rất lạnh lùng: “Kẻ nào định tự tử – đừng cứu!”
Hồng Vệ Binh
Công cụ chính của Mao trong cuộc cách mạng là “Hồng Vệ Binh”, một phong trào bán quân sự của giới thanh thiếu niên, với mục tiêu nhổ tận gốc bất cứ điều gì họ cho là cản trở mục tiêu cách mạng. Phong trào này được hậu thuẫn bởi nhiều tai to mặt lớn, ví dụ như giám đốc công an quốc gia Tạ Phú Trị, người từng nói: “Đừng bảo [Hồng Vệ Binh] đánh người xấu là sai: nếu họ lỡ nóng giận đánh chết người, thì thôi đành vậy.” Chỉ tính riêng ở Bắc Kinh, trong tháng Tám và tháng Chín năm 1966, Hồng Vệ Binh đã giết chết 1.772 người.
Không chỉ con người phải chịu đau khổ, nhiều di tích cũng bị phá hủy và đập phá nếu bị dán nhãn là tàn dư của “tư tưởng cũ”. Thiên Đàn, lăng mộ nhà Minh, và các tượng Phật là một số di tích bị thiệt hại nặng nề. Ngoài ra, vô số sách quý, tranh ảnh và cổ vật cũng bị thiêu rụi.
Mao tuyên bố cách mạng kết thúc vào năm 1969. Tuy nhiên, những hành động tương tự vẫn tiếp diễn trên khắp Trung Quốc trong nhiều năm sau đó. Sau khi Mao qua đời, Đảng Cộng sản Trung Quốc lên án cuộc cách mạng là một “bước thụt lùi nghiêm trọng” của đất nước. Thế nhưng, số người chết chính xác trong cuộc cách mạng vẫn là một chủ đề gây tranh cãi, cũng giống như nạn đói do Đại nhảy vọt gây ra. Dẫu vậy, ước tính phổ biến cho rằng có ít nhất 400 nghìn người đã chết trong Cách mạng Văn Hóa. Những chính sách chủ chốt này đã hoàn thiện quá trình chuyển đổi hình ảnh của Mao trong đại chúng: từ một nhà cách mạng gắn bó với nhân dân, ông trở thành một nhà độc tài tàn nhẫn.
Qua đời và di sản
Mao Trạch Đông qua đời vào ngày 9 tháng 9 năm 1976, sau một thời gian dài sức khỏe suy giảm trầm trọng, có thể do thói quen hút thuốc lá nặng. Trước đó bốn ngày, ông đã trải qua hai cơn đau tim nghiêm trọng. Các vấn đề về phổi và tim của Mao được xem là bí mật quốc gia thời bấy giờ. Thi hài của ông đượcướp và trưng bày trong một tuần để người dân đến viếng. Một triệu người Trung Quốc đã tới viếng ông tại Đại lễ đường Nhân dân, và vào ngày 18 tháng 9, cả nước đã dành ba phút mặc niệm khi hàng triệu người tập trung tại Quảng trường Thiên An Môn.
Mao Trạch Đông vẫn là một trong những nhân vật gây tranh cãi nhất trong lịch sử. Một vài thành tựu không thể phủ nhận trong thời kỳ cầm quyền của ông như thống nhất Trung Quốc, chống lại chủ nghĩa đế quốc, thúc đẩy quyền của phụ nữ, và gần như tăng gấp đôi dân số Trung Quốc từ 550 triệu lên 900 triệu người. Tuy nhiên, triều đại của Mao cũng chứng kiến số người chết cao nhất trong số các nhà lãnh đạo thế kỷ 20. Ước tính tổng số nạn nhân có thể lên tới 80 triệu người. Vì những lý do này, cái nhìn về Mao cho đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi. Một cuộc khảo sát của Global Times, một tờ báo nhà nước, thực hiện năm 2013 cho thấy 85% số người được hỏi cho rằng thành tựu của Mao vượt xa những sai lầm của ông. Tuy nhiên, Mao ít được các thế hệ trẻ trên thế giới biết đến, mặc dù ông đã có ảnh hưởng sâu sắc đến Trung Quốc và cả thế giới. Một cuộc khảo sát của YouGov năm 2016 cho thấy 42% thanh niên Mỹ thậm chí chưa bao giờ nghe nói về Mao Trạch Đông.