Blog Lịch Sử

Truyền thuyết về lý do loài thỏ không có đuôi

Tại sao loài thỏ không có đuôi? Khoa học chưa có câu trả lời cụ thể, nhưng người Sioux có truyền thuyết giải thích điều này.

Nguồn: World History
Tại sao loài thỏ không có đuôi? Khoa học chưa có câu trả lời cụ thể, nhưng người Sioux có truyền thuyết giải thích điều này.

Chuyện kể về việc Thỏ mất đi chiếc đuôi của mình là một truyền thuyết của người Sioux, vừa giải thích nguồn gốc lại vừa dạy về đạo lý sống. Cụ thể là tại sao thỏ lại có ngoại hình như vậy, vì sao cú mèo lại hoạt động vào ban đêm, và làm thế nào để đối xử tốt với gia đình cũng như cộng đồng xung quanh.

Câu chuyện xoay quanh hai anh em, người anh cả là một vị thần đầy quyền năng, còn chú thỏ thì là em út. Khi đã trưởng thành và tự tin rằng mình hiểu biết, thỏ bắt đầu hành trình khám phá thế giới và liên tục gặp rắc rối, hầu hết đều do thỏ quá ngây thơ và tò mò. Dù chú thỏ này có phiền toái đến đâu, dù bị người anh nhắc nhở bao nhiêu lần để tránh xa nguy hiểm, thì vị thần anh vẫn luôn đến cứu em mình.

Người anh của thỏ là tấm gương về sự kiên nhẫn và mạnh mẽ, vốn là những phẩm chất được người Sioux coi trọng cho đến tận ngày nay, y như từ thời câu chuyện này ra đời từ hàng thế kỷ trước. Luôn luôn phải giúp đỡ những người khốn khó, dù họ gặp bao nhiêu rắc rối đi nữa, và dù những rắc rối đó có là do họ tự chuốc lấy. Trong văn hóa người Sioux, cũng như văn hóa thổ dân châu Mỹ nói chung, lợi ích của tập thể luôn quan trọng hơn nhu cầu của mỗi cá nhân. Vì thế, dù một “chú thỏ” có vướng vào phiền phức bao nhiêu lần, thì “người anh” vẫn sẽ sẵn sàng đến giúp đỡ.

Nguyên văn Truyền Thuyết Sioux

Đoạn văn dưới đây được trích trong cuốn “Truyền Thuyết của Người Sioux” (1916) bởi Marie L. McLaughlin, một người mang trong mình một phần tư dòng máu Sioux. Cô đã sống trong khu bảo tồn thổ dân Sioux, nơi cô ghi chép lại những câu chuyện vốn được truyền miệng qua nhiều thế hệ và đưa chúng vào hình thức văn bản. Rất khó để xác định nguồn gốc của những thần thoại này, hay cách chúng thay đổi qua lời kể, nhưng phiên bản của McLaughlin là bản ghi chép đầu tiên.

Dù hình tượng vị thần đèn (jinn) vốn nổi danh ở vùng Cận Đông, các nền văn hóa của người Mỹ bản địa cũng có phiên bản riêng về thực thể siêu nhiên này. Tuy McLaughlin dịch thuật ra là “genie” (thần đèn), chúng ta không nên nhầm lẫn với hình tượng thần đèn quen thuộc hơn trong văn học Ba Tư.


Ngày xửa ngày xưa, có hai anh em nọ – cậu anh là Vị thần vĩ đại, còn cậu em là Thỏ. Như bao Vị thần khác, cậu anh có thể biến thành bất cứ con vật, loài chim, loài cá, áng mây, sấm chớp, hay thậm chí là bất cứ thứ gì cậu thích.

Thỏ tinh nghịch hết chỗ nói, ngày nào cũng bày đủ trò quậy phá. Cậu anh lúc nào cũng bận rộn đi giải cứu Thỏ khỏi mấy vụ rắc rối.

Lớn lên, Thỏ muốn đi đó đi đây, khám phá thế giới. Nghe em trai tâm sự, Vị thần dặn dò:

“Này Thỏ, em biết mình lúc nào cũng nghịch ngợm mà, đi đường nhớ cẩn thận, tránh xa rắc rối nha. Nếu mà lỡ không thoát được tình huống nào, cứ gọi anh, dù ở đâu anh cũng sẽ đến ngay.”

