Ý tưởng về một nước Hungary theo chế độ cộng sản thường gắn liền với thời kỳ Chiến tranh Lạnh sau Thế chiến thứ Hai. Tuy nhiên, Hungary đã từng trải qua một giai đoạn lãnh đạo cộng sản sớm hơn rất nhiều, ngay sau khi Thế chiến thứ Nhất kết thúc.
Cộng hòa Xô viết Hungary tồn tại ngắn ngủi và cuối cùng thất bại. Dẫu vậy, nó vẫn là một phần quan trọng trong lịch sử Hungary và đã đặt những viên gạch đầu tiên cho sự phát triển tiếp theo của đất nước này.
Kết thúc Thế chiến thứ Nhất

Trận chiến khốc liệt của Thế chiến thứ Nhất đã tạo ra những biến chuyển mạnh mẽ trong lòng châu Âu. Là một thành viên của khối Liên minh Trung tâm, Đế quốc Áo-Hung ở phe bại trận và phải gánh chịu nhiều tổn thất nặng nề.
Áo-Hung thiệt hại tới 2 triệu người cả quân sự lẫn dân sự, chiếm khoảng 3,5%–4,0% tổng dân số. Sau khi chiến tranh kết thúc, chế độ quân chủ Habsburg sụp đổ, và khắp đế quốc, các quốc gia thuộc địa lần lượt tuyên bố độc lập.
Vào cuối cuộc chiến, khắp nơi trong nước đã diễn ra các cuộc biểu tình. Các cuộc đình công của công nhân bị đàn áp bằng bạo lực, và quân đội chứng kiến làn sóng đào ngũ lớn. Người dân Hungary lúc bấy giờ sẵn sàng đấu tranh đòi một chính phủ mới, đại diện cho quyền lợi của họ thay vì chỉ phục vụ tầng lớp thượng lưu.
Cách mạng Hoa Thạch Thảo

Cuộc Cách mạng Hoa Thạch Thảo (lấy tên từ bông hoa thạch thảo mà những người ủng hộ cài lên áo) đã dẫn đến việc thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Hungary lần thứ Nhất vào ngày 16 tháng 11 năm 1918, chỉ 5 ngày sau hiệp ước đình chiến kết thúc Thế chiến thứ Nhất. Chính phủ mới do Bá tước Mihály Károlyi đứng đầu, ông trở thành tổng thống.
Tuy nhiên, trước đó, Hungary đã chiều theo yêu cầu của Tổng thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson về việc giải giáp đơn phương quân đội Hungary để đi đến đình chiến. Điều này khiến Károlyi rơi vào thế khó khăn.
Khi không còn quân đội đủ mạnh, Hungary trở thành mục tiêu của các nước láng giềng (cả các quốc gia mới giành độc lập lẫn những nước đã có tên tuổi) muốn bành trướng thế lực trong bối cảnh hậu Thế chiến. Quân đội Romania, Pháp-Serbia và Tiệp Khắc đều tràn vào Hungary để giành lợi thế.
Khi chính quyền bị suy yếu nặng nề, họ không thể tự vệ trước cả đe dọa bên ngoài lẫn bên trong. Lúc này, chỉ 8 ngày sau khi Cộng hòa Nhân dân Hungary được thành lập, đảng Cộng sản mang tên “Đảng Cộng sản Hungary” (Party of Communists from Hungary) ra đời, do Béla Kun lãnh đạo, và có mối quan hệ chặt chẽ với Liên Xô.
Sự sụp đổ của Cộng hòa Nhân dân Hungary

Những căng thẳng giữa Đảng Xã hội Dân chủ và Đảng Cộng sản, vốn cùng dựa vào sự ủng hộ của giai cấp công nhân và cạnh tranh nhau để giành sự ủng hộ của tầng lớp vô sản, đã khiến tình hình chính trị thêm rối ren.
Ngày 20 tháng 2 năm 1919, một cuộc biểu tình trở nên bạo lực khi tòa soạn tờ báo Népszava (tiếng Việt tạm dịch: “Lời Nhân dân”), cơ quan ngôn luận của Đảng Xã hội Dân chủ, bị tấn công, khiến 7 người thiệt mạng. Chính phủ liền ban lệnh bắt giữ ban lãnh đạo Đảng Cộng sản. Hành động bắt giữ dữ dội này làm tăng cảm tình của giai cấp công nhân dành cho đảng Cộng sản. Đồng thời, trụ sở chính của Đảng Cộng sản bị đóng cửa và tờ báo hằng ngày của họ bị cấm.
Nhận thấy sự ủng hộ ngày càng tăng dành cho phe cộng sản, chính phủ lo ngại phản ứng ngược nên phải tìm cách xoa dịu, như cho phép mở lại trụ sở đảng Cộng sản, cho phép tái bản tờ báo và để các lãnh đạo cộng sản trong tù được gặp khách.
Mihály Károlyi

