Văn Minh Hy-La

Văn Minh Đảo Crete: Xã Hội Bí Ẩn Với Dấu Chân Mẫu Hệ

Nền văn minh Crete - Minos là một nền văn minh Thời đại đồ đồng hấp dẫn nhưng khá mơ hồ, phát triển rực rỡ từ khoảng năm 3000-1100 TCN.

Kim Lưu
tổng hợp và biên dịch từ The Collector
Nền văn minh Crete - Minos là một nền văn minh Thời đại đồ đồng hấp dẫn nhưng khá mơ hồ, phát triển rực rỡ từ khoảng năm 3000-1100 TCN.

Khái niệm về một nền văn minh “bí ẩn” nghĩa là gì? Văn hoá Minoan trên đảo Crete thật phức tạp và khó nắm bắt do thiếu thốn tư liệu lịch sử và chữ viết cổ đại Linear A chưa giải mã được. Điều này khiến các bằng chứng khảo cổ, kể cả các công trình được gọi là ‘cung điện’, trở nên mơ hồ — chúng ta chẳng có lời giải thích rõ ràng nào về vai trò của những công trình đó trong xã hội Minoan. Những di tích nổi tiếng của đảo Crete như Knossos, Malia, Phaistos, và Zakros cung cấp tư liệu phong phú về hiện vật từ Thời đại Đồ Đồng, nhưng chúng ta vẫn chưa hoàn toàn hiểu ý nghĩa, công dụng của chúng. Liệu những gì chúng ta tìm được có thực sự khẳng định giả thuyết xã hội mẫu hệ của Minoan Crete?

Nền Văn Minh Đảo Crete Trước Khi Sụp Đổ

Bích họa "Quý Bà Xanh"
Bích họa “Quý Bà Xanh”

Trước khi tan rã vào khoảng những năm 1100 Trước Công Nguyên, nền văn minh Minoan là một nền văn hóa thịnh vượng với hệ thống kinh tế, tôn giáo phức tạp. Việc xây dựng nên các quần thể ‘cung điện’ hoành tráng và những điện thờ trên đỉnh núi cho thấy xã hội Minoan mang nặng tính nghi lễ. Rải rác khắp đảo Crete, ta thấy vô số hình ảnh tôn giáo và đồ tế lễ. Nổi bật là búa rìu hai lưỡi đặc trưng của vùng, Sừng hiến lễ (Horns of Consecration), và các tượng nhỏ bằng đất sét. Chúng càng củng cố thêm tính chất khó hiểu của tôn giáo Minoan. Nhà nghiên cứu người Thuỵ Điển, Martin P. Nilsson, từng ví von việc tìm hiểu tôn giáo này giống như “đọc một quyển sách tranh mà không có chữ”. Do chưa giải mã được hệ thống chữ viết Linear A, chúng ta hoàn toàn dựa vào chứng cứ khảo cổ và một vài ghi chép từ bên ngoài.

Những ‘Cung Điện’ Huyền Thoại

Các quần thể kiến trúc lớn của đảo Crete được gọi là ‘cung điện’ bắt nguồn từ công trình khảo cổ của Sir Arthur Evans, một nhà khảo cổ người Anh, vào đầu thế kỷ 20. Những cuộc khai quật của ông tại Knossos từ 1900 đến 1932 đã định hình hầu hết những gì chúng ta biết về văn minh Minoan. Bất chấp những đóng góp to lớn của ông, có vài vấn đề trong cách Evans phục dựng lại lịch sử. Dù gắn mác ‘cung điện’ với sân trung tâm và ngai vàng, điều này ngụ ý rằng chúng là công trình hoàng gia, do một người cai trị nắm quyền lãnh đạo. Thực tế, các cấu trúc tinh vi trên đảo cho thấy một xã hội có nhiều nghi lễ dựa trên nền tảng tín ngưỡng tôn giáo. Những bức bích họa trang trí cầu kỳ và sự hiện diện của các tượng thờ chỉ ra sự thiếu vắng một hình tượng quyền lực thống trị duy nhất. Thay vào đó, văn hóa vật chất của người Minoan hướng tới một hệ thống tín ngưỡng tập trung vào nghi lễ và có thể xoay quanh một vị nữ thần.