Thỏ hí hửng lên đường. Ngày đầu tiên, cậu bắt gặp một ngôi nhà siêu cao mà bên ngoài mọc cây thông cũng cao vút tận trời. Trước cửa nhà, trên một cái ghế khổng lồ, gã khổng lồ to bự đang ngồi ngủ ngon lành. Thỏ (luôn mang theo cung tên bên mình) giương cung, lấy một mũi tên trong ống ra, rồi lẩm bẩm:

“Ta muốn xem gã này bự cỡ nào, chắc phải đánh thức gã thôi!” Thế là, Thỏ nheo mắt, giương cung rồi bắn “phập” phát vào mũi gã khổng lồ. Mũi gã đau điếng, giật mình tỉnh giấc, gầm lên: “Ai dám bắn vào mũi ta?”

“Là ta đây!” Thỏ lên tiếng.

Gã khổng lồ nghe giọng nói là lạ, nhìn tứ phía nhưng chẳng thấy gì, cho đến khi gã cúi gằm, thấy Thỏ bé xíu ngồi ở góc nhà.

“Sáng nay mới nấc nấc, cứ tưởng được bữa ngon, ai dè có mỗi cái tăm xỉa răng.”

“Hứ, ai thèm làm tăm xỉa răng cho ông,” Thỏ vênh mặt. “Bé vậy thôi chứ ta khỏe như ông đấy.”

“Rồi biết tay!”, gã khổng lồ hậm hực. Gã vào nhà và lôi ra một cây búa nặng cả tấn.

“Nào, Thỏ kia, xem ai ném được cây búa này qua ngọn cây kia nhé.”

“Ông làm trò dễ quá,” Thỏ bĩu môi.

“Thì ta thử trò này trước vậy,” gã khổng lồ nói. Nói rồi gã ta hùng hục vung búa ba vòng quanh đầu,  rồi ném búa bay vút lên trời. Cây búa bay cao, sượt qua ngọn thông, rồi rơi xuống đất, đất trời rung chuyển, cắm sâu vào lòng đất.

“Nào,” gã khổng lồ hất hàm, “nếu ngươi không làm được như ta, ta sẽ nuốt ngươi đánh chụt một cái.”

Thỏ nhún vai, “Trước khi làm mấy trò này, ta phải hát gọi anh trai ta đã.”

Vậy là cậu ta bắt đầu hát gọi anh trai, “Cinye! Cinye!” (“Anh ơi! Anh ơi!”).

Gã khổng lồ thấy vậy bắt đầu hoảng, “Này nhóc, sao lại gọi anh trai làm gì?”

Thỏ chỉ tay về phía một đám mây đen đang lao đến rất nhanh, bảo: “Đấy là anh ta, một hơi là thổi bay ông cùng cả nhà cửa cây cối luôn đấy.”

“Ngăn anh ta lại thì ta tha cho ngươi,” gã khổng lồ run giọng.

Thỏ vẫy vẫy tay, thế là đám mây tan biến.

Mừng húm, Thỏ tiếp tục hành trình về phía tây. Ngày hôm sau, lúc lững thững qua một khu rừng rậm, cậu ta nghĩ mình nghe thấy tiếng rên yếu ớt, nghe như ai đang đau đớn.  Thỏ dừng lại, lắng tai nghe thì làn gió chợt thổi tới, tiếng rên càng rõ hơn. Đi theo đúng hướng tiếng rên, chẳng mấy chốc Thỏ thấy một người đàn ông bị lột sạch quần áo, kẹt cứng giữa 2 cành cây du to tướng. Mỗi khi gió thổi, hai cành cây chà vào nhau, siết chặt lấy ông ta, khiến ông ta phải rên lên thảm thiết.

“Ôi, chú ở trên cao thích nhỉ? Hay đổi vị trí đi. Chú xuống, còn ta thế chỗ cho.” (Chú không biết là chính anh trai Thỏ đã phạt ông này, và ông chỉ được thả nếu có kẻ nào đó đến xin đổi chỗ trên cây).

“Được thôi,” ông ta đồng ý. “Cởi đồ ra rồi trèo lên đây. Ta sẽ chèn chú vào giữa mấy cành cây, muốn vui chơi cỡ nào cũng được.”

Thỏ liền cởi sạch sẽ rồi trèo lên. Ông kia đặt Thỏ vào khe cây rồi tuột xuống. Ông ta vội vàng mặc quần áo của Thỏ, và vừa mặc xong thì bỗng nhiên gió thổi mạnh vô cùng.

Thỏ đau đến phát điên, la hét ầm ĩ.  Cậu ta gào lên, “Cinye, Cinye” (“Anh ơi, anh ơi”).

