Lịch Sử Hoa Kỳ

Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ: Lịch sử ra đời và nội dung

Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ đánh dấu sự ra đời của nước Mỹ, nó đã được soạn thảo trong bối cảnh nào?

Kim Lưu
tổng hợp và biên dịch từ World History
Su ra doi cua tuyen ngon doc lap my

Tuyên Ngôn Độc Lập là văn bản đặt nền móng cho Hợp Chủng Quốc Hoa Kỳ. Do Thomas Jefferson chấp bút phần lớn, văn bản này giải thích lý do mười ba thuộc địa quyết định tách khỏi Vương quốc Anh trong cuộc Cách mạng Mỹ (1765-1789). Tuyên ngôn chính thức được thông qua bởi Đại hội Lục địa lần thứ hai vào ngày 4 tháng 7 năm 1776. Ngày này cũng trở thành Quốc khánh Hoa Kỳ.

Trong hơn 50 năm kể từ khi được ký, Tuyên Ngôn Độc Lập không được xem là một tài liệu có ý nghĩa quan trọng cho lắm. Nó đơn thuần như một thủ tục ngoại giao thông thường kèm theo cuộc bỏ phiếu giành độc lập của Quốc hội. Tuy nhiên, tầm quan trọng của bản Tuyên ngôn đã dần được ghi nhận, và trở thành một trong những văn kiện nhân quyền quan trọng bậc nhất trong lịch sử phương Tây.

Chịu ảnh hưởng sâu sắc từ tư tưởng Khai sáng, đặc biệt là triết lý của John Locke, Tuyên ngôn khẳng định rằng “tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng” và được ban cho “những quyền bất khả xâm phạm” về “Quyền được sống, quyền Tự do và quyền mưu cầu Hạnh phúc.” Câu nói này đã trở nên vô cùng nổi tiếng trong lịch sử Hoa Kỳ, và là chuẩn mực đạo đức mà Hoa Kỳ, cùng nhiều nền dân chủ phương Tây khác, hướng tới.

Tuyên ngôn trở thành cảm hứng cho phong trào bãi nô và nhiều phong trào dân quyền khác. Đến tận ngày nay, nó vẫn được xem như lời kêu gọi cho nhân quyền trên toàn thế giới. Cùng với Các Điều khoản Liên bang và Hiến pháp Hoa Kỳ, Tuyên Ngôn Độc Lập là một trong những tài liệu quan trọng nhất ra đời từ thời kỳ Cách mạng Mỹ. Bài viết này cung cấp lịch sử ngắn gọn về các yếu tố khiến các thuộc địa tuyên bố độc lập khỏi Anh, đồng thời cung cấp toàn văn bản Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ.

Hành Trình Đến Độc Lập

Thời gian đầu cuộc kháng chiến chống Anh, hầu hết người Mỹ thuộc địa khi ấy coi độc lập là giải pháp chẳng đặng đừng, thậm chí họ còn không nghĩ tới chuyện ấy.

Tranh cãi giữa người Mỹ thuộc địa và Nghị Viện Anh chủ yếu xoay quanh tính chính danh của thuộc địa trong Đế quốc Anh. Người Mỹ tin rằng vì họ là thần dân của vua Anh, và là con cháu của tổ tiên Anh di cư qua đây, nên họ phải được hưởng những quyền hiến định như mọi người Anh bản xứ. Những quyền này được nêu trong Hiến Chương Magna Carta (1215), Đạo luật Habeas Corpus 1679, và Đạo luật Nhân Quyền 1689, cùng các văn kiện liên quan, bao gồm quyền tự thu thuế, có chính quyền đại diện, và có tòa án xét xử.

Người Anh bản xứ thực thi những quyền như vậy thông qua Nghị viện, cơ quan đại diện cho quyền lợi của họ, ít nhất về mặt lý thuyết.

Trong khi đó, người Mỹ thuộc địa không có đại biểu trong Nghị Viện, nên họ thực thi các quyền hiến định của mình thông qua các ủy ban lập pháp, như Nghị viện Burgesses của Virginia.

Quốc Hội Anh lại có quan điểm khác. Họ đồng ý người Mỹ thuộc địa cũng là dân Anh, và được hưởng các quyền hiến định, nhưng họ thuộc vào số 90% dân chúng không sở hữu đất đai, và vì thế không có quyền bầu cử, tuy vẫn có đại diện trên danh nghĩa trong Quốc Hội. Vậy nên, Quốc Hội trực tiếp đánh thuế các thuộc địa, và thông qua Đạo Luật Tem Phiếu 1765.

Người Mỹ thuộc địa phản đối, cho rằng Quốc Hội không có quyền đánh thuế họ vì họ không có đại biểu trong Quốc Hội. Đáp lại, Nghị Viện Anh liền ban bố Đạo Luật Công Bố (1766), quy định rằng họ, tức Nghị Viện, có toàn quyền pháp chế đối với các thuộc địa của Anh “trong bất kỳ Trường hợp nào”. Sau đó, Nghị Viện tiếp tục đánh thuế với Đạo luật Townshend (1767-68).

Các đạo luật này gây ra bạo loạn tại Boston. Nghị Viện liền cử quân đội tới lập lại trật tự, dẫn đến sự kiện gọi là Thảm sát Boston (05/03/1770), và các phong trào bất tuân dân sự, như Đảng Trà Boston (16/12/1773).