Bên cạnh đó, một sự kiện khác cũng góp phần làm lung lay nền Cộng hòa Nhân dân Hungary: Công hàm Vix (Vix Note), do Fernand Vix, đại diện khối Entente, gửi chính phủ Hungary, yêu cầu quân đội Hungary rút khỏi những vùng lãnh thổ lớn hơn nhiều so với dự đoán của người Hungary.
Công hàm này được nhận vào ngày 19 tháng 3. Károlyi rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”: từ chối tối hậu thư thì sẽ nguy hiểm, còn chấp nhận thì mất sự ủng hộ của phe dân tộc chủ nghĩa, vì họ lo Hungary sẽ mất thêm lãnh thổ. Hơn nữa, Pháp lại yêu cầu phải trả lời ngay trong ngày.
Károlyi tuyên bố Thủ tướng Dénes Berinkey và chính phủ sẽ từ chức; một chính phủ mới do Đảng Xã hội Dân chủ thành lập sẽ giải quyết vấn đề này.
Tuy nhiên, chính niềm tin của Károlyi đặt vào Đảng Xã hội Dân chủ đã phản tác dụng. Ông tuyên bố chỉ Đảng Xã hội Dân chủ được quyền thành lập chính phủ mới, nhưng các lãnh đạo đảng này lại bí mật đàm phán với lãnh đạo Đảng Cộng sản khi họ còn đang ở trong tù, và thống nhất sáp nhập thành Đảng Xã hội Chủ nghĩa Hungary.
Károlyi không hề hay biết. Ngày 21 tháng 3, Đảng Xã hội Chủ nghĩa Hungary quyết định truất quyền Károlyi. Ông bị bắt giữ, nhưng 4 tháng sau trốn thoát sang Paris.
Thành lập Cộng hòa Xô viết Hungary

Với sự ủng hộ rộng rãi trong nước và liên minh với Đảng Xã hội Dân chủ hùng mạnh, Béla Kun đã thực hiện cuộc đảo chính chống lại chính phủ Károlyi và tuyên bố thành lập Cộng hòa Xô viết Hungary vào ngày 21 tháng 3 năm 1919.
Khi làm như vậy, phe cộng sản Hungary tuyên bố họ có sự hậu thuẫn từ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết Liên bang Nga (Russian Soviet Federative Socialist Republic) để đánh đuổi quân xâm lược và khôi phục toàn vẹn lãnh thổ.
Về danh nghĩa, Sándor Garbai được xướng tên làm chủ tịch, nhưng thực quyền thuộc về Béla Kun, người giữ chức Ủy viên Nhân dân phụ trách Ngoại giao.
Chính sách của phe cộng sản

Sau khi giành chính quyền, lực lượng cộng sản thực hiện hàng loạt cải cách lớn. Chính quyền được tổ chức theo mô hình “chuyên chính vô sản”, giống với sự kiện sau Cách mạng Nga đưa Vladimir Lenin lên nắm quyền.
Các đặc quyền, tước hiệu phong kiến bị bãi bỏ. Tự do ngôn luận và hội họp được tuyên bố đảm bảo, giáo dục được miễn phí, và các dân tộc thiểu số được công nhận quyền văn hóa.
Phần lớn các ngành công nghiệp và thương mại bị quốc hữu hóa, kể cả trường học, thư viện, phương tiện giao thông, ngân hàng và đất đai. Nhà nước và Giáo hội tách bạch rõ ràng. Mặc dù chính quyền mới vẫn cho phép tự do tôn giáo, phe tôn giáo bảo thủ đã nổi giận và nhiều người sùng đạo kịch liệt phản đối chính quyền cộng sản.
Do hậu quả của chiến tranh thế giới tàn khốc và sự chuyển đổi thể chế, Hungary rơi vào khủng hoảng lạm phát cao và thiếu hụt nhiều nguồn lực.
Về an ninh, quân đội và cảnh sát cũ bị giải tán và thay bằng các tổ chức mới. Hồng quân (Red Army) và Hồng vệ (Red Guard) được thành lập, thu nạp những người cộng sản trung thành, song hầu hết họ đều thiếu kinh nghiệm.
Thêm vào đó, một lực lượng bán quân sự mang tên “Đội Lenin” (Lenin Boys) được thành lập, chuyên trấn áp những đối tượng bị coi là thù địch với chính quyền, và họ đã sát hại hàng trăm người nhằm bảo vệ chính phủ trước nguy cơ nội loạn.
Đọc thêm:
- Các phiên tòa Nuremberg: 6 sự thật ít người biết
- Bi kịch bom lửa tại Tokyo năm 1945
- 7 nhân vật quyền lực nhất bên cạnh Hitler
- Himmler, Hitler và Chủ nghĩa Huyền bí Phát Xít
Quan hệ đối ngoại