“Cứ gọi thoải mái, anh ngươi chẳng bao giờ tìm thấy ta đâu.” Nói thế xong, ông kia biến mất vào rừng sâu.

Ông ta vừa khuất bóng thì anh trai Thỏ đến ngay. Thấy Thỏ bị kẹt,  anh trai hỏi ngay, “Hắn ta đi lối nào?”

Thỏ chỉ hướng ông kia vừa đi. Anh trai bay vút qua ngọn cây, chẳng mấy chốc tìm thấy ông ta và lôi về, trả ông ta vào vị trí cũ giữa hai cành cây. Rồi anh làm gió lớn thổi suốt cả chiều tối hôm đấy, coi như trừng phạt ông ta vì đã nhốt Thỏ của mình trên cây.

Lấy lại quần áo xong, Thỏ bị anh trai mắng cho một trận tơi tả. Mắng xong, anh kết bằng câu này: “Sau này nhớ cẩn thận nhé. Anh còn bao việc phải làm, không rảnh rỗi cứ đi cứu chú khỏi mấy trò dại dột đâu. Chỉ mới hôm qua anh vừa bay năm trăm dặm để cứu chú khỏi gã khổng lồ, hôm nay phải bay cả ngàn dặm, hết chịu nổi! Chú mà không cẩn thận thì đừng có trách.”

Vài ngày sau, trong lúc rong ruổi dọc theo bờ một con sông nhỏ, Thỏ lạc vào một khoảng rừng thưa, giữa khoảng rừng ấy là một căn nhà gỗ bé bé xinh xinh. Đang tò mò không biết ai sống ở đây, Thỏ bỗng thấy cánh cửa chầm chậm mở ra, một ông cụ già bước ra với một cái xô bằng dây thừng trong tay phải. Tay trái ông cụ giữ một sợi dây được cột vào bên trong căn nhà. Bước chân chậm chạp, ông cụ đi đến bờ sông, ông cúi xuống múc nước vào xô rồi lần theo sợi dây quay trở về nhà.

Chẳng bao lâu, ông lại xuất hiện với một sợi dây khác trên tay. Lần mò theo sợi dây này, ông tới một đống gỗ lớn, bế một bó rồi lại về nhà. Tò mò muốn nhìn xem ông cụ này còn làm gì nữa không, nhưng chẳng thấy ông ra, Thỏ bèn quyết định tới xem ông đang làm gì. Cậu gõ cửa, một giọng nói yếu ớt vang lên bảo cậu vào. Thỏ nhận ra là ông cụ này đang nấu bữa tối.

“Chào ông ơi! Ông ở đây một mình chắc thích lắm nhỉ. Cháu thấy ông có mọi thứ ngay gần đây rồi, vừa có củi, vừa có nước, khỏe re. Vậy đồ ăn thì ông lấy ở đâu ạ?”

“À, thịt thì chó sói mang tới cho ông, cơm canh thì nhà chuột lo, còn trà thì chim chóc mang lá tới. Nhưng mà cũng vất vả lắm cháu ạ, cô đơn chẳng ai nói chuyện cùng cả, lại còn chẳng nhìn thấy gì nữa…” ông cụ thở dài

Thỏ nhanh nhảu: “Hay là này ông, mình đổi chỗ cho nhau đi, cháu thấy ở đây cũng ổn lắm.”

“Nhưng mà nếu ta đổi quần áo,” ông cụ nói, “cháu sẽ già đi và mù lòa như ta, còn ta sẽ lấy lại tuổi trẻ và sức khỏe của cháu.” (Thực ra, ông cụ này bị nhốt ở đây do anh trai của Thỏ trừng phạt. Ông đã giết hại vợ mình, nên Vị thần bắt ông phải già cả và mù lòa. Chỉ có ai thật lòng muốn đổi chỗ thì lời nguyền này mới được hóa giải).

“Đâu có sao, cháu chẳng quan tâm gì tới trẻ đẹp đâu.” Thỏ khăng khăng. “Đổi đi ông!”

Thế là họ đổi quần áo, và Thỏ hóa thành ông cụ già nua, mù lòa, còn ông già kia trở nên trẻ trung, sáng sủa.

“Thôi, ta đi đây nhé,” ông nói, rồi chạy ra ngoài, cắt phựt sợi dây ngay gần cửa rồi biến mất vào rừng cây. “Đồ ngốc, ở đó mà sống một mình đi nhé!”.