Các quần thể ‘cung điện’ được xem là những công trình linh thiêng đồ sộ do sự phong phú của hình ảnh tôn giáo trong bích họa, vô số đền thờ, và các đồ tế lễ có mặt ở hầu hết các di chỉ trên đảo Crete. Mặc dù có chức năng chính là ‘trung tâm thờ cúng’, những tòa nhà này cũng đóng vai trò quản lý hành chính và kinh tế quan trọng. Vị trí của Knossos và Phaistos giúp người Minoan kiểm soát bờ biển phía bắc và nam của hòn đảo, trong khi Zakros ở cực đông có một hải cảng chiến lược. Điều thú vị là những khu phức hợp hoành tráng này lại không có hình ảnh khắc họa người cai trị. Ngược lại, ta chỉ thấy các hoạt động nghi lễ và ẩn ý về một nữ thần thiên nhiên đầy quyền năng. Điều này gợi mở rằng tôn giáo Minoan có thể có gốc rễ mẫu hệ.

Điện Thờ Trên Đỉnh Núi

Quan niệm về sự hiện diện mạnh mẽ của hệ thống mẫu hệ trong tôn giáo Minoan càng được củng cố thêm qua các đền thờ trên đỉnh núi và hang động linh thiêng nằm gần các trung tâm thành thị. Những nơi này chứa một lượng lớn vật phẩm cúng tế, cho thấy mối liên hệ giữa khung cảnh thiên nhiên và niềm tin tôn giáo của người Minoan.

Đền thờ trên đỉnh núi/đồi là những điện thờ lớn ngoài trời, đóng vai trò là nơi thờ phượng. Sự dồi dào của các bức tượng đất sét được dùng làm lễ vật cho thấy đây hẳn là nơi các vị thần Minoan được tôn thờ thường xuyên. Hình ảnh tôn giáo trong các di chỉ khảo cổ chủ yếu là phụ nữ. Bằng chứng từ điện thờ trên đỉnh núi/đồi cao và các hang động linh thiêng cho thấy không hề có một vị thần nam giới thống trị trong tôn giáo tiền sử của đảo Crete. Thay vào đó, “nữ tính áp đảo trong thế giới tôn giáo của họ”.

Hang Động Linh Thiêng

Búa Rìu Hai Lưỡi Minoan
Rìu kép Minoan từ hang Arkalokhori. Thời kỳ LMIA khoảng 1550-1500 TCN. Bảo tàng Mỹ thuật. Nguồn: JSTOR.

Giống như các điện thờ trên núi, các hang động linh thiêng rất quan trọng vì chúng kết nối trực tiếp tín ngưỡng, nghi lễ của người Minoan với cảnh quan thiên nhiên. Đây là trọng tâm của tín ngưỡng Minoan: sự hòa hợp với tự nhiên. Đảo Crete có khoảng 2.000 hang động thiên nhiên, nhưng chỉ một số ít được sử dụng cho việc thờ cúng. Một số hang có nhiều buồng, được mở rộng thêm để tối ưu hóa không gian cho hoạt động nghi lễ. Các hang động linh thiêng được dùng cho mục đích tôn giáo ít nhất từ thời Trung Minoan đến hết Hậu Cung Điện và xa hơn nữa.

Các hang động và điện thờ trên núi góp phần làm nổi bật vai trò của đồ tế lễ đặc trưng vùng Minoan, điển hình là búa rìu hai lưỡi và nhiều vật phẩm khác. Ta cũng tìm thấy các vật tương tự trong các ‘cung điện’. Một mối quan hệ rõ ràng tồn tại giữa các trung tâm ‘cung điện’ và thiên tính của các đỉnh núi, hang động. Điều hấp dẫn nhất về tôn giáo Minoan là nó tập trung xoay quanh một nhân vật nữ quyền lực – dù đó là một hay nhiều nữ thần thì vẫn còn nhiều tranh luận.

Các nữ thần thiên nhiên của nền văn minh Minoan

Những hình ảnh tôn giáo sống động được tìm thấy trong “các cung điện”, hang động linh thiêng và khu bảo tồn ngoài trời cho thấy dấu ấn về sự tồn tại mạnh mẽ của một nữ thần thiên nhiên. Tuy nhiên, thật khó để biết liệu đây là một vị thần duy nhất với nhiều hình dạng khác nhau hay đại diện cho nhiều vị thần khác.