Tuy tranh cãi chính xoay quanh chuyện đánh thuế, nhưng người Mỹ tin rằng họ đã bị xâm phạm các quyền hợp pháp. Chẳng hạn Đạo luật Bất Khoan Dung 1774 tuyên bố rằng những người Mỹ bất tuân sẽ bị xét xử tại các tòa án Hải quân, hoặc áp giải về Anh chịu xét xử, tức là sẽ không có bồi thẩm đoàn cho họ.

Lính Anh được phép cư trú trong các tòa nhà của người Mỹ. Chính quyền đại diện Massachusett bị giải tán vì Đảng Trà Boston. Và một quận trưởng quân đội được lập lên thay thế.

Về đất đai, hai văn kiện pháp lý Tuyên bố Hoàng gia và Đạo luật Quebec 1774 đều giới hạn người Mỹ lấn đất về phía tây, một điều họ tin rằng là quyền lợi chính đáng.

Tuy các xứ thuộc địa Mỹ bất giờ tự coi mình độc lập về mặt chính trị với Anh, và chưa tự xem mình là một thực thể duy nhất, nhưng họ đã bắt đầu đoàn kết với nhau vì lợi ích chung, vì cùng dòng máu Anglo, và qua các cuộc chiến với người Pháp.

Sự kháng cự Nghị Viện đã kết nối họ chặt chẽ hơn. Sau khi Đạo luật Bất Khoan Dung, các thuộc địa Mỹ tuyên bố ủng hộ Massachusett, và bắt đầu vận động quân sự.

Khi chiến tranh Cách Mạng bùng nổ năm 1775, cả mười ba bang thuộc địa hợp lực với nhau bầu ra chính phủ kháng chiến lâm thời.

Tuy thế, đến lúc này họ vẫn chưa nảy ra ý tưởng tuyên bố độc lập. Trừ Samuel Adams, một nhà cách mạng cấp tiến.

Vì hầu hết các bang thuộc địa vẫn cho rằng kẻ thù của họ là Nghị Viện chứ không phải vua Anh. Nhà vua nhất định sẽ giảng hòa với họ nếu có cơ hội. Và khi lâm trận, họ vẫn tự nhận là chiến đấu “vì đức vua”.

Nhưng những suy nghĩ này tiêu tan vào tháng 08/1775 khi Vua George III ban bố một thánh chỉ coi tất cả các thuộc địa là quân nổi loạn, và lệnh cho quan chức Anh phải “dập tắt và đàn áp.” Chính nhà vua mới là một trong những người nhiệt tình ủng hộ biện pháp bạo lực đối với các thuộc địa.

Người Mỹ lúc này tỉnh ngộ, gọi nhà vua là bạo chúa, và hy họng thỏa hiệp với chính phủ Anh tan vỡ.

Soạn thảo Tuyên Ngôn Độc Lập

Mùa xuân 1776, độc lập đã trở thành ý tưởng cụ thể.

Thomas Paine biên soạn một tập sách mỏng gọi là Ý Thức Chung để giải thích đại chúng về ý tưởng này. Còn chính phủ kháng chiến lâm thời, Quốc Hội Lục Địa, nhận thấy cần phải có độc lập thì mới có thể kêu gọi các nước châu Âu tiếp viện.

Tháng 03/1776, hội nghị cách mạng Bắc Carolina lần đầu tiên bỏ phiếu ủng hộ độc lập. Hai tháng sau có thêm bảy bang khác đồng ý.

Ngày 07/06, Richard Henry Lee, bang Virginia, gửi bản kiến nghị độc lập lên Ủy ban, gây ra tranh cãi dữ dội giữa các đại biểu, đến mức họ phải tạm hoãn tranh luận về kiến nghị này trong 3 tuần tiếp theo.

Trong khi ấy, một hội đồng soạn thảo Tuyên Ngôn Độc Lập được thành lập, sẵn sàng vào việc nếu kiến nghị của Lee được thông qua. Ủy ban gồm năm người là: Benjamin Franklin bang Pennsylvania, Robert R. Livingston bang New York, John Adam bang Massachusetts, Rger Sherman bang Connecticut, và Thomas Jefferson bang Virginia.

Phần lớn nội dung tuyên ngôn do Thomas Jefferson soạn thảo trong khoảng thời gian 11-22/06/1776, trên tầng 2 một căn nhà ông thuê, hiện nay là di tích Declaration House.

Chịu ảnh hưởng mạnh từ tư tưởng Khai sáng của John Locke, Jefferson cáo cuộc nhà vua đã xâm phạm nghiêm trọng thỏa thuận hợp đồng xã hội giữa người Mỹ thuộc địa và nước Anh, vì thế nên người Mỹ cần phải được độc lập.

Người Mỹ sẽ tuyên bố độc lập để bảo vệ quyền lợi chính đáng nếu tiếp tục bị nhà vua và Nghị Viện từ chối khắc phục sai lầm.

Bản thảo gốc được hội đồng hiệu đính và chỉnh sửa. Phiên bản cuối cùng trình lên Quốc Hội ngày 01/07. Khi ấy, trừ New York, các bang còn lại đều ủy quyền cho đại biểu bỏ phiếu cho sự độc lập. Ngày 04/07/1776, 56 thành viên Quốc Hội ký tên thông qua bản Tuyên Ngôn. Những người vắng mặt thì ký sau.

Đọc toàn văn Tuyên Ngôn Độc Lập Hoa Kỳ

5/5 - (1 vote)

ĐỌC THÊM

Kim Lưu
Chào mọi người, mình là Kim Lưu, người lập Blog Lịch Sử này. Hy vọng blog cung cấp cho các bạn nhiều kiến thức hữu ích và thú vị.