Thấy muốn uống nước, Thỏ cũng mò mẫm theo mấy sợi dây để làm quen. Cậu va đập lung tung khắp phòng rồi mới tìm được cái xô nước. Cầm sợi dây, Thỏ bắt đầu đi, nhưng mới được một tí thì sợi dây đứt cái “phụp”. Mất đầu dây, Thỏ bèn đi bừa, vừa đâm sầm vào cây cối, vừa bị mớ dây leo và bụi gai cào rách mặt mũi, máu chảy be bét.

Lúc này, Thỏ bắt đầu khóc lóc, “Anh ơi! Anh ơi!” Nghe vậy, anh Vị thần của Thỏ đến ngay,  rồi hỏi Thỏ xem ông già đã bỏ đi đâu.

“Hu hu em không biết,” Thỏ nức nở, “mắt em có nhìn thấy gì đâu mà biết ông ta đi lối nào.”

Vị thần bèn gọi tất cả chim muông bay tới. Mỗi khi một con chim đáp xuống, Vị thần vội hỏi xem chúng có thấy kẻ mà anh đặt ở đây chịu tội không, nhưng chẳng con nào trông thấy cả.

Cuối cùng thì Cú mèo cũng lù lù xuất hiện. Khi được hỏi có thấy anh trai mình không, Cú mèo chỉ “hù hù” vài tiếng.

“Ý ta hỏi là người đàn ông đã từng sống ở đây cơ,” cậu anh gặng hỏi.

“Đêm qua ta đi săn chuột ở khu rừng phía nam và thấy một người đang ngủ dưới gốc mận. Ta cứ tưởng đó là Thỏ nên không dám đánh thức,” Cú mèo đáp.

“Hay lắm Cú mèo,” cậu anh khen. “Vì tin tốt này, từ nay trở đi, ngươi chỉ đi lượn lờ vào ban đêm thôi. Ta sẽ sửa lại đôi mắt cho ngươi, để càng tối trời thì ngươi lại thấy càng rõ. Ngươi sẽ luôn có những đêm mát mẻ để săn mồi. Còn các loài chim khác có thể thoải mái kiếm ăn lúc trời nắng chang chang.” (Chính vì thế mà Cú mèo mới thành chim đêm đó nha).

Cậu anh bay thẳng vào rừng, tìm thấy người đàn ông, đưa anh ta về, rồi cắt ngắn mấy sợi dây trói. Cậu anh bảo gã kia: “Giờ thử nếm mùi đau đớn như những gì ông đã làm với em trai tôi xem!”

Rồi cậu quay sang Thỏ: “Lẽ ra anh không nên giúp em lần này. Đứa nào khùng điên đến nỗi đổi chỗ cho một gã mù thì đáng bị bỏ mặc lắm. Cẩn thận đấy, anh chán ngấy mấy trò dại dột của em rồi, sẽ không giúp nữa nếu lần sau em còn làm gì ngốc nghếch như vậy đâu.”

Thỏ bắt đầu quay về nhà. Đi gần hết đường rồi, cậu tình cờ đi ngang một con suối nhỏ. Khát nước quá nên Thỏ uống một hơi dài. Vừa uống, cậu vừa nghe thấy tiếng động như sói hoặc mèo đang cào đất. Ngước lên ngọn đồi bên bờ suối, cậu thấy bốn con sói đuôi quấn vào nhau đang ra sức kéo. Thỏ tiến tới, một con sói bỗng tuột ra, và Thỏ thấy đuôi nó bị đứt.

“Cho ta kéo đuôi với! Đuôi của ta dài và khỏe lắm,” Thỏ hồ hởi. Đàn sói gật đầu. Thế là Thỏ móc cái đuôi dài của mình vào đám sói còn lại, bắt đầu kéo. Nhưng lũ sói kéo mạnh đến nỗi đuôi Thỏ đứt luôn ngay đoạn khớp thứ hai. Đàn sói cũng biến mất tăm.

“Anh ơi! Anh ơi! Em mất đuôi rồi!” Thỏ khóc váng lên. Vị thần nghe tiếng chạy đến, thấy em trai cụt đuôi, thì thở dài: “Thôi thì, không có đuôi trông em cũng gọn gàng hơn đấy.”

Kể từ đó, loài thỏ mất hẳn cái đuôi luôn.

5/5 - (1 vote)

cards
Powered by paypal

Đăng ký theo dõi trang để nhận thông báo bài viết mới hàng tuần

ĐỌC THÊM

Kim Lưu
Chào mọi người, mình là Kim Lưu, người lập Blog Lịch Sử này. Hy vọng blog cung cấp cho các bạn nhiều kiến thức hữu ích và thú vị.