Chúng ta bắt gặp ví dụ đầu tiên về nữ thần thiên nhiên này trong thời kỳ Tiền Cung điện (Prepalatial). Những bức tượng nhỏ bằng đất sét của người phụ nữ nâng đỡ chiếc bình lớn đã được tìm thấy trong các khu chôn cất. Điều này cho thấy nữ thần mang đến sự sống. Sự hiện diện của các bức tượng chim và động vật bên cạnh bình của nữ thần cũng nói lên rằng đây là vị thần bảo vệ thiên nhiên – người vừa ban tặng sự sống vừa che chở cho nó.

Trong Thời kỳ Cung điện Cổ (Old Palace), hình ảnh nữ thần tiếp tục phát triển, thể hiện qua các biến thể khác nhau, hoặc mang các đặc điểm hoàn toàn mới.

Trong những năm đầu tiên xây dựng cung điện, nữ thần gắn liền với hình ảnh hoa loa kèn, tách biệt với hình tượng nâng đỡ bình nước trước đó. Các hiện vật mô tả nữ thần cùng loài hoa mùa xuân, kết nối vị thần này với các nghi lễ thờ cúng theo mùa. Thời kỳ này nhấn mạnh tính tâm linh của người phụ nữ, hoa nghệ tây trở nên vô cùng quan trọng trong các nghi lễ của người Minoan, được mô tả sinh động trong tranh tường và đồ gốm. Các nhà khảo cổ học cũng đã ghi nhận bốn giai đoạn của nghi lễ dành cho loài hoa này: thu thập, chuẩn bị, rước lễ, và dâng cúng. Điều đặc biệt là trong tất cả các giai đoạn, người tham gia hầu như chỉ là nữ giới; họ là trung tâm của các hoạt động nghi lễ.

Thời kỳ Cung điện Mới: Sự đa dạng của các vị nữ thần

Tính biểu tượng này liên tục phát triển trong Thời kỳ Cung điện Mới (New Palace). Các hình ảnh về nữ thần được bao quanh bởi không chỉ hoa và thực vật mà còn bởi nhiều loài động vật khác nhau xuất hiện với sức sống tràn đầy và tần suất dày đặc.

Biểu tượng tôn giáo liên quan đến nữ thần thiên nhiên đạt đến đỉnh cao trong Thời kỳ Cung điện Mới. Hình ảnh vị nữ thần được các loài thú hoang vây quanh cho thấy mối quan hệ đặc biệt giữa nữ thần với thế giới động vật. Một lần nữa, câu hỏi được đặt ra là liệu sự thay đổi hình tượng này mang ý nghĩa đây chính là nữ thần của các thời kỳ trước hay là một vị thần hoàn toàn khác. Cần lưu ý đến sự xuất hiện của nữ thần chim, vị thần này có thân hình phụ nữ nhưng mang đầu và cánh chim. Thay vì được bao quanh bởi các loài động vật, nữ thần chim xuất hiện trong hình dạng lai thú- người. Hiện vẫn chưa rõ ràng đây là một hình thái mới của vị nữ thần gắn với hoa loa kèn ở thời kỳ trước hay không. Tuy nhiên, sự phổ biến trong các hình thái nghệ thuật cho thấy rõ ràng vị thế quan trọng của nữ thần / các nữ thần thiên nhiên – nét đặc trưng trong tôn giáo Minoan và rộng hơn là toàn xã hội.

Thời kỳ Cung điện Mới ghi nhận sự gia tăng nổi bật của các hình ảnh về biển cả. Sự xuất hiện của cá, cá heo và các động vật thủy sinh khác bên cạnh các hình ảnh liên quan đến nữ thần trở nên phổ biến. Người Minoan là một nền văn minh hàng hải, vì vậy không có gì ngạc nhiên khi các loài động vật biển xuất hiện trong các tác phẩm nghệ thuật, đặc biệt là cùng với hình tượng các vị thần của họ.