Sau khi chính quyền Béla Kun thành lập, khối Entente cử một phái đoàn do Tướng Jan Smuts dẫn đầu tới đàm phán với Cộng hòa Xô viết Hungary. Phái đoàn đề nghị dỡ bỏ các lệnh cấm vận kinh tế nếu Hungary rút quân về ranh giới được nêu trong Công hàm Vix, nhưng đề nghị này bị từ chối, và Smuts phải quay về tay trắng.
Béla Kun không hứng thú với việc lôi kéo các cường quốc phương Tây mà quay sang tìm sự ủng hộ từ phía Đông, trong hàng ngũ cộng sản. Ông tìm kiếm liên minh với Cộng hòa Xô viết Nga, nhưng bị Lenin từ chối vì nước Nga khi đó cũng đang chìm trong nội chiến. Lenin còn nói rằng nếu muốn Nga giúp, Hungary phải loại bỏ vai trò của Đảng Xã hội Dân chủ, bởi họ không thực sự là cộng sản. Kun chấp thuận điều này.
Trên mặt trận quân sự, Hồng quân Hungary mở chiến dịch chống lại Tiệp Khắc mới thành lập và ban đầu thắng lợi. Dù hứa sẽ khôi phục biên giới cho Hungary, chính phủ Hungary lại lập ra Cộng hòa Xô viết Slovakia, do Antonín Janoušek đứng đầu (trên thực tế là bù nhìn). Động thái này khiến quân đội Hungary chia rẽ: phe dân tộc muốn giành lại toàn vẹn lãnh thổ cho Hungary, trong khi phe cộng sản coi việc lan tỏa chủ nghĩa cộng sản là ưu tiên hàng đầu.
Cộng hòa Xô viết Slovakia sụp đổ vào ngày 7 tháng 6 sau khi quân Hungary rút lui.
Kết quả là chính phủ mất nhiều sự ủng hộ của quân đội, và Tổng Tư lệnh Aurél Stromfeld từ chức để phản đối. Trong khi đó, phía Romania không chịu rút quân dù Pháp hứa hẹn họ sẽ rời khỏi vùng miền Đông Hungary. Điều này dẫn đến xung đột giữa lực lượng trung thành còn lại của Hồng quân Hungary và quân Romania.
Những thắng lợi bước đầu nhanh chóng nhường chỗ cho cuộc phản công của Romania, buộc quân đội Hungary phải rút lui hoàn toàn, để quân Romania tiến gần đến Budapest.
Sụp đổ
Một yếu tố then chốt trong việc củng cố chính quyền cộng sản là cải cách ruộng đất – nhưng chính phủ Béla Kun đã thất bại. Họ đánh giá sai về ý thức giai cấp của tầng lớp nông dân (hoặc thực ra là thiếu ý thức giai cấp). Các biện pháp cải cách quá quan liêu, không tạo được khí thế cách mạng trong nông thôn.
Trong bài báo của Quốc tế Cộng sản (Communist International) năm 1919, Laszlo Rudas cho rằng nông dân “tốt nhất thì cũng chỉ thờ ơ với số phận của chính quyền chuyên chính vô sản”. Bởi nông dân chiếm khoảng một nửa dân số Hungary, việc không tranh thủ được họ trở thành lực lượng bảo vệ cách mạng là sai lầm chí mạng dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền cộng sản.
Rudas cũng phê phán chính quyền đã lãng phí sức lực vào việc tổ chức các đoàn ca nhạc, diễn kịch, thay vì tập trung thuyết phục quần chúng toàn quốc, xây dựng nền tảng ủng hộ vững chắc.
Không đủ nhân lực và tinh thần để bảo vệ đất nước, quân đội Romania tiến thẳng vào Budapest. Béla Kun và nhiều quan chức cao cấp chạy trốn sang Vienna, để lại một chính phủ lâm thời. Chính phủ này nhanh chóng bị lật đổ bởi tổ chức chống cộng Fehérház Bajtársi Egyesület (Hội Huynh đệ Nhà Trắng).
Hệ quả
Ngày 1 tháng 8 là cột mốc đánh dấu sự sụp đổ chính thức của Cộng hòa Xô viết Hungary. Béla Kun sau đó sang Liên Xô, giữ chức quan chức trong Quốc tế Cộng sản, rồi bị xử tử vào thập niên 1930 với cáo buộc theo phe Trotsky trong thời kỳ Stalin thanh trừng.
Với một chính quyền mới kịch liệt chống cộng, Hungary chìm trong bạo lực đẫm máu: các đảng viên cộng sản, người cánh tả và người Do Thái bị tàn sát. Do trong chính quyền cộng sản, người Do Thái nắm nhiều vị trí quan trọng, phong trào bài Do Thái lan rộng. Sự gắn kết giữa chủ nghĩa cộng sản và người Do Thái vẫn bám rễ nhiều thập kỷ sau, đặc biệt trỗi dậy trong Thế chiến thứ Hai khi Hungary bắt tay với Đức Quốc xã.

Cộng hòa Xô viết Hungary chỉ tồn tại vỏn vẹn 133 ngày, từ 21 tháng 3 đến 1 tháng 8 năm 1919. Dù có thể coi là một “thành công” khi chứng minh rằng việc thành lập chính quyền cộng sản không chỉ giới hạn ở một vài quốc gia, cuối cùng nó vẫn thất bại do không củng cố được nội lực trong nước và không chống đỡ nổi áp lực quân sự từ bên ngoài.
Rút cục, đây trở thành bài học lớn cho các đảng cộng sản trên thế giới, cảnh báo về hậu quả nếu không có sự chuẩn bị và tầm nhìn kỹ càng trước khi thiết lập một chính quyền cộng sản.