Thiên nhiên và tôn giáo Minoan: Mối liên kết bền chặt

Một điểm thú vị rằng hình ảnh nữ thần Minoan không bao giờ được thể hiện bên trong đền thờ như nghệ thuật Ai Cập và Cận Đông cùng thời kỳ đồ đồng. Thay vào đó, nữ thần được mô tả giữa khung cảnh thiên nhiên, ngồi dưới tán cây hoặc bao quanh bởi nhiều loài động thực vật. Hòa mình vào thiên nhiên là nét nổi bật trong tín ngưỡng và nghi lễ của người Minoan. Các khu bảo tồn trên đỉnh núi và hang động linh thiêng là minh chứng cho điều này, kết nối trực tiếp cảnh quan tự nhiên với con người. Thế nên tín ngưỡng của họ xoay quanh chủ đề thiên nhiên cũng là điều dễ hiểu. Sự thống trị của hình ảnh các nữ thần trong các bằng chứng khảo cổ học cho thấy đây là một xã hội mang nhiều đặc điểm mẫu hệ hơn.

Ngay cả sau giai đoạn các cung điện quan trọng bị phá hủy vào cuối thời kỳ đồ đồng, sự tồn tại dai dẳng của hình tượng nữ thần chim là một minh chứng hùng hồn cho sức sống mãnh liệt của tôn giáo Minoan. Dù người Mycenaean đã tiếp quản cung điện Knossos vào khoảng năm 1450 TCN, hình ảnh gắn liền với nữ thần thiên nhiên đầy quyền năng này vẫn được lưu giữ.

Trong Đền thờ Rìu Đôi ở Knossos, chúng ta tìm thấy hình ảnh nữ thần được chạm khắc sau thời kỳ cung điện Minoan. Nhận diện nàng qua kích thước lớn hơn so với những người khác và những chú chim đậu trên mũ miện, bao quanh nữ thần là các tín đồ đang thờ phụng, trong đó có một người đàn ông dâng lên nàng một chú chim nhỏ. Là trung tâm quyền lực hành chính, các phức hợp cung điện có trách nhiệm phân phối hàng hóa kinh tế và duy trì hệ tư tưởng tôn giáo. Sự hiện diện liên tục của vị nữ thần thiên nhiên này từ thời kỳ Tiền cung điện xuyên suốt cả thời Hậu cung điện, thậm chí là xa hơn nữa, đã cho thấy vị thần này là một phần không thể thiếu trong đời sống của người Minoan. Đây là một khía cạnh trung tâm của tôn giáo và do đó, là nền tảng xã hội của họ, hé mở cho chúng ta khả năng rằng nền văn minh thời kỳ đồ đồng này có thể là một xã hội mẫu hệ.

Bản vẽ tái hiện Phòng Ngai Vàng tại Knossos. Xuất bản năm 1935 trong cuốn 'Cung điện Minos' dựa trên bản gốc màu nước của Edwin J. Lambert, năm 1917. Nguồn: Bảo tàng Ashmoleon.
Bản vẽ tái hiện Phòng Ngai Vàng tại Knossos. Xuất bản năm 1935 trong cuốn ‘Cung điện Minos’ dựa trên bản gốc màu nước của Edwin J. Lambert, năm 1917. Nguồn: Bảo tàng Ashmoleon.

Thần nam giới không hiếm cũng không phải là kém quan trọng trong tôn giáo Minoan, nhưng không thể phủ nhận sự thống trị của các vị nữ thần. Vị nữ thần thiên nhiên với nhiều dạng thức biểu hiện khác nhau đã xuất hiện dày đặc trong các họa tiết trang trí cung điện, trên đồ gốm, và trên những bức tượng đất sét được tìm thấy trong các khu bảo tồn trên đỉnh núi cùng hệ thống hang động thiêng liêng. Thậm chí, trên chiếc quách Hagia Triada nổi tiếng vào cuối thời kỳ Minoan, chỉ có phụ nữ thực hiện nghi lễ hiến tế và các nghi thức bên bàn thờ, trong khi đàn ông đóng vai phụ như nhạc công hoặc người mang lễ vật. Hòa mình vào thiên nhiên hoang sơ của vùng đất Crete hay chìm đắm trong thế giới hội họa rực rỡ sắc màu, dấu ấn của nữ thần dường như luôn ngự trị trong tâm thức của người Minoan.

5/5 - (1 vote)

ĐỌC THÊM

Kim Lưu
Chào mọi người, mình là Kim Lưu, người lập Blog Lịch Sử này. Hy vọng blog cung cấp cho các bạn nhiều kiến thức hữu ích và thú vị.